Đảo Đá Chữ Thập- Trường Sa.DR
Trọng Nghĩa
Theo tiết lộ của nhật báo Đài Loan Vượng báo (Want Daily) số ra đề
ngày 21/10/2014, hoạt động cải tạo địa hình mà Trung Quốc rốt ráo tiến
hành tại các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông đã biến Đá Chữ Thập
(Fiery Cross Reef) thành « đảo » lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Mục tiêu
là củng cố một vị trí chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo báo mạng bằng Anh ngữ Want China Times, lấy lại thông tin trên
tờ báo Hoa ngữ Vượng báo, từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc đã tiến
hành một loạt công trình xây dựng mới và bồi đắp các bãi đá và rạn san
hô ở vùng Trường Sa đang do Bắc Kinh chiếm đóng. Trong số này có Đá Chữ
Thập (tên tiếng Hoa là Vĩnh Thử Tiều/Yongshu Reef), là đối tượng tranh
chấp chủ quyền giữa Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng
đã bị Trung Quốc kiểm soát trong thực tế từ năm 1988.
Không ảnh của khu vực được công bố ngày 25/09/2014 trên trang web của
DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là
Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0,08 km
vuông lên thành 0,96 km vuông, biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể
địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Thitu Island) mà Đài Loan đang chiếm
đóng dưới tên gọi Thái Bình.
Tính theo diện tích, Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn thứ năm tại
vùng Biển Đông, đứng sau đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Đông Sa (Pratas),
đảo Linh Côn (Lincoln) và đảo Tri Tôn (Triton).
Củng cố một vị trí chiến lược tại Trường Sa
Phải nói là tiến trình cải tạo và mở rộng Đá Chữ Thập, đã được Trung
Quốc khởi sự ngay từ năm 1988 khi họ ngăn chặn tàu Việt Nam tiến vào khu
vực, và cho xây trên đó một cơ sở gọi là « Trạm quan sát biển của
Unesco ».
Ý đồ biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự ngay sau đó đã lộ rõ
với việc xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, cùng một số tòa
nhà trang bị ăng-ten radar. Theo ghi nhận của tờ Vượng báo, hiện có 200
bính sĩ Trung Quốc đóng quân trên thực thể địa lý này.
Đá Chữ Thập được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với
Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các
nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, nhưng lại chỉ cách trung
tâm chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Trường Sa khoảng 110 cây số, và cách
bộ chỉ huy của Philippines khoảng 225 km.
Vấn đề là tham vọng bành trướng của Trung Quốc không giới hạn. Theo
Want China Times, một chuyên gia quân sự trên trang web thông tin Người
Quan sát (Guancha) tại Thượng Hải, diện tích của Đá Chữ Thập có thể được
tiếp tục mở rộng để tăng gấp đôi kích thước hiện tại. Bắc Kinh rất có
thể sẽ tăng cường sự hiện diện chính trị và quân sự trên thức thể này.
0 comments:
Post a Comment