Loài người đang sống trong thời đại tin học, thế giới nhờ vào những
tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã cải thiện mọi mặt cho môi trường sống,
làm việc tốt hơn và giúp cho nhiệm vụ quản trị, điều hành quốc gia ngày
càng hữu hiệu hơn. Có lẽ mọi người đều thấy, với phương tiện tin học
hiện đại đã giúp chính quyền tinh giản bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả trở
nên gọn nhẹ hiệu quả hơn và giúp cho chính phủ hữu hiệu hơn trong vai
trò làm trọng tài kiểm soát môi trường kinh doanh sản xuất minh bạch,
giám sát cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho nền kinh tế thị trường.
Nhất là với công cụ tin học có những tính năng gần như “phép lạ” của
thời đại nông nghiệp đã buộc chính trị gia, những ai tham gia công việc
chính quyền phải biết tự kiểm soát, tự chế tham vọng quyền lực, quyền
lợi và thói hư tật xấu trong mỗi con người trần tục vốn có.
Công cụ tin học cũng đã góp phần giám sát, ngăn chận, loại trừ ra khỏi
quyền lực nhà nước những chính trị gia giảo quyệt, suy thoái đạo đức,
nói một đường làm một nẻo, hứa cuội hứa lèo, nói dóc nói láo mà tưởng là
khôn ngoan không ai biết, giống như thuở loài người còn sống trong tư
duy lạc hậu của thời đại nông nghiệp. Đó chỉ là vài ba tính năng của
công cụ tin học tác động đến làm thay đổi bộ mặt của nhiều quốc gia theo
chính thể dân chủ, tiến nhanh về hướng văn minh, tiến bộ của thời đại
tin học (Information Age.)
Điều đáng buồn cho đất nước Việt Nam là nhân loại khắp nơi trên thế giới
tiến về ánh sáng văn minh của thời đại tin học thì lãnh đạo đảng cộng
sản Việt Nam, một đảng chính trị độc quyền lãnh đạo nhà nước xã hội vẫn
còn mang tư duy, tầm nhìn của loài người sống trong thời đại nông
nghiệp, thuở con trâu đi trước lưỡi cày, thuở con người chỉ biết trông
chờ vào phép lạ của thần linh ban phát, gia ân để được sống trong giàu
sang sung túc, hạnh phúc ấm no.
Nội dung bài viết này sẽ không đứng trên quan điểm, lập trường chính trị
để chỉ ra hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục của đảng cộng sản
trong vai trò lãnh đạo hoạch định chính sách chủ trương đường lối xây
dựng, phát triển đất nước mà chỉ nhận định trên phương diện kinh tế, xã
hội thuần túy, nằm dưới sự lãnh đạo của đảng, chế độ cộng sản Việt Nam.
Bài viết cũng không làm công việc đọc, phân tích những bản báo cáo tình
hình kinh tế vĩ mô của các chuyên gia kinh tế trực thuộc bộ máy đảng,
nhà nước vì đã có những chuyên gia, kinh tế gia, doanh gia... sống thở
hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, có năng khiếu viết, có nhận định sâu sắc, có ngòi bút sắc bén chỉ
ra những yếu kém, bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế
xã hội như các ông Phan Châu Thành, Alan Phan...
Ngoài ra cũng có một số doanh gia chuyên gia, những người nhập cuộc chơi
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ ra, là làm kinh
doanh theo kiểu cách nào cũng chết dưới tay của cộng sản. Từ cách sử
dụng tiêu cực móc ngoặc để chiếm lĩnh thị trường kinh doanh đến dựa vào
thế lực, đường dây của một ông trùm trong bộ chính trị lẫn cách làm ngơ
các vấn đề chính trị xã hội chỉ tập trung trí tuệ vào kinh doanh, nghĩa
là kinh doanh phi chính trị... và những phương cách đó đều thất bại.
Những thất bại đó đối với những người thiếu bản lãnh thì kẻ vào tù, kẻ
bỏ của chạy lấy người và còn đối với những ai có bản lãnh thì ngậm ngùi
bỏ cuộc, rời bỏ nền kinh tế quái thai không thể sửa chữa bởi sự lãnh đạo
của đảng cộng sản Việt Nam - các bộ óc có suy nghĩ, tầm nhìn nông dân
của thời đại nông nghiệp.
Chính vì tầm nhìn nông nghiệp của các tên lãnh đạo cộng sản được các trí
thức xã hội chủ nghĩa bao quanh làm công tác hoạch định chính sách mang
tư duy nông dân cộng với lưu manh của những kẻ du thủ du thực, tức là
chỉ có tài lươn lẹo, ăn cắp, cướp bóc nên các tập đoàn kinh tế nhà nước
mang tên Vina thi nhau nổ tung để lại những đống sắt vụn, kèm theo núi
nợ công khổng lồ đè nặng trên đôi vai còm cõi của người dân Việt Nam.
Cùng với các tập đoàn kinh tế Vina làm chủ đạo, là các tập đoàn thủy
điện, khoáng sản, khí đốt... đã đào bới, san lấp, khoan hút cạn kiệt tài
nguyên, hủy hoại tàn phá môi trường như các anh nông dân cày cuốc lồi
lõm tàn phá cảnh quang, hủy hoại tiềm năng phát triển rồi bỏ hoang hóa,
không cần biết tương lai dân nước đủ điều kiện cần và đủ, cần tài nguyên
khoáng sản để xây dựng, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ ra
sau ngày sau?
Có lẽ, với những người có tư duy bình thường, không cần đến tư duy của
tầng lớp trí thức có thực tài, ai cũng có thể nhận biết du lịch là ngành
kỹ nghệ không khói ít tác hại, ít gây ô nhiểm môi trường sống so với
các ngành kỹ nghệ gia công, sản xuất, chế biến.... Du lịch cũng là ngành
kỹ nghệ ngon ăn, dễ kiếm tiền nhất so với các ngành kỹ nghệ khác vì
những người đi du lịch đa phần là hào phóng, bạo chi và những người chịu
đi chơi là chịu xài tiền, ít so đo cân nhắc hơn những lúc bình thường.
Thế nhưng hơn mười năm phát triển ngành du lịch, với các bộ óc nông dân
sống trong thời đại nông nghiệp cùng với bản chất gian manh cộng sản,
chỉ trực chờ ăn cướp lẫn ăn cắp nên các lãnh đạo có trách nhiệm chỉ đạo
ngành du lịch vẫn không định được mô hình cho hướng phát triển của ngành
du lịch.
Hiện nay quy hoạch du lịch chưa tạo được sự liên kết tổng thể của một
chiến lược phát triển du lịch có chiều sâu, có tầm nhìn liên tục bền
vững sau hơn thập kỷ phát triển. Tất cả vẫn còn manh mún rời rạc, các
địa phương làm du lịch theo kiểu tự phát, ăn xổi ở thì mạnh ai nấy làm
theo cách của những anh nông dân vai u thịt bắp của thế kỷ trước nên đã
để lại hậu quả khó khắc phục - dù Việt Nam có những “đặc sản” về thiên
nhiên, ẩm thực và “đặc sắc” về thòi tiết, phong cảnh tuyệt đẹp… hơn hẳn
các nước trong khu vực lẫn một số nơi nổi tiếng về ngành du lịch nhưng
Việt Nam chưa khai thác được thế mạnh du lịch của mình.
Không những không khai thác đưọc thế mạnh du lịch mà các ông bà lãnh đạo
nhà nước, xã hội lại còn phá hoại những ưu thế du lịch của Việt Nam do
tư duy của những anh ngố về thành. Cụ thể là du khách của các xứ phát
triển, có thừa “đô” đến Việt Nam tiêu tiền không phải họ đến Việt Nam để
chiêm ngưỡng các cao ốc vì xứ sở của họ thừa thãi cao ốc để “tham
quan”. Các ông bà lãnh đạo cộng sản không hiểu rằng, mục đích du khách
của các nước giàu đến du lịch Việt Nam là để tìm hiểu, để tận mắt thấy
nét văn hóa con người, kiến trúc cổ, di tích lịch sử có tuổi thọ trăm
năm, ngàn năm như di tích đền Hùng, chùa chiền miếu mạo lăng tẩm của các
triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Cụ thể là Đền Hùng, đền thờ các anh hùng liệt nữ như Hai bà Trưng, Bà
Triệu, Đức Lý Thường kiệt, Đức Thánh Trần, Đức Nguyễn Trải... Các danh
nhân văn hóa như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ,
Nguyễn Du... Các kiến trúc như Hoàng Thành Thăng Long, Hoàng Thành Huế,
Phố Cổ Hà Nội, Phố Cổ Hội An... Các chùa chiền, thánh thất, nhà thờ như
chùa Hương, chùa Thiên Mụ, chùa Một Cột...Thánh Địa Hòa hảo, Tòa Thánh
Tây Ninh, Nhà thờ Đức Bà...cùng với các kiến trúc thời Pháp thuộc...
Những thứ có giá trị văn hóa lịch sử cần giữ gìn, bảo trì, tôn tạo để
thu hút khách du lịch như vừa kể, không những không được trân trọng bảo
tồn lại bị phá đi để xây dựng trung tâm thương mãi, nhà cao tầng hay bỏ
cho hoang phế nhếch nhác hoặc đưa vào sử dụng phục vụ du lịch thì bừa
bộn như trẻ em chơi nhà chòi, thậm chí cầu tiêu phục vụ cho khách du
lịch cũng không giống ai, hôi thúi nồng nặc, có nơi dòi bọ lúc nhúc như
tra tấn thị giác, khứu giác những khách du lịch quen sống với môi trường
vệ sinh, trật tự văn minh, thế thì bảo sao khách du lịch đến một lần là
“một đi không trở lại...”
Đến xây dựng, phát triển đất nước sau mấy mươi năm nhìn lại thật sự là
không có gì... như đưòng điện Bắc- Nam, nhà máy lọc dầu Dung Quốc, nhà
máy tuyển quặng boxit Tây Nguyên... chỉ thể hiện rõ nét các lãnh đạo
cộng sản Việt Nam sống trong thời đại tin học mà mang tư duy, tầm nhìn
của ông bà nông dân sống trong thời đại nông nghiệp. Rõ hơn nữa là đảng,
nhà nước hô hào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhận viện ODA đầu tư
giàn trải bất kể có cần thiết và không cần biết có phục vụ nhu cầu phát
triển hiệu quả hay không?
Thế cho nên tỉnh, thành nào cũng thi đua xây dựng khu công nghiệp, phi
cảng, hải cảng, nhà cao tầng, khu gia cư mà không có tầm nhìn, không
thấy được chuyện gì sẽ xảy ra cho 10 năm, 20 năm sắp tới? Chẳng hạn như
mô hình phát triển đô thị thời Pháp thuộc, tiêu chuẩn cho mặt tiền phố
xá có chiều rộng 4 m là hợp lý. Ngày nay nhu cầu cuộc sống có nhiều thay
đổi và nhu cầu sở hữu xe hơi đã trở thành phổ biến ở nhiều nước trên
thế giới, có cả Trung Cộng lẫn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Riêng
nhà giàu Việt Nam cũng đã bắt đầu sắm xe hơi. Thế mà không riêng tỉnh
thành đất đai khan hiếm nên cắt lô, chia nền xây nhà vẫn là 4m – 6m mà
ngay cả những ngoại ô, đất ruộng mênh mông hay các nơi tỉnh lẻ, huyện lỵ
xa xôi vẫn là mặt tiền cho nền nhà vẫn thế và xây dựng đường xá vẫn
mang tư duy Tố Hữu “ ... đường ta rộng thênh thang tám thước...” của hơn
nửa thế kỷ trước.
Nhìn vào cách làm của các ông bà “đỉnh cao trí tuệ” cộng sản, không khỏi
cho người dân ngao ngán, vì khi nhu cầu phát triển đường xá phải mở
rộng lớn hơn nữa để giải quyết giao thông tắc nghẻn. Chẳng lẽ lại phải
“tuyên truyền giáo dục” cho dân chúng vì lợi ích chung, vì chủ trương
đúng đắn của đảng, nhà nước lại phải nhận tiền giải tỏa đền bù? Cũng như
khi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thành công” người
dân giàu lên, giảm xe hai bánh và làm chủ xe bốn bánh nhiều như các nước
trên thế giới thì chỗ đâu để đậu xe hơi với 4m -6m mặt tiền của lô đất
nền?. Chẳng lẽ lại vận dụng truyền thông loa đài hô hào dân cùng nhà
nước khắc phục khó khăn chỗ đậu xe hay lại chê bai dân trí thấp không
“chịu” làm mặt tiền nhà đủ rộng để đậu xe?
Cũng trong cái gói xây dựng, phát triển đất nước độc quyền của đảng lãnh
đạo, có mô hình dùng tay đào cuốc làm hệ thống ống cống thoát nước cho
một số chợ quê, chợ tỉnh để cho chợ bớt lầy lội dơ bẩn, hôi thúi thì các
ông lãnh đạo, làm công tác chỉ đạo rất máy móc, rất đặc thù nông dân ra
lệnh đào bề mặt rộng bao nhiêu, bề sâu sâu bao nhiêu, không tính đến độ
nghiêng cho cống thoát nước, cả không tính đến mực nước sông cao nhất
trong những ngày nưóc rong. Kết quả là với ý muốn làm cho chợ, khu phố
khô ráo, sạch sẽ thì những ngày nước rong, nước tràn vào phố, chợ vốn dơ
bẩn hôi thúi càng dơ bẩn hôi thúi hơn nhưng không có ông bà lãnh đạo
nào chịu trách nhiệm và lại còn trơ trẻn đổ cho dân thiếu ý thức đổ rác
thải vô ý thức gây tắc nghẽn cống thoát nước?
Nói tóm lại, các lãnh đạo cộng sản sống ở thời đại tin học mà vẫn còn
mang tư duy, tầm nhìn của thời đại nông nghiệp nên họ không có khả năng
thiết kế xây dựng cầu tiêu, cống rãnh sao cho hợp lý, cho đúng “quy
trình”hiện đại của con người thời hiện đại. Thử hỏi với tư duy nông
nghiệp không làm được cống rãnh, cầu tiêu đúng chuẩn vệ sinh, bền vững
thì làm sao lãnh đạo cộng sản Việt Nam có đủ tư duy, tri thức theo kịp
thời đại để lãnh đạo nhà nước, xã hội “chèo xuồng ba lá” bơi ra biển lớn
hòa nhập, hội nhập vào giòng sống văn minh, tiến bộ của con người thời
đại tin học thì còn trông mong gì ở đảng, nhà nước?
0 comments:
Post a Comment