Wednesday, September 29, 2010

Phật Ngọc Hòa Bình ???



(Bài viết trích từ : http://calitoday.com/news/view_article.html?article_id=845299844879e46a26eb12feb3bf6e63)

Cali Today News – Chúng tôi vừa nhận được một bài viết dài của Nguyên An với tựa đề “Tâm sự của một người Phật tử: Vui Buồn với pho tượng Phật bằng ngọc”. Tác giả gửi đến tòa soạn với lời dặn “Chỉ đăng khi tượng Phật bằng ngọc rời khỏi San Jose.” Chúng tôi đang đọc bài viết rất xúc cảm và tế nhị này với nhiều tình tiết bất ngờ. Tòa soạn cũng không chắc 100% là sẽ có đăng trọn vẹn bài viết này của đạo hữu Nguyên An, tuy nhiên chúng tôi xin phép trích đăng một phần rất nhỏ của bài viết dài nói trên với tiểu tựa “PHẬT NGỌC” VÌ HÒA BÌNH?

===========================================================================

“PHẬT NGỌC”?


Từ nhỏ chúng tôi hay đi chùa và thích đọc kinh. Trong số các danh hiệu chư Phật mà cá nhân chúng tôi được biết đến có rất nhiều như Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Địa Tạng,… và chúng tôi chưa từng nghe “hồng danh” Đức “Phật Ngọc”…

Theo suy nghĩ chủ quan, không có đức Phật nào được gọi là “Phật Ngọc” trong lịch sử Phật giáo, mà nên gọi là những “Pho tượng Phật Thích Ca bằng Ngọc” thì đúng hơn, thật hơn, “chánh ngữ” hơn,… Và “Phật Ngọc” của ông bà Ian Green đang được mang đi triển lãm khắp nơi (dù vì mục đích gì đi chăng nữa) cũng chỉ là MỘT TRONG NHỮNG pho tượng Phật Thích Ca bằng ngọc mà thôi. Trong quá khứ đã có nhiều pho tượng Phật Thích Ca bằng ngọc trên thế giới và hiện nay tại Việt Nam, người ta đang thực hiện những pho tượng Phật Thích Ca bằng ngọc, thậm chí to lớn hơn, qúy giá hơn (ít ra là giá trị bằng tiền) so với pho tượng Phật bằng ngọc của ông Ian Green.


Xin qúy vị từ nay hãy gọi đúng bản chất của sự việc, và không nên phạm giới khi gọi pho tượng trên là Phật Ngọc. Cách gọi này tạo ra cảm nhận sai lầm của người Phật tử vì nhiều người tưởng rằng đó là Phật và nhiều người xem chuyện rước tượng Phật bằng ngọc về là “Phật về”. Thật đáng tiếc khi cung nghinh pho tượng này đi khắp Việt Nam, và ra hải ngoại, chúng ta không nghe chư tôn đức nói gì đến chuyện “lạm danh” này vì có thể có lý do nào đó. Tuy nhiên, theo thiển ý, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc “gọi tên cho đúng sự việc” (chính ngữ, chánh tư duy). Người Phật tử được qúy thầy dạy từ kinh Phật về ngủ giới và bát chánh đạo, thì không thể lặng im trước hiện tượng này. Qúy thầy dạy Phật tử sống theo Bi, Trí, Dũng. Không nhận thức ra điều sai là “vô trí” và biết sai mà không nói, mà im lặng là “vô dũng”.
Lẽ nào chúng ta lại chấp nhận một cách giản đơn lối sống vô bi, vô trí và vô dũng như thế?

“PHẬT NGỌC” VÌ HÒA BÌNH?

Nếu vế đầu tiên (“Phật Ngọc”) của thuật ngữ trên đây là một sự lộng ngôn, mạo nhận, lộng danh có chủ đích nhằm hướng dẫn sai lệch dư luận, nhất là những Phật tử tín tâm thành kính chư Phật, thì vế thứ hai (“vì hòa bình”) cũng là một sự lộng ngôn khác.

Thật sự có phải vì hoà bình không?

Trước khi “Phật ngọc” đến San Jose, biết bao sóng gió xảy ra giữa chùa này, chùa nọ, đến mức phải mở họp báo, đến mức luật sư phải xuất hiện trong cuộc họp báo, thì hòa bình ở chỗ nào?

Nhiều chuyện tế nhị khác mà chúng tôi sẽ nói đến trong phần khác để thấy có phải vì hòa bình không?

Nếu “vì hòa bình” là một ước vọng, một khao khát đêå sống thì tốt, nhưng không nên đưa ra thành một thứ khẩu hiệu khoe khoang. Tự thân Phật đã là hòa bình, đã là từ bi, đã là trí tuệ rồi. Phật không cần gắn thêm những mỹ từ trang sức kèm theo.

Nếu nói Phật Ngọc vì hoà bình, thì còn bao nhiêu đức Phật khác vì những điều khác như Phật ngọc vì dân chủ cho Việt Nam, Phật ngọc vì nhân quyền, Phật ngọc vì thịnh vượng,… Cách gọi Phật ngọc vì hòa bình tưởng là vinh danh chư Phật, nhưng lại là một sự vẽ vời không cần thiết về Phật…

Do vậy, “Phật ngọc vì hòa bình” là một ý tưởng cần được xem lại.

Kinh Kim Cang dạy Phật tử phá chấp, vô sở trụ và cách gọi pho tượng Phật Thích Ca bằng ngọc là Phật Ngọc, rồi lại là Phật ngọc vì hòa bình, thì đi ngược lại tinh thần kinh Kim Cang của Phật, tạo chúng ra xa rời tâm Phật, nhìn cục ngọc tưởng là Phật với những “mỹ từ khác” khiến cho chúng ta ngày càng xa rời Phật và xa rời tâm Phật. Điều đó có nên không?

MỘT ĐỀ NGHỊ

Chúng tôi, những Phật tử, xin chân thành đề nghị: Ông bà Ian Green và những ban tổ chức cung nghinh tượng Phật bằng ngọc của ông bà Ian Green sắp tới hãy xem xét lại những lối tôn sùng Phật bằng hình thức vọng tâm nói trên. Chúng tôi cũng mong qúy thiện trí thức Phật tử thông cảm cho những suy nghĩ thô thiển nói trên, và xin qúy thiện trí thức Phật giáo xa gần góp thêm những lời chỉ bảo để chúng ta không bị sai lầm mê muội, và không để niềm tin của chúng ta trở thành những con tin cho người khác lợi dụng.

Phụng thờ Phật và tu theo lời dạy của chu Phật để giác ngộ là điều nên làm, nhất là ở thời kỳ mà chư Phật cho là thời mạt pháp này, nhưng cổ súy lối tu vọng tâm và vọng tưởng như trên thì cũng nên xem lại.


Nguyên An

==================================================================

Góp ý của VhD : Tôi đồng ý với tác giả Nguyên An, qua những nhận định xác thực trong bài viết trên về hiện tượng "Phật Ngọc Hòa Bình", nếu chúng ta dễ dàng chấp nhận chuyện lộng ngôn, mạo nhận, tệ hại hơn là thần thánh hóa bức tượng Phật được trạm trổ bằng ngọc rồi gán ghép với những "chức năng mầu nhiệm" như có thể mang lại được hòa bình cho thế giới, trong khi Phật tính trong tâm thì ít so với lòng Tham-Sân-Si thì nhiều vô lượng, đã ăn sâu tiềm ẩn trong người và sẵn sàng kiện tụng, tranh chấp, giành giựt nhau để tổ chức lễ rước cung nghinh cho bằng được vì một dụng ý sâu kín nào đó ???. Không chừng sau "Phật làm bằng ngọc" này sẽ có kẻ khác bày ra chuyện "Phật Kim Cương cho Nhân Quyền Thế Giới" hay "Phật Thép cho Dân Chủ Thế Giới" .v.v.... và v.v.....

Nếu mọi người nhận thức được "Phật tại tâm" thì làm gì có chuyện Phật ngọc với Phật vàng hay Phật kim cương ..... hoặc giả nghĩ rằng Phật chỉ có ngự, hiện diện ở chùa to đẹp lớn nguy nga tráng lệ này mà không ở chùa lụp xụp, nhỏ bé tăm tối kia !

Nếu mọi người nhận thức được "Tâm bình thế giới bình" thì làm gì có chuyện ông đại gia này dọa kiện bà thương gia kia, chùa này thưa chùa nọ, ông đại đức này hăm he kiện bà ni sư kia .v.v...

Nếu không ai mê muội, cuồng tín nhắm mắt nhắm mũi tin vào những vật thể (kim loại, đá quý) được đúc, tạc thành hình dạng Phật mới là hiện thân của Đức Phật, thì àm gì có hiện tượng thương gia này con buôn nọ, kẻ háo danh kia nhảy xổng ra tranh giành tổ chức ngỏ hầu chia chác, kiếm lợi bạc tiền, kiếm danh hư ảo từ lòng tin nhẹ dạ cả tin của những đồng đạo Phật tử khác!

Kết luận. Thật ra chẳng có ông Phật (Thích Ca) hay ông Chúa (Giê su) nào truyền dạy đệ tử, con chiên (người theo đạo) là phải thờ phượng các ngài theo cách này, không là cách nọ, phải tạc tượng bằng ngọc bằng vàng bằng kim cương, mà không bằng đất sét, đất bùn cả ! Chung quy chỉ có con người mới bày trò vẽ vời, đặt ra đủ trò và luật lệ để trói và ràng buột kẻ khác cũng là con người như mình ! Rõ khổ ......

Ai Di Đà Phật - Amen !


Xem bài cùng chủ đề về "Phật ngọc", bấm vào link dưới đây :

http://vuhuyduc.blogspot.com/2010/09/hoa-hau-phu-nhan-bich-lien-show-hang.html

0 comments:

Powered By Blogger