Năm 2008, chính quyền thị xã Từ Sơn thu hồi đất của 65 hộ gia đình ở
khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để
xây dựng Nhà máy xử lý nước thải. Những người dân nơi đây đã phản đối dự
án này. Khiếu nại của họ đặt ra các yêu cầu di chuyển dự án ra xa khu
dân cư hơn để đảm bảo vệ sinh môi trường, yêu cầu thu hồi đất đảm bảo
theo đúng pháp luật qui định.
Cuộc đấu tranh này đã được phản ánh trên mạng xã hội trong những năm vừa
qua. Kết cục, đất vẫn bị thu hồi, nhà máy không dịch chuyển và 12 người
bị án tù, trong đó 6 người bị án tù giam mỗi người 26 tháng, 6 người bị
án tù treo mỗi người 28 tháng. Có gia đình cả 2 vợ chồng bị án tù giam
như vợ chồng ông Đỗ Văn Hào và bà Ngô Thị Toan.
Vào một ngày giáp tết Ất Mùi, tôi đã gặp 4 người trong số họ là bà Ngô
Thị Đức, Đỗ Thị Thiêm, ông Đỗ Văn Hào, Đỗ Văn Quý. Trong đó bà Ngô Thị
Đức bị án treo, còn 3 người kia bị án tù giam. Qua câu chuyện họ kể,
càng thấy thêm được số phận người dân thấp cổ bé họng như con sâu cái
kiến. Cái lối bắt người để ép người nhận tiền đề bù, hù dọa, bắt người,
xử án của công an và các cơ quan tư pháp hết sức tùy tiện. Từ đó, có thể
thấy các "biện pháp nghiệp vụ" họ đã sử dụng để thu hồi đất triển khai
dự án như thế nào.
Bà Ngô Thị Đức, có chồng là liệt sĩ. Bà là đảng viên nhưng đã bị khai
trừ vì vụ đi khiếu kiện. Bà từng chặt đứt ngón tay trỏ. Bà nói tôi vào
đảng để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nay chưa đến hơi thở cuối cùng
thì đã mất đảng nên tôi chặt. Họ hù dọa người dân hết sức vô lối. Họ bảo
tôi mang bằng Tổ quốc ghi công đi khiếu kiện là sai. Họ bảo chúng tôi
đến Văn Giang học tập cách chống đối chính quyền. Họ hỏi chúng tôi quan
hệ với bà Lê Hiền Đức thế nào và yêu cầu không được quan hệ vì những
người này là phản động.
Bà Đỗ Thị Thiêm bị tạt a xít vào người. Bà nói chuyện với chúng tôi rất
khó nhọc vì vết bỏng ở cổ rất nặng. Bà kể hôm đó là 4/7/2013. Con tôi bị
liệt, họ bảo tôi làm thủ tục cho cháu đến trường. Hôm đó họ gọi điện
cho tôi ra ngoài để ký giấy tờ cho cháu. Tôi ra để đón họ vào. Ra 2 lần
không thấy ai, đến lần thứ 3 thì bị 2 thằng tạt a xít rồi bỏ chạy. Tôi
phải đi bệnh viện điều trị, kết quả thương tật là 53%.
Bà Ngô Thị Đức
Bà Đức cho biết thêm, bà Thiêm chuyên đi làm mướn (lau nhà, lau cửa, ai
thuê gì thì làm nấy) để sinh nhai. Bà Đức khẳng định, bà Thiêm bị tạt a
xít là vì vụ xây nhà máy xử lý nước thải, nếu không thì không có ai vẩy a
xít vào bà ấy.
Bà Thiêm bị bắt khi đã ra viện về điều trị tại nhà. Bà kể, tôi đang ở
nhà thì 3,4 trăm công an ập đến nhét giẻ vào mồm khiêng đi khoảng 400
mét rồi ấn lên ô tô. Chồng tôi bị động kinh không biết gì. Bắt tôi rồi, ở
nhà, họ ép chồng tôi lấy tiền nhưng không có đồng nào, chỉ cho 1 cái
thẻ hàng tháng ra ngân hàng rút lãi. Họ bắt tôi để ép mọi người phải lấy
tiền đề bù. Họ bảo nếu mọi người lấy hết tiền đề bù thì chúng tôi khắc
thả chị ra chứ không có tội gì. Khi mọi người lấy hết tiền rồi, tôi vẫn
không được thả về. Thế rồi tự nhiên đến 4/9/2014, tôi bị tòa án Từ Sơn
mang ra xử 26 tháng tù giam.
Ông Đỗ Văn Hào và vợ ông - bà Ngô Thị Toan đều bị án tù giam 26 tháng.
Gia đình ông là gia đình liệt sĩ, ông là người duy nhất thờ cúng liệt
sĩ. Ông xin cho 1 người ở nhà nhưng họ không nghe. Ông bị bắt khi đang
đưa đơn ở phòng tiếp dân ở số 1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông). Ông nói họ
khiêng tôi như khiêng chó, khiêng lợn rồi đưa lên Bãi Bùng. Họ bảo tôi
viết giấy ủy quyền cho con, lấy tiền đi rồi cho về, tôi nghe họ dỗ cũng
viết, thế nhưng cả hai vợ chồng tôi vẫn bị kết án tù giam.
Ông Đỗ Văn Quý cũng bị kết án 26 tháng tù giam. Ông cho biết, tôi không
hiểu tôi có tội gì mà họ bắt tôi đi tù. Tôi đi làm chứ không ở nhà. Ông
kể, Oanh ở Bộ công an và Hà Đen công an Từ Sơn gọi điện cho tôi bảo ra
trình báo để nhận tội. Tôi hỏi tội gì, Oanh nói có người tố cáo Quý phạm
tội. Tôi bảo thế họ tố tôi giết người thì các ông cũng tin à? Tôi về
thì họ đưa giấy triệu tập lên công an Từ Sơn để trình báo. Tôi lên thì
họ bắt ký vào biên bản gây rối trật tự công cộng có tổ chức, tôi không
ký. Họ bắt lên Bãi Bùng. Họ đánh, họ ép cung nhưng tôi bảo bảo các anh
bắn tôi cũng được, tôi không có tội gì cả. Một công an nói, tội của anh
là đi Văn Giang học tập để chống đối (!?)
Nghe những người nông dân Trịnh Nguyễn kể về nỗi oan ức của họ, không
khỏi căm phẫn. Họ nói họ chỉ đấu tranh ôn hòa, ra ngồi giữ đất, đi khiếu
nại. Thế mà đất vẫn mất, người thì vào tù, người bị thương tích, tàn
tật. Kết tội họ gây rối trật tự công cộng nhưng không có một ai bị bắt
quả tang khi đang gây rối. Khi bị kết án, họ thắc mắc, các anh đánh
người già, trẻ con, lăn quay ra thì không có tội, còn chúng tôi không có
tội lại bị kết án tù. Sở dĩ họ còn tại ngoại để tìm đến chúng tôi kể
khổ là vì họ đã rút đơn kháng án, nếu không họ đã bị bắt giam luôn.
Những người bị án tù giam đã có giấy báo ngày mai 1/3/2015 đi làm thủ
tục thi hành án và 6/3/2015 thì "lên đường" - chị Thiêm cho biết. Xin
bạn đọc quan tâm theo dõi đầy đủ cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với
những nông dân Trịnh Nguyễn qua các clip dưới đây (Trương Văn Dũng thực
hiện).
0 comments:
Post a Comment