Thursday, August 22, 2013

Martin Luther King và niềm mơ ước của Xã Hội Dân Sự

Luther King
Trong thế kỷ XX, trên thế giới có hai nhân vật nổi danh vì chủ trương tranh đấu bất bạo động – mà đều bị sát hại bởi súng đạn của kẻ cuồng tín bạo động. Hai nhân vật đó là Mahatma Gandhi (1870 – 1948) ở Ấn độ và Martin Luther King (1929 – 1968) ở Mỹ.
Cả hai người đều chỉ họat động trong khu vực Xã hội Dân sự (XHDS), nhưng lại đóng vai trò làm một đối trọng rất tích cực kiên quyết đối với chế độ đương quyền – và lôi cuốn được sự hưởng ứng nồng nhiệt của số đông quần chúng nhân dân. Nhờ đó mà họ đã góp phần đáng kể vào sự thắng lợi dứt khóat cho chính nghĩa độc lập dân tộc ở Ấn độ và cho dân quyền của người da màu trên đất Mỹ.

Gandhi là một luật sư suốt cuộc đời kiên trì tranh đấu – bắt đầu để bênh vực cho lớp người Ấn độ sinh sống tại Nam Phi và sau thì về lại quê hương để phát động công cuộc dành lại nền độc lập cho tòan thể dân tộc Ấn độ của mình. Ông được người dân Ấn độ kính trọng và tôn kính như là một vị thánh sống – danh hiệu do người Ấn ghép vào tên tuổi của ông là Mahatma, thì trong tiếng Hindu có nghĩa là “Thánh nhân” (Holy Man). Quả thật Gandhi có một cuộc sống rất đơn sơ đạo hạnh, nhân đức. Ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho nếp sống tâm linh tinh thần trong thời đại chúng ta. Người viết sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn về ảnh hưởng vô cùng lớn lao trên khắp thế giới của bậc vĩ nhân thánh thiện này trong một dịp khác.
Mà trong bài viết này, tôi muốn tường thuật rõ ràng hơn về sự nghiệp tranh đấu kiên cường của vị mục sư Martin Luther King cho phẩm giá và dân quyền (civil rights) của tầng lớp người da đen vốn từng là nạn nhân khốn khổ lâu đời của tệ trạng áp bức và kỳ thị chủng tộc – đặc biệt là trong các tiểu bang thuộc miền Nam nước Mỹ. Bài này cũng được viết để kỷ niệm năm thứ 50 (1963 – 2013) – ngày mà Luther King đọc bài diễn văn lịch sử trước cuộc tập họp rất đông tới 250,000 người quy tụ trước đài tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln tại thủ đô Washington DC. Bài diễn văn được gọi là “I have a dream speech” (Tôi có một giấc mơ) – do Luther King hùng hồn phát biểu trước một cử tọa sôi động hầu hết là người da màu vào ngày 23 tháng 8 năm 1963.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử này, tôi xin ghi sơ lược về tình hình đen tối của người da màu tại miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1950 – 60 cũng gần đây thôi.

I – Nạn áp bức kỳ thị chủng tộc đối với người dân da màu.
Người Mỹ da đen gốc Phi châu hiện nay là hậu duệ của những người được đưa từ những vùng tại lục địa này băng qua Đại Tây Dương đến Mỹ châu từ hồi thê kỷ XVII trở đi. Họ được coi như người nô lệ (slaves) cho các chủ nhân da trắng và phải làm việc cực nhọc vất vả trong các đồn điền nông trại (colonies). Chế độ nô lệ tàn tệ vô nhân đạo này kéo dài suốt bao nhiêu năm và đã là một nguyên nhân phát sinh ra cuộc nội chiến giữa hai phe Nam / Bắc tại Mỹ vào giữa thế kỷ XIX dưới thời Tổng thống Lincoln của Liên Bang Hoa Kỳ (civil war 1860 – 1865).
Năm 1863, giữa lúc chiến tranh Nam Bắc còn sôi nổi khốc liệt, Tổng thống Lincoln lãnh đạo phe Liên Bang (the Union) đã ban hành “Tuyên cáo Giải phóng Nô lệ” (Emancipation Proclamation). Thế nhưng, dù sau khi phe ly khai miền Nam (Confederacy) thất trận vào năm 1865, thì chế độ nô lệ vẫn còn hòanh hành rất tàn bạo tại các tiểu bang thuộc khu vực này. Người da màu (colored people) bị đối xử như lọai công dân hạng hai, không được sử dụng những phương tiện công cộng chung với người da trắng – như trong quán ăn, nhà vệ sinh hay trên xe bus, xe lửa v.v…, họ phải ngồi ở phía sau xe, đi lối dành riêng cho người da màu. Nhiều khi họ còn bị đánh đập, miệt thị, bắt nạt về đủ mọi phương diện.
Vào cuối năm 1955, tại thành phố Montgomory tiểu bang Alabama, bà Rosa Parks, một người công nhân da màu đã nhất định ngồi vào chỗ dành riêng cho người da trắng trên xe bus. Hành động can đảm này đã khởi đầu cho một lọat những cuộc đối kháng tương tự của người da đen – và gây thành cao trào tranh đấu đòi quyền bình đẳng và công lý cho tập thể người Mỹ gốc Phi châu tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Người da trắng quá khích cũng đã phản ứng lại bằng nhiều thủ đọan khủng bố tàn ác – nhất là do nhóm chủ trương kỳ thị cực đoan có tên là KKK (Ku Klux Klan) đã gây ra nhiều vụ đốt các nhà thờ, đốt xe, đánh đập và cả sát hại người da màu. Tệ hại hơn nữa, là các nhóm này được sự bao che và đồng lõa của cơ quan cảnh sát có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Và chính trong bối cảnh hừng hực căng thẳng của sự đàn áp đối với người da màu như thế đó – thì người mục sư trẻ tuổi Martin Luther King đã bắt đầu dấn thân nhập cuộc với cao trào tranh đấu sôi nổi và quyết liệt cho phẩm giá và dân quyền của người cùng có màu da như mình kể từ giữa thập niên 1950 cho đến sau này. Là một mục sư thuộc hệ thống Tin Lành Baptist miền Nam (Southern Baptist), Luther King đã nhiều lân bị cảnh sát bắt giữ vì tham gia những vụ phản kháng nhằm đòi hỏi sự công bằng trong cách đối xử với người da màu – tất cả mọi hành vi tranh đấu của ông đều áp dụng theo đường lối bất bạo động – không bao giờ ông kêu gọi phải sử dụng vũ khí bạo lực như chủ trương kích động của một số người lãnh đạo quá khích khác trong tập thể người Mỹ gốc Phi châu. Vì thế mà từ đầu thập niên 1960, lúc mới bước vào tuổi 30, Luther King đã nổi lên như một vị lãnh đạo sáng giá trong phong trào tranh đấu cho dân quyền tại nước Mỹ.
II – Cuộc tập họp kỷ niệm 100 năm ngày ban hành Tuyên cáo Giải phóng Nô lệ trước Đài Tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln.
Cuộc tập họp biểu dương tinh thần đòi công lý và dân quyền quy tụ đến 250,000 người vào ngày 23 tháng 8 năm 1963 do các tổ chức tranh đấu cho sự bình đẳng của người da màu cùng hợp tác thực hiện – đã gây được một chấn động lớn trong công luận trên khắp nước Mỹ. Dịp này, Martin Luther King đã được mời để phát biểu trong một bài diễn văn lịch sử có tên là “Tôi có một giấc mơ”. Bài diễn văn khá nhiều chi tiết lý thú kéo dài tới trên 30 phút, quý bạn đọc có thể truy cập trên Internet để tìm được bản nguyên văn tiếng Anh với 6 trang. Ở đây, tôi chỉ xin được trích dẫn một số đọan thật hùng hồn cương quyết, mà lại có tinh thần xây dựng tích cực – tiêu biểu như sau:
Không thể có sự nghỉ ngơi yên hàn tại nước Mỹ cho đến khi người da đen được cấp phát những quyền của công dân. Những cơn lốc xóay của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lay chuyển nền móng của quốc gia chúng ta cho đến khi xuất hiện những ngày tươi sáng của công lý”… “Chúng ta không bao giờ có thể được thỏa mãn khi mà người da đen vẫn còn là nạn nhân của những sự tàn bạo khủng khiếp của cảnh sát”…
“ Tôi có một giấc mơ rằng sẽ có ngày quốc gia này sẽ trỗi dậy, sống đúng với ý nghĩa của niềm tin :” Chúng ta chủ trương những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng”… “Tôi có một giấc mơ rằng sẽ có ngày những người con của người trước kia là nô lệ và những con của người trước kia là chủ nhân nô lệ – lại có thể ngồi chung với nhau tại bàn ăn của tình huynh đệ”…”Với niềm tin như thế, chúng ta sẽ có thể cùng làm việc với nhau, cùng cầu nguyện với nhau, cùng tranh đấu với nhau, cùng đi tù với nhau, cùng đứng lên với nhau (để tranh đấu) cho tự do, với niềm tin chắc chắn rằng sẽ có ngày chúng ta được tự do”…
Cuộc tập họp vĩ đại với bài diễn văn lịch sử – ngay nơi đài Tưởng niệm Abraham Lincoln tại thủ đô Washington DC vào mùa Hè năm 1963 đó – đã gây một tiếng vang sâu rộng trên tòan thể quốc gia – kết quả là thúc đảy chánh phủ Liên bang mau chóng đưa ra những đạo luật cụ thể hóa những quyền lợi chính đáng của khối người da màu ở Mỹ.
Nhưng khi đem áp dụng sự cải tổ đó tại các địa phương, thì lại gặp sức chống đối của những phần tử cực kỳ bảo thủ ngoan cố tại các tiểu bang ở miền Nam – các người này được gọi là “kẻ chủ trương nhất quyết duy trì sự ưu thắng của người da trắng” (white supramacist). Những người quá khích cực đoan này đã tìm mọi cách tàn bạo thâm độc để đe dọa, ngăn cản, kể cả khủng bố bằng bạo lực đối với bất kỳ ai có can đảm đứng ra bênh vực phẩm giá và quyền công dân của người đa màu. Điển hình là các tóan thiện nguyện viên gọi là “Freedom Riders” (Lữ hành vì Tự do) đi đến các khu cư dân da màu để giúp họ làm thủ tục ghi tên tuổi vào danh sách cử tri để cho họ có thể tham gia đi bàu cử. Đã có nhiều đòan viên bị sát hại và xe bị phá hủy, đốt cháy. Điều đáng ghi nhận là trong số các “Freedom Riders” này, lại có cả những thanh niên da trắng từ các tiểu bang miền Bắc là nơi đã từ lâu không hề có chế độ nô lệ.
Quả thật, đây là một cuộc đấu tranh thật là trường kỳ gian khổ – mà ngay tại một quốc gia được tiếng là văn minh như nước Mỹ – thì cũng không thể nào mà dễ dàng tự mình gỡ bỏ để vượt thóat được cái gánh nặng từ một truyền thống lịch sử đau buồn với đày dảy tình trạng vô nhân đạo “kẻ mạnh mẽ khôn khéo thì luôn luôn tìm cách bóc lột đàn áp người cô đơn yếu thế” – như đã xảy ra tại miền Nam nước này từ bao nhiêu thế kỷ trước đây.
Nhưng Martin Luther King thì vẫn kiên trì tiếp tục cuộc đấu tranh của mình đúng theo chủ trương “bất bạo động” trước kia của Mahatma Gandhi. Vì thế, mà ông đã được tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1964 – lúc ông vừa mới có 35 tuổi và được coi là vị khôi nguyên trẻ tuổi nhất của Giải thưởng thật cao quý này cho đến năm ấy.
Nhưng hỡi ôi ! Vào tháng 4 năm 1968 mũi súng của kẻ sát nhân cuồng tín đã cướp đi mạng sống của nhân vật kiệt xuất này – cũng tương tự như vụ Mahatma Gandhi đã bị sát hại vào tháng Giêng năm 1948 tại Ấn độ. Không những cả nước Mỹ, mà còn cả thế giới đều đã đau buồn bị chấn động sâu sắc trước vụ thảm sát vô cùng tàn ác này.
Mặc dầu vậy, sự nghiệp tranh đấu bất bạo động của Gandhi, của Luther King cho chính nghĩa của Phẩm giá và Dân quyền cũng như Nhân quyền vẫn được các thế hệ hậu sinh tiếp nối. Và như ta thấy ngày nay, vào nửa thế kỷ sau bài diễn văn “I have a dream” lịch sử vào năm 1963 đó, thì không những tại nước Mỹ cuộc sống của các sắc dân thiểu số đã được cải thiện rất nhiều – kể cả của người da màu. Mà lý tưởng Dân quyền và Nhân quyền đã được phổ cập tại khắp nơi trên thế giới – với hàng vạn hàng triệu những tổ chức, những nhóm nhỏ thuộc khu vực XHDS – đang năng nổ tích cực họat động thông qua những sáng kiến tân kỳ độc đáo nhằm đưa ra được những giải pháp cụ thể thiết thực cho từng hòan cảnh thực tế – tất cả đều quy vào mục tiêu đề cao Nhân phẩm, bảo vệ Nhân quyền và thực hiện Công bằng Xã hội.
Chiều hướng nhân bản và nhân ái đó chính là sự thực hiện cái giấc mơ cao đẹp của những nhân vật lý tưởng tiêu biểu của thế kỷ XX như Mahatma Gandhi, như Martin Luther King v.v… đã để lại cho thế hệ chúng ta ngày nay đang ở vào đầu thế kỷ XXI vậy.
Westminster California, ngày 21 tháng Tám 2013
© Đoàn Thanh Liêm

0 comments:

Powered By Blogger