Gian trá và Ngụy Tạo
Gs. Lâm Văn Bé
Thursday, April 17, 2014
Bài đọc suy gẫm: Gian trá và Ngụy Tạo tức Chuyện Tháng Tư Đen của Gs.Lâm Văn Bé. Lịch sử còn bị bóp méo đến bao giờ? Hình ảnh chỉ là minh họa.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tư lênh Sư đoàn 18 BB kiêm tư lệnh mặt trận Xuân Lộc.
1.
Lịch sử nhiều khi bị thay đổi. Không phải vì sự kiện lịch sử thay đổi,
nhưng sự kiện lịch sử khi được tường thuật, nhận định, lại bị thay đổi
bởi chính kiến, thành kiến, tư lợi.
Khi
xưa, sử quan viết sử để phục vụ cho một triều đại cầm quyền, hôm nay
người viết sử hay nghiên cứu sử lại bị quyền lợi cá nhân hay phe nhóm
chi phối. Đem tâm tình viết lịch sử và đọc lịch sử là chuyện muôn đời.
Sự
gian trá, ngụy tạo tài liệu lịch sử lại càng trầm trọng hơn với thông
tin điện tử. Thông tin trên internet hôm nay là sản phẩm đôi khi của
tưởng tượng, nếu không là sự lập lại thành thật những dữ kiện đã bị nhào
nặn, vô tình hay cố ý qua các trung gian.
Dĩ
nhiên, chúng ta không thể đa nghi về mọi sự việc, nhưng đôi khi, việc
sử dụng óc phân tích, sự thông minh để phân biệt hư thực là điều cần
thiết.
Nhân
ngày 30 tháng tư, chúng tôi muốn ghi lại những biến cố quan trọng của
Tháng tư đen từ một số tài liệu và hồi ký viết bởi các tác giả người Mỹ,
Pháp, và nhất là người VN, để xem chỉ một tháng thôi, sự kiện lịch sử
đã được tường thuật và nhận định khác biệt thế nào bởi ngay những chứng
nhân hay tác nhân của các biến cố.
- 4 tháng tư: Trần
Thiện Khiêm từ chức (Todd, p.237), [nhưng theo Hoàng Đống, tr. 356 thì
Khiêm từ chức ngày 2] và đề nghị một danh sách người kế nhiệm là Trần
Văn Đổ, Nguyễn Ngọc Huy, Trần Văn Lắm. Sau khi cân nhắc, ngày 5, TT
Thiệu mời Nguyễn Bá Cẩn đứng ra lập nội các chiến tranh (Viên, tr.218)
nhưng phải chờ đến ngày 14 tháng 4, tân thủ tướng mới trình diện được
nội các với Tổng Thống Thiệu.
- Theo Nguyễn Tiến Hưng trong Khi Đồng Minh tháo chạy
« Trong suốt buổi lễ, ông Thiệu tỏ ra căng thẳng, vẻ mặt xanh xao,
duờng như những biến cố vừa qua đã tiêu hao hết nghị lực của ông bởi
Cộng Sản(CS) đã tiến gần đến Phan Rang, nơi sinh trưởng của ông » (Hưng,
tr. 310).
-
Theo Snepp, giới chính trị dửng dưng vì đó chỉ là bình phong vì mọi
việc do TT Thiệu quyết định, còn Polgar, trưởng phòng CIA tại Saigon thì
hài lòng vì một tổng trưởng quan trọng của nội các là nhân viên của CIA
(Snepp, tr. 232).
-
Theo Trần Văn Đôn, mặc dù ông chấp nhận chức vụ Phó Thủ Tướng, nhưng
ông đã nhận định ông Thủ Tướng của ông «không phải là người của tình
thế, không phải là người dốc tâm dốc sức để giải quyết cơn bệnh đã đến
hồi ngặt nghèo của VNCH » (Đôn, tr. 447)
-
Bùi Diễm, đại sứ VN tại Mỹ tỏ ra xem thường ông Cẩn cho là « một người
mà tất cả Saigon biết rằng chẳng có quyền hành gì » (Diễm, tr. 560)
- 8 tháng tư: Trung
Úy KQ/VNCH “trở cờ” Nguyễn Thành Trung lái F-5 oanh tạc dinh Độc Lập
rồi đáp xuống phi trường Nha Trang (Đà Nẳng, theo Darcourt, Phước Long,
theo Lý Quí Chung) đã do CS kiểm soát. Báo chí Saigon lúc ấy đăng tin
Trung là người bị khủng hoảng tâm thần nhưng CS xác nhận Trung là đảng
viên CS đã được gài vào Không quân Saigon, được tu nghiệp ở Hoa Kỳ từ
năm 1969 đến 1972.
Sau
này, năm 1996, Trung là phi công trưởng lái chiếc Boeing 767 đưa chủ
tịch Lê Đức Anh qua New York dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp
Quốc.
Cuộc
oanh tạc gây ra nhiều hoang mang trong dân chúng và quân đội như Kỳ đảo
chánh hay TT Thiệu tạo đảo chánh giả để bắt các phe đối lập.
Cùng
lúc ấy, tại Hà nội, Phạm Văn Đồng tiếp kiến Đại sứ Pháp Philippe Richer
đề cập đến viễn tượng hợp tác với Pháp trong việc khai thác các mỏ dầu ở
miền Nam, thay thế các chuyên viên Hoa Kỳ. Tổng Thống Pháp Giscard
d’Estaing chỉ thị cho đại sứ Jean- Marie Mérillon tại Saigon tích cực
thăm dò và bày tỏ lập trường của Pháp bên cạnh các nhà lãnh đạo VNCH và
đại sứ Mỹ Graham Martin.
- 9 tháng tư: CS
bắt đầu chiến dịch đại tấn công với 16 sư đoàn được tổ chức thành 4
quân đoàn, và một lực lượng yểm trợ hùng hậu gồm 1 sư đoàn pháo binh, 2
lữ đoàn chiến xa. Quân đoàn 4 gồm 3 sư đoàn do Trần Văn Trà chỉ huy gồm
SĐ 341 (sư đoàn nầy tân lập, nhiều quân sĩ mới gia nhập, có nhiều lính
dưới 18 tuổi), SĐ 4, SĐ 7, tấn công Xuân Lộc và pháo kích vào Bộ Tư Lịnh
Quân Khu 3 và phi trường Biên Hòa. (Snepp, tr. 268)
Nguyễn Hữu An trong Chiến trường mới,
thì chi tiết hơn: quân CS có 17 sư đoàn chia ra 5 quân đoàn tấn công
Saigon. Quân đoàn 1 do tướng Nguyễn Hòa chỉ huy có 30,000 quân phụ trách
vùng Đông Bắc (Lái Thiêu, Bến Cát), quân đoàn 2 do Nguyễn Hữu An chỉ
huy có 40,000 quân tấn công vùng Đông Nam, (Long Thành, căn cứ Nước
Trong, thành Tuy Hạ), quân đoàn 3 có 46,000 quân do Vũ Lăng làm tư lệnh
tấn công vùng Tây Bắc (Trảng Bàng, Hốc Môn), quân đoàn 4 do Hoàng Cầm
chỉ huy với 30,000 quân đánh hướng đông và đông nam (Xuân Lộc, Biên Hòa,
Long Bình), quân đoàn 232 do Lê Đức Anh chỉ huy 42,000 quân đánh hướng
Tây Nam dọc theo quốc lộ số 4. (An, tr. 245-47)
Trung
đoàn 48 thuộc Sư đoàn 18 BB của tướng Lê Minh Đảo đã anh dũng chống
trả, mặc dù CS pháo kích đến 10 ngàn đại pháo trong một ngày (theo Snepp
thì 1000, có lẽ hợp lý hơn), nhưng đã đẩy lui được quân CS, và đây là
lần đầu tiên sau 3 tháng chiến thắng trên nhiều mặt trận, chiếm được 14
tỉnh, quân CS bị chận bước tiến. Tướng Trần Văn Trà, trong hồi ký Kết thúc cuộc chiến 30 năm, đã nhìn nhận là ba sư đoàn của Hoàng Cầm bị thiệt hại rất nhiều, Tướng Trà phải tăng viện quân trừ bị của sư đoàn 6 và 7.
- Ngày 10, tướng
Cao Văn Viên tăng viện Xuân Lộc: không quân dội bom 750 cân ở cao độ
rất thấp, khiến quân CS bị thiệt hại nặng (2000 bị thương và thiệt mạng
(Todd tr. 283) nên phải tiếp viện trước khi tái tấn công Xuân Lộc nhằm
cắt đứt với Biên Hòa. Theo Nguyễn Khắc Ngữ, con số này là 1000 (Ngữ, tr.
326)
Bom CBU-55 được thả tại chiến trường Xuận Lộc để làm chậm lại đà tiến công của quân Bắc Việt.
Nhưng
chiến thắng Xuân Lộc không tạo được ấn tượng nào trong chính giới Hoa
kỳ. Tuy nhiên, Tổng Thống Gerald Ford, trong một bài diễn văn đọc trên
đài truyền hình toàn quốc cũng vào ngày 10 tháng 4 yêu cầu Quốc Hội viện
trợ quân sự cho VNCH 722 triệu mỹ kim theo đề nghị của tướng Frederick
Weyand, tư lệnh lực lượng Mỹ ở VN, và 250 triệu viện trợ dân sự cung cấp
phương tiện cứu trợ người tị nạn, nhưng đã bị Thượng Viện, lúc bấy giờ
thuộc đảng Dân Chủ không trả lời. Sau đó, ngày 16 tháng 4, TT Ford,
trong bài diễn văn đợc trước Hội các nhà biên tập báo chí Hoa Kỳ
(American Society of Newspaper Editors) lên án Quốc Hội Hoa kỳ đã bội
ước không tôn trọng nghĩa vụ giúp đỡ VNCH trong khi Liên Sô và Trung
Cộng gia tăng viện trợ cho Bắc Việt. Để trả lời TT Ford, ngày hôm sau,
Thượng Viện biểu quyết không chấp nhận bất cứ một viện trợ quân sự bổ
túc nào cho VNCH.
Phải
chăng, chính sách chống chiến tranh VN của đảng Dân Chủ là lý do khiến
đa số người VN ở Mỹ có ác cảm với đảng Dân Chủ và ủng hộ đảng Cộng Hỏa
với mọi giá !
Thực
ra, tất cả chỉ là sự lừa dối hào nhoáng, danh từ mà Neil Sheehan đã đặt
tên cho quyển sách của ông, bởi lẽ tuy bề mặt Ford làm ra vẻ như muốn
giúp VN, nhưng bên trong, Ngũ Giác Đài tuyên bố đã tuyệt vọng và Tổng
Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger đã tuyên bố là viện trợ chỉ vì uy
tín của Hoa Kỳ: «Chúng ta không thể nào là quốc gia bỏ rơi đồng minh, phản bội lời hứa của chúng ta» (Todd p. 271).
- Ngày 12, cuộc
triệt thoái của Mỹ trên đất Cao Miên là một báo hiệu cho miền Nam, càng
gia tăng thêm cơn sốt chính trị và nỗi hoang mang lo sợ trong dân
chúng.
Lúc
7giờ 45 sáng, ba đoàn trực thăng khổng lồ cất cánh từ hàng không mẫu
hạm Okinawa trong vịnh Thái Lan đáp xuống Nam Vang để di tản giới chức
Mỹ và Cao Miên của chánh phủ Long Boret.
«Thật
là ngạc nhiên và nhục nhã cho người Mỹ, tất cả nội các và đa số nhân
vật cao cấp trong chánh quyền Cao Miên từ chối lời mời của Mỹ để di tản
như thủ tướng Long Boret, Lon Non (em của Lon Nol), mặc dù những người
nầy có tên trong danh sách bị án tử hình của Khmer Đỏ ».(Todd p.274)
Tinh
thần kiên cường nầy đã biểu hiện rõ trong bức thư của Hoàng thân Sirik
Matak viết tay bằng tiếng Anh gởi cho đại sứ Mỹ John Dean.
Vài
ngày sau, Kissinger đọc bức thư của Matak cho các thượng nghị sĩ nghe
trong bầu im lặng tuyệt đối và nỗi bàng hoàng. Và để kết luận, Kissenger
vớt vát: Là người Mỹ, chúng ta phải làm thế nào để đừng có những bức thư như thế này nữa. (Todd, p.280)
Phóng ảnh viết tay bằng tiếng Anh gởi cho đại sứ Mỹ John Dean.
Phải: Hoàng thân Sirik Matak
Thưa ông Đại Sứ ,
Tôi thành thật cám ơn lời mời của Ông định đưa tôi đến bến bờ tự do nhưng tôi không thể nào bỏ đi một cách hèn nhát như vậy.
Đối với Ông và quốc gia vĩ đại của Ông, tôi không bao giờ tưỡng tượng được, dù chỉ một phút, các Ông đành lòng bỏ rơi một dân tộc đã chọn lựa chiến đấu cho tự do. Các ông ra đi, tôi xin cầu chúc cho Ông và quốc gia của các ông sẽ tìm được hạnh phúc duới bầu trời này.
Nhưng các ông nên ghi nhận điều nầy là tôi sẽ chết ở đây, trên đất nước thân yêu của tôi, và chúng tôi chỉ ân hận đã phạm một sai lầm lớn là đã đặt niềm tin vào các ông và nước Mỹ của các ông.
Sirik Matak.
*
Cuộc di tản của Mỹ ở xứ chùa Tháp vẫn không lay chuyển được niềm tin
của TT Thiệu về sự sống còn của chế độ VNCH. Sau đây là cuộc đối thoại
giữa Hoàng đức Nhã và TT Thiệu được Todd ghi lại (Todd tr. 276)
- HĐN: Chuyện như vậy sẽ xảy đến ở Saigon
- TT Thiệu: Chú tin như vậy ?
- HĐN: Đúng vậy, nếu CS tập trung lực lượng tấn công chúng ta.
- TTThiệu: Tôi không tin như vậy và chẳng tin bao giờ như vậy. Ở đây có nhiều yếu tố khác.
*
Dương Văn Minh, người tự nhận là cứu tinh của đất nước, bình thản nhận
được tin Nam Vang thất thủ lúc đang uống trà với các bạn tại Đường Sơn
Quán, tiệm ăn của tướng Mai Hữu Xuân ở Thủ Đức.
Trả lời câu nói của bạn ông là Tôn Thất Thiện là rồi đây Cộng Sản sẽ vô Saigon, Minh phản đối: Anh không phải là quân nhân, anh chẳng biết gì cả. Phải 6 tháng nữa kìa. (Todd p. 293).
-Ngày 14 , Trần Văn Đôn gặp Đại sứ Martin thông báo là ông vừa tiếp xúc với một đại diện Mặt Trận Giải Phóng và đề cập đến 3 điểm:
- Đôn có thể thay thế Thiệu,
- CS không cản trở người Mỹ di tản người Việt,
- và Hoa kỳ có thể giữ lại một một tòa đại sứ nhỏ ở Saigon với điều kiện những viên chức Mỹ phải ra đi.
Trong
khi Snepp không tin những tin tức loại này cũng như luận điệu tương tự
của đại sứ Pháp Mérillon chỉ vì tham vọng cá nhân cũng như ý đồ của nước
Pháp, Martin lại có vẻ tin tưởng. (Snepp tr. 272).
Điều
nầy cũng được Đôn xác nhận trong hồi ký của ông: «Cũng trong ngày 20
tháng tư, lúc 4 giờ chiều, tôi đến gặp đại sứ Martin tại sứ quán, Martin
đã nói với tôi: Thật sự lúc đó [trả lời câu hỏi của TT Thiệu] tôi muốn ông [Trần Văn Đôn] làm thủ tướng toàn quyền hơn là ông Minh, nhưng Hà nội chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi» (Đôn, tr. 457)
Không tin chiến thắng sắp đến của CS, mà cũng không hi vọng Quốc Hội Mỹ chấp nhận viện trợ bổ túc.
- Ngày 15 tháng 4, TT
Thiệu cử Nguyễn Tiến Hưng sang Washington vận động với TT Ford xin vay 3
tỷ trong 3 năm, được bảo đảm bằng lợi tức dầu hỏa sắp khai thác ở ngoài
khơi, 16 tấn vàng dự trử, tiềm năng xuất cảng gạo (Hưng, tr. 312).
Nhưng
đã quá muộn. Ngày 18 tháng 4, Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện bỏ phiếu
chống việc tăng quân viện cho VNCH và Ủy Ban ngoại giao Thượng Viện cho
phép TT Ford sử dụng quân đội để di tản người Mỹ ra khỏi VN. Quốc Hội đã
giúp cho Ford rửa mặt, đặc biệt cho Kissenger khi ông nầy tuyên bố: "Cuộc
thảo luận về VN nay đã chấm dứt. Hành Pháp Hoa Kỳ đã chấp nhận bản án
của Quốc Hội, không hiềm thù, không biện minh và cũng không kháng cáo.» ( Hưng, tr.318)
- Ngày 17,
Nhận lịnh của thượng cấp, Jean-Marie Merillon gặp Dương Văn Minh, hứa
hẹn nước Pháp sẽ ủng hộ Minh. Cảm động, Minh bắt tay Mérillon ứa lệ, hứa
sẽ làm được gì có thể. Minh tin tưởng lá bài trong túi: người em là
Dương Văn Nhựt đang ở bên kia.
Sự can thiệp của Pháp vào giờ thứ 25 thật sổ sàng, làm áp lực với Tổng Thống Thiệu từ chức để thay thế bằng Dương Văn Minh .
Từ trái: Dương Văn Minh, Đại sứ Pháp Jean-Marie Merillon và Trần Văn Đôn.
Trong khi đó, Saigon xôn xao vì những tin tức hòa bình và chiến tranh trái ngược:
- Bắc Việt không bao giờ tấn công Saigon. Sẽ có một chánh phủ 3 thành phần,
- Đặc công đang xâm nhâp vào Saigon chuẩn bị cuộc tấn công chiếm đóng,
- Sẽ có đảo chánh ở Saigon, ở Hà nội. (Todd p.295).
- Ngày 18, Merillon gặp Martin thảo luận về việc làm áp lực với TT Thiệu từ chức. Martin đồng ý.
Tinh
thần TT Thiệu xuống thấp, tin tức nhiều người thân cận hay đối lập muốn
ông từ chức hay đảo chánh, (Cao văn Viên, Nguyễn Cao Kỳ và tướng lãnh
thân cận) mồ mã ông bà bị đập phá ở Phan Rang (điềm chẳng lành vì ông
rất tin dị đoan và theo Nguyễn khắc Ngữ, tr. 341, đó là lý do quan trọng
khiến ông Thiệu từ chức), ông tự cô lập trong bunker trong dinh Độc
Lập, không buồn trả lời cả điện thoại của tòa đại sứ Mỹ.
Về việc đảo chánh, ông Viên đã cực lực đính chánh trong biên khảo Những ngày cuối cùng của VNCH:
Tác giả là một quân nhân thuần túy, không làm chính trị và cũng không
có những tham vọng chính trị. Tác giả đã chứng kiến những tai hại của
hai vụ đảo chánh trước, nên dù cho có ai rủ đảo chánh, tác giả cũng
không làm. Ở đây, tác giả cũng muốn khẳng định những tin tức về tác giả
do Frank Snepp viết trong Decent Interval (trang 287, 288, 394, 397) về cá nhân tác giả là những "ý nghĩ xuyên tạc, đoán mò" (Viên, tr.217,18)
Việc
Nguyễn Cao Kỳ bỏ ý định âm mưu đảo chánh là do hai yếu tố. Trước hết là
sự từ chối của các tướng thân cận với ông như Tư lênh Không Quân Trần
Văn Minh, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến
Bùi Thế Lân và một số chỉ huy trưởng ở Biệt Khu Thủ đô và Vùng 3 Chiến
Thuật. Olivier Todd thuật lại (tr.300):
- Trần Văn Minh: Ông cứ làm đi, bắt tôi làm con tin. Tôi không làm vì Tòa đại sứ Mỹ hứa đưa gia đình tôi sang Mỹ nếu tôi không làm gì.
- Bùi Thế Lân: Tôi không đem binh giúp ông, nhưng chúng tôi không chống .
- Cao Văn Viên: Ông làm đi, nói cho tôi biết ngày giờ, tôi sẽ mở cổng Bộ Tổng Tham Mưu.
Nhưng
yếu tố quyết định là sự can thiệp kịp thời của Martin và tướng Charles
Timmes. Cuộc đối thoại giữa Kỳ và Martin suốt 2 giờ đã được Timmes thu
âm, nhưng tiếc thay, các sử gia đã không có dịp nghe được tài liệu sống
vì cái máy thu âm đã rủi ro bị xóa trong cái cartable của Timmes (Snepp,
tr. 295-96)
Trong
lúc quân đội gần như tan rả, ông Đôn, với tính cách TT Quốc Phòng «
quản thúc 5 tướng lãnh đã bỏ miền Trung là Lâm Quang Thi, Phạm Quốc
Thuần, Phạm Văn Phú, Lâm Quang Thơ và tướng không quân Nguyễn Đức Khánh.
Tướng Ngô Quang Trưởng thấy vậy nên cũng xin được quản thúc luôn !»
(Đôn, tr.455)
- Ngày 20, lúc
10 giờ sáng, đại sứ Martin gặp TT Thiệu và cuộc hội kiến kéo dài 1giờ
rưởi. Theo Frank Snepp, nhân viên phân tích của CIA, trong quyển hồi ký
Decent Interval (bản dịch tiếng Pháp là Sauve qui peut) tiết lộ rằng ông
đã nhận được chỉ thị của Polgar, Giám đốc CIA Saigon, là soạn thảo một
bản nhận định càng đen tối càng tốt để theo đó Martin thuyết phục TT
Thiệu từ chức. Bản nhận định có đoạn như sau:
"
Với sự tan rả của cuộc phòng thủ mặt trận Xuân Lộc và sự tập trung binh
đoàn Cộng Sản trong vùng 3 chiến thuật, cán cân lực lượng chung quanh
Saigon nay đã nghiêng hẳn về CS. Mặc dù chính phủ có thể tăng viện cho
những mục tiêu có thể bị tấn công như Biên Hòa-Long Bình ở phía đông
Saigon, các tỉnh Long An-Hậu Nghĩa ở phía Tây hay tỉnh Bình Dương ờ phía
Bắc, chánh phủ không đủ sức cầm cự được lâu. Saigon sẽ bị cô lập trong
vài tuần lễ».
Frank
Snepp còn nói thêm là ông muốn viết chỉ một tuần lễ nhưng Polgar không
đồng ý, và cũng theo Snepp, bản nhận định này vẫn còn nằm trên bàn làm
việc ở Dinh Độc Lập sau khi TT Thiệu ra đi, do đó khi chiếm Dinh Độc
Lập, CS đã lấy bản nhận định nầy để đăng nguyên văn trong quyển Đại
Thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng. (Snepp, tr. 299)
Khi
TT Thiệu hỏi Martin là nếu ông từ chức thì có thay đổi gì việc viện
trợ, Đaị sứ Martin trả lời nếu việc nầy xảy ra cách đây vài tháng thì có
thể có thêm được vài phiếu ở Quốc hội, còn bây giờ thì chắc không thay
đổi gì. Martin còn đâm nhát dao cuối cùng khi nói thêm “ giả dụ như
quốc hội Mỹ có chấp thuận việc viện trợ bổ túc cho VNCH đi nữa thì sự
viện trợ đó cũng không thể đến kịp thời để làm thay đổi tình thế quân sự
tại miền Nam” TT Thiệu nói trước khi buổi hợp kết thúc là ông sẽ lấy quyết định dựa theo quyền lợi tối cao của quốc gia (Todd p. 311).
Buổi
chiều cùng ngày 20, đến phiên Đại sứ Pháp Merillon đến gặp TT Thiệu.
Merillon gần như độc thoại, TT Thiệu ngồi nghe, đôi mắt lạc lõng.
Merillon mô tả tình trạng bi đát của chiến trường, ba phần tư lãnh thỗ
bị mất vào tay CS, do đó kêu gọi trách nhiệm lịch sử, danh dự cá nhân,
tình bạn giữa bà Thiệu và bà Mérillon để TT Thiệu lấy một quyết định vì
quyền lợi của quốc gia. Kết thúc buổi gặp gở, TT Thiệu lửng lơ: Tới đâu hay tới đó -Advienne que pourra (Todd p. 312)
Todd
và Snepp không đồng thuận nhau về giờ gặp gỡ: theo Snepp thì Merillon
gặp TT Thiệu buồi sáng trước Martin, trái lại Todd cho rằng Merillon gặp
TT Thiệu buổi chiều sau Martin. Tuy là một chi tiết nhỏ, nhưng sự kiện
tường thuật khác nhau cùa hai nhà báo Pháp Mỹ có đầy thâm ý.
-Sáng ngày 21, TT
Thiệu mời Phó TT Trần Văn Hương và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm để
báo tin ông quyết định từ chức và yêu cầu Phó TT Hương, chiếu theo hiến
pháp thay thế ông (Snepp tr.305), nhưng theo ông Nguyễn Bá Cẩn trong Đất nước tôi thì trong phiên hợp này chính ông có mặt chớ không phải ông Khiêm.
Theo
Nguyễn Khắc Ngữ, sở dĩ ông Thiệu chọn ông Hương thay thế vì «ông muốn
sau khi từ chức rồi, ông sẽ mang số tài sản khổng lồ đã thu góp được
trong thời gian tại chức ra ngoại quốc một cách êm thấm. Nếu ông nhường
chức cho phe chủ chiến Nguyễn Cao Kỳ hay phe chủ hòa Dương Văn Minh thì
việc ra đi có thể gặp khó khăn…» (Ngữ, tr.341).
Frank
Snepp, chuyên viên (trưởng phòng) phân tách tình báo, chiến lược của
CIA. và tác phẩm nổi tiếng: Decent Interval viết về nội tình (VNCH)
trong chiến tranh Việt Nam
Theo
Frank Snepp trong Decent Interval thì buổi nói chuyện của ông Thiệu với
ông Hương đã bị CIA ở tòa đại sứ nghe lén toàn bộ do đó ngay buổi
chiều, trước khi TT Thiệu tuyên bố với quốc dân trên đài truyền hình,
phụ tá của trùm CIA Polgar là Tướng hồi hưu Charles Timmes đã đến gặp
Dương Văn Minh để dọ hỏi nếu người Mỹ loại ông Hương ra khỏi ghế Tổng
Thống thì ông Minh có chịu nhận chức vụ nầy hay không để điều đình với
CS. Cũng theo Snepp, ông Minh đồng ý ngay, quả quyết có khả năng thương
thuyết với phe bên kia và gởi ngay một đại diện sang Paris để thương
thuyết. Timmes trao cho ông Minh 1000 mỹ kim để mua vé máy bay cho sứ
giả này, nhưng Snepp cho rằng ông Minh chẳng có gởi ai đi mà cũng chẳng
hoàn lại số tiền, và đại sứ Martin không được báo cáo về buổi gặp gỡ này
(Snepp, p.305)
-Tối
ngày 21, lúc 19 giờ rưởi, TT Thiệu nói chuyện với quốc dân qua đài
truyền hình, trước các đại diện hành pháp, lập pháp, tư pháp. Ông kết
tội người Mỹ đã phản bội VN, ông gằn mạnh từng tiếng và lập lại: «
các ông bỏ mặc cho binh sĩ chúng tôi dưới cơn mưa pháo của Cộng Sản, đó
là hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo …» và kết luận «
tôi sẵn sàng nhận lãnh sự phán xét và buộc tội của đồng bào… Tôi từ
chức nhưng không đào ngũ. Theo hiến pháp, người thay thế tôi là Phó TT
Trần Văn Hương»
Sau
10 năm cầm quyền, TT Thiệu tuyên bố từ chức trước quốc dân qua đài
truyền hình tối ngày 21-4-1975 và kết tội người Mỹ đã phản bội VN.
Nguyễn
Bá Cẩn nhận định là việc từ chức của TT Thiệu để Mỹ tiếp tục viện trợ
cho VNCH, mở đường cho Hoa kỳ và đồng minh thương thuyết một giải pháp
chính trị mà sự hiện diện của ông là một trở ngại (Cẩn, tr. 421), Trần
Văn Đôn thêm một lý do thứ hai là ông Thiệu sợ quân đội đảo chánh mà ông
Thiệu nghi là do ông [Đôn] chủ xướng. (Đôn, tr.458).
Nguyễn Tiến Hưng, trong « Khi Đồng minh tháo chạy» (tr.389) thì cho rằng ông Thiệu từ chức vì các tướng lãnh không còn ủng hộ.
Nguyễn khắc Ngữ thì có nhận định tiêu cực hơn «trong
bài diễn văn từ chức nầy, ông đã hiện nguyên hình một tay sai của Hoa
Kỳ, bị chủ đuổi lên tiếng chửi lại bằng những lời bình dân nhất không
thể thấy được trong ngôn ngữ của một vị lãnh đạo quốc gia» (Ngữ, tr. 343)
Hoàng ngọc Thành cũng có nhận định tương tự về ông Thiệu «là người thừa hành đắc lực nhất của Hoa Kỳ trong chiến tranh VN» (Thành tr. 559) là «người
hèn nhát, tại sao không chịu công bố trong năm 1974 và đầu năm 1975 các
bức thư hứa hẹn trả đủa Bắc Việt của Tổng Thống Richard Nixon nếu Cộng
Sản Hà Nội vi phạm hiệp định Ba lê, tại sao không công bố sớm để quốc
hội và dân chúng Hoa Kỳ biết những điều cam kết nầy để đánh vào điểm
danh dự và lương tâm người Mỹ. Làm mhư thế có lợi cho dân tộc VN, nhưng
Nguyễn Văn Thiệu sợ bất lợi cho ông nên không làm » (Thành, tr.566).
Tôi
thì cho là ông Thiệu từ chức là do lời khuyên của Thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu qua trung gian của Hoàng Đức Nhã. Liền sau khi nghe Lý
Quang Diệu đưa tin là người Mỹ sẽ lật đổ và khuyên ông Thiệu nên ra đi,
Hoàng Đức Nhã đã vội vàng điện thoại cho ông Thiệu từ Singapore: «đừng chờ người ta lật đổ anh hay tống cố anh đi. Hãy đi trước đi, càng sớm càng tốt» (Todd, tr. 277)
Trong
khi ông Thiệu đọc diễn văn từ chức, các đơn vị cuối cùng của sư đoàn 18
của tướng Lê Minh Đảo rút ra khỏi Xuân Lộc, và vài giờ sau, bộ chỉ huy
Quân Đoàn 3 của tướng Nguyễn Văn Toàn phải di tản về Saigon. Biên Hòa và
Vũng Tàu bị đe dọa nặng.
Chỉ
2 giờ sau lễ bàn giao giữa ông Thiệu và ông Hương, đài phát thanh Giải
phóng và Hànội đồng loạt tuyên bố: «Đó cũng chỉ là một chế độ bù nhìn,
chánh phủ Thiệu không có Thiệu » (Todd, p.316).
- Ngày 22: Tân
Tổng Thống Hương lần lượt tiếp xúc ba nhân vật chính trị gốc miền Nam
là Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Huyền và Trần Văn Đôn để mời nhận chức thủ
tướng toàn quyền thay cho nội các Nguyễn Bá Cẩn được TT Thiệu bổ nhiệm
12 ngày trước, nhưng cả ba đều từ chối (Darcourt, p. 131).
Theo
Trần Văn Đôn thì sau đó, ngày 24 ông Hương mời ông Nguyễn ngọc Huy,
nhưng chuyện bất thành vì ông Minh đòi ông Hương phải giao quyền Tổng
Thống và ông Thiệu, tuy đã từ chức, vẫn cho ý kiến với ông Hương «đừng
chỉ định ông Huy làm thủ tướng» (Đôn, tr.467)
2. Trong khi đó, 2 biến cố quân sự quan trọng xảy ra sát nách Saigon.
*
Lê Duẩn đánh điện cho Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng đang đặt bản doanh ở
Lộc Ninh yêu cầu gia tăng các cuộc tấn công càng mạnh càng mau trên khắp
các mặt trận. Mọi chậm trể có thể đưa đến những hậu quả quân sự và
chính trị trầm trọng. Theo Olivier Todd thì Lê Duẩn sợ rằng nếu chiến
trường kéo dài thì áp lực chính trị quốc tế có thể can thiệp để chia cắt
đất đai như hồi 1954 trước hội nghị Genève. Tuân hành chỉ thị này, Văn
Tiến Dũng ra lịnh cho tất cả các lực lượng từ chiến khu C, chiến khu D,
Khu Tam giác Sắt ở miền Đông, và các lực lượng ở vùng đồng bằng Cửu Long
và Cà Mau chuẩn bị tổng tấn công vào Saigon và các tỉnh. Để phân công,
bộ phận chính trị do Lê đức Thọ và Phạm Hùng đóng ở Lộc Ninh, còn tướng
Trần văn Trà và Văn tiến Dũng lập bộ tham mưu mặt trận ở Bến Cát, sát
nách Saigon.
*
Để chận bước tiến của CS, Bộ Tổng Tham Mưu xin Tân TTh. Trần Văn Hương
cho phép thả 3 trái bom CBU-55 (giao cho VN ngày 16 tháng 4) tại các địa
điểm mà các đơn vị cuối cùng của SĐ 18 BB đã rút ra khỏi Xuân Lộc đêm
hôm trước. Đó là loại bom có sức công phá dữ dội nhất trong các loại vũ
khí của Mỹ, khi còn cách mặt đất chừng 10m thì nổ tung ra hàng trăm trái
bom nhỏ hút hết tất cả dưỡng khí, giết tất cả sinh vật trong một vùng
có đường kính 250 thước (Todd) theo Darcourt thì đến 1km, ngay cả người
dưới hầm sâu. Người chết không có vết thương (vì bom không có miểng) mà
chết trong tư thế tự nhiên (như đang ngồi, nằm, đứng…). Ngoài ra, phi cơ
Hoa Kỳ cũng thả 6 trái bom «daisy cutters” (Viên, tr.202) là loại bom
BLU-82 dùng để khai quang các bải đáp trực thăng (nặng 15000 cân Anh tức
độ 7 tấn rưỡi) và hỏa tiển Wild Weasel (con chồn hoang) trong vùng
chung quanh Xuân Lộc. Tòa Bạch Ốc và CIA tuyên bố không hề được Không
Lực Hoa Kỳ thông báo sự can thiệp vũ bảo trong những ngày cuối cùng nầy
của chiến tranh VN. Những tài liệu giải mật sẽ giải thích hư thực về
chánh sách đôi khi khó hiểu của Hoa Kỳ.
CS
lập tức trả đủa ngay sau vài giờ bị bom CBU. Sân bay Biên Hoà bị pháo
kích không sử dụng được nữa, phi cơ F5A phải «di tản» về Tân Sơn Nhứt,
một số khác phải về sân bay Cần Thơ.
- Ngày 23: Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn xin từ chức. TT Hương yêu cầu ông Cẩn xử lý thường vụ cho đến khi có chính phủ mới.
- Ngày 24: Dương
văn Minh hợp báo: Tổng Thống Trần Văn Hương đã mời tôi nhận chức Thủ
Tướng. Tôi từ chối vì ở cương vị nầy, tôi không thể thương thuyết với
phía bên kia bởi điều kiện của phe Cách mạng là Tổng Thống Hương phải ra
đi…
Ông
Minh muốn đốt giai đoạn và đại sứ Pháp đã hướng dẫn ông ta chơi một ván
bài nguy hiểm dựa trên niềm tin rằng ông chưa bao giờ bị phe bên kia
chỉ trích và Cộng Sản sẽ thương thuyết với ông trên căn bản Hiệp định
Paris 1973” (Darcourt, p.142).
Trong
ngày nầy, đại sứ Pháp Mérillon vào dinh Độc Lập hai lần khuyên ông
Hương từ chức để trao quyền cho Dương Văn Minh. Ngoài ra, tướng Trần Văn
Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng trong nội các Nguyễn Bá Cẩn cũng tự xưng và
tự nguyện đóng vai trò trong cuộc thương thuyết với phe bên kia bên
cạnh tướng Dương Văn Minh.
Trong
khi Mérillon tỏ vẻ lạc quan về giải pháp chánh phủ liên hiệp 3 bên:
Cộng Sản, Mặt Trận và phe Lực lượng thứ ba do Dương văn Minh đại diện,
thì các đảng phái, một số tướng lãnh họp ở khách sạn Palace không chấp
nhận ông Minh vì cho rằng ông Minh không có sự sáng suốt chính trị trong
10 năm qua và là người thụ động, không đủ sức đương đầu với Cộng Sản.
Luật sư Trần Văn Tuyên công khai chống đối Mérillon vì thái độ xấc láo
và can thiệp quá đáng vào nội bộ VN: « ông Mérillon đã dám ngạo mạn
nói với tôi rằng TT Hương đã già yều bịnh hoạn phải đem vào bịnh viện để
giải phẩu cho ông. Nếu ông vô bịnh viện thì bài toán sẽ được giải
quyết. TT Trần Văn Hương rất phẫn uất vì thái độ khinh miệt của ông
Mérillon. Nản lòng vì những lời mỉa may ác độc và những áp lực đòi ông
từ chức, vị tổng thống lớn tuổi của chúng ta dọa sẽ tự tử bằng ống thuốc
cyanure mà ông luôn đeo theo trong mình» (Darcourt , rr. 143-44)
Theo Hoàng Đống thì «CS
và MTGPMN, qua đài phát thanh của họ ủng hộ Dương Văn Minh là người chủ
trương hòa giải hòa hợp nên có thể nói chuyện được, và Đại sứ Pháp 4
lần khuyên Hương từ chức, nhưng vì tham quyền cố vị và ngây thơ nên
Hương bỏ ngoài tay lời khuyên của đại sứ Pháp» (tr.362)
Trong
lúc đó, đài phát thanh Hanoi và Giải Phóng miền Nam đồng loạt đòi TT
Hương phải ra đi. Thực sự, CS không có dấu hiệu nào thương thuyết với
bất cứ ai và chuẩn bị tấn công Saigon.
Điều
nầy cũng được xác nhận trong «VNCH, 10 ngày cuối cùng» của Trần Đông
Phong là chính TT Trần Văn Hương đã cử tướng Phan Hòa Hiệp đại diện cho
chính phủ liên lạc với đại diện của CS trong Ủy Ban Liên Hợp 4 bên vận
động với CS một cuộc thương thuyết, nhưng CS đã bác bỏ mọi hình thức
thương thuyết và đòi Miền Nam phải đầu hàng vô điều kiện (Phong, tr.
252-253)
- Ngày 25: Hôm
nay, TT Hương lại tiếp đại sứ Mérillon và đại sứ Martin, cả hai đều cố
thuyết phục TT Hương nên cấp tốc đưa ra một giải pháp khả dĩ mở đường
thương thuyết với những người «cách mạng» (nguyên văn: les
révolutionnaires). Giải pháp nầy đòi hỏi sự từ chức của ông và giao
quyền lại «cho một nhóm người nào đó» mà phía bên kia chấp nhận
(Darcourt, p.145). Ông Hương từ chối và nói với Martin: "Nếu tôi
phải làm Pétain của VN thì ít ra tôi phải đóng vai trò ấy trong danh dự
và đúng phẩm giá» - Si je dois être le Pétain du VN, je le serai au
moins dans l’honneur et la dignité (Todd, p.324). Ông Hương muốn
hành sử theo đúng hiến pháp và câu hỏi căn bản là ông Minh có được Hà
nội thực sự chấp nhận hay không, TT Hương yêu cầu Martin thăm dò qua đại
sứ Ba Lan.
Sau
khi từ chức, ông Thiệu ngày ngày đi đi lại lại qua các phòng trong dinh
Độc Lập (tuy ông từ chức nhưng ông vẫn còn ở trong dinh ), nghĩ đến
cuộc phục hận. Ông Nguyễn Văn Kiểu, anh ông và các em họ ông, Hoàng Đức
Nhã đều khuyên ông nên ra đi, nhưng ông từ chối vì ông nghĩ là ông còn
có một vai trò. Không chịu được cảnh nầy, bà Thiệu đã rời Saigon sáng 24
đi Bangkok trên một chuyến bay thương mại (Snepp, tr. 334)
TT
Hương cũng muốn ông Thiệu ra khỏi nước vì sự có mặt của ông Thiệu tạo
khó khăn cho ông (hay cho ý kiến) nên nhờ Martin can thiệp. Martin cũng
không muốn ông Thiệu bị ám sát càng rắc rối hơn nên Martin tổ chức cho
ông Thiệu rời khỏi nước. (theo Snepp, tr. 334, Trần Văn Đôn cũng khuyên
TT Thiệu trưa ngày 25 là nên ra đi vì Nguyễn cao Kỳ sẽ tổ chức ám sát)
Lúc
20 giở rưởi, Polgar và tướng Timmes đón ông Thiệu ở nhà ông Khiêm trong
Bộ Tổng Tham Mưu. Đoàn xe 3 chiếc gồm ông Thiệu, Khiêm và hơn 10 người
khác. Martin đợi sẵn ở phi cơ để tiển đưa.
«
Dù buồn thảm và cam chịu số phận, ông Thiệu đi thủng thẳng, cố giữ
phong độ. Ông quay lại cám ơn ông Martin. Với giọng xúc động, Martin đáp
lễ: Thưa Tổng Thống, đó là điều tối thiểu tôi có thể làm. Xin tạm biệt
và chúc ngài may mắn (Nguyễn tiến Hưng, tr. 392 và Todd tr.339).
Phi cơ trực chỉ Đài Loan (và sau đó ông và gia đình sang tị nạn ở Anh Quốc cho đến thập niên 1980 mới sang Hoa Kỳ).
Theo
Hoàng Đống: « ngày 22-4, Thiệu và Khiêm được Mỹ đưa ra phi trường Tân
sơn Nhất bay qua Đài Loan. Trước đó 20 ngày, gia đình, của cải của hai
vị nầy đã được an toàn chuyển ra ngoại quốc» (tr. 360).
Nhiều
tài liệu Anh Pháp nói đến 16 tấn hàng hóa. Theo Lý Quý Chung, thân cận
của tướng Minh thì ông Thiệu trốn chạy ( Chung, tr. 362).
Cùng một sự kiện, 4 tác giả thuật lại bốn cách khác nhau.
TT. Thiệu rời khỏi nước yên ổn, Martin thở phào. Ông lên xe đến dự cuộc tiếp tân ở toà đại sứ Ba Lan.
Sau đây là câu chuyện giọng nhát gừng giữa 2 ông đại sứ:
-Martin: Cộng Sản Bắc Việt có chấp nhận Dương Văn Minh không ?
- Fijalkowski (đại sứ Ba Lan): Sẽ hỏi Hà Nội. Nhưng có câu hỏi của Hà Nội: Tại sao hàng không mẫu hạm Mỹ lảng vảng ngoài khơi hải phận VN.
- Martin:
phải hỏi lại Hà Nội của các anh, tại sao có dàn hỏa tiển gần Saigon. Hà
Nội có muốn gây khó khăn cho Hoa kỳ trong công cuộc di tản không?
(Todd, tr.340)
Về dư luận ông Thiệu ra đi với 16 tấn vàng, Snepp, nhân viên CIA tường thuật rất rõ (tr.296)
«Một
tháng trước, Thiệu đã gởi qua Đài Loan và Canada một phần lớn tài sản
và bàn ghế bằng tàu thủy. Nhưng tài sản của quốc gia, 16 tấn vàng trị
giá 220 triệu mỹ kim, tượng trưng cho một phần lớn kho bạc của Saigon
cũng sẽ đi ra nước ngoài (à expatrier). Lúc đầu, ông Thiệu dự tính gởi
lén lút số vàng này vô Ngân hàng Thanh Toán Quốc Tế Bâle (Banque des
règlements internationaux de Bâle) ở Thụy Sĩ, nơi mà chánh phủ đã có gởi
một số vàng bảo đảm trị giá 5 triệu. Ông Thiệu nói với các cộng sự viên
là gởi vàng để mua trang bị cho quân đội. Nhưng vài ngày trước khi gởi,
tình báo Mỹ biết được nên tin tung ra trên báo chí, hảng hàng không mà
ông Thiệu đã thương thuyết hợp đồng rút lui. Để giải tỏa mọi nghi ngờ,
đại sứ Martin buộc ông Thiệu gởi số vàng nầy ở Federal Reserve Bank of
New York, ông Thiệu phải đồng ý. Ngày 16 tháng 4, Martin xin Washington
một chuyến bay đặc biệt, có bảo hiểm để chở số vàng nầy đi New York.
Nhưng Không Lực Mỹ cũng như Ngân Hàng không chấp nhận bảo hiểm chuyên
chở một món hàng trị giá quá lớn như vậy từ một nước đang có chiến
tranh. Câu chuyện đang dằng co thì 2 ngày sau, ngày 18 tháng tư, 16 sư
đoàn Cộng Sản đang hướng về Saigon, chuyện chở vàng bị quên đi và 16 tấn
vàng vẫn ngủ yên trong Ngân Hàng Quốc Gia»
Đến
ngày 25, sau khi giải quyết vấn đề bảo hiểm, vàng được đưa lên phi cơ
để chở đi New York, nhưng giờ chót bị Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng
Kinh tế Nguyễn Văn Hảo (nội các Nguyễn Bá Cẩn) chận lại nói là theo lịnh
của TT Hương chờ cho tân nội các được thành lập. Số vàng nầy vẫn còn
nằm trong phi cơ đậu ở phi trường khi quân CS tiến chiếm Saigon. Cũng
theo Snepp, tuy không hẳn là theo CS, Nguyễn Văn Hảo đã được CS móc nối
hồi đầu tháng tư là sẽ được chế độ mới đối xử tốt nếu bảo vệ kho bạc
VNCH. (Snepp. tr.328).
Chuyện ông Thiệu muốn tẩu tán vàng là một tin đồn, nhưng chuyện vàng bị các lãnh tụ đỏ sau nầy bu vào đục khoét là chuyện thực !
-Ngày 26: Lúc
10 giờ sáng, TT Hương đến hợp với lưỡng viện Quốc hội để được báo cáo
tình hình quân sự và quyết định người thay thế ông Hương. Có 183 trên
219 người đến tham dự (Darcourt) nhưng theo Lý quý Chung thì chỉ có 136
vì nhiều người đã chuồn ra nước ngoài (LQC, tr.366).
Trong diễn văn, ông Hương không gọi đích danh Dương Văn Minh mà gọi là «người ấy» (cette personne)
«
Trước hết tôi đã đề nghị với người ấy chức vụ Thủ Tướng với đầy đủ
quyền hành. Ông ta đã từ chối. Tôi đã phải mời ông ta đến gặp tôi tại
dinh Độc Lập, ông ta cũng từ chối. Với thiện chí muốn giải quyết vấn đề,
tôi không kể nghi thức và mặc dầu tuổi già sức yếu, tôi phải chấp nhận
đến nhà một người bạn chung để gặp người ấy. Tôi đề nghị với người ấy
chức vụ Phó Tổng Thống, nhưng một lần nữa, chẳng những người ấy từ chối
mà còn nói với tôi là: Phải có tất cả không thì thôi, có nghĩa là chỉ có
Tổng Thống. Tôi lưu ý làm như vậy là vi hiến, ông ta trả lời rằng: đó
không phải là việc của ông ta. Sau đó tôi có đặt cho ông ta một câu hỏi:
Có gì bảo đảm là phía bên kia chấp thuận thương thuyết với ông thì ông
ta trả lời ngắn gọn là: Tôi đã nhận được từ phía bên kia những cam kết
cần thiết để làm tròn vai trò.
Mặc
dù tôi nhấn mạnh nhưng ông ấy không có thêm một lời giải thích nào khác
ngoài những lời úp mở mà tôi không tin vào những lời đó. Tôi sẽ không
bao giờ muốn chịu trách nhiệm về việc trao quyền một cách bất hợp hiến,
vì vậy, hôm nay, tôi yêu cầu quý vị hãy trao quyền hành pháp lại cho
người ấy bằng lá phiếu hợp pháp của lưỡng viện Quốc hội. Đó là phương
thức duy nhất vừa để cứu Saigon khỏi bị một thảm họa mà không làm mất
thể diện của quốc gia và chế độ.»
Tuy
nhiên,theo bài viết của GS Nguyễn Ngọc An, cựu Tổng Trưởng Thông Tin
Chiêu hồi trong nội các Trần Văn Hương ghi âm lại, đăng trong Đặc San
Pétrus Ký 1966 (trước năm 1975 ? -BBT), thì T/T Trần Văn Hương đề cập đích danh tên Dương Văn Minh: «…Với
ý nghĩa đó, nghĩa là ý nghĩ thương thuyết, tôi đã ra công dò xét tìm
bên này, tìm bên nọ, hỏi thăm dò ý kiến mọi nơi. Tới bữa nay cũng nói
với quý vị là tôi có dịp đã gặp được Đại tướng Dương Văn Minh, bởi vì
theo lời một số người, thì Đại tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện làm
việc này. Trong các cuộc gặp gỡ, trong một tư thất của một người bạn
chung – bởi vì họp mặt tôi muốn tránh tiếng trước, không thể mời Đại
tướng đến Dinh Độc Lập nói chuyện. Một mặt tôi cũng không thể tự mình
tới nhà Đại tướng mà nói chuyện. Cho nên chúng tôi đã cùng nhau đến nhà
một người bạn chung.
-
Sau khi nói chuyện, tôi nói rằng: “Theo dư luận, một số người nói rằng
Anh – xin lỗi, bởi vì giữa Đại tướng với tôi cũng còn cái thâm tình
nhiều – người ta bảo rằng Anh có đủ điều kiện để thương thuyết, vậy thì
xin Anh vì nước nhà, mọi tỵ hiềm qua, mọi chuyện không tốt đẹp đã xảy
ra, xin Anh vui lòng xóa bỏ để cùng nhau chung lưng dựng nước. Xin Anh
chấp nhận cái ghế Thủ tướng để đứng ra thương thuyết với phía bên kia.”
Đại tướng, lẽ cố nhiên đối với tôi lúc nào cũng giữ thái độ chẳng những
là người bạn thân mà giữ cả thái độ, xin lỗi, như thể một người học trò
của tôi vậy, mặc dù Đại tướng không phải là học trò của tôi, Đại tướng
nói: “Thầy đã hy sinh đến mức này, thôi xin thầy ráng hy sinh một bước
nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi.” Nghĩa là trao cái quyền tổng thống
cho Đại tướng…»
Nếu
bài viết của Nguyễn ngọc An là trung thực, sự khác biệt các tài liệu
ngoại ngữ viết về VN lại còn phát xuất bởi sự diễn dịch và phiên dịch
của tác giả ngoại quốc và tác giả người Việt.
Sau
khi TT Hương rời trụ sở Thượng Viện, cuộc thảo luận kéo dài từ 14 giờ
đến 22 giờ mà kết quả là đi đến một quyết nghị lửng lơ: Quốc Hội nhìn
nhận TT Hương có đầy đủ tư cách để chọn người thay thế ông. Người nầy sẽ
được ủy nhiệm để xúc tiến cuộc thương thuyết. Tên của Dương Văn Minh
không được ghi trong bản quyết nghị này (Darcourt, p.151).
Nhưng theo Lý Quý Chung, trong Hồi ký của ông thì hoàn toàn khác: «Cuộc
biểu quyết truất quyền ông Hương và trao quyền cho ông Minh được thực
hiện với số phiếu gần như tuyệt đối 147/151 vào lúc 20giờ 54… Tôi nhớ
rất rõ không khí tại trụ sở Thượng Viện trước và sau biểu quyết. Kẻ thì
chán nản như người sắp chết đuối là các dân biểu nghị sĩ thuộc phe
Thiệu, còn những người phe Dương Văn Minh thì hấp tấp, vội vã như sợ
không bắt kịp cơ hội cuối cùng » (LQC, tr.367, 368).
Theo
ông Đôn, cũng trong Hồi Ký thì «đa số nghị sĩ dân biểu nghiêng về biện
pháp trao quyền cho ông Hương chỉ định Thủ Tướng toàn quyền vì cho rằng
ông Minh xem thường Quốc Hội» và sau đó ông Hương gọi điện thoại với ông
và nói: «tôi sẽ chỉ định anh làm Thủ tướng» (Đôn, tr. 468,469)
Trong
khi lưỡng viện Quốc Hội đang họp, lúc 12 giờ, Võ đông Giang, đại diện
cho Mặt Trận trong Ủy Hội Kiểm soát ở Camps Davis (Tân Sơn Nhứt) tuyên
bố: Đạo quân chúng tôi tiếp tục tiến công, không có ngưng bắn.
- Ngày 27 tháng tư:
*4
giờ sáng, nhiều tràng hỏa tiển bắn vào Saigon: thiệt hại: 9 người chết,
36 bị thương, những đám cháy nhà cửa và hảng xưởng khiến 2000 người
không nơi cư trú.
*
12 giờ: TT Hương gởi văn thư hỏa tốc cho Chủ tịch Thượng Viện: Theo
hiến pháp Quốc Hội phải ra quyết nghị người thay thế tôi rõ ràng.
*
15 giờ: «Đại sứ Pháp điện thoại cho tôi [Đôn] biết: 6 giờ chiều nầy nếu
không có gì thay đổi thì Hà Nội sẽ pháo kích vào Saigon bằng súng cối
130 ly có tầm bắn xa 30 km» (Đôn, tr.471)
*
19 giờ:Trước khi dân biểu nghị sĩ bắt đầu thảo luận, tướng Trần Văn
Đôn, xử lý thường vụ Tổng Trưởng Quốc phòng (nội các NBCẩn) thuyết trình
tình hình quân sự:
"14
sư đoàn Bắc Việt được trang bị võ khí hùng hậu đang bao vây Saigon.
Biệt kích và đặc công đã xâm nhập vòng đai. Không quân của ta đã hành
quân liên tục từ nhiều ngày qua nên các phi công và phi cơ đã quá sức
chịu đựng, ngoài ra còn bị thiệt hại khá nặng bởi phòng không của địch.
Căn cứ Không quân Biên Hòa gần như đã bị tê liệt vì pháo lực của CS.
Trong vài ngày, cũng có thể trong vài giờ, có thể Saigon sẽ bị tàn phá
bởi đạn pháo 130 ly tầm xa của CS. Nhứt định ta phải thương thuyết với
họ để ngưng bắn càng sớm càng tốt» Các dân biểu nghị sĩ la ó, phản
đối tướng Đôn: Đồ hèn nhát, chủ bại, bị bán đứng rồi, Tướng phòng ngủ.
Tướng Đôn và các quân nhân tháp tùng rời phòng hợp trong nhục nhả
(Darcourt, p.154).
Hồi ký của tướng Đôn không đề cập gì đến sự kiện nầy.
Sau
4 giờ thảo luận sôi nổi, Quốc Hội biểu quyết chấp thuận cử tướng Minh
thay thế TT Hương trong chức vụ Tổng Thống. (120 phiếu thuận, 32 phiếu
chống, 20 phiếu trắng theo Darcourt ; 136 phiếu thuận, 2 phiếu trắng
theo Todd.
Ký giả thiên tả, người Pháp sau nhìn ra sự thật
về sự bịp bợm của cộng sản và quay ngược 180 độ: Olivier Todd được mệnh
danh là một người trí thức liêm khiết.
Trong
lúc đó, chuyến máy bay do Polgar tổ chức chở Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Khắc
Bình, Hoàng Đức Nhã và một số nhân vật đi Phi luật Tân.
Quốc Hội biểu quyết chấp thuận cử tướng Minh thay thế TT Hương trong chức vụ Tổng Thống.
*20
giờ, con đường nối liền Saigon-Biên Hòa bị cắt đứt, 700 quân nhân của
Sư đoàn 18 bị mất liên lạc và quốc lộ số 4 nối với miền Tây cũng bị gián
đoạn ở nhiều nơi. Saigon trở nên cô lập như một hòn đảo.
Trong
khi đó, cuộc di tản tuy chậm, nhưng diễn tiến trong trật tự . Đến 12
giờ trưa ngày 27 đã có 35.245 người đã được Mỹ bốc đi. Các tòa đại sứ,
trừ tòa đại sứ Pháp, cũng bắt đầu đóng cửa và di tản nhân viên bằng
đường hàng không.
Ngày
27 cũng là ngày Bắc Việt đổi ý về chiến lược. Theo đại sứ Martin, tuy
là hồi tháng ba, ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới
một chiến thắng hoàn toàn bằng quân sự, nhưng những tin tức khác tử Mặt
Trận giải phóng ở Paris cũng cho biết là họ cũng muốn có một giải pháp
chính trị, và Martin cũng suy luận là CS dùng giải pháp chính trị để có
thể tiếp tục được viện trợ của quốc tế khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng
không hiểu vì lý do gì, theo Martin thì đêm 27 tháng 4, CS đã dứt khoát
chọn chỉ giải pháp quân sự ( Martin Graham. Vietnamese evacuation:
testimony of Ambassador Graham Martin. International relations, January
27, 1976 , p. 609, trích dẫn bởi Nguyển Tiến Hưng, tr.391).
3.Phần kết
-Ngày 28,
Saigon đã thật sự hấp hối. Tân Sơn Nhứt bị pháo kích, người di tản ố ạt
đến tòa đại sứ Mỹ tràn ngập sân sau, trèo tường, song sắt để xin được
di tản. Từ sớm tinh sương, trực thăng của hảng Air America đáp xuống nóc
tòa đại sứ để tiếp tục đưa các chánh khách và tướng tá VN đến Tân sơn
Nhứt hay ra hạm đội, trong số có Cao Văn Viên.
Trong
khi lực lượng Cộng Sản đang tiến về Saigon từ nhiều hướng, thì « tại tư
dinh ở số 3 Trấn Quý Cáp, suốt buổi sáng, Dương Văn Minh vùi đầu vào
việc chọn lựa các nhân vật thất sũng trong chánh giới Saigon để tìm
người cho nội các. Các ứng cử viên lần lượt đến tư dinh ông để xin chức,
ông lạnh lùng tiếp đón, gật đầu chào rồi bảo họ ra vườn lan ngoài sau
mà chờ. Nhưng ông không bằng lòng các ứng viên bởi lẽ người này là diều
hâu, người kia là bồ câu, nên sau cùng ông chọn trình diện nội các với 3
người» (Snepp 355)
Lúc
17 giờ, lễ bàn giao giữa TT Trần Văn Hương và Dương Văn Minh diễn ra
tại dinh Độc Lập với các ông Nguyễn Văn Huyền Phó Tổng thống, Vũ Văn Mẫu
Thủ Tướng.
«
Khi tân TT Dương Văn Minh vừa bắt đầu bài diễn văn nhậm chức của mình
thì sét đánh ầm ầm, một trận mưa to chưa có trong nhiều năm ập xuống
Saigon, thậm chí quan khách dự lễ không nghe được ông Minh nói gì. Cái
không khí chung của buổi lễ nhậm chức thật buồn não» (LQC tr.354).
Ông
Minh tuyên bố muốn điều đình với chánh phủ Mặt Trận Giải Phóng Giải
Phóng và chánh phủ miền Bắc trên căn bản hiệp định Paris và một cuộc
ngưng bắn.
Ông
Minh chấm dứt diễn văn lúc 17giờ 48 phút. Một giờ sau, đài phát thanh
Mặt Trận Giải Phóng lên tiếng: «Sau sự ra đi của tên phản quốc Nguyễn
Văn Thiệu , những tên thay thế như Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và
Vũ văn Mẫu muốn duy trì chiến tranh để kéo dài chế độ chư hầu của Mỹ.
Nhưng chúng chẳng lừa được ai và quân đội giải phóng chỉ chấp nhận một
cuộc ngưng bắn với hai điều kiện: ngụy quân Saigon buông súng và hạm đội
Mỹ rời khỏi hải phận miền Nam VN. Các binh sĩ nào còn nghe lịnh của Mỹ
Ngụy sẽ bị trừng trị đích đáng để làm gương» (Todd, 355)
Khi
ông Minh và đoàn tùy tùng từ Dinh Độc Lập trở về «dinh Hoa Lan» (nhà
của DVM) thì nghe vang lên những tiếng nổ rung chuyển cả Saigon. Năm
phản lực cơ A-37 mà quân CS vừa mới chiếm được xuất phát từ Nha Trang,
dưới sự chỉ huy của Trung úy Nguyễn Thành Trung oanh tạc phi trường Tân
Sơn Nhứt và vùng Hốc Môn. Tại Paris. tổng trưởng ngoại giao Pháp tiếp
đại sứ Bắc Việt Võ văn Sung và đại diện Mặt Trận Phạm Văn Ba để bày tỏ
sự ngạc nhiên về sự trở mặt của Cộng Sản. Vai trò trung gian mà Pháp
nghĩ rằng mình có thể đóng góp trong cuộc giàn xếp chính trị vào giờ thứ
25 của cuộc chiến đã hoàn toàn thất bại.
-Ngày 29 tháng tư: Saigon hôm nay bắt đầu thực sự đi vào cơn hỗn loạn.
*Từ
4 giờ sáng, đại bác của CS bắn vào bộ chỉ huy của Tổng Tham Mưu ở Tân
Sơn Nhứt và bộ tư lệnh hải quân. Nhiều kho súng và kho săng bốc cháy,
bùng nổ.
* 6 giờ sáng, Văn tiến Dũng ở Bến Cát nhận lời khen ngợi của Bộ Chính trị ở Hà Nội và yêu cầu Dũng tiến quân thần tốc.
*10 giờ sáng, đài phát thanh Saigon đọc bức thư của Dương Văn Minh gởi cho Martin:
«Tôi
trân trọng yêu cầu ông đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên cơ
quan tùy viên quân sự DAO rời khỏi VN trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29
tháng 4, 1975 để vấn đề hoà bình của VN sớm được giải quyết» (Todd p. 362).
Bình luận về ông Minh, Kissinger đã viết: «
Ông Minh làm Tổng Thống không tới 72 giờ, chỉ đủ làm được hai việc quan
trọng: một là yêu cầu Hà Nội ngưng chiến và thương thuyết chính trị,
điều mà Hà Nội đã từ chối thẳng thừng, và hai là ngày 29 tháng tư, ông
yêu cầu tất cả người Mỹ rút ra khỏi VN 24 giờ. Bức thư này phù hợp với
lịch trình rút lui của chúng tôi, nó đã thực sự giúp cho chúng tôi tháo
ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi đồng minh của mình» ( Hưng, tr.393).
Ông Hoàng ngọc Thành tiết lộ một chi tiết «ly kỳ» hơn: Tòa
đại sứ Mỹ soạn một văn thư cho tuớng Minh yêu cầu người Mỹ rút đi trong
vòng 24 giờ và bảo cho đọc trên đài phát thanh Saigon. Dương Văn Minh
kể cho bà con và bạn hữu biết là ông đã làm như đại sứ Graham Martin bảo
(Thành,tr. 568).
Nếu
quả tình sự việc như vậy, VN đã đến hồi mạt vận vì một nhân vật luôn có
mặt trong những cơn khủng hoảng chính trị lớn, chỉ vì muốn làm tổng
thống mà hạ mình nhận lệnh của Pháp và của Mỹ.
Trong
khi đó, Saigon bắt đầu một cuộc hỗn loạn không tả được. Từng đoàn người
tràn vào chiếm kho hàng ở Tân Cảng, súng đạn tủa ra khắp nơi, người ta
đạp trên xác chết quân sĩ và đặc công.
Thành
phố không còn có chỉ huy: DVMinh đã cách chức tướng Bình, 60,000 cảnh
sát và 10,000 cảnh sát dã chiến không biết nghe lịnh ai, quân đội cũng
thay đổi tham mưu trưởng 3 lần trong 24 giờ: hôm kia là Cao Văn Viên,
nhưng ông đã ra đi cùng với tham mưu phó, hôm qua là tướng Nguyễn Văn
Minh và Vĩnh Lộc, nhưng mỗi người chỉ có vài giờ rồi cũng bỏ đi cùng với
Chung Tấn Cang, Mai Hữu Xuân, Nguyễn cao Kỳ , Ngô Quang Trưởng, nói
chung có 60 vị tướng lãnh.(Darcourt)
Theo
tài liệu lưu giữ tại BảoTàng Viện ở San Jose thì vào thời điểm tháng
4-1975, VNCH có 112 tướng lãnh, 80 tướng đã rời VN vào cuối tháng 4.
Trường hợp của Đặng Văn Quang thì bi đát và nhục nhã hơn. Pierre Darcourt đã kể:
«Một
cảnh tượng bi đát đã xảy ra ở cổng tòa đại sứ. Tướng Đặng Văn Quang mà
nhiều người tố cáo là đứng đầu đường dây buôn lậu ở VN lại không có tên
trong danh sách di tản của người Mỹ. Binh sĩ gác cổng đuổi ông đi. Ông
phải chạy lại van nài nghị sĩ Nguyễn Văn Ngải giúp ông xin trực thăng
bốc đi. Có ai ngờ, một ông cựu cố vấn quân sự của Tổng Thống, ngạo mạn
kiêu căng, tác oai tác phúc ở dinh Độc Lập suốt mấy năm trời thì nay chỉ
là một đống mỡ run rẩy vì sợ sệt. Ông ta hết quỳ lạy cầu khẩn rồi viện
dẫn mạng sống của vợ con và của chính ông vì sẽ bị CS giết. Động lòng,
nghị sĩ đưa ông ta cùng đi chung nhưng không nói tên ông ta là ai….»
(Darcourt,194 ).
Theo
Snepp, thì Quang nhờ sự giúp đỡ của Polgar dù nhiều nhân viên CIA không
muốn thấy mặt Quang ví Quang đã được CIA trả lương mà đã phản bội không
báo cho CIA biết kế họach rút quân của TT Thiệu. Trong cơn hốt hoảng,
Quang bỏ quên đứa con trai cùng đi với ông ở ngoài hàng rào sắt của tòa
đại sứ. (tr.392)
Trường
hợp của Trần Văn Đôn thì lại rất tàn nhẫn với thuộc cấp. Trước khi hối
hả leo lên trực thăng cùng với con trai là một bác sĩ, ông Đôn nói với
đoàn tùy tùng: « các anh ở lại, các anh không có chức vụ, không có gì
nguy hiểm». Những quân nhân nầy vừa đau khổ, vừa khinh bỉ nhìn theo
chiếc trực thăng cất cánh. (Darcourt, p. 194)
Lartéguy
châm biếm: «Hôm qua là Phó thủ tướng, múa may, tưởng có thể thay thế
Minh, bi đát hóa tình hình để đẩy Hương đi. Hôm nay, hối hả bỏ chạy,
không thông báo cho cả viên đại tá chánh văn phòng khiến ông này sau đó
tự tử .Ông Đôn chỉ là kẻ thừa hành của chánh phủ Pháp.» (Lartéguy ,
p.129)
Trong khi đó, cuộc di tản đang đến hồi lên cơn sốt.
*10
giờ 40: từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tướng Homer Smith, chỉ huy trưởng
DAO điện đàm với đô đốc Noël Gayler, tư lịnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình
Dương ở Honolulu là phi trường TSN không còn sử dụng được cho cho phi
cơ C-130 nữa. Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Gayler áp dụng «Giải pháp số 4»
tức di tản bằng trực thăng.
* 12 giờ 30: 36 trực thăng vận tải khổng lồ được yểm trợ bởi các trực thăng chiến đấu Cobra rời hàng không mẫu hạm Hancock.
* 15 giờ: Thủy quân lục chiến thiết lập 3 bãi đáp trực thăng ở khu quân sự trong sân bay TSN.
Có
3000 người chờ đợi di tản. Trên không phận Saigon, trực thăng của Đệ
Thất hạm đội, của CIA, của Air America bay rà rà trên nóc các cao ốc tụ
điểm, lên xuống phi trường được phi cơ chiến đấu Phantoms sẵn sàng can
thiệp khi cần thiết. Lực lượng hải lục không quân được huy động như chưa
bao giờ có sau trận đổ bộ Dunkerque năm 1940.
*
Buổi chiều, trước cửa tòa đại sứ Mỹ có độ 20,000 người chen chúc nhau,
hàng ngàn người đổ về bến Bạch Đằng để tìm bất cứ phương tiện nào bằng
đường biển, xe cộ vật liệu vất bừa bãi trên đường phố, người dân nhốn
nháo, thất thần. Martin áp dụng phương thức di tản người Việt: người đến
trước, được di tản trước (premier arrivé, premier servi). Đây là dịp
cho các người Mỹ làm tiền các nhà giàu người Việt bằng cách mạo nhận là
thân nhân để đưa đi, bán thẻ lên tàu của nhân viên dưới quyền cho người
Việt chịu mua với giá từ 5000 đến 10,000 mỹ kim. «Tướng Cao HH, cố vấn
TT Thiệu thay vì phân phối 50 thẻ di tản cho bộ tham mưu, đem bán mỗi vé
1000 mỹ kim» (Terzani, p.61)
*
10 giờ đêm (10 giờ sáng Washington): báo cáo từ Saigon về Ngũ Giác Đài
cho biết cuộc di tản người Mỹ ở Cần Thơ và ở Vũng Tàu tốt đẹp, trong lúc
ở Saigon hỗn loạn.
- Schlesinger điện cho Martin: còn 400 nhân viên tòa đại sứ phải di tản hết và gấp rút.
-
Martin trả lời giọng giận dữ: Hãy chỉ cho tôi phương pháp ép những
người Mỹ ra đi khi phải bỏ vợ con ở lại [vợ VN và con lai Mỹ]. Đã 4 giờ
rồi, tôi đã báo cho Gayler biết là tôi cần 30 phi vụ CH-53, [chở được 50
người, chen chúc được 70] mà bây giờ tôi chỉ có một CH-46 [nhỏ hơn]
Một
giờ sau, từ tòa Bạch Ốc, Don Rumsfield yêu cầu Martin di tản 150 nhân
viên IBM còn kẹt ở Saigon. Martin lồng lộn: Hãy cút đi, để cho tôi yên !
Trong lúc đó, hải quân lục chiến hối hả tiêu hủy hồ sơ, các trang bị
máy móc mà người Mỹ đã trang bị hùng hậu từ 10 năm qua (chỉ hồ sơ của
CIA là 14 tấn).
*12
gìờ đêm: Martin điện cho Gayler: Chẳng nhận được gì 20 phút qua, chắc
tôi phải ở lại đây ngày 30 tháng tư. Và điện cho Kissenger, Martin trêu
cợt: Nếu không suông sẻ, tôi sẽ qua tòa đại sứ Pháp xin tá túc, và chắc
tôi sẽ được ngủ trong phòng của bà Mérillon, và hi vọng bà còn ở đó chớ
không ở Paris» (Todd p. 378)
Tại khắp các cửa ngõ vào Sài Gòn, quân đội VNCH vẫn can trường chiến đấu cho đến khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Tăng T54 vc. bị lực lượng Biệt Cách 81Nhảy Dù bắn hạ tại Lăng Cha Cả vào những giờ phút cuối cùng.
-Ngày 30 tháng tư
*2giờ
30 sáng, tại tòa đại sứ còn 1000 người Việt, 53 nhân viên dân sự và 173
thủy quân lục chiến, trong khi ở phi trường TSN còn độ 2000.
* 3 giờ 45: Martin nhìn đám người trong sân và tuyên bố: những trực thăng đáp trên nóc tòa đại sứ chỉ dành cho người Mỹ.
*
4 giờ 42: chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 9 đáp xuống nóc. Viên phi
công trình lệnh của Tổng Thống: Martin phải lên phi cơ. Nếu Martin không
tuân lệnh, viên phi công còn có một lệnh khác của Gayler, tư lịnh Mỹ
vùng Thái Bình Dương là áp giải Martin.
Bước xuống HKMH Blue Ridge Đại sứ Martin trong một tâm trạng chán nản và mệt mỏi
Theo
Darcourt, Đại sứ Martin đánh giá cuộc di tản không ra gì, muốn ở lại và
chết ở đó. Với một tâm trạng rối loạn, mệt mõi (ông đã thức suốt 72 giờ
liền), ông đáp xuống hàng không mẫu hạm Blue Ridge, vào phòng đóng cửa
lại để không ai thấy nỗi thất vọng của ông.
*
7 giờ 53: chiếc trực thăng cuối cùng chở những binh sĩ cuối cùng (thực
ra còn 2 xác thủy quân lục chiến ở Tân Sơn Nhứt), yểm trợ bằng 6 trực
thăng võ trang Cobra rời tòa đại sứ. Họ ném hơi cay trên đầu 420 người
Việt còn đứng chờ bàng hoàng, ngơ ngác.
Lá cờ Mỹ đã cuốn đi mang theo nỗi thất vọng, cay đắng, oán hờn, sung sướng, của người Việt bắt đầu một trang sử mới.
*8
giờ sáng, tại dinh Phủ Thủ Tướng, ông Dương Văn Minh họp cùng các nhân
vật quan trọng của nội các mới như Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu để trình
bày tình hình quân sự và chính trị đã đến hồi tuyệt vọng, cuộc thương
thuyết với chánh phủ Mặt Trận Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam và Hà Nội, qua
trung gian của Pháp kể như không có trong khi thành phố Saigon đã hỗn
loạn cực kỳ.
Nhiều
toán quân sĩ VNCH lang thang trong thành phố, họ vứt bỏ vũ khí, quân
phục. Bọn cướp bóc tràn ngập trong thành phố, súng bắn loạn xạ» (Todd,
p.390).
*
9g30: sau phiên họp, nội các Dương Văn Minh đến dinh Độc Lập dự định
theo chương trình để bàn giao với Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng trong
nội các Nguyễn Bá Cẩn, nhưng cuộc bàn giao không xảy ra mà họ chờ quân
giải phóng đến.
*11g30:
«tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và
tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô từ phía đại sảnh: Mọi người đi ra khỏi
phòng… Người bước ra khỏi phòng trước tiên là tổng thống DVM… Có tiếng
hô to: Mọi người giơ hai tay lên. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi
người đi sau đều nhất loạt giơ tay…Một người bộ đội cấp chỉ huy nói với
ông Minh: Anh hãy viết một bản tuyên bố đầu hàng. Ông Minh trả lời rằng
sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói: Anh
chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng… Ông Minh vẫn đứng
yên lặng.
Viên
chỉ huy yêu cầu ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên
bố đầu hàng… Trước khi rời dinh Độc Lập đến đài phát thanh, ông Minh
nói với vị chỉ huy bộ đội: Vợ tôi vẫn ở đây. Xin các anh bảo đảm an ninh
giùm. Viên chỉ huy đáp: Anh hãy yên tâm… Ông Minh và ông Mẫu được đưa
đến đài phát thanh Saigon trên chiếc xe Jeep của bộ đội… Bản tuyên bố
đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát
lúc 13 giờ 30…» (LQC, tr.410-412).
Trần
Văn Đôn thuật dựa vào những điều nghe biết sau 30 tháng tư (vì ông đã
ra đi): «Sau đó họ mời ông Minh, ông Mẫu và một người nữa lên xe jeep
đi. Sau này tôi biết họ chở lại gặp tướng Trần Văn Trà. Tướng Trà nói:
Tôi mời mấy ông về đây để uống trà với tôi. Tôi là Trà đây. Chiến tranh
đã kết thúc rồi. Không có ai thắng ai bại» (Đôn, tr. 485).
Và
cũng với luận điệu ấy, Đôn đã viết: «Ai cứu dân chúng Saigon khỏi đổ
máu. Không phải Kissinger, không phải đại sứ Mỹ, không phải đại sứ Pháp.
Saigon không đổ máu là nhờ Dương Văn Minh».
Pierre Darcourt kể lại với nhiều chi tiết sống sượng hơn:
«Đúng
12 giờ 10 phút, ba chiếc xe tăng T54 cán dẹp những hàng rào cản sơn màu
trắng đỏ bao quanh dinh Độc Lập. Họ bắn chỉ thiên một tràng dài, ủi sập
cánh cổng lớn, cán lên trên rồi tiến thẳng vào dinh Độc Lập, cày bừa
lên các bãi cỏ trong sân. Hai chiếc xe Jeep và một chiếc xe vận tải chạy
đến, qua mặt các chiến xa. Tất cả mang cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miên
Nam…
Vị
sĩ quan cao cấp được 4,5 lính CS hộ tống ập vô đại sảnh, nơi mà tướng
Dương Văn Minh đang hội họp với các người thân cận của ông ta. Thấy vị
sĩ quan đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, Tướng Minh tưởng rằng mình
đứng trước một sĩ quan cao cấp nên nói:
- Thưa quan sáu (nguyên văn: mon général ong sau), tôi đã chờ ông từ sáng để trao quyền cho ông.
-
Mầy (nguyên tác: "tu" tiếng Pháp, có thể dịch là anh, nhưng "mày" có lẽ
đúng hơn trong hoàn cảnh nầy) dám nói là trao quyền à. Mầy chỉ là một
kẻ cướp quyền và một tên bù nhìn. Mầy chẳng có quyền nào để trao cho tao
cả. Chúng tao đạt được quyền bằng khẩu súng trong tay. Tao nói cho mày
rõ là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị.
Và kể từ bây giờ, tao cấm mầy không được ngồi xuống. Gương mặt tướng
Minh co rúm lại. Giọng nói hung bạo và khinh miệt của người sĩ quan
khiến ông Minh hiểu rõ là ông đang đứng trước mặt một sĩ quan miền Bắc
(nguyên tác: Tonkinois) chớ không phải là người Mặt Trận miền Nam. Tướng
Minh cố giữ bình tỉnh và nhẹ nhàng nói:
- Chúng tôi đã có làm sẵn một bữa cơm để tiếp các ông. Có yến, súp măng cua.
Viên trung tá xẳng giọng
-
Tụi bây đang ở trong tình trạng bị bắt. Hãy giữ thức ăn tư sản cho tụi
bây. Chúng tao sẽ cho tụi bây ăn cơm dã chiến, một nắm cơm vắt và một
hôp thịt mặn.
Tất
cà các tổng trưởng hiện diện đều bị khám xét và bị bắt giam trong một
phòng. Dinh Độc Lập bị tràn ngập bởi phóng viên báo chí» (Darcourt,
p.209).
*Lúc
16 giờ 30, tướng Minh được rời khỏi phòng giam lỏng ở tầng dưới dinh
Độc Lập. Một phóng viên của nhật báo Quân đội giài phóng hỏi ông
- Ông nghĩ sao về những biến cố mà ông vừa trải qua?
Ông Minh ngập ngừng giây lát rồi trả lời với ngôn ngữ tuyên truyền mà CS thường sử dụng:
-
« Chúng tôi đã nhận thức được sức mạnh của Chánh phủ cách mạng lâm thời
và của quân đội giải phóng. Các đơn vị thiết giáp của quân giải phóng
thực hùng mạnh, quân đội Saigon không thể nào đương cự được, chỉ còn có
việc đầu hàng không điều kiện mà thôi…
Chúng
tôi tin tưởng các ông, nếu không thì chúng tôi đâu có đem cả gia đình
chúng tôi đến đây để đón các ông. Các ông đã đạt được chiến thắng một
cách nhanh chóng, chúng tôi vô cùng sung sướng. Chúng tôi và gia đình
chúng tôi bình yên, thật là may mắn » (Darcourt, tr. 213)
Và sau đó, các nhân vật trong nội các cuối cùng của VNCH cũng lưu hậu thế với những câu nói bất hủ.
*
Ông Nguyễn Văn Huyền thì dè dặt hơn: «Chúng tôi không chấp nhận cuộc di
tản. Là người VN, mình phải ở lại sống trên quê hương mình chớ»
* Ông Vũ văn Mẫu thì hớn hở, nhảy nhót:
«Các
anh đánh hay lắm. Tôi rất sung sướng đã đuổi được người Mỹ ra đi. Bây
giờ thì chúng ta với chúng ta mà thôi. Sau khi nhắc lại quê ông ở quận
Thường Tín, phía Nam Hà Nội và chuyện ông cạo đầu phản đối ông Diệm, ông
nói: Kể từ hôm nay thì tôi sẽ để tóc lại được rồi»
* Ông Nguyễn Văn Hảo đưa tay lên và nói lớn:
«Các
anh thật đáng phục vì đã đánh bại được nước Mỹ, chúng tôi hi vọng là
tài nguyên của đất nước sẽ được sử dụng để xây dựng đất nước chúng ta».
(Darcourt, tr.213)
Trong
khi các chánh khách 30 của VNCH đầu hàng CS và tranh nhau nịnh bợ chánh
quyền mới, trên khắp các nẽo đường đất nước, quân nhân các cấp phẩn
uất, nhiều tướng tá tử tiết thay vì đầu hàng. Chỉ cần đan kể một vài anh
hùng liệt sĩ: các tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê
Nguyên Vỹ, Trần văn Hai…
Trong
lịch sử chiến tranh, không có cuộc chiến nào để lại một khối lượng sử
liệu khổng lồ, đa dạng và phức tạp như chiến tranh VN.
Tại
Hoa Kỳ, có ít nhất 10 đại học danh tiếng có bộ sách về chiến tranh VN
trong đó trung tâm Texas Tech University được xem như quan trọng nhất.
Ghi lại những biến cố chỉ trong tháng 4 từ một số tài liệu mà độc giả có
thể tìm được dễ dàng trong các thư viện công cộng hay nhà sách, chúng
tôi muốn nói lên bản chất dị biệt của các tài liệu qua các nguồn tư liệu
và tác giả.
Sự
dị biệt ít nhiều và bàng bạc qua gần 20 tài lệu mà chúng tôi tham khảo,
nhưng chúng tôi chú tâm đặc biệt vào hai biên khảo-hồi ký căn bản của
biến cố tháng tư viết bởi hai cộng sự viên quan trọng của Tổng Thống
Thiệu là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH và
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn đặc biệt của Tổng thống. Chúng tôi vô
cùng ngạc nhiên, qua lời văn tuy ôn tồn nhưng quyết liệt, ông Viên đã
dành một chương «Lời bạt» thêm vào quyển quân sử The final Collapse do
ông soạn thảo cho Trung Tâm Quân sử lục quân Hoa Kỳ phổ biến hạn chế năm
1983 và Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ với tựa đề là “Những ngày cuối cùng
của VNCH”, xuất bản năm 2003, để làm sáng tỏ và đính chính một số sai
lầm, thiếu sót viết về ông và về Bộ Tổng Tham Mưu do ông điều khiển mà
tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã viết trong quyển The Palace File xuất bản
năm 1986 và ấn bản Việt ngữ tựa là Hồ sơ mật Dinh Độc Lập xuất bản năm 1987.
Đa
số độc giả cũng như chúng tôi không am tường các chuyện bí mật chính
trị và quân sự, cho nên chuyện đúng hay sai là chuyện của các chuyên gia
và nhà sử học, do đó khi chúng ta đọc những tài liệu loại nầy, chúng ta
thường đọc bằng cảm tính qua văn phong của tác giả. Chúng ta có khuynh
hướng nghiêng (tin) về người bị chỉ trích, bị hạ bệ và phản kháng (không
tin) người dao to búa lớn, đại loại, tôi đã khuyên tổng thống chuyện
nầy, can thiệp với ông đại sứ nọ… Đó là điều mà chúng tôi gọi là đem tâm
tình đọc lịch sử.
Ngoài
việc viết thiếu trung thực lịch sử vì vô tình hay cố ý, một hiện tượng
khác còn trầm trọng hơn là việc ngụy tạo tài liệu đã đưa độc giả đến
những hiểu biết sai lệch mà điển hình là vụ quyển sách “Saigon et moi”
của cựu đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon mà từ hàng chục năm nay, cứ đến
tháng tư thì tái xuất hiện như một thứ «cá tháng tư» (poisson d’Avril).
Nhiều sách báo đã phổ biến, trích dẫn «con cá tháng tư» này như chuyện thật.
Cách
đây một tháng, nhiều bạn hữu lại chuyển cho chúng tôi qua internet một
bài đọc dưới dạng mp3 về một chương sách tưởng tượng trong quyển sách
ngụy tạo Saigon et moi. Đại ý, Jean-Marie Mérillon đã dàn xếp được với
Mặt Trận Giải Phóng để chấp nhận Dương Văn Minh thành lập một chánh phủ
liên hiệp để thoát khỏi gọng kềm của CS miền Bắc nhưng Dương Văn Minh đã
phản bội lời hứa, thay vì đi Trảng Bàng để gặp Trần Văn Trà trong toan
tính này thì lại đầu hàng với hi vọng sự nhượng bộ này sẽ được CS tưởng
thưởng.
Ngoài
ra, bài đọc (từ bài viết) còn có những chi tiết giựt gân, cảm động,
đánh trúng cái khát vọng của người di tản không muốn VNCH chết một cách
tức tửi và oán ghét những chánh khách bất tài, xôi thịt, hèn hạ.
Tác
giả của nguồn tin này (ông Vũ Hải Hồ) cho là quyển sách xuất bản năm
1985, được ra mắt ở khách sạn La Fayette với sự chứng kiến của Tổng
Thống Valéry Giscard d’Estaing và nhiều nhân vật chính trị quan trọng
của Pháp, nhưng sau đó mấy ngày thì bị Bộ ngoại giao tịch thu.
Lối
giải thích quả tình phi lý vì chế độ kiểm duyệt sách báo ở các quốc gia
Tây Phương là chuyện không có, còn chuyện thu hồi một quyển sách hồi ký
đã xuất bản lại còn là chuyện thần thoại hơn.
Ngoài
ra, trong việc phát triển bộ sách tiếng Việt và sách ngoại ngữ viết về
VN cho thư viện thành phố Montréal, chúng tôi có theo dõi trong nhiều
năm thời ấy trong các thư mục các nhà xuất bản trên thế giới như Books
in prints, Livres disponibles để mua cho thư viện, nhưng không hề thấy
tên quyển sách này.
Để
chứng minh quyển "Saigon et moi" không có, GS Tiến sĩ Sử học Hoàng ngọc
Thành và Bà Thân thị Nhân Đức trong tác phẩm «Những ngày cuối cùng của
Ngô Đình Diệm», xuất bản năm 1994, nơi trang 622 và 623 (trang 574 ấn
bản năm 1996, phụ bản trong ấn bản năm 1999) có nói rõ về vấn đề này.
Nguyên
là ông Hoàng Ngọc Thành khi sang Paris năm 1989 không tìm mua được
quyển Saigon et moi, nên có liên lạc với ông Mérillon, lúc ấy làm đại sứ
ở Moscou để hỏi rõ . Ông Mérillon đã phúc đáp GS Thành nguyên văn như
sau:
République
Française Ambassade de France En URSS L’Ambassadeur Moscou le 12th
November1990 Dear Dr Thanh, Your letter of the 22nd October has just
reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.
As
far as the book«Saigon et moi» is concerned, I must make a point
particularly clear. I did not write this book nor have I written any
other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is
not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad
to have any information relating to it.
Should I visit California, I shall not fail to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.
Wishing your new book every success, I remain
Yours sincerely,
Jean- Marie Mérillon
Khi
viết biên khảo, các tác giả có khuynh hướng sử dụng những tài liệu
trích dẫn từ những tài liệu tham khảo cấp hai hay cấp ba mà không phải
từ tài liệu gốc. Sự sai lầm, nếu có, tuy đáng tiếc, nhưng vẫn có thể
hiểu được vì lẽ chúng ta không thể có được trong tay tất cà các tài
liệu.
Tuy
nhiên, khi đã biết một tài liệu ngụy tạo mà vẫn cố tình sử dụng vì một ý
đồ, hành động nầy không thể nào nói khác hơn là một thứ bất lương trí
thức. Đó là trường hợp bản dịch quyển « La mort du VietNam» của tướng
Vanuxem của Dương Hiếu Nghĩa với tựa là «Nước Việt Nam Cộng Hòa bị bức
tử» (Nhà xb Đại Nam, 1997) có một phụ bản đặc biệt từ trang 194 đến
trang 221 đăng lại từ tập san Đa Hiệu một chương sách ngụy tạo của
Mérillon.
Dịch
giả đã có lời phi lộ như sau: «Không ai tìm thấy tung tích quyển sách
này ở bất cứ thư viện nào ở Pháp, kể cả Thư viện Quốc Gia Pháp ở Paris.
Cũng như sau nầy, chính ông Mérillon đã đính chánh ông không phải là tác
giả của quyển Saigon et moi hay bất cứ quyển nào khác viết về VN» (sđd,
tr. 195).
Đã biết như vậy mà vẫn tiếp tục phổ biến một tài liệu ngụy tạo, chúng tôi không hiểu tác giả có ngụ ý gì nếu không đã mất trí.
Kết luận
Hôm
nay, đọc lại những tài liệu cũ về những ngày cuối cùng của Việt Nam
Cộng Hòa, chúng tôi không giữ được nỗi bàng hoàng nhớ lại nỗi kinh hoàng
của những ngày quốc biến của 34 năm trước. Người đọc lịch sử, nhất là
lịch sử của tổ quốc mình không thể vô tâm như người ngồi ở ga xe nhìn
đoàn tàu đi qua, mà tùy theo cảnh ngộ, người đọc xúc động với biến cố
hay suy nghĩ về biến cố. Chẳng phải là sử gia cũng không phải là chính
trị gia, đa số người Việt ngoài nước lẫn trong nước đều cảm nhận nỗi bất
hạnh của quê hương mình và dân tộc mình đã từ hơn một thế kỷ qua, luôn
là mảnh đất để các cường quốc ngoại bang và các tập đoàn người Việt,
nhân danh những khẩu hiệu giả ân giả nghĩa, đã thay phiên nhau xâu xé,
thống trị và bốc lột một dân tộc không ngớt gánh chịu điêu linh. Nhưng
nghĩ cho cùng, khi con người đã quá khổ đau, con người chỉ còn biết bám
víu vào định mệnh. Nếu nước VN có một định mệnh thì định mệnh đã bắt VN
của chúng ta gánh chịu quá nhiều bất hạnh từ 1945 đến nay mà cái bất
hạnh lớn nhất, nguy hại nhất, là chiến tranh VN đã được điều khiển bởi
một Kissinger ác cảm khinh miệt chế độ miền Nam và một tập đoàn chính
trị miền Nam đa số bất tài, thối nát.
Hôm
nay, lần giở lại gần hai mươi quyển hồi ký và biên khảo tiếng Việt và
ngoại ngữ trong kho tài liệu khổng lồ về chiến tranh VN, nếu chúng tôi
được soi sáng và được lãnh hội nhiều sự kiện và nhận định ghi lại với sự
trung thực và thành khẩn đáng được xem như những sử liệu giá trị qua
vài biên khảo và hồi ký, chúng tôi lại cảm thấy bùng dậy nỗi bất bình
với những trang giấy viết để ca tụng mình, phe nhóm mình, nhục mạ chiến
hữu mình, phe nhóm đối lập với mình. Tác giả những thiên hồi ký khoác
lác nầy đa số là những người đã vinh thân trong cuộc chiến, và giờ đây,
họ vẫn không còn biết giữ được chút liêm sĩ còn sót lại để im tiếng, để
yên cho những người may mắn thoát chết tiếp tục sống với nỗi đau gặm
nhấm. Lịch sử sẽ phải thực sự được viết lại bởi những người viết sử công
chính và những quyển hồi ký man trá nầy sẽ phải bị chôn sâu dưới nấm mồ
của những tác giả đã đánh mất lương tri.
Trong
một cuộc mạn đàm với các bậc thức giả, chúng tôi có bày tỏ nỗi ưu tư là
những người di tản thế hệ chúng ta không có cơ may đọc được một quyển
chính sử viết về thời kỳ chúng ta đã sống. Một cụ già đã sang sảng trả
lời: «Biết làm chi nhiều hơn cho thêm cay đắng. Chúng ta chỉ cần
biết rõ ràng rằng chúng ta là nạn nhân của ba sự lừa dối và phản bội,
thứ nhất là của đồng minh người Mỹ của chúng ta, thứ hai là của người
lãnh đạo phe quốc gia chúng ta và thứ ba là của bọn Cộng Sản Việt Nam».
Chúng tôi chỉ biết gục đầu thấm thía lời phẩn nộ nhưng không dám gật đầu chấp nhận thái độ buông tay.
Chúng
tôi vẫn tự hỏi, có thế nào lịch sử cận đại của một dân tộc đã phải hi
sinh bao triệu người sẽ được viết bởi những kẻ lừa dối và phản bội
© Lâm-Văn-Bé (Montréal)
0 comments:
Post a Comment