P.J. Honey - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - ...Cả
hai thượng tá đều tin hành vi của họ trong những năm quân ngũ rõ ràng
đáng ghê sợ khi hồi tưởng lại, họ đã sống trong không khí hư ảo, ác mộng
do Đảng tạo ra; nhưng cả hai đều khẳng định cương quyết họ lúc ấy vẫn
không nhận thức được như thế. Cả hai cũng tuyên bố nếu họ thảm sát dân
thường chăng nữa, tuy không cần thiết, họ cũng sẽ không bị cấp trên
trừng phạt. Nếu sau này vụ đổ máu ấy xét thấy không cần thiết, hay cho
dù gây tổn hại đến sự nghiệp Cộng sản, họ sẽ chỉ phải thừa nhận rằng họ
đã phán đoán sai lầm, và hứa ra sức nâng cao sự hiểu biết của mình. Còn
ngược lại, nếu họ tránh thảm sát dân thường vì những lý do nhân đạo, họ
sẽ thậm chí chắc chắn bị tố cáo là “cảm tính”, là “thiếu nền tảng chính
trị vững vàng”, là vô kỷ luật, và họ sẽ bị trừng phạt nặng nề...
*
1. Bi kịch Huế
Ta không thể nào phóng đại tầm quan trọng chuyện đã xảy ra ở Huế vì từ
đấy ta có mô hình tỷ lệ về những gì sẽ diễn ra theo sau chiến thắng
quyết định của Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Hành vi của những người
lính Cộng sản chiếm đóng thành phố bất hạnh ấy, quả thực, khác với những
hành vi thường lệ của Cộng sản trước đây về khía cạnh không quan trọng.
Nhưng ở Huế, ta có thể điều tra ngay lập tức sau đấy những hành động
của họ sau khi những hành động này đã xảy ra và với đầy đủ chi tiết,
cũng như hỏi những nhân chứng đã chứng kiến chúng từ đầu đến cuối. Người
viết bài này có mặt ở Huế trong suốt tháng Chín 1970, và có thể xem xét
những địa điểm nơi các sự kiện diễn ra và hỏi những nhân chứng về những
sự kiện này. Đây là những gì đã xảy ra.
Lực lượng Cộng sản gồm mười hai ngàn binh lính, đa phần quân chính quy
miền Bắc Việt Nam, tấn công và chiếm thành phố Huế vào tối ngày 30 tháng
Giêng, 1968. Cộng sản ở trong thành phố 26 ngày trước khi cuối cùng bị
đánh bật ra. Một số người miền Nam Việt Nam, cả lính và dân thường, bị
giết chết trong lúc giao chiến, nên căn cứ vào vết thương hay hoàn cảnh
lúc chết ta có thể xác định ngay rằng họ chết do chiến trận. Riêng những
người khác bị cố ý sát hại theo lệnh của 150 cán bộ dân sự phụ trách về
thường dân Huế trong khi lính cộng sản chú trọng về công tác quân sự.
Vì không một viên chức Cộng sản nào nếu không được phép mà lại dám thực
hiện một chiến dịch đã được kế hoạch từ trước và bài bản như thế, nên ta
có thể hầu như chắc chắn rằng 150 người này thực hiện chương trình hành
động đã được cấp trên Đảng Cộng sản của họ ra lệnh rất rõ ràng và cương
quyết. Không phải tất cả các cán bộ dân sự này vào Huế cùng lúc với
binh lính, vì nhiều người thuộc về hạ tầng cơ sở Cộng sản ở đấy đã ở sẵn
trong thành phố. Đa số 150 người này sinh trưởng ở địa phương, quê ở
tỉnh Thừa Thiên, biết tường tận thành phố và cư dân Huế.
Trong những ngày đầu tiên chiếm đóng, những cán bộ dân sự này lùng bắt
những người dân có tên và địa chỉ trong những danh sách đã soạn sẵn
trước khi Cộng sản tấn công, và giải họ ra trước các tòa án cuội. Mỗi
“phiên tòa” diễn ra chỉ độ mười phút, và tất cả các bị cáo đều bị kết
tội là “kẻ thù cách mạng”. Bản án- luôn luôn hành quyết-được thi hành
ngay lập tức, và xác của họ hoặc là được chôn cất hay trả về cho gia
đình. Nạn nhân là những công chức, sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội Quốc
gia, giáo chức, bác sĩ, và tu sĩ; những thành phần tinh hoa thực sự
trong dân chúng Huế. Một khi giết xong những cá nhân đã bị ghi tên từng
người này, cán bộ dân sự bắt đầu lùng bắt đợt hai, lần này bắt theo danh
sách nghề nghiệp, việc làm, tổ chức, nhóm và giai cấp xã hội, chứ không
theo tên từng người như trước. Đợt thanh trừng thứ hai này hiển nhiên
dự định giết những ai thuộc về giai cấp xã hội, nghề nghiệp, hay hội
đoàn mà, dưới mắt Cộng sản, sẽ trở thành đối lập tiềm tàng trong tương
lai, vì thế rất nhiều người không dính dáng gì đến chính trị- ngay cả
trẻ em và học sinh-cũng bị giết chết. Do tính chất cuộc thanh trừng, đợt
thanh trừng lần thứ hai này cũng đã giết nhiều người vốn là những người
ủng hộ tích cực sự nghiệp cộng sản ở Huế cho dù họ thuộc về những nhóm
đáng nghi ngờ. Độ hai ngàn người đã bị giết chết trong chiến dịch này.
Trong suốt tuần lễ cuối cùng Cộng sản chiếm đóng Huế- họ đã bị đánh bật
ra khỏi Huế vào ngày 24 tháng Hai- những cán bộ này đã bắt và giải đi
hàng trăm công dân sau khi báo cho họ biết họ được đưa đi học tập chính
trị. Đôi khi cán bộ biết những người bị bắt và xưng hô bằng tên với họ,
nhưng nhiều lần khác các cuộc bắt bớ có vẻ không dự tính trước, như khi
bốn trăm người trú ẩn trong nhà thờ công giáo Phủ Cam bị giải đi chung
với nhau. Từ đấy người ta đã phỏng đoán những người bị bắt vào những
ngày cuối cùng của cuộc chiếm đóng đã bị bắt vì họ sau này có thể nhận
diện những cán bộ thuộc cơ sở hạ tầng Cộng sản địa phương, và vì thế họ
phải bị giết. Nhưng đây cũng chỉ là phỏng đoán, và vài lý giải khả dĩ
khác cũng sẽ đều hợp lý với hoàn cảnh lúc ấy. Dù thế nào đi nữa, những
người này đã bị bắt đi và từ đấy biệt tăm biệt tích. Người thân và bạn
hữu vẫn tiếp tục hy vọng họ bị Cộng san giam giữ và vẫn còn sống.
Hai ngày sau khi Cộng sản bị đánh bật ra khỏi Huế, người ta phát hiện
bảy mươi xác trong khuôn viên trường Gia Hội. Trong những tháng sau đấy,
thêm mười tám địa điểm chôn người khác với 1.030 xác. Năm sau, nhiều mồ
chôn tập thể tình cờ được phát hiện ở Phú Thứ, cách thành phố Huế mấy
cây số, và tìm thấy được 809 xác. Mãi cho đến cuối tháng Chín 1969 một
mồ chôn tập thể khác được tìm thấy, lần này ở Khe Đá Mài khó đến, nhờ
những người Cộng sản đào thoát cung cấp thông tin. Đến lúc ấy những xác
chết đã bị phân hủy hoàn toàn đến mức không thể nào nhận ra được, nhưng
phát hiện 250 sọ người. Tổng cộng, thành phố Huế mất 5.800 công dân chết
hay mất tích trong các đợt thanh trừng liên tiếp. Tất cả những người
này đều biến mất hoàn toàn, và nhiều nấm mồ có thể còn được phát hiện.
Người ta bây giờ đã từ bỏ hy vọng rằng những người mất tích mà vẫn chưa
tìm thấy có thể vẫn còn sống.
Những biến cố này diễn ra trong khoảng thời gian 26 ngày trong thành phố
mà Cộng sản đã luôn luôn thừa biết họ sẽ bị đánh bật ra khỏi. Bắt bớ và
tàn sát được thực hiện, một cách lạnh lùng và cố ý, từ lệnh của lãnh
đạo Cộng sản, theo những kế hoạch đã được xếp đặt từ trước. Về sau chính
những bình luận của báo đài Cộng sản Việt Nam về những sự kiện này cuối
cùng đã làm tiêu tan bất kỳ khả năng nào cho rằng họ đã phạm sai lầm
khủng khiếp, các cán bộ địa phương làm sai hay làm vượt quá mệnh lệnh
cấp trên giao cho họ. Tiêu biểu cho những lời bình luận này là buổi phát
thanh của Đài Giải phóng Cộng sản vào ngày 26 tháng Tư, 1968, trong lúc
các mồ chôn tập thể đang được phát hiện. Đài tuyên bố những người bị
giết là “bè lũ côn đồ tay sai mang nợ máu với đồng bào đã bị các lực
lượng vũ trang và nhân dân Miền nam tiêu diệt vào đầu xuân.” Không một
lời ân hận.
2. Quan điểm của cộng sản về Huế
Đói kém, dịch bệnh, và lũ lụt xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi ở Châu Á
khiến chuyện chết trẻ và đau đớn trở thành hiện tượng quá bình thường,
rồi người dân đâm ra chấp nhận cam phận những điều không thể tránh được.
Thuyết định mệnh của người Châu Á khi đối diện với những tai họa đáng
sợ luôn luôn khiến người Phương Tây kinh ngạc. Nhưng bất chấp sự cam
chịu nghịch cảnh bẩm sinh này, cuộc thảm sát rất nhiều thường dân Huế
một cách tàn bạo và rất bài bản này đã làm cho nhân dân miền Nam Việt
Nam rất kinh hoàng và ghê tởm. Thêm vào đấy, những công dân Huế mà người
viết bài này đã hỏi đến đều bày tỏ sự khó hiểu; họ hoàn toàn không hiểu
tại sao người Việt Nam lại có thể hành xử một cách tàn bạo đến như thế
đối với đồng bào của mình. Theo họ, cuộc thảm sát đã tạo ra bằng chứng
không thể nào tranh cãi là cuộc kháng chiến của Cộng sản đã phơi bày tất
cả sự giả dối về chiêu bài giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam, và
đang lộ liễu mưu tính thiết lập một chế độ chuyên chính Cộng sản độc tài
và áp bức. Những người đào thoát từ phía Cộng sản chẳng cảm thấy khó
hiểu như vậy, mặc dù họ rất vất vả khi giải thích những lý do của họ cho
những ai đã không trải qua những năm tháng phải tồn tại dưới sự kiểm
soát ngặt nghèo của chế độ Cộng sản, không được tiếp xúc với bên ngoài
và phải chịu đựng hàng ngày những áp lực tâm lý của báo đài cộng sản.
Hai người cựu Cộng sản sáng suốt nhất mà người viết bài này đã phỏng vấn
là hai sĩ quan quân đội cấp cao, Thượng tá Trần Văn Đắc, người đào
thoát sang phía Quốc gia vào tháng Tư 1968, và Thượng tá Nguyễn Thành,
người đào thoát vào tháng Năm 1970. Cả hai đều không tham dự vào các
biến cố ở Huế, nhưng cả hai đã tham gia vào cuộc tấn công vào Sài Gòn
trong cuộc Tấn công Tết. Là quân nhân, họ chỉ có thể nói về nhận thức
của họ mà đã bị tẩy não bởi kinh nghiệm đời lính Cộng sản của họ khi
phục vụ ở miền Nam Việt Nam.
Cuộc sống trong quân ngũ nào cũng phải luôn luôn phục tùng kỷ luật-tuân
theo điều lệnh, theo mệnh lệnh cấp trên, chấp hành những thủ tục đã quy
định, huấn luyện, vân vân. Sau một thời gian phản xạ của ta trở thành
phản xạ có điều kiện, và hành động của ta trở thành hành động bản năng,
hầu như vô ý thức. Nhưng ở các lực lượng vũ trang Cộng sản Việt Nam còn
có một phạm vi khác, một lĩnh vực mà quân đội Phương Tây hầu như không
lưu tâm đến, tức học tập chính trị. Có lẽ ngành quan trọng nhất của Quân
đội Cộng sản Việt Nam là ngành chính trị, những cán bộ ngành này đều
tiến hành liên tục những đợt học tập chính trị, phê và tự phê. Những
người lính Cộng sản phải thường xuyên thú nhận khuyết điểm của họ trước
cuộc họp nhóm, và phải lắng nghe những lời thú nhận từ những người khác
trong nhóm. Họ phải phê bình lẫn nhau về mọi khía cạnh hành vi. Trải
nghiệm lâu dài những thủ tục này sẽ tạo ra trong não người, vì không thể
tìm từ nào chính xác hơn, cái mà ta có thể gọi là sự tự kiểm duyệt. Vì
sự chấp nhận phê bình luôn luôn đau đớn, và đôi khi khiến ta rất đau khổ
và lo lắng, nên não sẽ tự hình thành cơ chế cảnh báo riêng của não về
những lời nói hay hành động nào có thể tạo ra sự phê bình. Cuối cùng,
theo bản năng, người lính tránh tất cả mọi thứ không hợp với những hành
vi xã hội chuẩn mực mà luôn luôn do Đảng Cộng sản quyết định. Chính bản
năng của họ chứ không phải sự hiện diện của cán bộ Đảng khiến họ làm
điều này, vì chính tất cả các đồng đội của họ cũng bị tẩy não để báo cáo
và chỉ trích bất kỳ sự vi phạm hành vi chuẩn mực thông thường nào. Vì
những người lính Cộng sản ở miền Nam Việt Nam không sống trong dân
chúng, mà đóng quân ở những căn cứ xa xôi nơi họ chỉ gặp gỡ đồng đội,
nên chẳng bao lâu sau họ không còn nhận thức về hoạt động tự kiểm duyệt
này. Do sống trong cộng đồng nơi mỗi thành viên đều chấp nhận và làm
theo những hành vi chuẩn mực như thế, nên họ dễ dàng coi hành vi thường
lệ của họ là bình thường, vì về mọi phương diện hành vi ấy phù hợp với
hành vi của cộng đồng. Không tuân lệnh là lỗi lầm hầu như chắc chắn bị
phê bình, cho nên chính ý nghĩ không tuân lệnh ấy không còn tồn tại. Vì
vậy, nếu những người lính bị tẩy não như thế nhận lệnh đi tìm và giết
những người có tên trong danh sách do cán bộ chính trị Đảng trao, hay
nhận lệnh hành quyết những người mà cán bộ chính trị giao cho họ, họ sẽ
chấp hành một cách vô ý thức và sẽ không bị những tình cảm thông thường
của con người cản trở.
Cả hai thượng tá đều tin hành vi của họ trong những năm quân ngũ rõ ràng
đáng ghê sợ khi hồi tưởng lại, họ đã sống trong không khí hư ảo, ác
mộng do Đảng tạo ra; nhưng cả hai đều khẳng định cương quyết họ lúc ấy
vẫn không nhận thức được như thế. Cả hai cũng tuyên bố nếu họ thảm sát
dân thường chăng nữa, tuy không cần thiết, họ cũng sẽ không bị cấp trên
trừng phạt. Nếu sau này vụ đổ máu ấy xét thấy không cần thiết, hay cho
dù gây tổn hại đến sự nghiệp Cộng sản, họ sẽ chỉ phải thừa nhận rằng họ
đã phán đoán sai lầm, và hứa ra sức nâng cao sự hiểu biết của mình. Còn
ngược lại, nếu họ tránh thảm sát dân thường vì những lý do nhân đạo, họ
sẽ thậm chí chắc chắn bị tố cáo là “cảm tính”, là “thiếu nền tảng chính
trị vững vàng”, là vô kỷ luật, và họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Về sau khi những lời giải thích này của hai sĩ quan được đưa ra trước
một nhóm những người đào thoát từ miền Bắc Việt Nam đã sống qua nhiều
năm ở dưới chế độ Cộng sản ở Bắc Việt Nam, nhiều người trong họ từng giữ
những chức vụ cao cấp và nhiều trách nhiệm, họ đều tin ngay rằng tất cả
những lời giải thích này đều đúng. Không một ai trong nhóm thừa nhận có
ngạc nhiên gì về các sự kiện đã xảy ra ở Huế, coi chúng như là điềm báo
trước cho những gì sẽ xảy ra theo sau chiến thắng của Cộng sản ở miền
Nam Việt Nam. Câu hỏi nữa về những gì họ đoán sẽ diễn ra ở miền Nam Việt
Nam nếu Cộng sản chiếm được nước này đã tạo ra một sự thảo luận rất
lâu. Tất cả những người đào thoát này- họ gồm có những người như Tiến sĩ
Phạm Thành Tài; cựu giáo sư Khoa Chính trị ở Đại học Hà Nội; Võ Thanh
Tòng, chuyên viên ngân hàng; Đại úy Lê Phát Nguyên, trước kia từng công
tác ở Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội; Võ Ngọc Cơ, nhân viên tình báo; vân
vân-đều nêu ra những tiền lệ và những lời tuyên bố chính thức của Cộng
sản để đi đến kết luận nhất trí rằng thảm sát là tất yếu. Những thành
viên của các chính phủ miền Nam Việt Nam nối tiếp, công chức, sĩ quan
quân đội, cảnh sát, chức sắc tôn giáo, trí thức, nhà chính trị, những
người hành nghề chuyên môn sẽ là trong số những người đầu tiên bị sát
hại. Tất cả các đảng phái chính trị sẽ bị tiêu diệt, và những người giữ
chức vụ trong các đảng này sẽ bị hành quyết. Cũng không có bất kỳ bất
đồng ý kiến nào về sự thanh toán những người tỵ nạn đã chạy trốn khỏi
miền Bắc Việt Nam, hay thanh toán những ai đã đào thoát khỏi các lực
lượng vũ trang Cộng sản, tất nhiên, bao gồm chính những người phát biểu ý
kiến này. Thực sự đã nảy sinh bất đồng ý kiến về số phận của giai cấp
tư sản-thương gia, địa chủ, chủ cửa hàng, vân vân. Dù họ đều đồng ý tất
cả những người này sẽ bị bắt, bị xét xử, và bị kết án tử hình, nhưng
không phải mọi người đều đồng ý tất cả những người này nhất thiết sẽ bị
giết ngay. Một số người phát biểu nghĩ rằng chỉ những người nổi bật
trong số những người này, đặc biệt những người rất danh tiếng hay rất
khét tiếng sẽ bị tử hình đầu tiên. Nhiều người nhớ lại trong các cuộc
họp chính trị ở miền Bắc Việt Nam người ta đã khen ngợi cách Trung Quốc
kết án tử hình người tù, nhưng rồi hoãn việc hành quyết chừng nào người
tù còn làm việc cật lực trong các nhà máy hay nông trường. Họ tin có thể
cách làm như thế sẽ được áp dụng ở miền Nam Việt Nam. Những người đã bị
kết án tử hình sẽ được phép hoãn việc hành quyết bằng cách ra sức làm
những công việc được phân công. Nếu họ tiếp tục làm việc cật lực, họ sẽ
được để cho sống sót tới khi nào cái chết tự nhiên xảy đến với họ; nhưng
nếu bất kỳ ai trong họ không còn làm việc siêng năng như trước, họ sẽ
bị hành quyết để răn đe kẻ khác. Cách làm như thế có thể đóng góp rất
nhiều vào sự sản xuất rất cần thiết.
Nhưng không chỉ chính những sĩ quan Quân đội Cộng sản và các viên chức
cao cấp đã đào thoát sang miền Nam Việt Nam nói chiến thắng quyết định
của Cộng sản sẽ gây ra cảnh tắm máu. Các phương tiện truyền thông bị
kiểm soát chặt chẽ của miền Bắc Việt Nam trong vài năm qua đã thường nói
về điều ấy. Xin nêu ra một trường hợp điển hình, Đài Hà Nội trong buổi
phát thanh vào ngày 18 tháng Chín, 1969, đã dẫn lại những lời sau của ủy
viên Bộ Chính trị Trường Chinh: “Nền chuyên chính dân chủ nhân dân phải
tuyệt đối cần thiết sử dụng bạo lực để chống lại bọn phản cách mạng và
bọn bóc lột không chịu cải tạo. Vì thế, chúng ta phải không ngừng tập
trung vào công tác củng cố bộ máy trấn áp của nhà nước dân chủ nhân dân,
quân đội nhân dân, công an nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, tòa án
nhân dân, vân vân.” Cũng chính đài này, phát thanh vào ngày 21 tháng Ba,
1968, nói:” Tất cả các công dân phải có nghĩa vụ tham gia tích cực vào
việc tố giác những phần tử phản cách mạng, cung cấp cho các cơ quan
chuyên chính các bằng chứng và tài liệu, giám sát việc trừng trị... các
phần tử phản cách mạng.” Báo đài miền Bắc Việt Nam đã gọi tất cả những
người ở miền Nam Việt Nam chống lại cuộc kháng chiến Cộng sản là “côn
đồ”, “tay sai”, “ bọn bóc lột”, “ bọn phản cách mạng”, và những từ tương
tự như thế, và thường xuyên nhắc đến những “món nợ máu” mà những người
này đã gây ra. Họ còn thường xuyên cam kết quyết liệt rằng những người
này sẽ phải trả lại toàn bộ những món nợ máu ấy. Những tiền lệ lịch sử
và trường hợp gần đây khiến ta không thể nào nghi ngờ những nhà lãnh đạo
Cộng sản có ý định giữ lời hứa.
*
P.J. Honey
(1922-2005) là học giả Anh chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.
Ông từng sống ở cả hai miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và rất thông thạo
tiếng Việt. Ông đã dịch tác phẩm của học giả Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), sang tiếng Anh.
Nguồn:
Trích dịch từ tạp chí Southeast Asian Perspectives số 2 tháng Sáu 1971, trang 19-25. Nguyên tác tiếng Anh “Vietnam: If The Communists Won”. Tựa đề của người dịch.
Bản tiếng Việt:
0 comments:
Post a Comment