Trong
tất cả những áng văn của người Việt xưa, hầu hết các tình tiết bi thảm
của số phận, phần lớn đều bắt nguồn từ việc thiếu vắng công lý và quyền
con người. Hãy thử tưởng tượng, ngay trong truyện Kiều, nếu có đủ luật
pháp và quyền con người được bảo vệ, có lẽ kịch bản về gia đình Vương
Ông đã khác, và Kiều đã không trở thành cái tên thay cho mọi lời thở
than về cuộc đời.
Sự khác biệt giữa xưa và nay là Kiều, cũng như tất cả những ai ở trăm
năm trước, nếu có oan ức khóc la, kêu van, bào chữa… thì cũng chẳng
giải quyết được gì. Trong khi ở thế kỷ 20 và 21, người ta có thể tìm
cách im lặng và dụng luật để bảo vệ mình, giải oan cho mình.
Im lặng để cậy nhờ đại diện pháp luật làm chứng cho những lời khai
của mình, để làm chỗ dựa tinh thần theo luật pháp công minh là chuyện đã
được cả thế giới nhìn nhận từ giữa thế kỷ 20. Quyền im lặng trong tố
tụng hình sự còn là cách bảo vệ con người khởi đầu thoát khỏi những màn
ép cung, tra tấn, cưỡng bức nhận tội. Quyền im lặng được hơn 100 quốc
gia trên thế giới nhìn nhận, chắc chắn không thể chỉ là cách để “gỡ tội”
như ĐBQH Đỗ Văn Đương tuyên bố mới đây.
Việt Nam, trong bối cảnh công an thẩm vấn nghi can, lại liên tục xuất
hiện những cái chết, chấn thương vô lý cho công dân… việc đưa quyền im
lặng vào luật đang là cách hữu hiệu để giảm thiểu những bức ép trong xã
hội hôm nay, mà mỗi ngày người ta có thể đọc trên các trang báo, như một
sự hỗn loạn và thiếu kiểm soát của ngành điều tra.
Right to silence, là tên gọi quen thuộc của quyền được im lặng khi bị
thẩm tra và yêu cầu có đại diện luật pháp bảo vệ mình. Thậm chí quốc
gia Hồi giáo khắt nghiệt như Pakistan, nhiễu nhương như Ấn Độ cũng đều
áp dụng đạo luật này. Dễ thấy nhất, bất kỳ ai hay xem phim hình sự của
Hollywood cũng đều có thể nhận ra các dấu hiệu của quyền im lặng, với
tên gọi luật Miranda.
Luật Miranda dựa vào tên của một nghi can người gốc Mexico là Ernesto
Miranda trong một vụ án năm 1963 tại bang Arizona, Mỹ. Bị cáo này khép
tội bắt cóc người, nhưng sau đó bản án được huỷ vì khi bị bắt, Ernesto
Miranda đã không được biết rằng có một đạo luật cho phép im lặng để bảo
vệ mình. Tối cao Pháp viện Mỹ cho rằng nghi can có thể bị đánh, bị ép
cung nên đã khai tội ngay tại chỗ. Miranda Warning (báo cho biết về luật
Miranda) là điều được ghi trong tu chính án số 5 của Tối Cao Pháp viện
Mỹ vào năm 1966, áp dụng cho ngành cảnh sát và giới điều tra nhằm bảo vệ
nghi can, tránh việc ép cung và tra tấn cưỡng tội.
Từ xưa, việc sử dụng một đại diện luật pháp khác để làm chứng và xét
lại hiện trạng sự vụ, đã có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Để tránh
nạn ép cung, tra tấn nghi can để buộc nhận tội, vua Minh Mạng đã lập ra
cơ quan xử án tối cao của triều đình, gọi là Tam Pháp ty. Sách Đại Nam
Thực Lục ghi đó là nơi tập hợp ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp),
Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết
những đơn kêu oan của dân. Chuyện đánh trống kêu oan, hay gọi là trống
Đăng Văn cũng từ đó mà có. Chiếc trống gióng lên là nơi nương tựa tinh
thần của người đang vướng lao lý. Ở một ý nghĩa nào đó, việc im lặng và
cậy nhờ luật sư đại diện cũng giống như nương nhờ tinh thần ở một tiếng
trống minh bạch. Tổ tiên người Việt xưa đã nghĩ đến sự công minh và
quyền con người đến vậy.
Một nền luật pháp mạnh và văn minh, là khi người dân bị gọi tên là
nghi can, cũng có thể bình tâm bước vào vì biết quyền con người của mình
đã được bảo vệ. Có thể ĐBQH Đỗ Văn Đương còn chưa đủ động tâm với số
phận của anh Ngô Thanh Kiều bị 5 công an điều tra ở Phú Yên đánh đến
chết để ép nhận tội. Có lẽ ông Đương cũng chưa thấy hình ảnh con gái ông
Phùng Văn Cung tức tưởi quỳ lạy trước cửa toà án Gia Lai-Kon Tum trong
vụ án, mà sau 10 năm mới được giải oan.
Không cần là một người làm luật, ai cũng hiểu rằng nếu ông Nguyễn
Thanh Chấn ở Bắc Giang khi bị bắt nếu im lặng và nhờ luật sư đại diện
trong khi thẩm vấn, thì ông đã không bị tra tấn đến mức phải nhận tội
giết người, ngồi suốt 10 năm tù với án tử lơ lửng trên đầu. Tại Daklak,
nếu ông Y Két Bdap rành tiếng người Kinh và có luật sư đại diện, thì đã
không bị đánh đến chết, thi thể nát tan bởi 2 công an xã. Những câu
chuyện như vậy chưa đủ lâu để quên đi, cũng như sẽ không bao giờ phai mờ
trong lịch sử luật pháp Việt Nam, khi nào quyền con người chưa được
kiện toàn.
Xã hội Việt Nam đang có những dấu hiệu mở, song hành cùng văn minh
nhân loại khi những câu chuyện về quyền con người, về xã hội – luật pháp
bắt đầu được bàn tán mạnh mẽ ở nhiều nơi. Dĩ nhiên, trong mọi lời bàn,
người ta có thể tìm thấy những phản biện cần thiết. Nhưng dù loại lý
luận nào đi nữa, việc tán dương cho bạo hành và áp đặt kiểm soát con
người, cũng đều là hủ bại.
Giở lại sách xưa, thấy ghi rằng đời vua Tự Đức (1847-1883), sợ rằng
dân đánh trống kêu oan bị lẫn với đời thường, vua ra lệnh trong Thành
Nội cấm đánh trống thường, để ai cũng biết, cũng nghe khi có trống kêu
oan. Vua vẫn dặn rằng “làm quan mà không nghe được tiếng con dân kêu
oán, thì chỉ là phường vô lại”. Trăm năm trước, người xưa mông muội còn
biết im lặng để nghe thấy phận người. Trăm năm sau, đã có được gì?
—————————————
Thông tin thêm:
Phát biểu trong chương trình Sự kiện & Bình luận của đài VTV hôm
27-09/2014, đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương – ủy viên thường trực ủy ban
Tư pháp của quốc hội đã nói rằng:
“Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là
quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện
chức năng gỡ tội cho họ”.
Phát biểu trên được ông Đương đưa ra sau khi có ý kiến đưa quyền
im lặng vào trong bộ luật tố tụng hình sự. Quy định này nhằm ngăn chặn
tình trạng người bị giam giữ bị công an ép cung hay dùng nhục hình trong
quá trình điều tra.
Ông Đỗ Văn Đương sinh năm 1960, được giới thiệu có bằng tiến sỹ luật, là
đại biểu quốc hội đang giữ vị trí uy viên thường trực ủy ban Tư pháp
của Quốc hội.
0 comments:
Post a Comment