Thursday, May 7, 2015

Thư gởi Hội Nhà Văn Liên Xô

Thật là xấu hổ khi các ông lại dày xéo lên các điều lệ của chính mình như thế này đây. Các ông đã khai trừ tôi lúc tôi vắng mặt, lại làm hấp tấp vội vàng như thể nhà đang cháy, đến cả việc không gởi tôi giấy triệu tập hay điện tín gì, kể cả việc không cho tôi bốn giờ cần thiết để đi từ Ryazan lên để dự cuộc họp ấy.

Qua đó các ông tự thú rõ ràng là quyết định khai trừ đã có trước “cuộc điều tra”.

Phải chăng nhờ tôi vắng mặt nên các ông mới càng dễ tìm ra thêm những tội mới? Hay các ông sợ bị bắt buộc cho tôi mười phút để tôi bào chữa cho mình?

Vì thế tôi buộc lòng phải gởi lá thư này để trả lời.

Hãy thổi bay sạch hết lớp bụi bám trên đồng hồ đi. Đồng hồ của các ông chạy chậm so với thời đại của chúng tôi.

Hãy kéo tung ra các màn cửa nặng nề các ông trân quý như báu vật. Các ông càng không ngờ rằng bên ngoài nắng đã lên rồi. Đây không còn là thời gian của những người điếc, thời kỳ tối tăm không có lối thoát khi các ông hớn hở khai trừ Akhmatova. Đây cũng không còn là thời kỳ rụt rè băng giá khi các ông khai trừ Pasternak, sau khi ném tới tấp vào ông bao lời xỉ vả. Chừng này xấu hổ vẫn còn chưa vừa lòng các ông hay sao?

Hay các ông còn muốn hơn thế nữa? Nhưng thời khắc đang đến gần khi từng người một trong các ông sẽ ra sức tẩy xóa chữ ký mình đã hạ bút dưới bản nghị quyết khai trừ thông qua ngày hôm nay.

Là đám mù sờ soạng nương nhau dắt đi, các ông càng không nhận ra rằng các ông đang đi theo hướng ngược lại hướng chính các ông chỉ. Vào thời khắc rất quan trọng này, các ông không thể đề nghị nổi được điều gì có tính cách xây dựng, hay điều gì tốt đẹp cho xã hội đang lâm bệnh nặng của chúng ta; các ông chỉ còn có lòng căm thù, cảnh giác, và câu hò cho lẫn nhau “hãy bám chặt chớ buông ra.”

Những lời tuyên bố vang rền của các ông chẳng ai màng đến; những việc làm xuẩn ngốc của các ông chẳng gây xôn xao gì nhiều; còn lý lẽ thì các ông không có. Chỉ có sự bỏ phiếu nhất trí và trấn áp bằng hành chánh. Chính vì điều này mà Sholokhov hay bất kỳ ai trong các ông cũng không dám trả lời thư của Lydia Chukovskaya, người là niềm tự hào của nền văn chương dấn thân Nga. Nhưng gọng kềm hành chánh sẽ siết chặt bà. Làm sao người ta có thể dám đọc cuốn sách không được xuất bản? Một khi nhà cầm quyền quyết định cấm in sách của ta, là họ bóp nghẹt ta cho đến chết, là từ chối cho phép bất kỳ ai đọc những gì ta đã viết.

Họ còn nghĩ đến chuyện trục xuất Lev Kopelev, một cựu binh đã chiến đấu ở ngoài mặt trận, người đã từng bị ở tù 10 năm trong trại, mặc dù ông hoàn toàn vô tội. Nhưng hôm nay ông có tội. Tại sao ông lại can thiệp thay mặt những người bị trấn áp? Tại sao ông lại tiết lộ sự thật về những lần gặp bí mật giữa ông với một người có thế lực? Nhưng, rồi, tại sao các ông lại sắp xếp cho những cuộc trò chuyện như thế mà các ông giấu kín không cho nhân dân biết. Phải chăng cách đây 50 năm chúng ta đã không hứa rằng sẽ không bao giờ còn có cái cảnh ngoại giao bí mật, họp bí mật, bổ dụng và sa thải bí mật và không thể nào hiểu nổi, và rằng quần chúng sẽ công khai thảo luận tất cả mọi việc hay sao?

“Kẻ thù sẽ nghe được” - đó chỉ là cái cớ của các ông. "Những kẻ thù" bất tử và luôn luôn hiện diện này ban cho các ông sự biện minh dễ dàng cho chức vụ của các ông và cho chính sự tồn tại của các ông. Nhưng liệu các ông sẽ làm gì nếu không có kẻ thù? Các ông không thể nào còn sống nếu không có kẻ thù. Căm thù, căm thù là cái ác như kỳ thị chủng tộc, đã trở thành bầu không khí khô cằn của các ông. Thế là chính vì lòng căm thù này mà người ta quên đi nhân loại chung để rồi tiến đến sự diệt vong. Nếu mai này băng Nam Cực tan đi, tất cả nhân loại đều chết đắm, thì lúc đó các ông còn tìm đâu ra được người nào để khoan vào đầu họ các khái niệm “đấu tranh giai cấp”?

Và tôi thậm chí không nói đến điều gì sẽ xảy ra khi một vài con thú hai chân còn sống sót đi lang thang khắp mặt đất bị nhiễm phóng xạ để chờ chết. Đã đến lúc cần nhớ rằng chúng ta trước tiên thuộc về nhân loại, rằng con người phân biệt với con vật nhờ ở tư tưởng và ngôn ngữ. Con người bình thường nên được tự do, và nếu con người bị xiềng xích, thì chúng ta sẽ cùng trở về giai đoạn con vật.

Thừa nhận công khai những sự thật, hoàn toàn và trung thực, đó là điều kiện đầu tiên của sự lành mạnh trong tất cả các xã hội, trong đó có xã hội của chúng ta. Kẻ nào phủ nhận điều này, tức chẳng quan tâm gì đến tổ quốc mà chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình. Kẻ nào phủ nhận điều này đối với tổ quốc, thì không thể nào chữa trị hết bao căn bệnh của chúng ta mà chỉ đè nén chúng xuống và tất dẫn đến ung thối.

Tháng Mười Một năm 1969


"Bản dịch được đăng lần đầu tiên ở trang mạng Talawas ngày 6/8/2010."

08/05/2015


0 comments:

Powered By Blogger