Thanh Hà_RFI
Dưới hàng tựa ” Các chuyên gia phác họa bức tranh ảm đạm về xung đột ở
Biển Đông”, báo Jakarta Post trên mạng, ngày 21/09/2012, đã trình bày
các nhận định và phân tích của giới chuyên gia tham dự cuộc hội thảo
“Hòa bình, Ổn định tại Biển Đông và Thái Bình Dương, tổ chức ngày
20/09/2012 tại thủ đô Indonesia. RFI lược dịch bài viết này.
Tại hội thảo « Hòa bình, Ổn định tại Biển Đông và châu Á Thái Bình Dương : Sự đoàn kết của ASEAN và can dự của các cường quốc vào khu vực »
tổ chức tại Jakarta, Indonesia, ngày 20/09/2012, các chuyên gia đã phác
họa ra một bức tranh ảm đạm về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông
và nhận định, sức mạnh quân sự của Trung Quốc càng gia tăng thì nguy cơ
xung đột giữa các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN càng
lớn và do đó, việc tìm kiếm giải pháp trong khối này càng thêm khó khăn.
Ông Andi Widjajanto, một chuyên gia về quốc phòng thuộc đại học
Indonesia (UI), được báo Jakarta Post trích dẫn, cho rằng, vào lúc Trung
Quốc gia tăng sức mạnh và trở nên quyết đoán hơn, một vài nước ASEAN sẽ
nghiêng về phía Mỹ và một số khác thì sẽ liên kết với siêu cường châu Á
là Trung Quốc. Việc Bắc Kinh thay đổi về chiến lược quân sự, từ phòng
thủ chuyển sang tấn công, sẽ tác động đến các nước ASEAN.
Ông Andi nói : « Việc phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc
sẽ tác động đến sự đoàn kết của ASEAN, các nước thành viên sẽ bị chia rẽ
giữa hai cường quốc vì những lợi ích riêng của mình »
Vẫn theo chuyên gia này, ngoài việc gia tăng sức mạnh quân sự, sức
mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng có thể lôi kéo một số quốc gia vào vòng
ảnh hưởng của mình. Ví dụ, đối với những nước không có đòi hỏi chủ
quyền, như Cam Bốt, lợi ích của họ không liên quan đến Biển Đông. Họ
quan tâm hơn đến những gì có thể có được từ phía Trung Quốc, cường quốc
kinh tế.
Trong bối cảnh bế tắc đó, Indonesia có thể đóng một vai trò quan
trọng qua việc làm cầu nối giữa các bên, đưa ra các sáng kiến ngoại giao
nhằm ngăn ngừa những căng thẳng có thể xẩy ra trong khu vực. Thế nhưng,
chuyên gia Andi nhấn mạnh, ảnh hưởng của Indonesia cũng hạn chế. Không
thể thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển
Đông và vai trò của Indonesia không thể giúp tìm ra được một giải pháp
cho tình hình này. Tuy vậy, Jakarta có thể trì hoãn và thậm chí ngăn
ngừa xẩy ra xung đột.
Ông Jose Tavares, vụ trưởng phụ trách hợp tác an ninh và chính trị
với ASEAN, thuộc bộ Ngoại giao Indonesia, tán đồng quan điểm nói trên và
cho rằng các tổ chức quốc tế và khu vực có thể đóng vai trò trung gian.
Nhưng, các tổ chức này lại không ở trong vị thế thuận lợi nhất để tìm
ra một giải pháp bền vững cho cuộc tranh chấp lãnh thổ. Ông nói : « Bản thân các tổ chức này cũng không đạt được đồng thuận về một giải pháp cuối cùng cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ».
Trong hai năm qua, căng thẳng đã gia tăng trong hồ sơ Biển Đông.
Năm 2010, Hà Nội tố cáo Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu
Việt Nam. Tình hình lại càng xấu đi khi Philippines thông báo cấp các
giấy phép thăm dò mới đối với các vùng biển ở ngoài khơi đảo Palawan,
hồi tháng 02/2012.
Trong tháng 03/2012, căng thẳng leo thang khi Trung Quốc bắt giữ 23
ngư dân Việt Nam với lý do là họ đánh bắt hải sản trái phép và tiến gần
quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, sự cố nghiêm trọng nhất xẩy ra trong tháng 02/2012, khi
nhiều tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở vùng bãi đá Scarborough và Hải
quân Philippines có ý định bắt giữ số ngư dân này.
Đối với ông Ralf Emmer thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam,
bế tắc trên hồ sơ Biển Đông còn nghiêm trọng hơn, không chỉ vì khu vực
này có nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà còn vì nơi đây có tầm quan trọng
chiến lược đối với giao lưu thương mại hàng hải quốc tế.
Hồ sơ này lại càng nóng bỏng hơn với sự can thiệp của Hoa Kỳ. Vì
quyền lợi của mình, Mỹ muốn duy trì nguyên tắc tự do thông thương hàng
hải ở vùng biển quốc tế trong lúc Trung Quốc tăng cường khả năng hải
quân và lại có thái độ quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền.
Theo chuyên gia Emmer, Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân và có thể sử dụng để hỗ trợ các đòi hỏi về chủ quyền. Ông nói : « Hoa
Kỳ có thể tham chiến tại châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ nguyên tắc tự
do lưu thông hàng hải. Quyền tự do này là một nguyên tắc chủ chốt mà Mỹ
sẽ không thể có một sự nhượng bộ nào ».
Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh điểm này tại các diễn đàn ASEAN, nhưng đối với
Trung Quốc thì đây lại là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì Bắc Kinh lo
ngại mọi ý đồ quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông và chỉ muốn đàm phán song
phương với từng nước nhỏ bé hơn trong ASEAN, đang có tranh chấp chủ
quyền.
0 comments:
Post a Comment