Công nhân nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, Quảng Đông trong giờ nghỉ trưa, 21/01/2015.REUTERS/Tyrone Siu/Files
Tuần báo Le Point trong bài viết mang tựa đề "Khi Trung Quốc trở nên đắt đỏ và phải chuyển dịch sản xuất"
nhận định, công xưởng thế giới nay không còn mang tính cạnh tranh nữa.
Tại Đông Quản (Dongguan), thành phố công nghiệp thịnh vượng ngày xưa,
nhiều nhà máy đã phải đóng cửa.
Mở
đầu bài viết, tác giả nêu ra trường hợp của Li Shun Rong. Người mẹ 41
tuổi này vui vẻ vì có thể về với chồng con tại quê nhà Tứ Xuyên sau hai
năm xa cách. Cuộc sống lao động vất vả trong một nhà máy sản xuất đồng
hồ Nhật Citizen bỗng đột ngột kết thúc hôm 5/2, vào lúc 14 giờ 30. Bà kể
lại trong khu nhà trọ hoang vắng: "Chúng tôi đang làm việc ở dây
chuyền sản xuất khi điện bỗng dưng bị cúp, rồi đến nước. Công nhân cứ
ngỡ là trục trặc kỹ thuật. Nhưng các viên quản lý chạy đến, bảo chúng
tôi thu dọn đồ đạc rồi ra đi ngay lập tức!"
Khi
1.000 công nhân nhà máy phản đối số tiền bồi thường quá khiêm tốn khi
bị sa thải bất ngờ, công an chống bạo động được điều tới, vũ trang bằng
khiên, dùi cui và có cả chó nghiệp vụ hỗ trợ. Chính quyền Quảng Đông
đứng về phía ban giám đốc để dập tắt phong trào phản kháng.
Bánh
xe toàn cầu hóa đã quay. Cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác, đến
lượt Citizen bỏ rơi Trung Quốc, do giá thành sản xuất cao. Tập đoàn Nhật
gởi máy móc sang Việt Nam, và thậm chí còn đưa một phần sản xuất trở về
Nhật Bản, mà giá thành đã rẻ hơn nhờ đồng yen sụt giá do chính sách tái
thúc đẩy kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Nay
thì Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch sản xuất công nghiệp sang nước khác,
như châu Âu trước đây. Zhang Huarong, chủ tịch Huajian, công ty gia
công giày lớn nhất thế giới tóm tắt: "Trung Quốc nhắm vào việc xuất
khẩu hàng rẻ tiền để phát triển, nhưng nay không còn thực hiện được
nữa. Chúng tôi không còn cạnh tranh nổi với các nước Đông Nam Á. Sắp
tới, người cạnh tranh lớn nhất sẽ là châu Phi".
Bằng
chứng là các nhà máy của ông Zhang tại Đông Quản, thu dụng 25.000 công
nhân năm 2007, nay chỉ còn lại 8.000. Chủ yếu là do tiền lương tăng đến
30% từ 2012 đến 2014, và làn sóng đình công liên tục diễn ra tại Quảng
Đông từ năm 2010.
Những
người nô lệ hiện đại nay đòi hỏi điều kiện sống tốt hơn, còn các nghiệp
đoàn trước đây rất vâng lời chế độ, nay được chính quyền trung ương bật
đèn xanh do sợ bất ổn xã hội. Ông Zhang phàn nàn đã bị mất đến 30% hợp
đồng vào tay Việt Nam. Bên cạnh đó, nay rất khó tuyển được công nhân,
chỉ những ai không có tay nghề và trên 40 tuổi mới tiếp tục làm việc cho
nhà máy, lớp trẻ thích khu vực dịch vụ hơn.
Việc
chuyển dịch sản xuất là không thể tránh khỏi, và Trung Quốc đành nhắm
mắt theo chân. Ông Zhang sang Ethiopie xây dựng nhà máy, vì giá nhân
công ở đây rẻ gấp sáu lần so với Đông Quản. Các đường phố chính của vùng
ngoại ô rộng mênh mông có 10 triệu dân nằm giữa Quảng Đông và Thâm
Quyến trở nên hoang vắng, mất đi đến một phần ba dân số. Những nhà hàng
vắng khách, các cơ sở mát-xa đóng cửa, khách sạn năm sao vắng vẻ như
chùa Bà Đanh, trung tâm thương mại mới toanh rộng 60.000 mét vuông không
có ai vào.
Trung Quốc : Phong trào ly dị rồi tái hôn để trốn thuế
Cũng về Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro có bài "Chế độ thuế khóa khiến đàn ông Trung Quốc phải tái hôn với vợ cũ".
Từ hai năm qua, tại nhiều thành phố nước này đang diễn ra làn sóng ly
dị và tái hôn, sau khi một đạo luật nhằm chống đầu cơ địa ốc có hiệu
lực.
Luật
này dự kiến đánh thuế 20% lên lợi tức thu được qua việc bán nhà, khi vợ
chồng gia chủ sở hữu hai căn nhà. Nhưng một lỗ hổng nhỏ nhanh chóng
được người dân nhận ra: sẽ được miễn thuế nếu đã ly dị trước khi bán.
Thế là nhiều cặp vợ chồng đã lợi dụng lỗ hổng ấy để kiếm lợi hàng chục
ngàn euro. Họ vui vẻ mời cha mẹ đôi bên và con cái tham gia bữa tiệc
chia tay linh đình, vì không ai cấm hai vợ chồng đã ly dị sau đó lại kết
hôn với nhau.
Do
quá phổ biến, chính quyền phát hiện ra phong trào ly dị giả: tại Thượng
Hải, số vụ ly dị rồi tái hôn với người cũ đã tăng gấp đôi trong năm
ngoái, cụ thể lên đến 17.286 vụ trong năm 2014! Tương tự ở Nam Kinh
thuộc tỉnh Giang Tô, có 25.000 cặp đã ly dị lại kết hôn với cố nhân,
chiếm 30% tổng số vụ đăng ký kết hôn.
"Tỉ lệ tái hôn quá lớn cho thấy tầm cỡ quy mô của nạn ly dị giả"
- China Daily dẫn lời một viên chức nhấn mạnh. Tuy nhiên chưa cần phải
đặt ra luật mới để chấm dứt hiện tượng ra vào cơ quan đăng ký kết hôn
như đi chợ. Do mức cung rất cao, và các biện pháp hạn chế như mỗi gia
đình chỉ được sở hữu một căn hộ, thị trường địa ốc đang sụt giảm cùng
với giá bán nhà và lợi nhuận... Không biết có phải là một sự trùng hợp
tình cờ hay không, mà số lượng các vụ ly dị cũng đang đi xuống.
0 comments:
Post a Comment