Wednesday, August 22, 2012

Bắt 'bầu Kiên,' chứng khoán hỗn loạn, mất $1.7 tỷ trong một ngày

Tác Giả: Người Việt   
Ông Nguyễn Ðức Kiên, 48 tuổi, là sáng lập viên và cổ đông lớn của Ngân Hàng Thương Mại Á Châu
VIỆT NAM (NV) -Thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tuột dốc thê thảm và mất hơn $1.7 tỷ trong ngày 21 tháng 8, sau khi ông Nguyễn Ðức Kiên (tức bầu Kiên), một ông trùm trong ngành ngân hàng ở Việt Nam bị bắt.


Nguyễn Ðức Kiên, hình chụp trước khi bị bắt 1 ngày. (Hình: AFP/Getty Images)

Ông Nguyễn Ðức Kiên, 48 tuổi, là sáng lập viên và cổ đông lớn của Ngân Hàng Thương Mại Á Châu, gọi tắt là ACB, và nhiều ngân hàng khác như Kienlong Bank, Eximbank, Techcombank, Sacombank, Vietbank... bị công an bắt giam vào tối 20 tháng 8 năm 2012.
Ông Kiên đồng thời là người có cổ phần và làm chủ trong nhiều công ty kinh doanh thể thao tại Việt Nam, cụ thể là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gọi tắt là VPF hay chủ tịch Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội.
Chưa hết, ông này cũng là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của các công ty liên doanh như Caltex, KFC, Du lịch Chợ Lớn, Thiên Minh - sở hữu hệ thống khách sạn Victoria...
 * Thị trường chứng khoán hỗn loạn
 Tin về việc bắt giữ ông Nguyễn Ðức Kiên gây rúng động dư luận tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đang có dấu hiệu hỗn loạn.
Giá chứng khoán ở Hà Nội lẫn Sài Gòn đều tuột dốc thảm hại. Tổng cộng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 20 tháng 8 mất khoảng 35,600 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn $1.7 tỷ.
Báo Infornet còn cho rằng ông bầu Kiên được xếp hạng thứ 14 trong 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đang nắm trong tay số cổ phiếu trị giá 760 tỉ đồng, tương đương $32 triệu.
Infornet cũng cho hay, sáng ngày 20 tháng 8, tin ông bầu Kiên bị bắt đã gây nên làn sóng bán đổ bán tháo chứng khoán tại Hà Nội lẫn Sài Gòn. Ít nhất bảy loại chứng khoán của hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có Vietcombank đều không có người mua. Giá chứng khoán ACB sụt 5% nhưng cũng không có người mua.
Trong khi đó theo báo Dân Trí, riêng gia đình ông Nguyễn Ðức Kiên nắm giữ gần 50 triệu cổ phiếu ACB. Chỉ nội trong một ngày 21 tháng 8, trị giá này bị bốc hơi ít nhất 164 tỉ đồng, tương đương $8,200,000.
Theo báo Dân Việt, “Ngoài ACB, ông Kiên còn đầu tư vào nhiều tổ chức tín dụng khác. Do vậy, trong bối cảnh thị trường lao dốc trong ngày hôm nay, lượng tài sản hao hụt của bầu Kiên không chỉ dừng lại ở con số trên.”
Trong khi đó, để trấn an dân chúng, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã tuyên bố rằng “có đủ thanh khoản để thanh toán cho khách hàng muốn rút tiền” tại ngân hàng ACB.
Tin của VNExpress cho biết, sáng ngày 22 tháng 8, ACB đã ra lệnh tạm ngưng giải ngân các khoản cho khách hàng vay vì sợ tình trạng rút tiền ồ ạt trong cơn hoảng loạn. Chiều ngày này, ACB mới bắt đầu giải ngân nhỏ giọt cho một số ít khách hàng.
Cũng theo VNExpress, Tổng Giám Ðốc ACB Lý Xuân Hải cũng đã bị công an Hà Nội mời đến lấy lời khai có liên quan đến ông Nguyễn Ðức Kiên. Ông Phó Tổng Giám Ðốc Nguyễn Thanh Toại hiện diện tại đồn công an thay ông Lý Xuân Hải lập tức cam kết rằng việc ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động của ACB.
Báo Lao Ðộng dẫn lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng ông Kiên chỉ giữ một số cổ phiếu không đáng kể, chưa tới 5% của ACB. Ông này cũng cho rằng hoạt động ACB vẫn bình thường sau khi ông Kiên bị bắt vì ông nọ không tham gia hoạt động quản trị, điều hành ACB lâu nay.
 * Vì sao bầu Kiên bị bắt?
 Một câu hỏi được đặt ra là ông Nguyễn Ðức Kiên bị bắt vì tội gì?
Một cách chính thức, truyền thông tại Việt Nam dẫn lời cơ quan điều tra của Bộ Công An nói rằng “ông Nguyễn Ðức Kiên bị bắt giữ để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế của ông này.”
Bộ Công An cộng sản Việt Nam cho biết đã ra lệnh bắt ông Kiên vì có đơn tố cáo “kinh doanh trái phép” tại ba công ty do ông làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị là Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Ðầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ðầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.
Tuy nhiên, thông tin từ các trang mạng không chính thức tại Việt Nam cho rằng, Nguyễn Ðức Kiên đã và đang thao túng không chỉ thị trường tín dụng của một số ngân hàng thương mại và thao túng cả hệ thống chính trị.
Người ta con nhớ, ông Kiên cũng từng là một trong 4 đại gia giàu nhất Việt Nam đã có buổi ăn tối “lobby” với Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại một khách sạn ở Hà Nội, mà báo 'Thể Thao 24h' loan tin vào ngày 13 tháng 1, 2012, rồi sau đó phải làm một bản “Cải Chính” để xin “chịu mọi hình thức kỷ luật.”
Nhiều bằng chứng cho thấy ông Nguyễn Ðức Kiên có quan hệ mật thiết với các nhân vật cao cấp trong ngành công an Việt Nam.
Hồi tháng 12 năm ngoái, báo chí Việt Nam loan tin Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên thứ trưởng Bộ Công An, đã nhận lời làm cố vấn an ninh cho Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF), mà công ty này do Nguyễn Ðức Kiên làm phó chủ tịch HÐQT.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, 66 tuổi, được coi là “trùm an ninh,” hiện đang giữ vai trò chính thức là phái viên tư vấn Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng về an ninh và tôn giáo.


Ngôi biệt thự của ông Nguyễn Ðức Kiên tại Hà Nội, nơi ông bị bắt, xét nhà, tịch thu một số tài liệu. (Hình: Báo Lao Ðộng)

Trước tin Nguyễn Ðức Kiên bị bắt, nhà báo Huy Ðức bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Cứ mỗi lần bầu Kiên dính tới pháp luật, anh ấy lại quen được một sếp to hơn. Lần này có lẽ tại anh ấy đã quen tới kịch đường rày rồi nên phải vô khám.”
Trong khi đó, nhà văn Thùy Linh, một blogger có tiếng viết: “Bầu Kiên bị bắt. Gần như những gì đọc được ở các comment là thái độ vui mừng, hân hoan.
 Cũng dễ hiểu khi người ta chờ đợi quá lâu cho sự trả giá những tai ương mà đám lợi ích nhóm, nhưng băng đảng, bố già mafia đang điều khiển mọi hoạt động của xã hội bởi sự bảo kê của quyền lực quá lâu.
 Nhiều người đồn đoán về sự thay đổi đang đến (?).Những ngột ngạt, khổ sở, bất minh, bất công... nhiều chục năm qua khiến ai cũng mong có sự thay đổi.”

0 comments:

Powered By Blogger