Friday, April 25, 2014

Lấy vịt nuôi chim ưng thì có gì là lạ!

Dân Việt có ba thứ nguy hại: chịu đựng, chia rẽ, kích động - dễ lôi kéo.

1,000 năm Bắc thuộc, 80 năm thuộc Pháp, cuộc chiến tranh đẫm máu hai miền kéo dài 20 năm tiếp theo cũng là do ba thuộc tính nguy hại trên gây ra.

Đầu tiên, việc dân ta lựa chọn những người bần nông - cộng sản thay vì chính phủ Trần Trọng Kim cũng không ngoài lý do đó. Và nó tiếp quản không ngừng nghỉ trong những phong trào đấu tranh của giới học sinh - sinh viên - trí thức nói chung trong lòng chế độ VNCH. Điều buồn cười là điều đó diễn ra song song với các cuộc đảo chính quân sự liên tục và sự “nuôi dưỡng cán bộ” của bà con miền Nam.

Người Pháp sẽ rất ngạc nhiên khi biết được rằng cụm từ “Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ” mà cha ông họ đặt ra từ năm 1887 để “bóp nghẹt mọi tình cảm dân tộc” Việt lại tồn tại dai dẳng và được nuôi dưỡng bởi chính người Việt. Cụm từ đó ngày nay không dùng để ám chỉ về một sự kiện lịch sử nữa mà nó trở thành một cụm từ mang nặng tiếng phân biệt - đúng hơn là sự kỳ thị vùng miền giữa người Việt với nhau.

Các chiêu trò tàn phá nền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc sẽ là gì nếu không có sự tiếp sức của thương lái Việt, các thực phẩm gây độc hại từ rau củ quả cho đến các loại thịt gia cầm, thủy hải sản được ngâm ướp bằng hóa chất cấm cũng từ một tay người Việt làm. Người Việt làm được gì? Không gì cả, đa phần tìm cách chịu đựng - makeno, một số khác thì lẳng lặng tự làm “người tiêu dùng thông minh” thay vì tìm cách xóa sổ điều đó.

Chính ba thứ nguy hại đó nó là căn bệnh di căn, dù không giết chết được giống nòi nhưng lại khiến dân tộc này sống què quặt, nghèo đói, dặt dẹo. Trong đó, sự chịu đựng và dễ lôi kéo/vỗ về được coi là một trong hai thứ bệnh tai quái của người Việt.

Ở phía bắc, ông Đỗ Chiến Thắng (con rể Bí thư tỉnh Lai Châu) sẽ không bị khởi tố [1] trong vụ lật cầu treo Chu Va 6 theo lời ông giám đốc CA tỉnh Lai Châu khi trao đổi với báo chí.

Ở phía nam, nhiều đoạn đường trên đại lộ Đông Tây nghìn tỷ, hiện đại bậc nhất TP. HCM sụt lún nghiêm trọng [2] những vẫn chưa được khắc phục.

Còn trên cả nước thì sau 2 lần giảm giá nhẹ, từ 12h trưa 22/4, các mặt hàng xăng dầu lại tiếp tục được điều chỉnh tăng lên [3], với mức tăng từ 130 đồng- 210 đồng/lít. Buồn cười là đây lần thứ 2 điều chỉnh giá trong tháng 4.

Dân Việt Nam có phản ứng không? Ồ không! Trừ mấy ông nhà báo và vài độc giả trung thành ra thì đa phần chả ai quan tâm sâu sát, do đó tin đó thoáng đến rồi lại thoáng đi. Dân ta có sức chịu đựng khủng khiếp là vì vậy.

Nói đâu cho xa, khi ông thủ tướng cho dừng đăng cai ASIAD [4], chẳng ai còn nghĩ chuyện truy cứu đầu đuôi của việc nảy sinh ra đề án này nữa, thay vào đó là không ngừng tung hô ông thủ tướng, từ “pháo đã kéo ra” đến “lùi một bước để tiến hai bước”. Mà đúng thế thật, ông thủ tướng sau những vụ tham ô, tham nhũng, những quả đấm thép thì chỉ bằng việc dừng đăng cai ASIAD thì lòng dân lại quy thuận. Chịu thật! Không dễ lôi kéo/vỗ về thì không phải dân Việt đó chứ. Sắp tới còn có cả dự luật biểu tình nữa, dân chúng lại một lần nữa được quan chức nhà nước mát xa - ướp lạnh.

Những phát ngôn đỉnh-của-đỉnh, bất hủ của ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng [5] cũng từ cái dân nó thế mà ra. Hay như khi dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị đội giá lên 339 triệu USD, dư luận rùm beng nhưng ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng: “điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên!” Dân Việt nghe thế, chửi đọi vài câu rồi lẳng lặng giải tán.

“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn Cho nên quân nó dễ làm quan”

Còn thanh niên - tri thức, rường cột nước nhà thì như thế nào? 73 ngàn cử nhân thất nghiệp [6] năm 2013 đã làm gì? Chẳng làm gì cả? Lẳng lặng đi làm trái ngành thậm chí đi làm... công nhân [7] để bon chen công việc mới trong tương lai.

Tất cả những sự kiện trên sẽ còn diễn ra ngày càng nhiều, sẽ có phản ứng về mặt xã hội, nhưng các bạn an tâm, tôi cam chắc sau một hồi bàn luận rôm rả, tụ họp xôn xao, bà con Việt Nam ta sẽ dắt tay nhau ra về vui vẻ, ai về nhà nấy cho đến khi có chuyện mới xảy ra, và họ lại... tụ họp, bàn luận. Sẽ chẳng có gì xảy ra, họ sống cam chịu, lầm lũi, không nhận ra cái gì đã khiến họ trở nên như vậy.

Sự chịu đựng những bất công đang diễn ra và mặc nhiên thừa nhận, đồng hành với nó lại thêm cái chứng dễ vỗ về/ lôi kéo đã biến đất nước này như người sống đời thực vật, không chết được mặc dù đời sống về tất cả ngày càng đi xuống. Lối thoát nào cho chuyện này? Ông Nguyễn Trung đề xuất: “Trên đời này chẳng có chủ nghĩa nào hay cuộc cách mạng nào, cũng chẳng có công nghiệp hóa - hiện đại hóa nào có thể lôi dắt đất nước chúng ta ra khỏi quá khứ gian truân dằng dặc gần hai thế kỷ vừa qua và của bảy thập kỷ qua để đi tới hạnh phúc - văn minh, mà chỉ có con đường của tự do dân chủ để phát triển.” [8]

Vậy tự do dân chủ là gì? Dân đã ý thức được chưa? Họ có thực sự đang cần tự do dân chủ không? Xin lỗi, tôi đang đề cập đến việc họ CẦN, chứ không phải là họ MUỐN.

Tôi rất tâm đắc khi đọc được quan điểm của ông PGS-TS Nguyễn Minh Hòa trong một bài viết được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, trong đó ông nhấn mạnh: “Nếu không tự ý thức và nỗ lực, rất có thể chúng ta không bao giờ chạm tới xã hội văn minh.” [9]

Chính xác là dân Việt thiếu sự TỰ Ý THỨC lẫn nỗ lực. Điều này ngăn trở những lời kêu gào về “quyền làm người” chạm đến họ. Nói đúng hơn, họ muốn là dân đen, họ thích bị bóc lột, họ thích bị cai trị, họ không muốn mình làm chủ (theo đúng nghĩa đen). Vì thế, đừng ai hoạt động dân chủ cho đất nước này thắc mắc: sao họ đớn hèn quá, bao giờ họ nổi dậy, tại sao Việt Nam không như Myamar, Ai Cập, Lybia... hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhưng dân ta bao giờ mới TỰ Ý THỨC? Hay ta phải tiến hành CẢI TẠO Ý THỨC cho họ. Nhưng bằng phương pháp nào, cách thức nào để họ tiếp nhận và đi đến nhận thức thay vì sự qua loa, cho có?

Nếu không đi vào thực chất của sự cải tạo mà chỉ chăm vào việc lấy thành tích, khoa trương thì chính đặc tính trên sẽ khiến dân chủ Việt Nam là đàn vịt con [10] theo đúng nghĩa mà ông Lê Thăng Long từng đặt ra. Dân Việt Nam là những chú vịt con xinh xắn - ngày ngày đi theo sự dẫn dắt. Xứ Việt Nam là nơi của những người cam phận, nơi của những kẻ áp bức tiếp tục áp bức những kẻ chịu làm kẻ áp bức một cách tự nguyện.

Và như thế, thì đừng bao giờ kỳ vọng thái quá vào cái việc sẽ có đợt khủng hoảng kinh tế XYZ nào đó sẽ dẫn đến cuộc thay máu chế độ. Nghe viễn tưởng cực. Vì cứ theo tình hình dân như thế này, thì nếu Đảng Cộng Sản không muốn thay đổi thì vĩnh viễn sẽ chẳng có sự thay đổi nào hết. Người nào, nhóm nào đứng lên đòi quyền làm người thì sẽ được ban phát, dỗ dành rồi đâu lại vào đấy. Các hoạt động dân chủ cho dù lôi kéo 1.000 người tới tụ họp cũng chừng đó chuyện, 1.000 người cũng chỉ là con số đơn lẻ trong tổng số 92,477,857 dân mà thôi.

Đó là chút chuyện ngoài lề. Quay trở lại vấn đề mang tính thực tại, nếu người dân Việt muốn là vịt (chịu đựng/ vỗ về) thì tội gì những kẻ có quyền lực không làm chim ưng. Dân đã muốn là đại gia chịu chi ngàn tỉ/ trăm ngàn tỉ thì cớ gì quan lại không lấy. Dân đã nhẫn nhục, chịu đựng kiếp tôi đày thì lấy vịt nuôi chim ưng thì có gì là lạ!

_______________________________

Chú thích:










0 comments:

Powered By Blogger