Hai
bài viết trứơc người viết đã ứng dụng lý thuyết trò chơi để phân tích
một số sự việc đang xẩy ra, bài đầu phân tích trận đánh “đồng chí X” và
bài kế là việc công an cộng sản bắt bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên. Cả hai
bài nhận được rất nhiều góp ý từ bạn đọc, bài viết này mong trả lời một
số góp ý về lý thuyết trò chơi bằng cách ứng dụng lý thuyết này phân
tích một sự việc mà tất cả mọi thành viên tham dự đều hưởng lợi, không
kẻ thắng người thua.
Lý Tưởng Tự Do
Trong một bài diễn văn phát biểu trước cộng đồng, ông Nguyễn văn Bon
chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria cho rằng chính trị và
trò chơi không thể đi chung với nhau và đưa ra nhận xét đại ý như sau:
lý thuyết trò chơi chỉ là một phương cách lý giải của các học giả Tây
Phương còn người Việt chúng ta đấu tranh giải thể cộng sản phải dựa trên
lý tưởng tự do.
Một người trẻ sinh sau 30-4-1975 lớn lên tại Úc như ông Bon nếu không
tràn đầy lý tưởng thì đã không đứng ra nhận lãnh vai trò đại diện cho
một cộng đồng đang trong thời kỳ khủng hỏang: hai lần bị đưa ra tòa. Nếu
không có một lý tưởng cụ thể ông Bon đã không đứng ra kêu gọi cộng đồng
biểu tình nêu đích danh bọn Việt gian và có thể bị chúng đưa ra tòa,
hay biểu tình ủng hộ đồng bào quốc nội đứng lên giải thể cộng sản. Nếu
không có một lý tưởng cụ thể ông Bon cũng khó có vượt qua muôn vàn khó
khăn thường gọi “ăn cơm nhà vác ngà voi” phục vụ cộng đồng. Và nếu không
có một lý tưởng ông Bon khó có thể “làm dâu trăm họ” dung hòa được quá
nhiều các khuynh hướng khác nhau trong một cộng đồng.
Nhìn rộng hơn, từ 1945 đến nay nhiều thế hệ Việt Nam đã hy sinh trong
cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản, nếu không có một lý tưởng vững
chắc chúng ta đã không một quốc gia Việt Nam, một miền Nam tự do và một
hải ngọai nhiệt tình đấu tranh cho tự do và dân chủ. Lý tưởng và niềm
tin tất thắng của người Việt tự do luôn gắn liền với tình cảm yêu chuộng
tự do và thương yêu đất nước dân tộc.
Lý Trí và Lý Thuyết
Trong khi ấy người Tây Phương, và nhất là người Mỹ hành xử theo lý
trí ít xử dụng tình cảm. Lý thuyết trò chơi lại được phát triển tại Hoa
Kỳ, nên phương pháp vận dụng chính yếu là dựa trên khoa học và lý trí.
Quan sát cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ các ứng cử viên ra tranh cử
đều tràn đầy lý tưởng tự do, họ đều hãnh diện và đều đặt quyền lợi của
Hoa Kỳ lên trên. Nhưng quan niệm về tự do của mỗi ứng cử viên mỗi khác,
vì thế mỗi người lại đề ra chính sách khác nhau cạnh tranh với nhau nhằm
đưa đất nước Hoa Kỳ tiến lên. Qua những cuộc tranh luận công khai và
công bằng của những người tranh cử, người dân Hoa Kỳ có điều kiện chọn
lựa ứng cử viên thích hợp nhất đại diện cho mình.
Điều đặt biệt là ngay khi có kết quả sơ khởi, biết mình thất cử,
Thượng Nghị Sĩ Romney đã long trọng gởi lời chúc mừng đến Tổng Thống
Obama và ngược lại ông Obama lại mời ông Rommey cộng tác để cùng quản
trị quốc gia. Trong kỳ tranh cử trước, bà Clinton là đối thủ quan trọng
nhất của ông Obama, nhưng ngay sau khi đắc cử ông Obama đã mời bà
Clinton giữ vai trò Ngọai Trưởng và bà đã luôn sát cánh bên ông trong 4
năm qua. Đây là phương cách suy nghĩ (way of thinking) vô cùng thực tế
của người Hoa Kỳ, người viết tin rằng chúng ta nên học hỏi.
Như đã thảo luận trong bài trước mỗi ứng cử viên tranh cử Tổng Thống
đều có một Ban Tham mưu, Ban Tham mưu này dựa trên tin tức thâu nhặt từ
đôi bên, họ phân tích đối phương, họ nhận định chính mình và ứng dụng lý
thuyết trò chơi để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất giúp ứng viên
thắng cử. Người Hoa Kỳ ít dùng tình cảm không phải vì họ thiếu tình cảm
với nhau, mà bởi vì họ sinh họat và cạnh tranh với nhau dựa trên Hiến
Pháp và Luật Pháp quốc gia.
Thực Tế
Trên thực tế mỗi ngày mỗi người chúng ta đều chỉ có 24 tiếng, vừa lo
kiếm sống, vừa lo gia đình, vừa lo phục hồi sức khỏe, vừa có những
khuynh hướng đóng góp xã hội khác nhau, công việc cộng đồng hay đấu
tranh chính trị lại là những công việc thiện nguyện.
Mỗi ngừơi thì lại có quá nhiều khác biệt từ tính tình, trình độ, khả
năng,… đến tuổi tác, đức tin, … Mỗi người mỗi khác không ai giống ai.
Việc giả sử mọi người đều chung một lý tưởng, một tình cảm và mong muốn
người khác đóng góp như mình là một điều thiếu thực tế, dễ giam mình
trong một khuôn khổ chật hẹp, dễ trở thành độc đóan hay tự cô lập chính
mình. Trong sinh họat chính trị những người như vậy một đôi khi còn bị
xem là độc quyền chính trị hay độc quyền chống cộng.
Nói tóm lại khi một tập thể, một xã hội, một quốc gia, một thế giới
càng phát triển thì lý tưởng và tình cảm chỉ là những yếu tố cần nhưng
không đủ. Mỗi người cũng cần có một nguyên tắc làm việc riêng, mỗi tổ
chức cần phải có một nội quy hay một cương lĩnh, mỗi quốc gia cần Hiến
Pháp và Luật Pháp để mọi người tuân hành. Còn thế giới thì cần có những
giá trị chung để mọi quốc gia có thể sống hài hòa cùng chia sẻ những
thành quả nhân lọai tạo ra.
Trở lại với bài phát biểu, ông chủ tịch Cộng đồng Nguyễn văn Bon nhìn
nhận sự khác biệt giữa các cá nhân và tổ chức bên trong Cộng đồng là
chuyện thường tình nhưng theo ông trong công cuộc đấu tranh giải thể
cộng sản mọi người cần phải đặt quyền lợi chung lên trên và đóng góp
trong hòan cảnh mình có được. Khó có thể phản đối được ý kiến của ông
Bon, thế thì tại sao đã hơn 37 năm chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được
điều này ? Có phải vì chúng ta đấu tranh dựa trên lý tưởng và tình cảm
là chính, chúng ta đã bỏ quên nhiều yếu tố khác quan trọng hơn ?
Ông Bon cũng cho rằng chính trị và trò chơi không thể đi chung với
nhau. Trong năm nay người viết đã chia sẻ với bạn đọc nhiều góc cạnh
khác nhau của hai chữ chính trị: từ việc Khối 8406 không phải là một tổ
chức chính trị, đến tư tưởng tòan dân chính trị của Đức Thầy Hùynh Phủ
Sổ … Nếu chúng ta xem chính trị như một cách để quản lý quốc gia thì Bản
Hiến Pháp chính là giá trị chung để mọi người trong một quốc gia đặt
quyền lợi chung lên trên cùng đóng góp trong điều kiện và hòan cảnh cho
phép.
Còn trong một cộng đồng muốn đặt quyền lợi chung lên trên chúng ta
cần phải tôn trọng những giá trị chung. Giá trị chung đó chính là Bản
Nội Quy. Chủ Nhật 25-11-2012 vừa qua, sau hơn ba năm làm việc Cộng Đồng
Người Việt Tự Do tại Victoria vừa biểu quyết thông qua một bản nội quy
mới. Là một thành viên trong Ban Tu Chính Nội Quy, người viết xin tiếp
tục dựa trên năm yếu tố cơ bản của Lý thuyết trò chơi để chỉ thấy sự
quan trọng của một bản Nội Quy trong sinh họat dân chủ. Nội quy chính là
nền tảng cho một “trò chơi” mà tất cả mọi thành viên cộng đồng tham dự
đều hưởng lợi ích.
Bài này sẽ không đi vào chi tiết của bản Nội Quy mới hay thủ tục để
được trên 80 phần trăm đồng hương và đại diện các Hội Đòan tham dự Đại
Hội biểu quyết thông qua.
Người Chơi (Players)
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu – Tiểu bang Victoria gọi tắc là
Cộng đồng được thành lập từ cuối thập niên 1970, cả về pháp lý lẫn trên
tinh thần là đại diện chính thức và duy nhất cho toàn thể người Việt tự
do sinh sống tại tiểu bang Victoria. Ban Chấp Hành Cộng đồng được đồng
hương cư ngụ tại Victoria bầu ra trong những cuộc bầu cử theo thể thức
phổ thông đầu phiếu. Họ điều hành cộng đồng, họ chịu trách nhiệm trước
đồng hương (cộng đồng) và trước pháp luật.
Có lúc họ cần điều động đến cả ngàn người phụ giúp hay vài chục ngàn
người tham dự như Hội Chợ Tết hay các cuộc biểu tình lên đến vài ngàn
người tham dự. Nhưng cũng có những sinh họat chỉ cần vài người trong Ban
Chấp Hành đứng ra đại diện cho tòan thể cộng đồng.
Một Ban Chấp Hành được đồng bào tiếp tục ủng hộ khi họ có lý tưởng,
có đạo đức, có trách nhiệm và có khả năng để điều hành công việc cộng
đồng. Muốn công việc được hòan thành tốt đẹp họ phải luôn luôn mở cửa
mời gọi thêm người tiếp tay đóng góp. Nói theo lý thuyết trò chơi, tất
cả những người có tham gia các sinh họat đều là những người chơi. Nhưng
lẽ đương nhiên nếu thiếu một bản Nội Quy tốt mỗi người sẽ tìm cách chơi
theo phương cách có lợi nhất cho mình và cho những người ủng hộ.
Quy tắc hay luật chơi
Ban Chấp Hành có trách nhiệm thì họ phải có quyền. Quyền của họ phải
được ghi rõ trong bản Nội Quy và bản Nội quy này phải được chính phủ
tiểu bang Victoria nhìn nhận.
Bên cạnh Ban Chấp Hành là một Hội Đồng Cố vấn và Giám Sát do các Hội
đòan sinh họat trong Cộng đồng bầu ra, và một số các Ủy Ban do các thành
viên tham dự các Đại Hội bầu chọn. Hội Đồng Cố vấn – Giám Sát, các Ủy
Ban, các thành viên chỉ giữ vai trò trợ giúp cho Ban Chấp Hành thực hiện
các trách nhiệm được người dân giao phó. Mô hình cộng đồng khác với mô
hình tam quyền phân lập của một quốc gia, Ban Chấp Hành do dân trực tiếp
bầu ra, họ chịu trách nhiệm trước cộng đồng và trước pháp luật, thế nên
Ban Chấp Hành là những người duy nhất nắm thực quyền.
Bản Nội Quy còn ghi rõ nguyên tắc, biểu tựơng cờ vàng ba sọc đỏ, mục
đích, phương cách tổ chức và phát triển, … thủ tục để truất phế Ban Chấp
Hành. Khi Ban Chấp Hành được trao thực quyền, cũng cần nêu rõ thủ tục
để truất phế nếu chính Ban Chấp Hành vi phạm Nội Quy. Những thành viên
càng sinh họat gắn bó với cơ cấu cộng đồng lại càng cần hiểu rõ những
điều khỏan trong Bản Nội Quy để họ không vi phạm những quy ước đã được
cộng đồng công nhận.
Bản Nội Quy cũng hướng đến việc trao quyền hành và trách nhiệm cho
các thế hệ tương lai. Riêng về chính trị Việt Nam, vai trò của thế hệ đi
trước và hôm nay là đấu tranh giành lại tự do cho Việt Nam, thì thế hệ
tiếp nối cũng cần tiếp tục đấu tranh để xây dựng tự do và dân chủ cho
Việt Nam.
Bản Nội Quy vì thế không phải chỉ là quy tắc mà còn là giá trị chung cho tòan thể cộng đồng.
Phạm vi của Trò Chơi (Scopes)
Như đã nói ở bên trên, về pháp lý và trên tinh thần (chính danh), Ban
Chấp Hành Cộng đồng là đại diện chính thức cho toàn thể người Việt tự
do sinh sống tại tiểu bang Victoria. Tiếng nói của họ không phải chỉ
trong phạm vi tiểu bang Victoria hay nước Úc, tiếng nói của họ mang một
tầm vóc quốc tế đại diện cho tòan thể người Việt tự do cư ngụ tại
Victoria.
Bản Nội Quy chủ yếu để những người muốn tích cực tham gia sinh họat
cộng đồng biết mà tôn trọng lẫn nhau. Bản Nội Quy cũng giúp những người
Việt đang sống tại Victoria cũng như các thế hệ tiếp nối nhìn nhận và
tham gia những sinh họat cộng đồng.
Chiến Thuật (Tactics)
Trong phạm vi bài này, chiến thuật là phương cách tham gia sinh họat
cộng đồng. Thiếu một bản Nội Quy minh bạch, hợp tình và hợp lý là nguyên
nhân của những bất ổn cộng đồng.
Bản Nội Quy cũ cũng chỉ vì có những điều khỏan không rõ mới dẫn đến
việc một chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn và Giám Sát (tên cũ) ra thông báo
triệu tập Đại Hội Bất Thường để truất phế chủ tịch Cộng đồng.
Thêm vào đó là một số điều khỏan thiếu thực tế không thể áp dụng được
khi cần tới. Thí dụ Ban Chấp Hành có quyền mua tài sản như đất xây Đền
thờ Quốc Tổ nhưng Nội Quy không cho phép họ bán hay vay mựơn để tiếp tục
phát triển cộng đồng.
Một bản nội quy như thế dễ dẫn đến việc thành viên thay vì cùng nhau
đóng góp xây dựng và phát triển cộng đồng, cũng như liên kết đấu tranh
cho dân chủ và tự do tại quê nhà, lại quay ra công kích lẫn nhau để đối
phương lợi dụng và đồng hương xem thường. Thậm chí còn đưa nhau ra trước
pháp luật như đã hai lần xẩy ra tại Victoria.
Một bản Nội Quy minh bạch, thuận tình, thuận lý, mọi thành viên sẽ
không tìm cách tranh đua thắng thua mà đặt quyền lợi chung lên trên cùng
gắn bó với nhau, người có công góp công, người có của góp của, người có
tài góp sức để đưa cộng đồng càng ngày càng thăng tiến.
Giá trị gia tăng (Added values):
Sống trên đất khách quê người, người Việt nào cũng mong muốn có một
cộng đồng hài hòa từng bước hội nhập vào xã hội Úc, nhưng vẫn duy trì
những bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc của một cộng đồng tị nạn cộng
sản. Mọi người đều mong muốn quê hương sớm có tự do dân chủ để hội nhập
vào thế giới văn minh. Một bản Nội Quy minh bạch, có tình, có lý sẽ gia
tăng giá trị cho mỗi người tham gia sinh họat cộng đồng và sẽ gia tăng
giá trị cho tòan thể cộng đồng người Việt tự do. Mọi người sẽ đặt quyền
lợi chung lên trên và đóng góp trong hòan cảnh mình có được để thực hiện
các mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu chính trị là mang nhân
quyền dân chủ tự do đến cho dân tộc Việt Nam.
Lý thuyết trò chơi là phương cách suy nghĩ
Từ thời chiến quốc, Tôn Tử dạy cho người chỉ huy khi cầm quân phải biết vận dụng lý trí “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.
Hiểu được binh pháp Tôn Tử bạn sẽ thấy Tôn Tử cũng xem việc điều binh
khiển tướng như một phương cách, một “trò chơi” để nắm quyền và để cai
trị đất nước. Đến nay tư tưởng Tôn Tử vẫn còn nguyên giá trị và đã trở
thành tinh hoa tư tưởng của nhân lọai.
Nói rõ hơn lý thuyết trò chơi không phải là một sáng chế của người
Tây Phương hay của người Hoa Kỳ. Nhưng người Mỹ rất thực tiễn nên đã hệ
thống hóa những tinh hoa của nhân lọai thành những lý thuyết đem ra ứng
dụng trên thực tế. Ngày nay người Mỹ đã biến lý thuyết trò chơi thành
phương cách suy nghĩ (way of thinking) để ứng xử trong đời sống hằng
ngày nhất là trong sinh họat chính trị. Phương cách suy nghĩ này đã trở
thành phương cách suy nghĩ của những người đang tiếp xúc với nhau trong
một nền văn minh dân chủ và khai phóng tòan cầu. Thay vì tranh giành
thắng thua con người sẽ ứng xử với nhau theo nguyên tắc đôi bên cùng có
lợi, mọi người đều có lợi.
Trở lại Hòan Cảnh Việt Nam
Tại Việt Nam đảng Cộng sản là đảng cai trị, Hiến Pháp và luật pháp
chỉ là công cụ cai trị. Khi đảng Cộng sản còn thế, còn lực, còn thực
quyền thì họ lấy Cương lĩnh và kỷ luật sắt để duy trì quyền lực. Thời và
thế đã thay đổi, đảng cộng sản đã đưa đất nước lâm vào khủng hỏang tòan
diện, họ đang cố gắng vùng vẫy thóat ra, nhưng càng vùng vẫy lại càng
bế tắc, dẫn đến sự tan rã từ tư tưởng đến thực tế.
Chỉ một năm về trước Tổng Bí Thư đảng Cộng sản còn tự tin phát động phong trào “phê và tự phê”, nhưng bây giờ ông lại phải tự thú: “Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ.”
Ông Trọng đã nhận ra đựơc bế tắc của một nhà nước không thượng tôn
pháp luật nhưng ông lại quên rằng những người ông sợ gây thù chuốc óan
lại là những tội đồ của dân tộc. Cá nhân ông đã có tội vì đại diện cho
tập thể vi phạm luật pháp, nay ông lại vứơng vào tội sợ mất “Đảng”, sợ
thù óan mà thỏa hiệp với đàn sâu đục khóet quốc gia thì tội của ông càng
ngày càng chồng chất.
Ông Trọng cần sáng suốt nhận rõ sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã gần
kề và để tránh sự đổ vỡ tòan diện con đường duy nhất là phải dân chủ hóa
Việt Nam. Muốn thế, giới cầm quyền cộng sản phải chủ động và thực tâm
cùng các tổ chức và cá nhân đấu tranh chính trị ngồi lại thảo luận về
một lộ trình dân chủ mà mục tiêu chính là sọan một Hiến Pháp Dân Chủ cho
Việt Nam.
Nếu giới cầm quyền cộng sản tiếp tục ngoan cố chống lại khuynh hướng
dân chủ tòan cầu, chống lại đòi hỏi dân chủ ngày càng tăng của người
dân, tiếp tục đàn áp người đấu tranh và cấu kết với ngọai bang bán nước
thì bánh xe lịch sử sẽ nghiền nát họ và gia đình. Quay về với dân tộc,
dân chủ hóa Việt Nam là con đường duy nhất để cứu sống họ và gia đình.
Về phía những người đấu tranh, lý tưởng và tình cảm chỉ là những điều
kiện cần cho việc đấu tranh chính trị với cộng sản. Nắm được lý thuyết
và ứng dụng được lý thuyết vào thực tế đấu tranh là điều kiện đủ để Việt
Nam có dân chủ tự do
Kết Luận
Lý thuyết “trò chơi” chỉ là tên gọi của một lý thuyết có thể ứng dụng
phân tích mọi vấn đề xã hội. Nếu ta quá nặng chữ “trò chơi” chúng ta sẽ
không thể nào hiểu được và ứng dụng vào thực tiễn.
Lý thuyết trò chơi dựa trên lý trí, người tham dự cuộc chơi vẫn giữ
được sự khác biệt và sự độc lập cá nhân nhưng hành xử thích nghi với
hòan cảnh thực tế. Lý thuyết trò chơi trở thành phương cách suy nghĩ
thực tế để mọi người tham dự đồng có lợi. Thời đại hiện tại không còn
phải thời đại thắng thua mà là thời đại của mỗi người và mọi người đặt
mọi quyền lợi của cộng đồng, của dân tộc, của nhân lọai lên trên để tối
đa lợi ích cho mình và cho nhân quần xã hội.
Cuối năm nay Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã biểu quyết
thông qua một Nội Quy nhằm gắn bó mọi người Việt tự do sinh sống tại
Victoria. Hy vọng năm tới Việt Nam sẽ có một Hiến Pháp Tự Do Dân Chủ gắn
bó mọi người, trong và ngòai nước, để đồng lòng vượt qua khủng hỏang
đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng văn minh nhân lọai.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
6/12/2012
0 comments:
Post a Comment