Thursday, April 9, 2015

Những Chiến Sĩ cho Tự Do

  Sau đây là truyện ngắn "NHỮNG CHIẾN SĨ CHO TỰ DO" ("THE FREEDOM FIGHTERS") (Cao-Đắc 2014, 246-274) trong tuyển tập truyện ngắn "LỬA CHÁY TRONG MƯA," (Cao-Đắc Tuấn. 2014. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.) Mỗi truyện trong "LỬA CHÁY TRONG MƯA" đều có phần ghi chú thích đáng về lịch sử và sự kiện. Phiên bản tiếng Việt được tác giả dịch từ nguyên tác tiếng Anh, "FIRE IN THE RAIN." "NHỮNG CHIẾN SĨ CHO TỰ DO" là truyện dựa vào những gì xảy ra cho các thuyền nhân vượt biên trong cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, qua lời tường thuật của những người sống sót và nhân chứng trong cuộc di dân lớn nhất vào thời bình trong lịch sử nhân loại.

Những Chiến Sĩ cho Tự Do
Năm 1980

Một nơi nào đó gần vịnh thái lan, năm 1980 

Những đám mây đe dọa tối xầm bầu trời. Mưa đổ xuống, rơi lên những tấm ván gỗ và tạt vào mọi người với sức mạnh hung tợn.

Những luồng gió thổi liên tiếp. Chiếc thuyền, dài 12 mét và rộng 3 mét, lắc lư dữ dội theo những đợt sóng. Trong chiếc thuyền tí hon, 53 người kiệt sức, đàn ông, đàn bà, và trẻ em, dán mình vào sàn trên và trong khoang dưới sàn thấp, ép người vào lẫn nhau. Vài người đàn bà nhắm nghiền mắt và thì thầm những lời cầu nguyện khó hiểu. Những đứa trẻ bám vào người lớn.

Gió trở nên mạnh mẽ dữ dội, thổi bay các vật rời rạc xuống biển, và thổi tung quần áo mọi người ra khỏi người họ. Một chiếc áo sơ mi trắng bay vút lên không và rơi xuống nước như một con diều đứt dây. Một cái khăn bị thổi bay ra khỏi đầu của một bà và mắc kẹt trên trụ boong thuyền. Người đàn bà đứng lên, cố gắng lấy cái khăn mình, nhưng một ông nắm tay bà và kéo bà xuống.

Toàn bóp bàn tay Liên. "Nhớ nghe, khóa cổ tay em vào cái chốt."

Nàng gật đầu. Anh cúi đầu xuống nói vào tai Kiệt. "Nắm chặt tay ba và không bao giờ buông ra."

"Thưa ba vâng," cậu bé nói, nép sát vào tay cha.

Gió lốc mạnh hơn từng phút một, làm chiếc thuyền lao đao hơn. Nước bắn tung tóe vào thân thuyền và vọt lên boong thuyền, làm ướt tất cả mọi người.

Toàn nắm chặt Kiệt với tay phải. Bàn tay trái anh giữ vững vào cái chốt kim loại nhỏ đóng đinh xuống sàn tàu. Cánh tay Liên quấn chặt quanh cánh tay trái anh. Anh nhìn xuống và thấy cổ tay ướt của Liên cong quanh cái chốt khác. Mình an toàn rồi.

Ngay khi anh vừa loáng thoáng thấy mái tóc rối bời ẩm ướt của Liên vướng trên mặt nàng, một làn sóng vĩ đại đập vào thuyền dữ dội, đẩy anh mất thăng bằng. Rồi, từng đợt một, sóng biển giáng xuống thuyền từ mọi hướng với sức hung hăng gẫy cổ. Chiếc thuyền tí hon đi lên đi xuống trong vực sâu và núi nước. Mọi người nẩy lên ở mỗi cú đẩy thẳng đứng, la hét khi bay xuống chỗ sóng lõm. Con nít khóc, bám vào mẹ chúng bây giờ gào lên những lời cầu nguyện tuyệt vọng, xin xỏ các vị thần và các vị Phật bảo vệ họ. Mặc kệ những lời van xin, những đợt sóng đầu đầy bọt nuốt chiếc thuyền trong những hớp khổng lồ và nhổ nó ra trên mặt nước lần này qua lần khác. Chiếc thuyền bị tung lên, xoắn quanh, và buông xuống trong từng cơn sóng khổng lồ. Những con thú mười mét của biển cả giận dữ lao vào thuyền, như thể muốn ăn thua đủ với nó.


Toàn nới lỏng tay nắm quanh Kiệt. Nước ngập con thuyền. Những giọt mưa to bão hòa không khí, làm mù anh. Mọi người la hét điên cuồng quanh anh giữa những âm thanh điếc tai của sóng biển đập vào những tấm ván gỗ. Một ông ngã nhào lên anh, sức nặng ông ta ép anh xuống, gần như đẩy tay trái anh ra khỏi chốt, nhưng anh giữ lại được. Anh cảm thấy Kiệt trượt ra khỏi anh. Chân một ông đá mặt anh, gần như giáng anh bất tỉnh. Anh quằn quại, cố gắng dùng ngực đẩy ông ta ra trong khi tay phải nắm chặt cổ tay Kiệt.

"Kiệt, Kiệt, giữ chặt," anh hét lên, nhưng tiếng anh mất đi trong luồng gió hú lồng lộng xé mặt anh với bọt và hạt nước bụi nghẹt thở.

Anh cảm thấy tay Kiệt với cánh tay anh. Anh kéo Kiệt về phía anh. Chiếc thuyền nẩy sang một bên. Một đợt nước vỗ vào mặt anh. Người đàn ông trượt ra khỏi anh và làm nhẹ trọng lượng trên tay trái anh. Anh nắm chặt cái chốt với mấy ngón tay và kéo anh gần vào Kiệt. Kiệt ngã vào anh và anh xiết thân hình cậu bé trong tay mình.

Ngay lúc đó, anh nhận ra tay Liên không còn nắm tay trái anh. Anh nhìn lên và thấy một khoảng trống bên cạnh anh.

Liên biến mất.


Liên là một trong 25 người xấu số bị cuốn trôi xuống biển trong cơn bão độc ác trong hai tiếng. Toàn tan nát lòng. Mặc dù họ đã dự đoán thảm cảnh, mất một mạng sống là chuyện không ai có thể chuẩn bị được.

Biển yên tịnh lại trong hai ngày qua, không để lại dấu hiệu sự hủy diệt tàn nhẫn của nó. Con thuyền tí hon tiếp tục cuộc hành trình trên mặt nước mênh mông. Cơn bão phá hỏng phần trên thân thuyền, nhưng một cách kỳ diệu, máy thuyền vẫn còn nguyên vẹn. Long, tài công và người tổ chức cuộc vượt biển và là một sĩ quan Nam Việt Nam trước đó, xem xét động cơ và nó có vẻ vẫn còn chạy, ít nhất cho bây giờ. Nhưng có một vấn đề. Anh mất la bàn và bản đồ trong cơn bão. Nếu không có trợ giúp định hướng và điểm tham chiếu, anh chỉ có thể đoán hướng tổng quát dựa trên mặt trời vào lúc bình minh và hoàng hôn, một ước tính thô thiển có thể sai lệch hàng trăm cây số. Một vấn đề nghiêm trọng hơn là cung cấp thức ăn và nước uống suy giảm. Trong cơn bão, thùng trữ phần lớn thức ăn và nước bị phá vỡ, thả ra tất cả mọi thứ bên trong ra biển. Bây giờ họ chỉ còn một thùng nhỏ hơn có một ít cơm và cá có lẽ đủ cho một ngày. Lượng nước bây giờ giảm xuống còn nửa chai nhỏ. Mỗi người bây giờ chỉ nhận được một vài giọt mỗi ngày.

Họ đã kiệt sức trong hơn năm ngày, trải qua mọi tình trạng khủng khiếp, trước là sự tù túng bệnh hoạn trong hầm nhỏ đầy những thứ bẩn thỉu, say sóng và nôn mửa, rồi tới cơn bão kinh hoàng, và bây giờ khát và đói. Một số người hiện đang ở bờ vực cái chết. Cơ hội sinh tồn mong manh còn giảm đi từng giờ và họ vẫn không nơi nào gần đến đích. Theo như ước tính lạc quan nhất của Long, họ sẽ mất thêm bốn ngày để tới Mã Lai, giả sử họ đang đi đúng hướng.

Mặt trời lên cao trên bầu trời xanh với những đám mây trắng. Những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em kiệt sức nằm bất động trên sàn thuyền và trong hầm. Toàn ngồi trên một sàn gỗ gẫy ở phía đuôi thuyền và nhìn mặt nước lấp lánh.

Anh chắc là ngồi bất động một lúc lâu vì khi Kiệt đến với anh, anh cảm thấy tê và cảm giác như kim châm ở chân vì thiếu lưu thông máu. Kiệt đưa cho anh một nắm cơm. "Ba, ba ăn đi."

Anh nhìn nắm cơm. "Không, ba không đói. Con ăn đi."

Anh nói dối với cậu bé. Anh đã không ăn hai ngày, từ cơn bão. Nhưng anh đã từng chịu đựng đói khát trong suốt ba năm trong trại tù cải tạo, và anh đã quen với đói. Bụng anh trống rỗng, nhưng đứa con trai tám tuổi của anh cần ăn nhiều hơn anh.

Cậu bé ngập ngừng. "Ba có chắc không?"

Anh mỉm cười. "Đừng lo cho ba. Ba quen rồi. Con cứ ăn đi."

Kiệt đưa cả nắm vào miệng và nuốt chửng.

Toàn kéo con trai của mình vào vòng tay. Kiệt là tất cả anh có. Cậu bé đã khá mạnh mẽ về sự mất mẹ. Nó không khóc nhiều, có lẽ nó đã chuẩn bị cho chuyện tệ nhất và bằng cách nào đó đã có thể chế ngự cảm xúc. Toàn và Liên cũng đã nói chuyện với nó vài tháng trước cuộc trốn thoát, và giải thích với nó là bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện cả ba người đều chết.

Ngày trước khi khởi hành cho cuộc trốn thoát, Liên đã nói một câu tiên tri. Nàng đang gói đồ vào túi nhỏ. Nàng ngừng lại khi nhìn một tượng Phật nhỏ nàng đang cầm và hỏi, "Giữa Kiệt và em, anh sẽ cứu ai nếu anh có sự lựa chọn?"

Toàn không nghĩ về câu hỏi đó trước đó, và anh không có câu trả lời. "Anh không biết."

"Anh Toàn, anh phải hứa em một điều," nàng nói với một nỗi tha thiết đột ngột. "Nếu anh có sự lựa chọn, em muốn anh cứu Kiệt. Anh có hứa với em điều đó không?"

Toàn nhìn nàng, nhưng không trả lời. Nàng nhìn anh chằm chằm, chờ đợi.

"Được rồi, anh hứa," anh nói.

Nàng mỉm cười với nụ cười đẹp nhất mà anh từng thấy. Đó cũng là nụ cười cuối cùng anh nhìn thấy trên khuôn mặt nàng.

Lời hứa đó bây giờ đột nhiên trở lại, ám ảnh anh. Anh nhìn đại dương phẳng lặng bao la, bầu trời xanh, không khí rộng mở, tự hỏi không biết có phải nàng đã quyết định trượt ra khỏi anh trong cơn bão để anh có thể tập trung vào Kiệt. Ý nghĩ đó rung chuyển anh và trong một khoảnh khắc không cưỡng lại được, anh bật khóc nức nở.

Kiệt nhìn mặt cha. Nó đã thấy anh khóc, nhưng không đau đớn như thế này. Cha nó cắn môi, cố gắng kềm cơn bùng nổ cảm xúc, nhưng thân hình anh run lên, vai hạ xuống, nước mắt lăn dài trên đôi má hóp. Nó muốn khóc với cha mình, để chia sẻ với anh về cái mất người thân yêu nhất của cả hai, nhưng không được. Nó đã thật sự hết nước mắt rồi.

Tuy mới tám tuổi, nó đã biết cuộc sống nó sẽ khổ sở thế nào nếu nó tiếp tục sống tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản tàn bạo. Từ khi cha nó được thả ra trại, cảnh sát công an đã gây nhiều rắc rối cho gia đình nó. Chúng theo dõi họ, bước vào nhà mà không báo trước, hoạnh họe này nọ hoặc đòi hỏi ân huệ nhỏ, chẳng hạn như một gói thuốc lá hay một tô mì. Một tên công an thậm chí còn bắt nó rửa xe gắn máy hắn. Cha nó không thể có một việc bình thường và phải làm lao công tại một bệnh viện địa phương. Mẹ nó bán thuốc lá và nước trái cây quanh thị trấn. Mỗi sáng, nó thức dậy sớm lúc sáu giờ để giúp mẹ chất đồ vào xe và đi theo mẹ đẩy xe bán. Nó và mẹ nó đi bộ trên đường phố hàng giờ, nghỉ trưa, chia sẻ một bát cơm nhỏ và nước mắm. Nó không thể đi học vì bị các viên chức nhà trường quấy rối, và vì là con của một sĩ quan quân đội chính phủ ngụy trước đây, cho dù nó đi học, nó cũng sẽ không tiến xa. Bên cạnh đó, nó không thể tập trung học khi tâm trí nó lúc nào cũng lo là mẹ nó bán đồ ra sao mà không có nó.

Một tiếng hét từ một ông ở đầu thuyền làm họ giật mình. "Tàu! Tàu!"

Họ nhìn theo hướng ông ta chỉ. Một chiếc tàu xuất hiện từ xa. Long cố gắng lái thuyền theo chiếc tàu. Toàn và Kiệt vội vã đến thân thuyền và vẫy tay.

"Họ có thể thấy mình không?" Kiệt hỏi.

"Chú mong vậy," Long nói.

Những người khác tham gia. Một ông vẫy áo sơ mi trắng của mình, vật duy nhất mà họ có thể dùng để thu hút sự chú ý. Những người còn lại nằm trên sàn thuyền. Họ quá mệt mỏi để đứng dậy. Một bà già với một chiếc khăn đen che đầu mở mắt và mỉm cười như thể bà rất biết ơn là những lời cầu nguyện bà cuối cùng được trả lời.

Hy vọng họ sớm tan vỡ. Chiếc tàu trôi xa họ. Rõ ràng là những người trên tàu không nhìn thấy họ. Thuyền họ quá nhỏ, một chấm tí hon trên mặt nước mênh mông.

Họ buồn bực nhưng không từ bỏ hy vọng. Họ đã nghe nói có nhiều tàu thuyền đi qua lại trong vùng này về hướng Mã Lai, Thái Lan, và Việt Nam. Họ an ủi nhau là sẽ có tàu khác.

Đêm đó, bà già với chiếc khăn đen chết. Bà không có thân nhân. Con gái và con rể bà là trong số 25 người thiệt mạng trong cơn bão. Toàn và Long nói vài lời cầu nguyện ngắn ngủi trước khi ném cơ thể lạnh gầy của bà xuống biển.



Ngày hôm sau, biển yên tĩnh, nhưng một đứa bé chết. Nó đã yếu từ cơn bão. Mẹ nó không còn nước mắt để khóc và không muốn rời khỏi nó. Long nói với cô ta họ phải chôn nó trong biển. Toàn và Long tổ chức tang lễ ngắn cho nó trước khi trượt cơ thể lạnh ngắt nó vào trong nước trên một miếng vải nhỏ. Mẹ nó vươn tay ra, cố gắng giữ nó lại, nhưng cô chỉ có thể giữ miếng vải và nhìn, với cặp mắt mất hồn, thân hình bé nhỏ của nó nổi trên mặt nước. Nó là đứa con cuối cùng của cô. Hai đứa con và chồng cô đã mất trong cơn bão.

Tối hôm đó, Long nói với Toàn nhiên liệu của họ đang ở mức thấp và không lâu động cơ có thể ngừng chạy.

"Anh nghĩ nó sẽ kéo được bao lâu?" Toàn hỏi.

"Có lẽ một giờ."

"Sau đó mình làm gì?"

"Chỉ chờ tàu đi qua và cứu mình."

Đó là hy vọng cuối cùng của họ. Họ có thể tới nửa đường rồi. Tàu và thuyền đánh cá có thể ở quanh đây.

Vào nửa đêm, động cơ ngừng chạy. Con thuyền nổi trên mặt nước, trôi lênh đênh trong biển cả mênh mông.

Thực phẩm và nước hoàn toàn hết ngày hôm sau. Toàn và Long cố gắng làm lửa để chưng cất nước biển, nhưng không có kết quả. Sau cơn bão, họ không còn gì hữu ích. Không vỏ cây, lá, hoặc gậy gỗ. Biển cả yên tĩnh, nhưng không có gì còn lại trên thuyền.

Ngày hôm sau, họ chứng kiến cái chết của một cô gái trẻ trong độ tuổi hai mươi. Sau khi sống sót sau cơn bão, cô chết vì cơ thể cô không còn chịu đựng đói, khát, mệt mỏi thể chất. Toàn và Long làm nghi thức khấn lời cầu nguyện ngắn gọn trước khi tung xác cô vào nước.

Trong năm ngày kế tiếp, hai người nữa chết. Cả hai là đàn ông ở tuổi bốn mươi; một người là cựu sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam. Sự mệt mỏi thể chất vì làm việc quanh thuyền, chống bão, xúc nước ra khỏi thuyền, sửa chữa các hư hại trên thuyền, cùng với việc từ chối ăn để vợ và các con họ có thể dùng khẩu phần của họ, cuối cùng đã lấy đi mạng sống họ. Vợ họ không thể khóc. Bốn đứa con, tuổi từ sáu tới mười lăm, thậm chí không biết. Họ kiệt sức, và nằm bẹp dí trên sàn thuyền với mắt nhắm, chờ đến lượt họ.

Đêm đó, Toàn ngồi ở đầu thuyền, tự hỏi Kiệt và anh có thể kéo lê được bao lâu. Anh nhìn bầu trời tối đen, và nghĩ về Liên. Bây giờ em ở đâu? Con và anh có thể sẽ gặp em không lâu nữa. Anh đụng vào mặt dây chuyền Phật quanh cổ. Liên đã đặt nó vào ngày ra đi.

"Phật sẽ giúp anh," nàng nói.

"Em nên giữ dây chuyền trên người em."

"Em có Phật trong tim em."

Anh sờ bức tượng nhỏ bằng ngón tay cái và ngón trỏ. Em đang ở trên thiên đường. Giúp anh và Kiệt thoát khỏi cơn này. Anh muốn khóc, nhưng anh không còn nước mắt nữa. Anh chớp mắt.

Một tia sáng xuất hiện từ xa. Anh giật mình. Anh đang mơ hay sao? Anh dụi mắt. Tia sáng trở nên sáng hơn và lớn hơn.

"Tàu," anh hét lên, phá tan sự im lặng.

Long nhảy về phía trước và bật đèn pin, cái đèn pin còn lại của anh. Anh vừa vẫy đèn pin vừa la hét. "Cứu! Cứu chúng tôi!"

Toàn và hai ông khác tham gia với anh. Cùng nhau, họ vẫy tay và hét lên với sức mạnh còn lại cuối cùng của họ. Ánh sáng lớn hơn và lớn hơn. Chẳng mấy chốc, một chiếc tàu lớn xuất hiện. Những bóng dáng người di chuyển trên boong tàu.

Toàn mừng rỡ. Anh nhìn Kiệt đang nằm với tư thế bào thai bên boong, ngủ say. Anh không muốn đánh thức nó.

"Họ là ai?" một ông hỏi, giọng lo lắng.

Toàn nghĩ đến cướp biển. Ý nghĩ làm anh cứng người. Nhưng chẳng có gì anh có thể làm được. Tất cả mọi việc giờ đây nằm trong tay Thượng Đế. Họ chẳng còn gì cả.

Đó là một chiếc tàu đánh cá lớn với hàng chục người. Khi họ cách khoảng năm mét, hai tên cởi trần ném một sợi dây thừng với móc ở đầu dây cho họ. Long và Toàn thắt chặt sợi dây thừng trên hàng cây chắn trên sàn thuyền. Mấy tên kéo sợi dây thừng và chiếc thuyền nhỏ của họ lướt tới mặt bên chiếc thuyền đánh cá.

"Xin giúp chúng tôi," Long nói với mấy tên cởi trần vừa bằng tiếng Việt và tiếng Anh. "Đưa chúng tôi vào đất liền."

Mấy người trên tàu đánh cá nói chuyện với nhau trong một ngôn ngữ xa lạ. Nó nghe có vẻ như tiếng Tàu, có lẽ là một phương ngữ Mã Lai. Toàn nhìn họ, và nhịp tim anh đập nhanh hơn.

Một trong đám họ, có lẽ người đứng đầu, một ông trung niên râu xồm, nói to với họ bằng tiếng Anh bồi. "Không đất liền. Thực phẩm? Dầu?"

"Ông có thể đưa chúng tôi tới đất lìền được không?" Long hét lại.

Người đàn ông râu xồm lắc đầu. "Không đất liền. Không đi."

Toàn nhẹ nhõm người. Kiểu ông ta nói chuyện không có vẻ đe dọa như đám cướp biển. Nhưng tại sao họ muốn đến với họ? Chẳng bao lâu anh biết câu trả lời.

"Vàng?" Người đàn ông râu xồm hỏi.

Long biết ông ta muốn gì. Ông ta muốn vàng bạc và trang sức. Ngày hôm sau cơn bão, Long yêu cầu mọi người đưa hết cho anh tất cả mọi thứ họ có. Anh thu thập một số mặt dây chuyền vàng, đồng hồ, bông tai, và một vài lá vàng. Ngoại trừ hai bà từ chối đưa nhẫn trên ngón tay họ, nói rằng đó là món quà lưu niệm gia đình, tất cả mọi người đều hợp tác.

Long quay sang Toàn. "Mình có nên đưa cho họ những gì mình có?"

"Tôi nghĩ mình nên," Toàn nói. "Họ dường như không muốn cướp mình. Họ có thể chỉ muốn có sự trao đổi công bằng."

"Tôi nói mình nên đưa cho họ mấy mặt dây chuyền và đồng hồ. Mình giữ phần còn lại, nhỡ có chuyện cần."

"Được rồi, mình nói với họ đi."

Long đưa ra mấy mặt dây chuyền và đồng hồ. Ông râu xồm gật đầu và ra lệnh cho một trong những người ông, một thanh niên trẻ có râu mép, nhảy vào thuyền họ. Anh thanh niên trẻ râu mép quét đèn pin xem xét thuyền. Nhìn thấy đàn bà và trẻ em nằm quanh như xác chết, anh lắc đầu với sự không tưởng tượng được. Long dẫn anh ta xuống dưới boong thuyền và cố gắng nói cho anh ta về động cơ và nhiên liệu. Anh ta trở lại, đứng trên sàn thuyền và hét lên với ông râu xồm.

Sau một lúc nói qua nói lại, ông râu xồm ra lệnh cho người ông mang tới thuyền một hộp nhiên liệu, mấy bình nước, hai hộp, và một số túi nhựa. Toàn và mấy người khác lập tức mở các túi nhựa. Với sự thích chí, họ thấy cơm, mì, cá, và tôm. Thực phẩm và nước đủ để nuôi họ vài ngày. Khi Toàn mở mấy hộp, anh gần như khóc. Hai đèn pin, một con dao, một số dĩa và thìa, bát, ly tách, thuốc lá, bật lửa, và đủ loại đồ dùng nhà bếp ở bên trong. Chúng rất bẩn nhưng anh còn muốn gì khác hơn nữa?

Long nhờ anh chàng trẻ râu mép giúp anh ta làm việc trên động cơ để bảo đảm nó sẽ chạy. Trong vòng vài phút, động cơ sống dậy với rung động và kêu to. Mọi người mỉm cười nhẹ nhõm.

Khi Long cố đưa anh râu mép mặt dây chuyền và đồng hồ, anh ta xua tay và nói, "Không, không."

Long tưởng anh ta muốn nhiều hơn. "Chúng tôi chỉ có vậy thôi."

Nhưng anh trai trẻ chỉ vào ông chủ và cứ xua tay. Ông râu xồm mỉm cười và vẫy tay chào họ. Toàn và Long nhìn nhau, không biết ông ta có ý gì.

Mấy người đánh cá gỡ sợi dây thừng và leo trở lại lên thuyền họ. Trước khi đi, anh thanh niên trẻ râu mép vỗ lưng Long và chìa tay ra để bắt tay. Đó có vẻ là một ngôn ngữ phổ quát. Tình bạn.

Long bắt tay anh ta trong nước mắt. "Cảm ơn, cảm ơn anh rất nhiều."

Chiếc tàu đánh cá đi xa. Họ vẫy tay chào tạm biệt với nhau. Toàn đứng ở bên thuyền, xem con tàu đánh cá mờ dần trong bóng tối. Ánh sáng trên tàu họ nhỏ hơn và nhỏ hơn cho đến khi biến mất.

Ngay lúc đó, Toàn chợt nhớ anh quên một điều quan trọng.

"La bàn," anh nói với Long.

Cặp mắt Long mở rộng. " Mẹ kiếp! Sao tôi có thể quên chuyện đó?”



Hai ngày kế tiếp là hai ngày đẹp trời. Mây trắng, trời xanh, thức ăn, và nước ngọt cho mọi người năng ḷực và hy vọng mới. Các bà và trẻ em lấy lại sức. Vài người có thể ngồi dậy hoặc bước đi loanh quanh. Mấy ông ngồi trên sàn thuyền phía sau, hút thuốc. Họ đã mất nhiều ngày do cơn bão, lạc hướng và máy hư, nhưng bây giờ họ đã đi đúng hướng và sẽ thấy đất trong hai ngày, hoặc sớm hơn. Đó là những gì Long nói với mọi người. Anh quan sát mặt trời lúc bình minh và hoàng hôn một cách cẩn thận.

Họ thấy càng ngày càng nhiều tàu, nhưng chẳng có tàu nào dừng lại. Long nói với họ không phải lo lắng vì họ có đủ nhiên liệu, thực phẩm, và nước cho ít nhất một ngày. Sự xuất hiện của gần một chục tàu thuyền trong một ngày cũng cho biết là họ đang tiến gần bờ. Với ý tưởng đó, ai cũng phấn khởi. Các ông và các bà lo cho đám trẻ em và họ vỗ tay và hát. Kiệt hát theo mọi người. Đó là một bài hát thịnh hành trước năm 1975. Nhan đề bài hát là "Việt Nam, Quê Hương Ngạo Nghễ."

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn 
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng cuộc đời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian 
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi 
Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam 
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian 
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên

Một cô gái khoảng mười lăm đứng xem đám trẻ em hát. Cha cô là một trong hai ông chết sau cơn bão. Toàn đi ngang qua cô gái.

"Cháu tên gì?" Anh hỏi.

"Chú Toàn, cháu tên Kim Anh," cô nói với một phép lễ độ thông thường của các cô gái trạc tuổi khi nói với một ông lớn tuổi hơn.

Tim Toàn thắt lại khi thấy nét mặt không vui và đôi mắt đau buồn của cô. Khi anh và Long tung xác cha cô vào biển, cô đang bị ốm. Sau đó, khi cô khỏe khoắn hơn và biết được cái chết của cha, cô không để lộ cảm xúc và chỉ ngồi bên cạnh thuyền và nhìn đăm đăm vào biển một lúc lâu.

"Cháu có đói không?" Toàn hỏi, cố gắng tìm cách để làm cô bé vui lên.

"Không, chú Toàn. Cháu không đói."

"Mình sắp tới rồi."

"Thiệt vậy sao chú?"

"Ừ, chú nghĩ mình hên lắm đó. Trời sẽ giúp mình." Anh thấy một dây chuyền thánh giá treo trên cổ cô.

"Cháu cầu nguyện hoài."

Toàn xoa đầu cô. "Đúng đó, Trời đang lắng nghe cháu."

Anh ngồi trên sàn ở mũi thuyền và châm một điếu thuốc. Con thuyền đang lướt đi với một vận tốc chậm chạp, có lẽ khoảng 5-8 km một giờ. Ở vận tốc này và giả sử họ đang đi đúng hướng, họ sẽ thấy đất liền vào tối mai.

Anh thấy một điểm nhỏ sẫm từ xa. Chắc là một con tàu. Anh tập trung mắt, nhưng không biết điểm nhỏ đó có đang di chuyển hay không.

"Long," anh gọi.

Long đến ngay. "Chuyện gì vậy?"

Anh chỉ vào chấm đen. "Anh có nghĩ đó là một con tàu?"

Long nheo mắt. "Có thể."

Họ nhìn chằm chằm vào chấm đen một lúc, nhưng nó có vẻ không xê xích chút nào.

"Có thể một hòn đảo chăng?" Toàn hỏi.

Long không trả lời ngay lập tức. Mắt anh dán vào điểm đó, bây giờ đã trở thành một dải mỏng.

"Trời đất, đó là một hòn đảo," Long kêu lên.

Mọi người đổ xô về phía trước. Mấy đứa trẻ em ráng vươn cổ phía sau người lớn.

"Đúng rồi, đó là một hòn đảo."

"Một hòn đảo nhỏ. "

"Đảo này là đảo gì vậy?"

"Tôi không biết."

Toàn nhìn Long. "Anh nói nếu mình nhìn thấy đất, cho dù một hòn đảo hay không, điều đó có nghĩa là mình sắp tới nơi rồi. Đây có phải là Mã Lai không?"

Long cau mày. "Đó là cái mà tôi đang ráng nghĩ đây. Chuyện không thể được."

"Sao lại không?"

"Theo như tôi tính, mình vẫn còn cách Mã Lai ít nhất 150 km."

"Chắc tại mình đi lẹ quá."

Long lắc đầu. "Tôi không nghĩ vậy đâu. Tôi biết mình đang đi nhanh như thế nào."

Họ nhìn nhau. Một ý nghĩ khủng khiếp thoáng qua óc Toàn. Anh do dự. "Hay là mình đi lạc và đi vào vùng biển Thái Lan."

Anh đã nghe nói về những câu chuyện kinh hoàng về hải tặc Thái Lan. Một tàu bị chúng cướp không bao lâu sau khi họ rời Việt Nam. Một số người trở lại và nói với bạn bè họ về kinh nghiệm đau thương của họ.

"Mình phải chuẩn bị cho chuyện tệ nhất," Toàn nói, bản năng lính tráng của anh nhắc anh.

Long gọi mọi người lại. Anh nhìn họ và nói với giọng trầm trọng. "Có thể mình đã đi lạc và đang đi vào vùng biển Thái Lan. Tôi biết mấy người đã chuẩn bị cho chuyện này, nhưng tôi muốn mọi người sẵn sàng trong trường hợp tụi cướp biển Thái Lan tới."

Mọi người chấn động.

"Anh nói tụi mình sẽ đến Mã Lai Á mà," một ông nói.

"Chuyện mình đến đâu cũng không quan hệ. Tụi cướp biển Thái Lan là tồi tệ nhất, nhưng ở đâu cũng đều có cướp biển."

"Mình làm gì bây giờ?" Một bà hỏi với giọng yếu ớt.

"Trước hết, đừng chống cự tụi nó. Đưa hết cho tụi nó mọi thứ mình có. Nếu tụi nó biết mình giấu cái gì có giá trị, tụi nó sẽ tức giận và giết hết tụi mình."

Mấy bà há hốc miệng. Mấy ông lắc đầu chán nản.

"Thứ nhì, các bà và mấy em gái phải làm cho mình xấu xí. Bôi mặt và thân hình với mấy đồ dơ dáy bẩn thỉu. Mấy người có thể dùng dầu động cơ trong khoang thuyền. Cắt tóc ngắn. Gỡ hết tất cả đồ trang sức, bông tai, nhẫn, và bất cứ gì mà có thể khiến tụi nó chú ý."

"Mấy em bé gái có phải làm không?"

Long thở dài. "Tất cả các em gái, bất kể bao nhiêu tuổi."

Mặt mọi người xụ xuống.

"Chót hết," Long nói, "mấy ông không nên chống cự. Đưa cho tụi nó những gì chúng muốn và chúng sẽ tha mình."

Họ không phí thì giờ. Các bà và các em gái, tuổi từ 10-17, đi xuống khoang thuyền và làm những gì Long nói.

Toàn kéo Kiệt vào một góc. "Con có hiểu những gì có thể xảy ra không?"

Kiệt gật đầu. "Con biết mà ba, ba nói với con nhiều lần rồi. Con chuẩn bị sẵn sàng."

Toàn bóp tay con. Đúng vậy, anh và Kiệt đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyện này. Trong sáu tháng trước khi khởi hành, anh đã dạy con kỹ năng sinh tồn và bơi lội. Hai cha con đã tập luyện bơi lội, chạy, và thậm chí đánh nhau. Anh hy vọng Kiệt và anh sẽ không phải dùng những kỹ năng này.

Toàn giữ con dao mà mấy người đánh cá cho. Đó là một con dao bếp nhỏ. Lưỡi dao dài khoảng 10 cm, với mũi nhọn. Anh lấy nó ra, bọc nó với một túi nhựa, và cột chặt nó ở mắt cá chân.

Trong ba mươi phút, mọi người sẵn sàng. Mặt các bà và trẻ em gái được bao phủ với dầu đen. Một số các ông và đám con trai cũng làm giống vậy để tất cả đều nhìn như nhau. Vài cô còn bôi cặn bã tôm cá khắp người. Mùi hôi tanh không thể chịu được.

Dải đất mỏng bây giờ hiện ra rõ ràng là một hòn đảo nhỏ. Vài ngọn đồi và cây cối đứng sau bãi biển cát. Hòn đảo có vẻ như không có người ở, không có dấu hiệu sinh hoạt con người.

Họ lo lắng, không biết những gì đang chờ đợi họ trên đảo, nhưng ý nghĩ có thể đi trên đất, ra khỏi chiếc thuyền tí hon đông đúc, thoát khỏi chỗ tù túng hôi hám, ngay cả không có hy vọng được cứu, cho họ một niềm vui to lớn. Khi họ đến gần đảo, Long lèo lái con thuyền tránh một số tảng đá lớn. Nước trong veo xanh dương và có chút màu xanh lá cây mê hoặc mọi người. Ai cũng đều quên đi nguy hiểm, mệt mỏi, cơn bão hung tợn, những kinh nghiệm gần chết, và những người thân yêu thiệt mạng. Những gì họ thấy là một vùng đất thiên đường.

Thế rồi, chuyện xảy ra.

Một chiếc tàu lớn xuất hiện từ nơi nào đó. Khi họ thấy nó, chiếc tàu đang phóng tới họ với tốc độ cao. Máy tàu gầm lên khi nó đến gần họ. Mặt ngoài thân tàu được tô điểm với hình vẽ con rồng và đại bàng. Cả chục người đứng quanh thân tàu, và mấy lưới lớn và bó cọc tre cao dựng trên khoang tàu vuông.

Khi anh thấy những thanh mã tấu và dao dài sáng ngời cầm trong tay đám người tóc dài da thâm cởi trần lực lưỡng, mặc quần và xà rông rộng sẫm màu, Toàn biết họ gặp rắc rối.




Cuộc tấn công nhanh như chớp làm mọi người không kịp phản ứng. 

Long là nạn nhân đầu tiên khi anh bước tới trước đối diện chúng. Một tên cướp biển sẹo mặt mặc quần đen chém vào mặt Long bằng con dao rựa ngay sau khi hắn nhảy vào thuyền. Máu phun ra khắp nơi. Long ngã gục, co giật trên sàn như con cá vừa ra khỏi nước. Mọi người hét lên hốt hoảng, thụt lùi lại nhưng không còn chỗ nào để đi. Họ chụm lại với nhau ở thân tàu, run rẩy trong kinh hoàng. Toàn đẩy Kiệt ra sau lưng và đứng trên khoang thuyền với bốn người khác. Mấy tên cướp biển khác nhảy xuống, vung vũ khí. Hai tên gắn tấm ván gỗ để làm cầu nối giữa hai chiếc thuyền. Đám cướp biển quát tháo với thuyền nhân trong một thứ tiếng nghe như tiếng Việt nhưng không ai hiểu.

Tên cướp biển sẹo mặt xoay vòng con dao rựa và phóng tới nhóm Toàn. Trong lúc vội vàng, hắn trượt chân và ngã xuống.

Không kịp suy nghĩ, Toàn đẩy Kiệt ra. "Nhảy! Nhảy!"

Kiệt nhảy ra khỏi thuyền. Toàn thấy tên cướp biển bò trên sàn, anh bèn lao xuống nước. Hai ông khác phóng theo họ.

Toàn ngẩng đầu lên mặt nước và thấy Kiệt đá chân ở phía trước anh.

"Bơi tới đảo," anh hét lên, nuốt một ngụm nước vào miệng.

Anh lao trở lại trong nước, đẩy mình về phía trước bằng hai chân. Nước lạnh thấu tận vào xương anh, làm anh luống cuống trong giây phút. Anh chới với trong nước, mất thăng bằng, nhưng ngay sau đó, bài thực tập bơi đến với anh. Anh đập chân lên xuống, đưa tay lên trên mặt nước và vươn ra trước, nghiêng đầu thở. Những tiếng la hét xa dần sau anh. Anh bắt kịp với Kiệt và hai người vuột đi trong nước xa khỏi hai chiếc thuyền, hướng về phía đông hòn đảo. Ngay sau khi họ đến bãi biển, họ chạy thật nhanh, nhảy qua những tảng đá, và chạy qua hàng cây thưa thớt. Bàn chân trần đau nhói nhưng họ tiếp tục chạy. Họ quẹo vào một lối đi đầy bụi bặm cách bờ biển khoảng 200 mét. Toàn chạy nhanh hơn và phải dừng lại nhiều lần để chờ Kiệt bắt kịp. Sau một lúc, hai cha con dừng lại và ngồi xuống đất, kiệt sức.

"Tụi nó có đuổi theo mình không, ba?" Kiệt hỏi, ráng lấy hơi.

Toàn lắc đầu. "Chắc không."

Anh không biết những gì xảy ra, nhưng anh tin những tên cướp biển sẽ không rời khỏi tàu chúng để kiếm họ. Họ chạy quá xa và sâu bên trong đảo. Hòn đảo thật sự rất nhỏ, có thể chỉ có năm cây số xung quanh, nhưng nó có nhiều hàng đá, đồi nhỏ và cây cối rải rác. Đám hải tặc có thể chạy thuyền quanh đảo, nhưng chúng sẽ mất rất nhiều thì giờ để dồn mọi người lại.

Anh nghiêng đầu, cố gắng lắng nghe những tiếng động quanh anh. Có những tiếng ồn ào mơ hồ văng vẳng từ xa, nghe như tiếng lá cây xào xạc.

Mặt trời đã lặn.

Họ nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng. Chung quanh thật là yên tĩnh.

"Mình làm gì bây giờ, ba?" Kiệt hỏi.

"Mình nên chờ một chút rồi quay trở lại xem coi chuyện gì xảy ra," Toàn trả lời.

"Nếu bọn cướp biển đang chờ mình thì sao?"

"Ba mong là không. Tụi nó có vẻ không phải là dân cướp biển chuyên nghiệp. Chúng chỉ là đám ngư dân trở thành cướp biển. Chúng phải làm việc và trở về gia đình. Chúng sẽ bỏ đi sau khi lấy được những gì chúng muốn."

Kiệt gật đầu. Nó yên chí với bất cứ gì cha nó nói. Cha nó dường như biết tất cả mọi chuyện.

Toàn đụng vào con dao ở mắt cá chân. Bọc túi nhựa với con dao bên trong vẫn còn được cột chặt. Vũ khí của anh chẳng thấm tháp gì so với mã tấu và dao dài của đám cướp biển, nhưng đó là mảnh vũ khí duy nhất mà anh có.

Anh không thể trở lại đương đầu với hàng chục đứa. Anh phải tự cứu mình và Kiệt. Anh không biết Long còn sống hay không, nhưng hình ảnh cuối cùng của anh ta co giật trên sàn thuyền với máu me đầy mặt trông không sáng sủa cho lắm. Anh đau nhói khi nghĩ đến số phận các bà và các cô, và cảm thấy tội lỗi về việc bỏ họ. Tuy nhiên, anh phải tự cứu mình và Kiệt trước đã. Ở lại thuyền sẽ chỉ là một nỗ lực hào hùng vô ích. Những năm ở trại tù cải tạo đã dạy anh nhiều bài học quý giá về cái sống và cái chết, anh hùng và hèn nhát, niềm tự hào và nhục nhã, khôn ngoan và ngu xuẩn. Anh đã học cách sống còn, để có thể trở về với vợ con, để toan tính chuyện chạy thoát khỏi địa ngục. Bây giờ, Liên đã bỏ mạng bởi hành động của Trời, và anh sẽ không phí mạng sống anh và con với bọn hải tặc này. Đồng thời, anh đau đớn với sự giết chóc tàn bạo của đám cướp biển. Nhưng anh có thể làm được gì? Làm sao anh có thể đánh lại cả chục tên đánh cá man rợ khoẻ mạnh với mã tấu và dao dài sáng quắc?

Toàn ngồi ở đó, dằn vặt với suy nghĩ. Cuối cùng, anh không thể chịu được nữa. Anh phải làm một cái gì.

"Mình trở lại đi," anh nói với Kiệt.

Khi hai cha con vừa đứng dậy, họ nghe tiếng máy tàu từ xa. Toàn ra hiệu cho Kiệt đi cách xa bãi biển. Họ ngồi trên mặt đất sau một tảng đá lớn hướng về phía biển.

Tiếng máy tàu xa dần.

"Tụi nó đi rồi," Toàn nói. "Mình đi đi."

Hai cha con đi men theo con đường đất trở về nơi họ lên bờ. Khi họ đến gần chỗ đó, Toàn đi chậm lại. Anh rút dao ra và cẩn thận bước trên một lối đi phủ đầy cát và đá. Khi anh đi xuống dốc, Kiệt kéo tay anh và chỉ ra biển. Toàn giật mình khi thấy mấy miếng ván gỗ, túi, thùng, và quần áo rách nổi lềnh bềnh. Anh nhận ra ngay những vật đó là của bọn anh. Tim anh thắt lại. Đám cướp biển chắc đập phá vỡ chiếc thuyền thành từng mảnh. Phương tiện trốn thoát duy nhất của họ đã bị tiêu tan hoàn toàn.

"Con đợi ở đây," anh nói với Kiệt. "Nếu vài đứa tụi nó vẫn còn ở đâu đây, con chạy trốn thật nhanh và đừng có lo cho ba."

Kiệt gật đầu và bước trở lại.

Toàn bước trên những tảng đá, giữ thăng bằng và đi xuống từ từ. Một làn gió nhẹ thổi qua mặt anh, mang theo tiếng người thì thào. Anh dừng lại và tập trung sự chú ý, nhưng không nghe thấy gì. Anh nắm chặt con dao khi anh trượt xuống dốc và nhanh chóng đến bãi biển.

Những gì anh thấy trên bãi biển toát ra một làn sóng chấn động toàn thân anh.




Các phụ nữ và trẻ em gái nằm bất động trên cát. Hầu hết hoàn toàn khỏa thân, vài người được che một phần với quần áo rách. Máu rải rác trên bãi cát và trên quần áo và thân hình họ. Ba xác người đàn ông đẫm máu nằm khoảng hai mươi mét từ bãi biển. Một bàn tay bị cắt đứt nằm gần đó. Ở trên mặt đất cao, một nhóm trẻ em trai đứng run rẩy bên vài ngọn cây. Một vài ông trong quần áo tả tơi đang đi về phía bãi biển.

Toàn chạy đến mấy phụ nữ và trẻ em gái. Anh nhẹ nhõm khi thấy có dấu hiệu sống trong bọn họ. Mặt họ nhợt nhạt, mắt lờ đờ. Vài người bị bầm tím nặng trên mặt, lưng và đùi. Một cô rên rỉ khi thấy anh. Toàn xem xét mỗi người và mặc dù vài người có vẻ đau đớn, không có vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay sau đó, các ông hiện ra từ những ngọn đồi và cây cối. Họ lê bước xuống bãi biển. Toàn gọi Kiệt xuống giúp tay. Cùng nhau, họ khiêng các phụ nữ và các cô gái lên chỗ đất cao dưới bóng mát cây. Các trẻ em đổ xô đến, tụ tập quanh. Các ông, trẻ em, và các cô bắt đầu nói chuyện từng khúc này khúc kia. Từ mấy câu chuyện không mạch lạc, Toàn có thể ráp vào nhau những gì đã xảy ra. 

Sau khi Toàn, Kiệt, và hai ông, Định và Hiệp, nhảy xuống nước, đám cướp biển bắt mọi người qua tàu chúng. Rồi chúng cột chặt hai chiếc thuyền với nhau và kéo thuyền họ đến bãi biển. Tới nơi, chúng bắt mọi người đứng xếp hàng trên bãi biển và ra lệnh họ cởi hết quần áo. Chúng nhận ra phái nữ và phái nam và tách họ thành hai nhóm, nam và nữ. Chúng lục lọi hết quần áo họ và khám xét mọi người để kiếm vàng, đồ trang sức, bông tai, nhẫn. Chúng cũng khám xét xác Long, người đã chết, và thuyền họ để tìm tòi các vật có giá trị. Sau khi chúng thu thập tất cả các lá vàng và đồ trang sức, chúng ra lệnh đàn bà con gái rửa ráy trên bãi biển và đuổi tất cả các ông và con trai đi. Sau đó, chúng bắt đầu cưỡng hiếp phụ nữ, kể cả các em bé. Khi một tên cướp biển chụp một cô bé mười tuổi, cha cô và hai ông chạy xuống, cầu xin hắn tha cô bé và những bé gái khác. Chúng lập tức giết họ bằng mã tấu. Mấy ông còn lại khiếp sợ bỏ chạy. Một cô cho biết cô bị hãm hiếp nhiều lần bởi 5 tên cướp biển. Hai cô khác bị buộc phải làm những hành vi tình dục khác. Khi họ từ chối, họ bị đánh đập nặng nề. Một cô ngất đi. Kim Anh, cô gái mười lăm tuổi, bị hãm hiếp bởi sáu tên cướp biển. Sau khi chúng kết thúc, chúng lao tàu chúng vào thuyền của Long và đập vỡ nó ra từng mảnh. Xác Long bị cuốn đi.

Toàn kinh hoàng. Anh đã nghe về hành động tàn bạo của bọn cướp biển, nhưng những gì anh thấy và nghe thật không thể tưởng tượng được.

Họ đào mộ và chôn ba người chết. Tới khi họ làm xong thì trời trở tối.

Toàn đi bộ xuống bãi biển, góp nhặt quần áo rải rác và cố gắng tìm một cái gì hữu dụng. Anh phát hiện một túi nhựa nằm trên bãi cát sau một tảng đá. Cái túi không giống như mấy túi của họ. Anh quỳ xuống và mở ra. Trước sự ngạc nhiên, anh thấy cơm và vài miếng cá.

Đây là gì vậy? Trông giống như thực phẩm còn sót lại bởi đám cướp biển. Có lẽ chúng bỏ quên. Nhưng khi anh hỏi mấy người phụ nữ, vài người nói là đám cướp biển ném cái túi vào họ khi chúng làm xong hành vi chúng và nói cái gì đó mà họ không hiểu. Khi anh hiểu ra ý, Toàn rùng mình. Anh lập tức gọi tất cả các ông đi với anh xuống bãi biển. Họ tụ tập quanh một tảng đá lớn.

"Tụi nó sẽ trở lại," Toàn nói.

"Sao anh biết?" Định hỏi. "Tụi nó đã lấy tất cả mọi thứ rồi."

"Tụi nó để lại thức ăn. Đây là bọn man rợ. Không có cách nào mà hành động chúng để lại thức ăn là một hành động thương hại. Tụi nó muốn phụ nữ và các cô gái sống sót, vì tụi nó muốn hãm hiếp họ lần nữa.”

Mấy ông nhìn nhau.

"Mình làm gì bây giờ?" Một ông hỏi.

Toàn nhìn chằm chằm vào mặt họ. Họ có bảy người, kể cả anh. Định và Hiệp là lính miền Nam Việt Nam trước đó. Hai người trạc ba mươi. Vợ và con họ đã bị mất trong cơn bão. Tuấn là một thanh niên trẻ khoảng hai mươi mấy tuổi. Anh ta là một sinh viên đại học trước năm 1975, và trốn thoát với em gái mình, một trong những nạn nhân bị hiếp. Đạt là một công chức chính phủ Nam Việt Nam cũ, cỡ bốn mươi. Ông trốn thoát với cháu trai, một cậu bé mười ba tuổi. Lực và Lũy, hai anh em trong độ tuổi hai mươi, là giáo viên trường trung học. Hai anh em không có người thân nào khác.

"Tụi mình có để cho tụi nó lập lại hành vi man rợ với các cô và bé gái không?" Toàn hỏi.

"Tất nhiên là không," Định trả lời. "Nhưng mình không làm được chuyện gì cả."

"Tụi nó có cả chục đứa với mã tấu và dao dài," Hiệp nói.

"Mình có thể giấu các cô gái," Lực nói.

Toàn lắc đầu. "Mình giấu họ ở đâu? Hòn đảo này quá nhỏ. Tụi nó luôn luôn có thể tìm thấy họ."

"Và tìm thấy tụi mình luôn," Đạt nói thêm.

Toàn dừng lại. "Mình có hai lựa chọn. Mình có thể để tụi nó hãm hiếp các cô gái lần nữa, và giết tụi mình, hoặc mình có thể đánh lại tụi nó. Tôi có một con dao."

Mọi người chìm vào im lặng.

Sau một lúc, Lũy phá vỡ bầu im lặng. "Tụi mình không thể chống lại tụi nó. Tụi nó có quá nhiều mà mình chỉ có bảy người. Ngay cả nếu mình có dao phay, mình cũng không địch nổi tụi nó, chứ đừng có nói là mình chỉ có một con dao bếp nhỏ xíu."

Lực nói thêm, "Tụi nó là dân đánh cá, khoẻ mạnh và lẹ làng, trong khi tụi mình chỉ là một đám gầy gò ốm yếu."

Đạt gật đầu. "Đúng vậy. Tụi nó sẽ đè bẹp tụi mình một cách dễ dàng. Nhưng tôi không quan tâm nếu mình chết vì đánh tụi nó. Tôi chỉ sợ là tụi nó sẽ tức lên rổi giết chết tất cả các phụ nữ và trẻ em."

Tuấn cắn môi. "Tôi đồng ý. Cho dù tôi thù ghét tụi nó đã giết chết mấy người mình, cưỡng hiếp em gái tôi, cướp bóc tụi mình, tôi nghĩ rằng đánh nhau với tụi nó chỉ là một hành động anh hùng ngu ngốc. Mình sẽ không thể cứu được các cô hoặc chính tụi mình."

Toàn quay sang Định và Hiệp. "Hai anh nghĩ sao?"

Định liếc Hiệp. "Đại úy Toàn, anh từng là sĩ quan Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Hiệp và tôi cũng từng là chiến sĩ trong quân đội. Tụi tôi sẽ theo bất cứ anh quyết định gì."

"Hai anh từ đơn vị nào?"

"Tôi Nhảy Dù," Hiệp nói.

Định do dự. Anh nghĩ đến trận chiến dữ dội tại Xuân Lộc tháng tư năm 1975, nơi anh gần mất mạng. "Tôi là Biệt Động Quân, tiểu đoàn 82."

Toàn mỉm cười. "Một thiên thần mũ đỏ và một con beo đen."

Đạt mỉa mai. "Tôi không có ý xúc phạm quý vị, nhưng Long là Đại úy Thủy Quân Lục Chiến và coi chuyện gì xảy đến với anh ta."

Câu hắn nói làm sôi máu Toàn, nhưng trong suốt thời gian trong trại tù cải tạo, anh đã học được cách tự chủ.

"Nhận xét anh được ghi nhận nhưng không cần thiết," anh nói một cách bình tĩnh. "Đừng quên rằng Long chết để chúng ta sống. Nhưng chúng ta không nói về chuyện đó. Tụi mình cần phải đoàn kết để đối phó với vấn đề hiện tại."

"Làm sao mình làm chuyện đó được?" Tuấn lo lắng hỏi.

"Mình cần một kế hoạch," Toàn trả lời. "Tựu trung là mình phải dụ một hoặc hai tên trong đám tụi nó vào một chỗ mà sáu người trong tụi mình có thể vô hiệu hóa và tước vũ khí tụi nó. Sau đó, tụi mình sẽ cùng đi ra và thách thức tụi nó."

"Tại sao chỉ có sáu? Mình có bảy người mà."

"Mình cần một người để chia trí tụi nó tại bãi biển."

"Làm sao mình dụ tụi nó được?"

"Dùng một trong những mục tiêu của tụi nó, một trong các cô. Cô đó có thể chạy xa tụi nó ngay khi chúng phát hiện ra cô ấy, và mình chỉ chờ đám theo đuổi và phục kích chúng."

"Ở đâu?"

"Chỗ này là nơi hoàn hảo cho phục kích. Ở đây trên mặt đất cao, nơi có mấy tảng đá và cây cối."

Mọi người nhìn về mặt đất cao.

"Mấy phụ nữ và các cô gái quá yếu, không chạy được đâu," Đạt nói ngập ngừng.

"Cô ta không phải chạy xa," Toàn nói. "Cô ta có thể chỉ đứng gần ngay chỗ đó. Tụi mình sẽ ở ngay đằng sau cô ta."

Mọi người nhìn nhau. Vẻ mặt họ đắm chìm trong suy nghĩ.

Toàn liếc nhìn đám trẻ em. Chúng đang tập trung quanh các cô, giúp họ với những vết thương. Kiệt đang giúp một cô ngồi dậy.

Anh quay sang bọn họ. "Khi chúng ta quyết định rời khỏi Việt Nam, chúng ta đã quyết tâm không quay trở lại. Chúng ta đã hy sinh tất cả mọi thứ để chạy thoát bởi vì chúng ta không thể chịu đựng sự tàn bạo của chính phủ. Chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra với chúng ta, kể cả cái chết. Tôi đã mất đi người vợ của tôi. Định và Hiệp mất cả gia đình họ. Em gái Tuấn là một nạn nhân của đám cướp biển. Đạt, Lực và Lũy, ba anh không bị mất ai trong gia đình, và tôi có thể hiểu được ý muốn sống mạnh mẽ của các anh. Nhưng thực ra, chúng ta đã mất tất cả vào ngày cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam. Chúng ta không còn gì để mất nữa trong cuộc chiến đấu chống lại bọn hải tặc này."

Mắt Định đỏ lên và nước mắt đọng vành mắt Hiệp.

Toàn nuốt nước bọt. "Tôi không phải là người tôn giáo, nhưng tôi tin vào một lực toàn năng hiện hữu một nơi nào đó để hướng dẫn tụi mình. Hãy suy nghĩ về lý do mình sống sót sau cơn bão tàn bạo và lý do tại sao mình được cứu bởi những ngư dân cho mình thực phẩm và nhiên liệu. Nếu Trời Phật không màng gì đến mình, tụi mình có thể đã chết hoàn toàn, nếu không phải do cơn bão, thì cũng vì đói khát. Những tên cướp biển này là thử nghiệm cuối cùng từ Trời Phật để thử sự kiên trì, lòng can đảm, và quyết tâm của mình."

Những lời cuối cùng của anh đánh mạnh vào mọi người. Mặt họ sáng lên. Hiệp lau nước mắt.

"Mình làm đi," Đạt nói.

Mấy người còn lại gật đầu. Họ đặt bàn tay họ ra và xiết chặt tay nhau.

Đêm đó, họ thảo luận kế hoạch cùng với các phụ nữ và các cô gái. Họ thiết lập vị trí canh gác và thay phiên nhau ra gác.

Những người đàn ông ngủ trên bãi biển trong khi các phụ nữ và trẻ em ngủ trên mặt đất cao gần đám cây.




"Tụi nó đến," một cậu bé hét lên từ bãi biển. Cậu ta đang đứng trên một tảng đá, canh chừng biển. Bây giờ đang sáng sớm.

Toàn đứng dậy. "Tản ra theo kế hoạch," anh hét lên với tất cả mọi người.

Tất cả các cô gái và trẻ em chạy tản mát, núp sau những tảng đá lớn hoặc mấy thân cây. Họ ló đầu ra.

Kim Anh hiện ra từ một tảng đá trên mặt đất cao và vẫy tay chào các ông đang leo lên dốc dẫn đến cô. Theo kế hoạch, Kim Anh sẽ dụ một số tên hải tặc leo lên. Xa hơn gần bãi biển, Định sẽ dẫn đầu một nhóm sáu cô để chia trí đám cướp biển. Mấy ông còn lại sẽ núp sau Kim Anh.

Toàn bước đến Kim Anh, anh đặt tay lên vai cô. "Đừng sợ, mấy chú ở ngay sau cháu."

Đêm trước đó, khi Toàn hỏi một người tình nguyện đứng trên mặt đất cao, cô là người đầu tiên giơ tay lên. Toàn không muốn cô làm chuyện đó vì cô ấy vẫn còn yếu sau kinh nghiệm khủng khiếp của cô, nhưng cô nài nỉ. Nhìn nét mặt cương quyết và cặp mắt long lên sòng sọc của cô, Toàn không thể từ chối.

Bây giờ, cũng với cặp mắt long lên, cô nói, "Chú Toàn, cháu không sợ tụi nó."

Toàn mỉm cười. "Được lắm. Thượng đế đang canh chừng tụi mình."

"Cháu biết."

Toàn và Hiệp quỳ xuống sau một thân cây lớn, khoảng năm mét cách tảng đá Kim Anh đang đứng. Tuấn, Đạt, Lực, Lũy ngồi xổm bên thân cây gần đó, mặt họ căng thẳng. Toàn rút dao ra, nắm chặt cán và đặt nó xuống để tránh ánh phản chiếu từ ánh nắng mặt trời. Anh nhìn đám trẻ và thấy Kiệt đứng với một cậu bé sau một tảng đá lớn, y như đã được dặn. Từ chỗ anh, anh có thể thấy cả bãi biển. Mọi thứ dường như được theo dự tính.

Ngay sau đó, đám cướp biển đến.

Toàn vô cùng kinh hoàng khi thấy chúng. Chúng không đến với một chiếc thuyền. Và có hơn mười lăm tên.

Hai chiếc thuyền xuất hiện khoảng mười mét từ bãi biển. Hàng chục tên cởi trần, tóc dài da sậm mặc sà rông nhảy ra khỏi thuyền và lao vào bờ. Chúng lập tức lan ra, vung mã tấu và dao dài, và hét lên như đàn chó hoang.

"Trời, tụi nó đông quá!" Đạt la lên.

Ít nhất là ba mươi tên. Mấy đám ngư dân khác chắc là nghe nói từ đám đầu tiên về các thuyền nhân trên đảo.

Kim Anh cúi người xuống. Cô quay đầu sang Toàn. "Chú Toàn, cháu làm gì bây giờ?"

Toàn cố gắng tự trấn tĩnh. "Cháu cứ bình tĩnh và làm y như kế hoạch."

"Anh vẫn muốn làm hả?" Đạt hỏi, giọng run run.

Toàn cao giọng. "Ừ, đương nhiên. Mọi người phải bình tĩnh."

Trên bãi biển, Định và sáu cô dường như hoảng kinh. Họ nhảy ra khỏi nơi ẩn núp và tuôn ra rải rác mọi hướng. Đám cướp biển thấy họ và một số chạy theo họ.

Kim Anh đứng lên. Trước sự kinh hoàng của Toàn, cô kéo áo cô xuống, để lộ làn da trắng và cặp ngực nhỏ. Toàn định nói với cô che lại, nhưng nhận ra cô ấy làm một chuyện đúng. Cô đứng ở trên cao cách bãi biển, xa khỏi đám cướp biển, và chúng có thể không nhận ra cô là con gái vì cô cắt tóc ngắn như một cậu bé.

Một toán cướp biển thấy cô. Chúng chỉ dao phay về phía cô và vài tên xông lên, vẻ mặt hoan hỉ rạng rỡ. Kim Anh có vẻ sợ sệt. Cô trượt chân và hơi bị mất thăng bằng, nhưng cố gắng đứng dậy.

"Chú Toàn," cô hạ thấp giọng. "Một thằng là thằng đến hôm qua."

Toàn thì thầm, "Được rồi, cháu cứ cẩn thận. Nhớ chạy trở lại ngay khi tụi nó đến chỗ cháu."

Lối đi dốc dẫn đến Kim Anh đầy rẫy những hòn đá nhỏ mà họ đã rải ra trước đó. Toán cướp biển leo lên một cách khó khăn. Chúng không chạy nhanh được và chỉ có thể bước đi hàng một, tên này nối đuôi tên kia. Toàn đếm tám tên. Tên đi đầu là một tên lực lưỡng có sẹo trên mặt. Toàn nhận ra ngay hắn là tên đã giết Long. Hắn cầm một thanh mã tấu sáng quắc. Cặp mắt hắn sáng rực lên hăm hở và sự hối hả của hắn cho thấy hắn muốn là người đầu tiên chụp Kim Anh.

Khi hắn cách Kim Anh khoảng hai mét, cô quay lại và chạy về phía thân cây chỗ Toàn và mấy người đang chờ. Toàn chuyển tư thế, dồn sức nặng lên hai chân. Cô chạy qua thân cây và kẻ rượt cô ở ngay phía sau cô.

Cuộc tấn công thật là chớp nhoáng.

Toàn nhảy tới tên cướp biển mặt sẹo và vung con dao vào cổ họng hắn. Giòng máu ấm phun vào mặt Toàn. Nạn nhân không kêu lên được một tiếng. Hắn ngã xuống, tạo nên một âm thanh nặng nề khi chiếc mã tấu văng ra khỏi tay hắn.

"Chụp cây mã tấu," Toàn vừa hét lên vừa rút dao ra và đâm lại một lần nữa vào ngực tên cướp biển. "Đây là cho anh, Long."

Hiệp chụp lấy cây mã tấu và phóng tới tên cướp biển theo sau vừa mới leo tới tảng đá. Người cựu lính dù VNCH cắt cổ tên cướp biển và huých khuỷu tay vào thân hình gục ngã của hắn sang một bên. Anh chém vào tên kế tiếp; hắn né nhưng nhát chém cắt vào cánh tay hắn. Tên cướp biển hét lên đau đớn và ngã xuống.

Mấy tên cướp biển còn lại la hét hốt hoảng và tản mát ra. Toàn lượm con dao dài của tên cướp biển ngã gục và phóng theo chúng. Một tên nhảy về phía anh, con dao to dài chỉa về phía trước. Toàn bung người ra sau, chỉ cách lưỡi dao vài phân. Tên cướp biển xông tới, nhưng một viên đá bay từ phía sau Toàn, giáng vào đầu hắn. Hắn ngã lăn xuống dốc. Toàn nhảy sau hắn, đâm mạnh con dao vào bụng hắn. Thân hình hắn lăn xuống, nhưng Toàn giữ nó lại bằng cách giữ chặt con dao. Sức dằng co xé thịt hắn, máu bắn tung tóe khắp nơi trên người hắn, và hắn gào lên thảm thiết. Toàn chụp lấy con dao to dài và đẩy thân hình hắn xuống. Anh quay lại và thấy Tuấn, Đạt, Lực, Lũy bắn mình xuống dốc, đuổi theo những tên cướp biển còn lại đang chạy ngược về bãi biển. Kim Anh đứng ở mép dốc. Cô cầm một tảng đá trước ngực cô bây giờ hoàn toàn che lại.

Toàn ném con dao to dài sang Tuấn và Tuấn chụp lấy nó. Toàn thấy bọn anh ai cũng có vũ khí lưỡi sắc bén.

"Đuổi theo tụi nó," anh hét lên.

Mọi chuyện xảy ra quá nhanh đến nỗi đám cướp biển rải rác trên bãi biển vẫn không hiểu rõ những gì đã xảy ra. Một đám đang đuổi theo các cô gái và Định. Một tên nắm được một cô và đè cô ta xuống. Hắn chẳng thèm để ý những gì đang xảy ra chung quanh hắn.

Chỉ tới khi bốn tên cướp biển chạy ngược lại từ lối đi dốc và hét lên với chúng trong ngôn ngữ chúng, bọn chúng mới biết những gì xảy ra. Tới lúc đó, chuyện đã quá muộn.

Như một đàn sư tử đói đuổi theo đám linh cẩu, Toàn và bọn anh lao vào đám cướp biển rối loạn với cơn hận thù đốt cháy. Toàn lấy được một thanh mã tấu lớn từ một tên cướp biển bị thương. Anh chém, chặt, xẻo những thân hình cởi trần khi anh chạy qua chúng. Máu, bộ phận cơ thể, quần sà rông, khăn xếp, và dao bay tứ tung.

Hiệp nhảy vào tên cướp biển ̣đang ̣đè cô gái trên mặt đất. Tên cướp biển ngẩng đầu lên với nét mặt sửng sốt. Hắn không có một dịp nào. Thanh mã tấu cắt qua cổ hắn. Thân thể trần truồng của hắn ngã ra, máu phọt thành vòi. Cô gái cầm dao rựa của hắn và ném tới Định đang chạy tới cô.

Bãi biển trở thành một bãi chiến trường khiếp đảm. Các cô tham gia với các ông. Dường như bất cứ ai với một dao rựa hoặc một con dao dài có thể là một chiến sĩ ghê gớm. Các em cũng ném đá và sỏi vào những tên cướp biển. Cùng với nhau, các thuyền nhân chiến đấu với sức mãnh liệt. Họ vẫn còn ít người hơn đám cướp biển, nhưng sự bướng bỉnh hung dữ của họ làm kẻ thù kinh ngạc, ngay cả với chính họ.

Toàn bị ba tên cướp biển lực lưỡng vây quanh với dao phay và dùi cui lớn. Anh né tránh một cú chặt dao rựa và quét thanh mã tấu của anh, cắt chân đối thủ. Anh vung thanh mã tấu lên, chặn một cú chặt khác, nhưng một tên quất vào chân anh với cây dùi cui. Kẻ tấn công quất vào cùng chân anh mấy lần với sức mạnh ác hiểm. Anh quỳ xuống, thét lên đau đớn, rồi cố gắng bám chặt cán thanh mã tấu. Anh quay mình và chém tên cướp biển ở sau anh. Anh đứng dậy, nhưng ngã trở lại xuống. Cơn đau đớn thấu xương. Anh lăn mình trên mặt đất để tránh một cú đánh dùi cui, nhưng kẻ thù anh không để anh thoát, nhảy về phía anh, và giơ cao cây dùi cui. Toàn thu hết tất cả năng lực, nhảy lên với chiếc mã tấu, và đâm lưỡi dao vào đối thủ của mình. Anh ngã đè lên người tên cướp biển bị ngã gục

Anh lăn trên mặt đất khi thấy ba tên cướp biển chạy về phía anh. Anh đứng dậy và lết người vào một tảng đá gần đó. Anh dựa vào tảng đá, nắm chặt thanh mã tấu. Tuy nhiên, những tên cướp biển không chú ý đến anh. Chúng quát tháo với nhau và khiêng vác những đám bạn bị thương của chúng đến bãi biển.

Anh nhìn ra bãi biển và mỉm cười.

Đám hải tặc rút lui trở lại thuyền chúng, mang theo đám bạn bị thương, nhưng để lại xác chết nằm rải rác trên bờ và lối dốc. Chúng chắc nghĩ là hãm hiếp gái không phải là chuyện đáng chết cho. Chúng nổ máy và vọt đi trong hai chiếc tàu chúng.

Các thuyền nhân loạng choạng về phía Toàn. Các em reo hò hoan hô ầm ĩ và chạy xuống từ các tảng đá. Họ vỗ tay và hát.




"Chú Toàn, bây giờ chú thấy sao rồi?" Giọng nói Kim Anh mang Toàn ra khỏi cơn suy tư.

Anh ngồi dậy và mỉm cười với cô gái trẻ. "Chú thấy đỡ lắm rồi."

Anh ngồi trên mặt đất cao, dựa vào thân cây. Kim Anh quỳ xuống bên cạnh anh, liếc nhìn chân hơi sưng lên của anh.

"Liệu chân chú vẫn còn đau không?" Cô hỏi.

"Không, nếu chú không đụng đến nó."

"Cháu mong là chân chú sẽ lành lại ngay."

"Chú cũng hy vọng như vậy. Nó cũng bớt sưng rồi. Một số xương có thể bị gẫy, nhưng chắc sẽ lành với thời gian. "

Kim Anh nhìn chằm chằm vào anh. "Chú Toàn, cháu muốn cảm ơn chú đã giúp tụi cháu."

"Chú đâu có làm gì đâu. Tụi mình làm việc cùng nhau mà."

"Nếu không có chú, tụi cháu không thể làm việc cùng với nhau được."

"Nếu không có cháu ném đá vào tên cướp biển, chú có thể đã bị giết chết rồi."

Kim Anh cười. "Cháu ném ngay chóc trúng đầu nó phải không?"

"Ừ, ngay chóc."

"Cháu mừng là mọi chuyện đã xong xuôi."

Toàn dừng lại. Anh không biết cuộc tranh đấu của họ đã xong chưa. Đám cướp biển đã bị đuổi đi, và chắc chúng đã loan tin trong bọn chúng.

Ba ngày đã trôi qua và tất cả mọi chuyện khá yên tịnh. Không có tàu, thuyền, nhưng cũng không có bọn cướp biển. Cuộc chiến là một chiến thắng không thể tin được. Họ đã tiêu diệt sáu tên cướp biển trong khi chỉ có ba người trong bọn họ bị thương. Toàn bị gẫy chân, Đạt bị cắt trên cánh tay; và lưng Hiệp bị xẻo nhưng vết xẻo không sâu lắm.

Họ khám phá một nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp bởi các sinh vật biển quanh đảo. Cá chép biển, trai, và thậm chí cả mực. Họ tạo ra lửa bằng cách dùng một bản hơ lửa và một trục quay làm từ các cành cây. Với lửa, họ nấu chín các sinh vật biển và chưng cất nước biển để làm nước ngọt. Họ xây nơi trú ẩn thô thiển từ đá, lá, cành cây. Các bà và các cô gái đã phục hồi sau kinh nghiệm đau thương của họ, nhưng chỉ về thể chất, những vết thương tinh thần sẽ ở với họ mãi mãi. Đám trẻ em chơi trên bãi biển cả ngày. Tiếng cười vang vang khắp nơi. Họ có thể sống trên đảo trong vài tháng.

Nhưng họ không thể sống ở đó mãi mãi. Sớm muộn gì, họ sẽ cần sự săn sóc y tế và các chăm sóc căn bản khác. Bên cạnh đó, họ không liều mạng sống và bỏ đất nước, bạn bè và gia đình chỉ để sống trên một hòn đảo.

"Mẹ của cháu thế nào rồi?" Toàn hỏi.

"Mẹ cháu đỡ lắm rồi," Kim Anh nói. "Sáng nay, mẹ cháu vui mừng khi chú Định mang lại một nắm cá. Mẹ cháu muốn nấu một món ăn ngon cho tụi cháu, nhưng khi mẹ cháu phát hiện ra không có đầy đủ gia vị, mẹ cháu rất là bực bội."

Toàn cười. "Trời, cháu nhắc chú nhớ tới món canh chua cá lóc."

Nét mặt Kim Anh trở nên ảm đạm. "Bố cháu rất thích canh chua cá lóc."

Toàn thở dài. Kim Anh đã vui trong những ngày qua. Cô mỉm cười và nói chuyện nhiều hơn, chơi nhạc và hát với các em. Cái chấn thương tạo bởi đám cướp biển dường như mờ dần và cô đã trở lại hoạt động như một cô gái mười lăm tuổi bình thường. Nhưng anh biết rất khó cho cô ấy phục hồi đầy đủ. Thỉnh thoảng, cô dừng lại bất cứ chuyện gì cô đang làm và nhìn ra biển với đôi mắt mất hồn. Một ngày, anh phát hiện ra cô ngồi trên bãi biển trên một tảng đá và nhìn đăm đăm vào những cơn sóng hàng giờ. Cô ấy đang nhớ cha cô.

"Bố cháu làm gì?" Anh hỏi, hy vọng nói chuyện về ông ta sẽ làm dịu cơn đau của cô.

"Bố cháu từng là Thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cũng giống như chú."

"Thật không? Cháu có biết bố cháu thuộc đơn vị gì không? "

Mắt Kim Ánh sáng lên. "Bố cháu là Thủy quân lục chiến."

Toàn gật đầu. Anh nhớ lại nghe một cuộc trò chuyện giữa Long và cha cô lúc đầu cuộc hành trình. Họ đã nói chuyện về những đồng đội ngã gục của họ.

"Bố cháu ở trong trại cải tạo bao lâu?" Anh hỏi.

"Hơn ba năm. Bố cháu có thể ở lại lâu hơn vì cấp bậc ông, nhưng gia đình cháu có một người thân từ miền Bắc và ông ấy chạy cho bố cháu được ra trại sớm."

"Chú hiểu."

"Bố cháu là một chiến sĩ."

"Đương nhiên. Bố cháu là TQLC, một trong những đơn vị chiến đấu giỏi nhất của phe mình."

"Không, cháu không nói là trong chiến đấu. Bố cháu là một chiến sĩ tinh thần. Bố dạy tụi cháu đứng lên chống lại mọi bất công và áp bức và chiến đấu cho tự do."

Mặt cô tươi lên trong ánh nắng rạng rỡ. Cô không còn là một nạn nhân bất hạnh của biển cả ác hiểm hoặc bọn hải tặc man rợ.

Toàn mỉm cười. "Bố cháu sẽ hãnh diện về cháu. Cháu thật là một chiến sĩ. Một chiến sĩ cho tự do."

"Tất cả chúng ta đều là những chiến sĩ cho tự do."

"Ừ, nhất là những người đã chết."

Kim Anh nhìn anh với sự thông cảm. "Cháu rất tiếc về thím."

Toàn thở dài. "Cảm ơn cháu, nhưng cái chết của vợ chú, như bố cháu, cho chúng ta sức mạnh để tồn tại. Trong một cách, họ chết để chúng ta sống."

"Đúng vậy."

Một sự nhốn nháo trên bãi biển gián đoạn cuộc trò chuyện của họ.

Kim Anh đứng lên. "Chuyện gì xảy ra ở dưới đó?"

Cô nhìn ra biển và la lên, "Trời, chú Toàn, một chiếc tàu đang tiến về phía mỉnh."

Một con tàu? Không phải là một chiếc thuyền đánh cá? Toàn nhớ đến dấu hiệu S.O.S. tạm thời họ đã đặt lên trên cây hai ngày trước đó. Có thể nào một con tàu cấp cứu đã phát hiện dấu hiệu?

Anh nheo mắt, nhìn về phía biển. Một dấu chấm xuất hiện lớn dần và lớn dần trên mặt nước từ xa.

Không thể nhầm lẫn được.

Một chiếc tàu hải quân khổng lồ đang di chuyển về phía đảo.

Anh thở dài nhẹ nhõm. "Đã đến lúc."

Ghi chú lịch sử và sự kiện

Những câu chuyện thuyền nhân được biết đến rất nhiều và đã được báo cáo trong nhiều sách và tài liệu (Cargill 2001; Freeman 1995, 33-34; Isaac 1997, 149-161; Vo 2005; Vu 2005). Nhiều câu chuyện có tính cách riêng tư và mô tả những kinh nghiệm cá nhân kinh hoàng trốn thoát ra khỏi cộng sản Việt Nam sau khi miền Nam Việt Nam xụp đổ vào tháng 4 năm 1975. Sự chạy trốn của người Việt ra khỏi đất nước của chính họ là cuộc di cư dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại trong thời gian hòa bình. Ít nhất 800.000 người Việt Nam đã trốn thoát thành công bằng thuyền tới mười quốc gia quanh đó từ năm 1975 đến 1995 (UNHCR 2000, 98; Vu 2005, ix; Vo 2005, 2) Một số lượng không biết chính xác, có thể có đến nửa triệu, đã chết trong nỗ lực trốn thoát của họ - bởi khát hoặc đói, chết đuối trong bão, bệnh tật, hoặc dưới bàn tay cướp biển (Vu 2005, ix).

Con đường được thuyền nhân dùng thường nhất là đường tây nam đi tới Malaysia, Thái Lan, và Indonesia. Đường này cũng là đường nguy hiểm nhất vì cướp biển (Vo 2005, 137). Cướp biển vi phạm nhiều hành vi tàn bạo trên thuyền nhân, gồm cả cướp, hãm hiếp, giết, và bóc lột. Trong những năm đầu, những vụ giết người của các nạn nhân là tùy hứng, nhưng sau đó trở thành cố tình để che giấu hành vi chúng (Vo 2005, 144). Phụ nữ bôi mặt và da họ với bồ muội than hoặc dầu máy để che giấu làn da trắng trẻo của họ và khiến họ thiếu hấp dẫn với đám cướp biển. Tuy nhiên, đám cướp biển biết về thủ thuật này và chúng chỉ cần ra lệnh nạn nhân tắm rửa, rồi hãm hiếp họ (sđd., 145). "Các em bé gái nhỏ đến sáu tuổi cũng bị tấn công tình dục" (U.S. Committee 1984, 5). Chỉ trong trường hợp hiếm hoi là những thuyền nhân có thể đẩy lùi bọn cướp biển tấn công. Trong một trường hợp, người tị nạn trên một chiếc thuyền 71-foot với 687 người trên thuyền đã chiến đấu cướp biển bằng gậy chống lại dao và xua đuổi đám cướp biển đi sau một giờ đánh nhau (Vo 2005, 149-150).

Bài hát "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" là một bài hát nổi tiếng viết bởi Nguyễn Đức Quang trong thập niên 1960. Để phổ biến bài hát cho những người muốn hát bằng tiếng Anh, tôi dịch bài hát sang tiếng Anh với cùng một số âm tiết như trong phiên bản gốc Việt. Lời bài hát không được dịch từ với từ do sự giới hạn về số âm tiết cho mỗi câu thơ và những vần điệu, nhưng bản dịch truyền đạt chính xác bản chất của bài hát.

© 2014 Cao-Đắc Tuấn ________________________________________
Tài liệu tham khảo

1. Cargill, Mary Terrell and Jade Quang Huynh. 2001. Voices of Vietnamese Boat People: Nineteen Narratives of Escape and Survival, McFarland & Company, North Carolina, U.S.A.

2. Freeman, James M. 1995. Changing Identities: Vietnamese Americans, 1975-1995. Allyn and Bacon, Massachusetts, U.S.A.

3. Isaacs, Arnold R. 1997. Vietnam Shadows: The War, Its Ghosts, and Its Legacy, The Johns Hopkins University Press, Maryland, U.S.A.

4. UNHCR (United Nations High Commissioner for Refugees). 2000. The State of the World’s Refugees – Fifty Years of Humanitarian Action. Oxford University Press, New York, U.S.A.

5. U.S. Committee for Refugees. 1984. Vietnamese Boat People – Pirates’ Vulnerable Prey. U.S. Committee for Refugees, New York, U.S.A.

6. Vo, Nghia M. 2005. Vietnamese Boat People, 1954 and 1975-1992, McFarland & Company, North Carolina, U.S.A.

7. Vu, Nguy (Ed.) and Richard H. Sindt (Consult. Ed.). 2005. Risking Death to Find Freedom: Thirty Escape Stories by Vietnamese Boat People, NV Press, California, U.S.A.

0 comments:

Powered By Blogger