Thông tin “bầu” Kiên bị bắt giữ khiến dư luận
không chỉ choáng váng và xót xa cho một “mạnh thường quân”, mà còn giật
mình bởi làn sóng “ngã ngựa” của các đại gia trong 20 ngày trôi qua của
tháng 8.
Đại gia của những cú sốc – “Bầu” Kiên
Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều
tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với
ông Nguyễn Đức Kiên, về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật
hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10).
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an trong văn bản thông báo sáng
21/8, quyết định kể trên căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm
pháp luật xảy ra tại ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội
đồng quản trị.
Việc bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của ba công ty có
đơn tố cáo, gồm Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ
phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á
Châu Hà Nội.
Theo bà Yến, tổ trưởng tổ dân phố, ông Kiên bị cơ quan công an đọc lệnh
bắt vào hơn 19h tối qua 20/8 trước sự chứng kiến của các cán bộ phường
Quảng An cùng tổ dân phố. Vào thời điểm ông Kiên bị bắt, bà Yến cho
biết, trong nhà có vợ và một mẹ già.
Thông tin ông Kiên bị bắt giữ đã làm rúng động dư luận vì ông Kiên nổi
tiếng trong hoạt động kinh tế. Không giống với các ông bầu khác, Bầu
Kiên được biết đến là một người đa tài, có khả năng thao lược tốt. Chính
vì lẽ đó mà ông có thể xoay sở, đứng vững được trên nhiều cương vị lãnh
đạo đối ngược nhau, từ Chủ tịch ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên
doanh nhựa đường… cho tới một ông bầu bóng đá.
Từ năm 1994 – 2008, ông Kiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng
TMCP Á Châu – ACB và có một thời gian giữ chức vụ Tổng giám đốc của
ngân hàng này. Năm 2008, ông Kiên cùng một số sáng lập viên khác của ACB
rút ra khỏi các vị trí trong HĐQT và hình thành nên “Hội đồng sáng lập”
gồm 6 thành viên. Ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch và ông Kiên là Phó Chủ
tịch.
Không chỉ là một đại gia ngân hàng, bầu Kiên còn được biết đến với tư
cách là một trong những doanh nhân tiên phong khi đầu tư vào bóng đá.
Ông đang giữ chức chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB, tuy nhiên ACB
chưa gặt hái được thành tích nào đáng kể. Ông cũng là người khởi xướng
sự thành lập của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và hiện
đang là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
(VPF). Thời điểm cuối năm 2011, bầu Kiên đã có hàng loạt những phát
biểu và hành động gây ra một cuộc “cách mạng” cho bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn đầu tư vào rất
nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc… Ông Kiên từng là Chủ tịch của
Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam.
Trong lĩnh vực du lịch, bầu Kiên có “ghế” trong hội đồng quản trị của
CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và CTCP Du
lịch Thiên Minh.
Đại gia nức tiếng Hải phòng – Tổng Giám đốc công ty Thái Sơn
Trước “bầu” Kiên không lâu, dư luận cũng được phen choáng váng trước vụ
bắt giữ hai cha con đại gia nức tiếng ở Hải Phòng Phạm Văn Thụ, bởi lâu
nay vị địa gia này được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”.
Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, cả hai cha con ông
Phạm Văn Thụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đều bị
khởi tố, bắt giam. Cụ thể, vào ngày 8/8, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ
Công an bắt giam ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty
Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các
khoản vay ngân hàng. Ông Phạm Hải Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty
Thép Thái Sơn, là con trai ông Thụ và ông Dương Hoàng Sơn, nguyên giám
đốc Công ty TNHH một thành viên Sắt thép Thanh Sơn cũng bị khởi tố cùng
tội danh.
Năm 1995, ông Thụ thành lập Công ty Thái Sơn chuyên kinh doanh sắt thép
phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông Thụ mở
rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Sản lượng
bán hàng của công ty khoảng 10.000 – 20.000 tấn/tháng, doanh thu hơn
4.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2011, Công ty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất
Việt Nam và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng.
Ở cái thời hoàng kim đó, Công ty Thái Sơn được nhiều ngân hàng “săn đón”
cấp lượng vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm
mạnh tới 50% cùng với việc không bán được hàng, Công ty Thái Sơn lâm vào
khó khăn. Lượng hàng tồn kho lớn, luôn tồn khoảng 70.000 – 80.000 tấn,
nên năm đó công ty lỗ khoảng 250 tỷ đồng.
Trong thời gian này, Công ty Thái Sơn đã bán vật tư cho công ty công
nghiệp tàu thủy Thái Sơn (công ty con) với trị giá hơn 110 tỷ đồng để
thực hiện hợp đồng đóng mới 3 con tàu đã ký với công ty cho thuê tài
chính II (ALCII). Năm 2009, ALCII mới giải ngân được 60 tỷ đồng thì bị
vỡ nợ và ngừng giải ngân. Đến tháng 5/2010, công ty Thái Sơn chỉ thu hồi
được 85% tiền gốc và mất lãi.
Đến năm 2011, tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể các
chi phí), Công ty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả
nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Tính đến tháng 2/2012, dư nợ vay của công
ty Thái Sơn tại 13 tổ chức tín dụng (12 ngân hàng và 1 công ty tài
chính) là hơn 752 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều ngân hàng tại Hà Nội và Hải Phòng có dư nợ lớn, từ 70
đến 100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 100% khoản nợ của công ty Thái Sơn
đã thành nợ quá hạn.
Ngoài ra, Công ty Thái Sơn còn nợ 7 công ty khác hơn 180 tỷ đồng. Công
ty TNHH Thép Minh Thanh (trụ sở tại TP HCM), do ông Phạm Hải Thanh (con
trai ông Thụ) là giám đốc, hiện có dư nợ 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng số
nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng.
Mặc dù hình thức “vay đảo nợ” bị Ngân hàng Nhà nước cấm, nhưng Công ty
Thái Sơn vẫn tìm được “cửa” để lách. Khi công ty Thái Sơn gặp khó khăn
do khủng hoảng kinh tế, giá sắt thép giảm mạnh và không bán được hàng,
dư nợ vay ngày càng lớn nên công ty không thể trả nợ đúng hạn. Áp lực
trả nợ gốc và lãi ngày càng lớn.
Công ty Thái Sơn đã dùng vốn vay ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng
chủ nợ (đảo nợ) và các ngân hàng khác. Bằng cách bán hàng cho các công
ty trong nhóm và dùng lô hàng này thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng,
công ty Thái Sơn đã có được vốn để trang trải nợ nần. Song thực chất,
dòng tiền chỉ chạy vòng quanh giữa các ngân hàng chủ nợ. Và công ty Thái
Sơn chết cũng vì được ngân hàng “ưu ái” cho vay đảo nợ.
Chủ tịch Chứng khoán SME
Chung cảnh ngộ với hai “đại gia” trên, ngày 2/8, cơ quan công an khởi tố
và bắt giam ông Phan Huy Chí – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng
giám đốc Công ty Chứng khoán SME – về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ông Chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SME cũng bị bắt.
Theo nhiều nguồn tin, năm 2010, ông Phạm Minh Tuấn chỉ đạo giả mạo giấy
tờ của một cá nhân để ký hợp đồng cùng tham gia góp vốn đầu tư lô chứng
khoán và đã nhận 107 tỷ đồng của một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, SME
mới trả được một phần tiền để khắc phục hậu quả, nhưng không thể trả hết
gần 60 tỷ đồng còn lại.
Theo giới thiệu của SME, ông Phan Huy Chí là thạc sĩ chuyên ngành luật
Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ
và vừa Việt Nam…
Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn đã từng giữ vị trí Trưởng phòng Quản lý
tài chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Tuấn tốt nghiệp ĐH Tài
chính – Kế toán Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ và Thạc sĩ Kinh tế ĐH Libre de
Bruxelles (Solvay Business School – Bỉ).
Báo cáo tài chính mà SME công bố gần nhất là quý 3/2011. Mặc dù SME đã
xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý 4/2011 nhưng đã không được Sở Giao
dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2011, SME lỗ 6 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 23
tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý 3 còn 203,5 tỷ đồng, trong đó vốn
góp của chủ sở hữu là 225 tỷ đồng.
Cũng tính đến cuối quý 3/2011, các khoản phải thu ngắn hạn của SME là gần 667 tỷ đồng.
Việc SME không công bố báo cáo tài chính đầy đủ cùng với việc công ty
chứng khoán này gần như ngừng hoạt động khiến có những phỏng đoán cho
rằng, còn nhiều chủ nợ vẫn chưa đòi được tiền từ SME, bởi báo cáo tài
chính quý 3/2011 cho thấy công ty này vẫn nợ gần 600 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là ba vụ bắt giữ điển hình trong hàng loạt phi vụ “ngã
ngựa” của các “đại gia” từ lớn đến bé và trong bối cảnh kinh tế ngày một
rối ren này, không “ông lớn” nào có thể dám vỗ ngực quả quyết rằng mình
sẽ không “xộ khám”.
(Theo Đất Việt)
0 comments:
Post a Comment