Friday, March 2, 2018

Phát triển bền vững

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Môi trường là một ẩn số, nhưng là một ẩn số chúng ta có thể kiểm soát và giải đáp được; do đó, chúng ta phải hiểu và hoạch định chương trình hành động thế nào cho phù hợp với tiến trình toàn cầu hoá và phát triển khả chấp. Phát triển bền vững không phải một điểm đến, mà chính là con đường vô tận chúng ta phải đi, và tất cả chúng ta phải cùng hoà chung một nhịp điệu và cùng tiến bước. Có được suy nghĩ như thế, chúng ta mới hy vọng kéo dài sự sống của Trái Đất chúng ta đang cư ngụ.

*

Sustainable Development in the case of Vietnam

Summary: The author pointed out that the matter of development (for a project or national plan) which is acceptable for the current generation, is not necessarily acceptable to future generations. Not only is this viewpoint applicable to VN, but also it is applicable to many other countries, during the 20th century, until the final decades of the century, before humankind moved to the 3rd millennium. The reasons: pollution, global warming (as a result of the greenhouse effect), the thinner ozone layer etc., all signaled that the earth is in danger for survival in the future, should nations and the world fail to respond adequately to the matter. The Kyoto Protocol was one that responded to the question of pollution and global warming, internationally. 

But that protocol expired at the end of 2012. No new protocol or international agreement has been in effect since January 1, 2013. According to the U.N., "On 1 January 2013, the world can go back to emitting greenhouse gases with abandon. The pollution-reduction commitments that nations made as part of the Kyoto Protocol will expire, leaving the planet without any international climate regulation and uncertain prospects for a future treaty. Nature explores the options for limiting - and living with - global warming". 

Before 1850, pollution to the environment was restricted to localities; but in the late decades of the 20th century, pollution turned to the global level. Impact of the smoke of chemical plants in Yun Nan now can reach Seattle, WA. Therefore, an international agreement is necessary to resolve such matters as pollution, global warming (greenhouse effect), atomic waste etc.

Innovation in the chemical industry is key to resolve the problems, especially the green chemistry and energy-saving programs, not only in the car industry, but also in all other activities, such as the home energy star program or the use of less energy-consuming products (like the use of fluorescent light to replace incandescent bulb...)


Conventional oil reserves will probably end in the next generation, but oil shale and oil sand will prolong the use of oil in the car or plane industry for many more generations (probably one hundred years!). So, the greenhouse effect and global warming will still be existent, even to a more serious degree than today! An international agreement to deal with the matter is needed more than ever. Green chemistry and green energy planning are key to all countries, including Vietnam, which is now in a serious situation of pollution (like China).

Danh từ “sustainability” hay “sustainable development” cho đến nay vẫn được báo chí và những nhà biên khảo Việt Nam dịch là “sự bền vững” hay “phát triển bền vững”. Danh từ trên đã được Uỷ hội Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UN World Commission on Environment & Development) đem vào chương trình nghị sự vào năm 1983 qua báo cáo đúc kết vào năm 1987: “Tương lai Chung của Chúng Ta” (Our Common Future). Trong báo cáo trên, định nghĩa của sự phát triển bền vững là: “Sự phát triển bền vững là sự phát triển đạt được nhu cầu đòi hỏi của hiện tại, nhưng không thỏa hiệp với nhu cầu của các thế hệ tương lai mà là để cho chính họ sẽ định đoạt”. Trong lúc đó, Hội Hoá học Hoa Kỳ (ACS) định nghĩa như sau: “Sự bền vững thể hiện một tiến trình qua đó, con người đạt được nhu cầu môi trường và y tế mà không kết ước liên quan đến sự tiến bộ và thành công của thế hệ tương lai”.

Từ hai định nghĩa trên, rõ ràng chúng ta thấy có một cái gì không ổn trong khi dùng từ bền vững trong ý nghĩa của LHQ và ACS. Trong tinh thần của hai định nghĩa trên, thiết nghĩ từ “khả chấp” có vẻ chính xác hơn. Khả chấp là hai từ ghép của “khả thi” và “chấp nhận”. Như vậy, tính khả thi và tính chấp nhận trong điều kiện phát triển hiện tại, và không nói đến ảnh hưởng hay đề cập đến tương lai. Và từ nầy nói lên tính chính xác của sự phát triển thực sự vì không có một phát triển nào chứng minh được là “phát triển bền vững tuyệt đối” cả. 

Cũng xin nhắc lại là từ khả chấp đã được Nguyễn Minh Quang và Mai Thanh Truyết thuộc Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) dùng đầu tiên trong bài tham luận cho ngày hội thảo do American Enterprise Institute (AEI) tổ chức vào năm 2003.

1. Thế nào là phát triển khả chấp?


Trong hầu hết mọi trao đổi, tranh luận, đa số đều đồng ý là con người có nhu cầu phải thay đổi “cung cách ứng xử” với trái đất hiện tại đứng trước hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Và sự thay đổi phải như thế nào?

Các hiện tượng sau đây chứng minh cho lập luận báo hiệu cho sự hâm nóng toàn cầu đang tăng dần:

- Khoa học gia đã tìm thấy dấu vết của Carbon (than) trên những tảng băng cực lạnh trên vùng Bắc cực (Arctic), và kết luận rằng đây là vết tích do con người tạo dựng qua phát triển. Điều nầy đã được James Hanson, Giám đốc Cơ quan Quốc gia Hàng không & Không gian ở Goddard Space Flight Center điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về hiện tượng hâm nóng toàn cầu vào năm 1988;


- Sau đó, Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore phát hành cuốn sách vào năm 1992 dưới tựa đề: “Cân bằng trái đất: Hệ sinh thái và Lương tâm con người”. Sau đó, cũng chính Al Gore được giải Nobel 2007 qua cuốn sách “Sự thật bất tiện” (The inconvenient truth) qua các phân tích và lý giải nguy cơ của sự hâm nóng toàn cầu;

- Năm 2006, Chủ tịch của Dow Chemical Co., Andrew Liveris, trong buổi lễ nhận lãnh huy chương Perkin Medal về môi trường, làm say mê những người hiện diện qua chính sách năng lượng mới và sạch của công ty nầy và kêu gọi các công ty hoá chất khác cùng cùng nhau phát triển “khả chấp” bằng cách gia tăng ngân khoản nghiên cứu cho chương trình phát triển sạch trên.

2. Kỹ nghệ dầu lửa

Hiện tại, trung bình hàng ngày, thế giới tiêu thụ 87 triệu thùng dầu thô dùng cho đủ mọi nhu cầu năng lượng của trên 6 tỷ nhân khẩu. Do đó có thể nói con người hiện tại tuỳ thuộc rất nhiều vào nhu cầu dầu lửa, điều mà con người không để ý đến trước khi khám phá ra nguyên liệu cho năng lượng nầy. Từ những năm 1850, nhu cầu tạo ra năng lượng cho con người là cây rừng và một số biomass từ súc vật chăn nuôi.


Nhưng từ khi kỹ nghệ phát triển đồng thời với mức gia tăng dân số, nhu cầu tiêu thụ càng tăng. Mức gia tăng càng nhanh khi con người khám phá ra than đá. Từ đó công nghệ hoá chất ngày càng được đẩy mạnh…và tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh. Và kế hoạch hạn chế ô nhiễm bằng cách đề ra nhiều phương cách trong đó phát triển khả chấp được nêu lên nhằm mục đích hạn chế sự hâm nóng toàn cầu và hiệu ứng nhà kính. 

Năng lượng hoá thạch (dầu khí, than đá…) là một loại năng lượng có mức tồn trữ có giới hạn. Với mức độ tiêu dùng hiện tại, dầu thô có thể sẽ không còn nữa để khai trác trong vòng 30 năm nữa theo sự ước tính của nhiều nhà khoa học. Đứng trước vấn nạn trên, con người cố gắng phát triển các loại năng lượng ngoài năng lượng dầu khí, dầu thô trong đá (oil shale) và than đá cũng còn có thể cung cấp nhu cầu năng lượng cho thế giới khoảng 100 năm nữa sau giai đoạn của dầu khí…. Và cứ tiếp tục như thế, làm thế nào để giải quyết vấn nạn hâm nóng toàn cầu? Thán khí hay khí carbonic sẽ tiệp tục phát thải vào môi trường ngày càng nhiều hơn. Liên hiệp Quốc qua Nghị quyết Kyoto và nghị quyết sắp diễn ra vào tháng 12, 2009 để thay thế nghị quyết cũ sắp hến hạn vào năm 2012 có còn đủ tính thuyết phục để các quốc gia trên thế giới tuân thủ hay không? Đây chính là điều mà mỗi chúng ta cần suy nghĩ về con đường phát triển khả chấp.

Trước năm 1850, mức di hại của con người vào môi trường có tính cách hạn chế, và địa phương. Còn bây giờ thì với tất cả khả năng công nghệ hiện tại, mối nguy cơ trở thành toàn cầu chứ không còn địa phương nữa. Một quốc gia hay một vùng nào đó trên quả địa cầu cố gắng phát triển theo tinh thần khả chấp cũng không thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm toàn cầu. Do đó cần phải có một sự đồng thuận chung cho thế giới và cùng chia xẻ trách nhiệm trong việc giải hạn chế sự hâm nóng toàn cầu.

3. Hướng giải quyết cho phát triển khả chấp

Các công ty hoá chất và hoá học gia: Có thể nói rằng hoá chất là kỹ nghệ cốt lõi giúp chúng ta đạt được và vượt qua những thách thức của thay đổi khí hậu và việc cung cấp thực phẩm cho toàn thế giới.

Vấn nạn do chính con người mang đến cho môi trường rất nhiều, từ sự xuất hiện hoá chất DDT đến tai nạn Bhopal, từ các lỗ hổng ngày càng lớn của tầng khí quyển ozone cho đến những bao plastic chứa thực phẩm. Chúng ta thử hình dụng một thế giới không sử dụng nguyên liệu hoá thạch, các công ty sẽ nghiên cứu nhiều phương cách tạo ra năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, thuỷ triều v.v… Nếu cần có nước sạch, công ty hoá chất sẽ sản xuất những màng gạn lọc hoá học và vật lý.


Trong chiều hướng suy nghĩ tương tự, chúng ta thấy nhà hoá học giữ một vai trò quan rong trong việc bảo vệ môi trường trong phát triển khả chấp. Và có thể nói rằng, con đường chính yếu để mang lại phẩm chất của đời sống chúng ta có được ngày hôm nay và tiếp tục phát triển khả chấp nếu các công ty hoá chất trên thế giới tìm được và cung ứng giải đáp cho công cuộc phát triển nầy.

Điều nầy đã được các công ty đang cố gắng thực hiện việc bảo vệ môi trường nghiêm chỉnh hơn bằng cách thực hiện việc phát triển “xanh” hơn so với trước đây. Đây mới chính là phát triển trong tính cách khả thi và chấp nhận được theo suy nghĩ phát triển mới ngày hôm nay.

Sự làm mới (innovation), làm xanh và làm sạch trong phát triển của các công ty hoá chất là một dấu hiệu tốt có thể làm cho thế giới do con người hành xử có thể được chấp nhận hơn trong cuộc sống.

4. Nguyên lý cho Hoá học xanh: 


Làm mới, làm xanh, làm sạch là những việc làm hết sức quan trọng của các công ty hoá học và chuyên viên hoá học. Muốn được như thế, cần phải tuân thủ một số nguyên lý do những nhà hoá học xanh đề xướng nhằm giảm thiểu hay chấm dứt sự phát thải ô nhiễm dưới bất cứ hình thức nào theo quan niệm khả chấp.

Phòng ngừa: Tốt hơn cả là phòng ngừa thải hồi chất phế thải hơn là tính toán phương cách xử lý sau đó;

Phản ứng hoá học: Trong một quy trình sản xuất, làm thế nào để cho các hoá chất liên quan đến, hoàn toàn dự phần vào dây chuyền sản xuất để không phải phát ra phế thải;

Phương pháp tổng hợp: Quy trình tổng hợp cần phải được tính toán kỹ lưỡng để cho tiến trình sản xuất không gây hại đến sức khoẻ người dân và có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường;

Các hoá chất sản xuất cần giảm thiểu tối đa tính độc hại lên con người;

Dung môi, hoá chất phụ (dung môi hữu cơ, chất xúc tác) dự phần vào quy trình sản xuất cần phải giảm thiểu tối đa và có khuynh hướng được tái sử dụng;

Tính toán quy trình sản xuất để hạn chế tối đa năng lượng cần thiết cho quy trình sản xuất;

Cần sử dụng năng lượng tái chế tối đa cùng nghiên cứu thêm năng lượng sạch cho tiêu dùng;

- Đối với các dịch vụ nghiên cứu, cần hạn chế sự phát thải phế thải, theo dõi và tính toán các quy trình pilot để đạt được điều kiện tối ưu;

Những gợi ý trên giúp cho những nhà nghiên cứu hoá chất có thêm khái niệm nghiêm chỉnh về sự phát triển khả chấp trong tương lai. Một trong tiến bộ gần đây nhất là sự hình thành hoá học nano, chính môn nầy là tiền để và đã tạo ra nhiều đại lộ thông suốt cho hoá học xanh.

Từ đó, có thể kết luận là nhà hoá học trong tương lai sẽ dự phần tối quan trọng trong những việc làm sáng tạo cho sự phát triển khả chấp dự phần vào mọi định chế kinh tế, xã hội, và môi trường của thế giới.

5. Cây gậy và củ cà rốt trong phát triển khả chấp

Thông thường, chính phủ hay cơ quan chính quyền và từ “khả chấp” không thể hiện cùng một “nhịp điệu”. Từ một địa phương nhỏ, đến thành phố lớn, cả một quốc gia, hay thậm chí đến Liên Hiệp Quốc, tất cả đều hoạch định chính sách làm thế nào để mang đến những yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng lên người dân và kinh tế chung.


Các chính phủ luôn cố gắng tạo nên một thí dụ điển hình trong mọi hoạt động phát triển để từ đó làm một khung chung gợi ý cho cá nhân hay công ty hình dung ra sự phát triển khả chấp. Nhưng trên thực tế, có một phát triển nào thuần tuý là một phát triển khả chấp hay không?

Nếu chúng ta lấy thí dụ việc sản xuất rượu (ethanol) từ bắp để có năng lượng thay thế nạn khan hiếm dầu khí trên thế giới. Nếu ngừng ở nơi đây, chúng ta có thể kết luận rằng, chính sách nầy là một phát triển khả chấp góp phần vào việc giải quyết sự hâm nóng toàn cầu. Nhưng chính sự phát triển nầy gây ra một vấn nạn khác là làm cho giá thực phẩm gia súc tăng lên, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy làm cho đời sống kinh tế của người dân khó khăn hơn. Do đó, sự phát triển trên không thể được xem như là một phát triển khả chấp được, vì đường hướng giải quyết một vấn đề hình thành một vấn nạn khác cho người dân.

Rốt ráo lại, hiện tượng cây gậy và củ cà rốt rất tương đối trong mọi phát triển trong hiện tại và tương lai. Từ thí dụ điển hình trên, mọi hành động của chúng ta trong phát triển cần phải soi rọi đủ mọi khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, thậm chí đôi khi cần phải cân lường với nhiều yếu tố chính trị địa phương hay quốc tế nữa.

6. Kết luận

Hình Sông Sài Gòn gần cầu Bình Triệu - Nước thải của các khu công nghiệp làm đổi màu nước sông. Đây cũng gần nơi Nhà máy Nước Tân Hiệp lấy nước phân phối cho cư dân thành phố Sài Gòn. Phát triển khả chấp của Việt Nam là thế đó!


Qua hình ảnh trên, Việt Nam đã thấy rất rõ những vấn nạn trong việc phát triển quốc gia. Nhưng rõ ràng là chính vì lợi nhuận của những nhóm lợi ích, điển hình là việc phân vùng phát triển (vô tội vạ miễn đem lại lợi nhuận nhiều nhứt!) giữa Công an và Quân đội. Chính vì vậy mà không một ai, ngay cả chính quyền trung ương cũng không có nhu cầu chú ý đến việc bảo vệ môi trường cần phải được cân bằng với việc phát triển kỹ nghệ. Vì vậy việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhứt để đáp ứng với nhu cầu gia tăng các chuyến bay v.v... cần phải giải quyết là giải tỏa khu sân golf thuộc “diện quản lý của quân đội”… mà vẫn bị giằng co giữa hai thế lực nêu trên! Và việc di dời sân bay lên địa điểm Long Thành vẫn còn nhiều khúc mắc!

Đó là chuyện Việt Nam hiện tại. 

Biết bao giờ CSBV mới thấy được những bế tắc phát triển là do chính những mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích trong đảng của họ?

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều đồng thuận về việc ứng dụng tất cả mọi phương tiện về năng lượng, về sản xuất để đạt được sự phát triển khả chấp cho thế giới ngày hôm nay. Đó là điều cần thiết. Tuy chúng ta, theo định nghĩa không “hứa” là phải bảo vệ môi trường thế giới sạch qua “phát triển bền vững” đối với thế hệ tương lai, nhưng dù muốn dù không chúng ta cũng phải có trách nhiệm trong việc phát triển khả chấp nầy. 

Khả chấp trong hiện tại, nhưng phải khả chấp cho luôn cả tương lai.

Trong suốt thế kỷ 20, vì trữ lượng của các loại năng lượng hoá thạch (fossil fuel) được xem như là “vô tận”. Từ đó con người trở nên làm biếng và tự ru ngủ với chính mình qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu của thiên nhiên. Do đó, khái niệm phát triển khả chấp chưa thành hình, những công nghệ sạch không được lưu ý và nghiên cứu. Nơi đây thể hiện một thái độ “không khả chấp” trong phát triển của con người ở thế kỷ 20.

Mãi đến gần cuối thế kỷ, quan niệm nầy mới được các khoa học gia, kinh tế gia, nhà môi trường, xã hội học… lưu ý.

Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu, sự hâm nóng trái đất, ảnh hưởng nhà kính trên trái đất đã đến hồi báo động, con người mới bắt đầu chuyển hoá theo hướng phát triển khả chấp. Nhưng chậm còn hơn không!

Đây là một tín hiệu cho thấy con người ngày hôm nay nhận lãnh lấy trách nhiệm của mình để cố gắng gầy dựng lại một môi trường “xanh” cho thế hệ mai sau. Những Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về sau nầy, nhứt là Thượng đỉnh COP21 tại Paris vào cuối tháng 11/2015 cho chúng ta thấy rõ nguy cơ của sự thay đổi khí hậu từ đây cho đến cuối năm 2100, nếu chúng ta không thay đổi não trạng và cung cách sống trong việc bảo vệ môi trường.


Tiến trình chuyển hoá nầy là một tiến trình tự nguyện và day dẳng cũng như không giản dị hay chỉ kéo dài một thời gian.

Nhưng đó là một tiến trình liên tục để bước vào tương lai.

Môi trường là một ẩn số, nhưng là một ẩn số chúng ta có thể kiểm soát và giải đáp được; do đó, chúng ta phải hiểu và hoạch định chương trình hành động thế nào cho phù hợp với tiến trình toàn cầu hoá và phát triển khả chấp. 

Phát triển bền vững không phải một điểm đến, mà chính là con đường vô tận chúng ta phải đi, và tất cả chúng ta phải cùng hoà chung một nhịp điệu và cùng tiến bước. 

Có được suy nghĩ như thế, chúng ta mới hy vọng kéo dài sự sống của Trái Đất chúng ta đang cư ngụ.

Tết Mậu Tuất - 2018

Mai Thanh Truyết - Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam – VEPS

0 comments:

Powered By Blogger