Sunday, September 7, 2014

Uy lực















Bài thơ văn xuôi

"Tiếng gầm rống hùng vĩ rung động và lan truyền trong không khí, kèm theo bởi tiếng cổ vũ nhạc điệu của các loài dã thú. 

Cùng với nhau, những âm thanh tạo nên một giai điệu trang nghiêm, một tiếng vọng đoàn kết và chính nghĩa từ thời quá khứ xa xôi, như những tiếng trống đập mạnh thúc giục chiến sĩ giết lũ giặc xâm lăng trên trận địa, những tiếng ầm ầm của đợt sóng đến từng hồi trong thủy triều dâng, những tiếng hét đồng loạt của hàng ngàn người vung nắm tay cao lên không. 

Cùng với nhau, chúng nhả ra một lực huy hoàng, mạnh mẽ hơn cả thiên nhiên, bùng nổ để phá vỡ xiềng xích của đàn áp tàn bạo, tiêu hủy lừa dối và xuẩn ngốc, và mang lại tinh thần bất khuất của hàng ngàn năm lịch sử."

***

Trên vùng đất cỏ xa xôi của bãi hoang mạc Phi châu mênh mông, một nhánh siêu vi khuẩn ác hiểm đột biến và lan truyền qua không khí. Loài siêu vi khuẩn đột biến chỉ tấn công một loài dã thú đặc biệt: loài linh cẩu đốm. Khi bị nhiễm trùng, linh cẩu trở nên cực kỳ hung hăng và xảo quyệt, hung hăng và xảo quyệt hơn lúc trước. Chúng cũng trở nên đáng sợ, như thể để phù hợp với cá tính mới của chúng. Móng vuốt chúng kéo dài, răng sắc bén thêm, và hàm mạnh mẽ hơn. Những con cái trở nên sinh sản nhiều, cỡ lứa đẻ phát triển gấp mười lần. Ngay sau khi cơn dịch siêu vi khuẩn bắt đầu, dân số linh cẩu tăng lên hàng trăm lần. Chúng xuất hiện khắp nơi trên vùng đồng cỏ nhiệt đới, tạo thành những nhóm có hàng trăm con. 

Cao về số lượng và trang bị sức mạnh thể chất ghê gớm, đàn linh cẩu đốm đột biến nhanh chóng chiếm lĩnh vùng thảo nguyên. Chúng tấn công các loài thú ăn thịt, quấy rối những con vật to lớn, truy nã loài giựt xác ăn thừa và thảm sát đàn thú ăn cỏ với mức tàn bạo dã man. Chiến dịch khủng bố kéo dài hàng tuần, phân tán đàn trâu, phá vỡ đàn linh dương đầu bò, và đánh tan bầy linh dương. 

Vào một ngày gần cuối mùa mưa, đàn linh cẩu quyết định khởi động trận tấn công dữ dội cuối cùng với ý định giải phóng vùng đất thanh bình và thịnh vượng ra khỏi luật lệ thiên nhiên và biến nó thành địa ngục. Chúng lan tràn trên đồng cỏ bao la thành từng nhóm đông đảo, hàng ngàn con trải thành từng cột như nhánh cây phát từ thân cây keo. Chúng trước hết tấn công bừa bãi bất kỳ dã thú nào chúng gặp nhưng sau đó chúng hội tụ vào kẻ thù lớn nhất của chúng: sư tử. Một số gia đình sư tử đứng lên đánh dữ dội chống lại kẻ thù lâu đời. Nhưng những con vua chúa vùng hoang mạc chẳng mấy chốc học bài học đau đớn. Không những bị áp đảo về số lượng, chúng còn phải đối mặt với đối thủ mạnh mẽ và dữ dội bất ngờ. Bị hàng ngàn linh cẩu điên khùng và quyết tâm vây quanh, các con sư tử chiến đấu một trận oai hùng; nhưng cho dù bàn chân chúng tống kẻ thù một cú chết người, móng vuốt nhọn và răng dài chúng xé tan kẻ thù, sức mạnh chúng dần dần suy yếu dưới cuộc tấn công hung hãn. Những con sư tử hùng mạnh ngày nào rốt cục phải chạy thục mạng lấy thân trong nỗi thua nhục nhã. Nhiều con chạy trốn cuộc tàn sát đẫm máu bằng cách vượt qua một con sông rộng nguy hiểm để tới một hòn đảo. Một số bị chết đuối và một số bị giết bởi đàn cá sấu đói chờ phục kích. Những con bị thương hoặc không chạy thoát phải chịu chết đau đớn. Nhiều con bị cấu xé đến hơi thở cuối cùng. Tiếng gầm gừ hấp hối rung chuyển địa cầu, vang dội trong bầu không khí trên khắp vùng đất bao la, trong nhịp điệu từng đợt phai dần khi màu sắc cam và đỏ của mặt trời lặn chìm đắm dưới chân trời. 

Lắng nghe âm thanh bại trận yếu dần của loài chúa vùng hoang mạc, các loài thú ăn thịt và loài thú to lớn nhận ra thời vàng son của chúng đã chấm dứt. Những con báo đốm đen và phi báo vội vã ngoạm đàn con chúng mang đi giấu trong hang động, cây rỗng, và hố đất rậm. Voi ngừng chà đạp cây. Chúng phe phẩy đôi tai lớn hình Phi châu và giơ vòi lên cao, đánh hơi không khí. Sau đó, chúng từ bỏ đồng cỏ đi về hướng Tây để tìm một nơi an toàn hơn. Tiếng voi rống thỉnh thoảng kèm theo tiếng sư tử rên rỉ, tạo nên một điệp khúc âm thanh kinh hoàng thống thiết. 

Trong khi các loài thú rút lui vào nơi ẩn náu an toàn, đám linh cẩu đốm hân hoan thắng lợi ăn mừng chiến thắng trong cuộc diễn hành trên khắp vùng đồng cỏ. Chúng nhảy nhót từng đoàn, gật gù mõm dài và lưng cong dốc, chạy qua lại trong dáng điệu ghê tởm khập khiễng như leo đồi, đón chào nhau bằng cọ sát cơ thể, và phát ra tiếng cười rúc rích the thé và kêu la giật giọng. Đoàn linh dương, linh dương đầu bò, hươu nai, ngựa vằn, hươu cao cổ, lợn lòi, trâu run rẩy khi thấy lũ linh cẩu nhe răng hân hoan thắng trận. Bất lực và sợ hãi, chúng cúi đầu trước đám chủ mới. 

Ở nơi nào đó phía bên kia giòng sông, trong hang hốc sâu thẳm rải rác trên hòn đảo cô lập, đàn sư tử còn sót lại liếm vết thương đau đớn. Mấy con sư tử bé thơ đói và mệt mỏi sau cuộc chạy đua dài và hành trình đi qua nước sông đuối sức và nguy hiểm, nhưng chúng vẫn chơi trò chơi săn mồi ngây thơ.

Màn đêm buông xuống trên vùng hoang mạc. Bóng tối che phủ đồng cỏ. Sự yên tịnh thấm qua màn không khí tĩnh lặng. Niềm sợ hãi dâng cao. Ngày mai trời lại sáng, nhưng thiên nhiên trên trái đất sẽ không còn như xưa. Cơn dịch siêu vi khuẩn đã mở ra một chương mới trong lịch sử thảo nguyên Phi châu: chương khủng bố. 

Một ngày, một tháng, một năm. Cuộc đời vẫn trôi đi qua những mùa mưa ẩm ướt và mùa nắng khô khan. Sông lũ tràn trề và bốc hơi khô cạn. Cây cỏ mọc um tùm và tàn lụi. Dã thú tiếp tục trò chơi loài ăn thịt và con mồi. Nhưng đó không còn là trò săn vì không có rượt đuổi và chạy trốn. Ngày qua ngày, đàn thú cúi đầu trước lũ thống trị. Không phản đối.

Không thể sống với lũ linh cẩu ác độc, một số lớn dã thú liều lĩnh chạy trốn khỏi đồng cỏ bằng cách vượt qua con sông đầy rẫy cá sấu, đa số bị rơi vào miệng đám hải tặc da có vảy, một số đến được hòn đảo, và một số bỏ ý định sau khi nhận ra cái vô ích của nỗ lực chạy trốn. Đa số dã thú không thể rời vùng đồng cỏ nơi chúng sinh trưởng, nhưng để sống còn chúng phải thay đổi lối sống hoặc chấp nhận bất cứ chuyện gì xảy ra với chúng. Loài báo đốm đen và phi báo trở thành loài giựt xác ăn thừa. Lũ linh cẩu đốm đột biến bây giờ cai trị vùng thảo nguyên là loài săn mồi duy nhất.

Con linh dương mẹ đứng bất động nhìn những kẻ cướp thống trị nhai ngấu nghiến đứa con thơ có cặp mắt nâu vẫn mở to. Thật là một cảnh đau lòng cho bất kỳ bà mẹ nào, nhưng trong đầu óc tinh khiết và đơn sơ, nó tin là đứa con nó sẽ được an ủi trong cái chết dần mòn khi biết là có mẹ nó ở bên cạnh. Chúng ăn tươi con vật nhỏ bé, moi bụng nó, nhai xương nó, liếm máu nó. Con linh dương mẹ biết rồi cũng sẽ đến lượt mình, nhưng nó chẳng màng. Nó chán chạy trốn, chán chiến đấu, chán cuộc sống. 

Nhưng với vài loài ăn cỏ khác, chuyện chẳng làm gì trước cái hủy diệt sắp đến không phải là một lựa chọn. Một con trâu trẻ, lạc đàn, chợt lao vào một nhóm linh cẩu đói. Nó bị tấn công tàn bạo, nhưng vùng lên cho cuộc chiến ghê gớm. Mắt nó đốt cháy với tia lửa, tia lửa của hận thù bùng nổ. Nó quay sang trái và phải, húc kẻ thù với sừng sắc nhọn. Nhưng kẻ thù nó cười, chế nhạo nó, đùa giỡn với nó như đồ chơi. Một chống với cả chục kẻ thù. Không thể chống lại. Thật không công bằng. Nhưng đó là trò chơi của kẻ thống trị. Cuối cùng, con trâu trẻ anh hùng xụp đổ, ngã xuống đất vì kiệt sức. Lũ linh cẩu xé nó thành từng mảnh, moi bụng, nuốt chửng ruột nó. Nằm bẹp dí trên mặt đất, con trâu trẻ làm ướt đẫm mặt đất với máu nó đỏ lòm. Nó nhìn kẻ giết nó giật thịt nó đi. Hơi thở nó chẳng mấy chốc ngừng. Mắt nó nhắm lại. Như đốm lửa bị dập tắt bởi những giọt mưa.

Cuộc đời vẫn trôi đi. Một vài đốm lửa đây, vài ngọn lửa đó, bùng nổ dữ dội trong tuyệt vọng, chỉ bị dập tắt bởi móng sắc nhọn và nanh vuốt mạnh mẽ. Những tiếng kêu ca bị bóp nghẹt. Câm nín ngự trị. Cuộc đời vẫn trôi đi qua mùa mưa và nắng. Cuộc đời vẫn trôi đi qua các trận mưa lớn ầm ầm và cơn nóng héo tàn. Cuộc đời là địa ngục cho đàn thú săn nhược tiểu và những con mồi bất lực. Cuộc đời là thiên đàng cho đàn cướp linh cẩu.

Thiên nhiên nhận ra cái sai lầm, nhưng chẳng làm gì được. Phải cần một lực, mạnh mẽ hơn Thiên nhiên để sửa chữa cái chu kỳ tan vỡ và khôi phục vẻ đẹp và thăng bằng của vùng hoang dã.

Đó là một ngày yên tĩnh của hòa bình lừa đảo trên vùng thảo nguyên. Mọi thứ có vẻ bình thường. Mặt trời mọc, tỏa tia nắng đầu ngày xuống khắp bãi đất cỏ. Hàng ngàn con linh cẩu phì thây lười biếng ngủ trên đất cao dưới bóng râm mát của cây gai ô. Mảnh xương và sừng gẫy và móng guốc rải rác quanh chúng, phần thừa thãi của bữa ăn lớn đêm qua. Chúng vẫn thường nghiền nát xương xẩu, nhưng không còn nữa vì thịt tươi dồi dào xung quanh. Tại biên giới gần giòng sông, nhóm linh cẩu trẻ nhàn nhã chơi với nhau trò chơi của kẻ thống trị. Xa hơn, đàn linh dương, ngựa vằn, linh dương đầu bò, trâu tụ tập dọc theo bãi lầy, gặm cỏ xanh rì hoặc nhai lá cây rải rác, mỗi con thầm biết đây có thể là bữa ăn cuối cùng của chúng. 

Có tiếng động của thú vật tiến gần, nhưng chúng không thèm để ý và chỉ lo chuyện sống thêm một giờ, thêm một ngày nữa.

Trồi lên bãi cỏ hoang mạc cao, không xa từ giòng sông, một nhóm kẻ viếng thăm đến, đàn viếng thăm từ vương quốc đã mất. Sáu con sư tử, anh chị em, bây giờ đã lớn, xuất hiện. Ba anh em với bờm lông dày và vàng hùng vĩ lững thững bên cạnh ba chị em với thân hình mảnh mai. Ông bà, cha mẹ, cô dì, và chú bác chúng đã chết một thời gian trước đó trên đảo. Những con sư tử trẻ bây giờ muốn khám phá lãnh thổ ngoài hang động chúng. Chúng vượt qua giòng sông, bây giờ gần cạn, cẩn thận tránh lũ cá sấu với dân số ít dần. Chúng không biết rằng vùng đồng cỏ bao la này, nơi chúng sinh ra, đã từng thuộc về gia đình chúng. Nhưng khi chúng thấy cây bao báp cổ, ngửi mùi hương quen thuộc của những bụi cây keo, nếm không khí khô hoài cổ, nghe tiếng gió xào xạc trên bãi cỏ, và cảm nhận bãi đất núi lửa mềm gợi nhớ, chúng biết đây là lãnh thổ của chúng.

Hàng chục con linh cẩu trẻ ngừng chơi trốn tìm và tò mò nhìn những kẻ mới đến. Chúng còn quá trẻ để biết những thú vật này. Nuông chiều hư hỏng, chúng nghĩ đây là loài mồi mới. Không to lớn bệ vệ như loài trâu, dễ bị hạ, chúng lý luận. Bờm vàng tụi nó đẹp thật. Thịt tụi nó chắc là ngon lắm. Với niềm tự tin, chúng phóng tới đàn sư tử, dựng đuôi thẳng đứng. Chúng phát ra âm thanh lanh lảnh, tiếng cười rúc rích the thé và kêu la giật giọng, và bao quanh đàn anh em sư tử, nhe răng gầm gừ, trong niềm phấn khích lên cao. 

Ngạc nhiên bởi sự chào đón thù địch, đàn sư tử lùi bước. Khuyến khích bởi sự có vẻ nhượng bộ đó, lũ linh cẩu nhảy lên những kẻ đến thăm. Quả là một lỗi lầm! Theo bản năng, đàn sư tử tấn công trở lại với sức mạnh dữ dội. Ba con sư tử đực quạt lũ tấn công với bàn chân khổng lồ, tống một số lên không. Ba con sư tử cái phóng đến những kẻ cướp ngã quỵ và cào sọ chúng với hàm răng lớn. Đó là một cuộc chiến ngắn ngủi. Không có vật lộn. Ba con linh cẩu chết ngay tức khắc, cổ chúng bị bẻ gẫy. Đàn linh cẩu bị thương còn lại cuống cuồng lên và sợ hãi. Chúng kêu thét tiếng la ăng ẳng và khập khiễng vọt đi trong sự lẫn lộn và hỗn loạn.

Ba con sư tử đực gầm lên một loạt gầm rống hùng vĩ, âm thanh hùng mạnh của cuộc nổi dậy, âm cộng hưởng cao quý của chiến thắng, đánh thức cả vùng đất rộng lớn. Những tiếng gầm rống mang lại niềm vinh quang trong quá khứ đã bị lãng quên, làm thức tỉnh các loài dã thú. Vùng thảo nguyên choàng tỉnh giấc với năng lực và nỗi hân hoan. Những con voi nhấc vòi cao, tung ra tiếng rống to lớn. Những con báo đốm đen leo xuống cây trong bước do dự, kêu lên tiếng gọi the thé. Những con phi báo trồi ra từ bụi cây, phóng tới vùng đất thấp với nét thanh tao và trao đổi tiếng kêu ríu rít rộn ràng. Đàn trâu dừng lại, phát ra những tiếng gầm gừ như thể chúng đang rầm rì lời cầu nguyện. Đàn linh dương nghiêng đầu, ngừng lắc đuôi mảnh mai, khịt mũi lanh lảnh. Đàn ngựa vằn dậm chân, vang tiếng hí be be dài. Bay vòng cao trên không, đám kên kên rít lên. 



Trên bãi đất cao, hàng ngàn con linh cẩu mập mạp đang ngủ chợt thức giấc. Một vài con thủ lĩnh cái, ngẩng cao đầu, hạ thấp tai và đuôi. Trong kinh hoàng, chúng nhận ra tiếng gầm thét của loài chúa trước đây. Đàn quỷ rùng mình trong nỗi sợ hãi lạnh thấu xương. Thiên thần đã trở lại!


Tiếng gầm rống hùng vĩ rung động và lan truyền trong không khí, kèm theo bởi tiếng cổ vũ nhạc điệu của các loài dã thú. 

Cùng với nhau, những âm thanh tạo nên một giai điệu trang nghiêm, một tiếng vọng đoàn kết và chính nghĩa từ thời quá khứ xa xôi, như những tiếng trống đập mạnh thúc giục chiến sĩ giết lũ giặc xâm lăng trên trận địa, những tiếng ầm ầm của đợt sóng đến từng hồi trong thủy triều dâng, những tiếng hét đồng loạt của hàng ngàn người vung nắm tay cao lên không. 

Cùng với nhau, chúng nhả ra một lực huy hoàng, mạnh mẽ hơn cả thiên nhiên, bùng nổ để phá vỡ xiềng xích của đàn áp tàn bạo, tiêu hủy lừa dối và xuẩn ngốc, và mang lại tinh thần bất khuất của hàng ngàn năm lịch sử.

Uy lực đó càng lúc càng gia tăng.

Như ngọn lửa đốt cháy đồng cỏ với cường độ không có gì ngăn cản được. 

Ngay cả cơn mưa.



Cao-Đắc Tuấn  danlambaovn.blogspot.com
____________________________________

Ghi chú: "Thơ văn xuôi là thơ viết bằng văn xuôi thay vì dùng câu thơ nhưng giữ tính chất thơ như gia tăng hình tượng, cấu trúc không dùng liên từ, và các tác dụng gây xúc động" (Wikipedia 2014). "Thơ văn xuôi nên được coi không phải chính yếu là thơ hoặc văn xuôi mà chính yếu là sự ghép hoặc trộn lẫn của cả hai. Lập luận cho thơ văn xuôi thuộc về thể loại thơ nhấn mạnh sự chú trọng gia tăng vào ngôn ngữ và cách dùng ẩn dụ nổi bật. Mặt khác, thơ văn xuôi có thể được nhận ra chính yếu là văn xuôi dựa vào mối liên hê với lối kể truyện và kỳ vọng cho một ̣ diễn tả khách quan cho sự thật" (Wikipedia 2014). "Bài thơ văn xuôi có thể dài từ vài hàng tới nhiều trang, và có thể đi qua hàng loạt vô hạn kiểu và đề tài" (Academy 2004).

Bài thơ văn xuôi sau đây (Cao-Đắc 2014, 313-321) được trích từ quyển sách "Lửa Cháy Trong Mưa" với sự cho phép của tác giả và nhà xuất bản.

Tài liệu tham khảo:

Academy of American Poets (Hàn Lâm Viện Thi Sĩ Mỹ). 2004. Poetic Form: Prose Poem (Hình Thức Thơ: Thơ Văn Xuôi). http://www.poets.org/poetsorg/text/poetic-form-prose-poem (truy cập 25-8-14).

Cao-Đắc Tuấn. 2014. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.

Lehman, David. 2003. Great American Prose Poems: From Poe to the Present. Scribner, New York, U.S.A.

Wikipedia. 2014. Prose Poetry. Thay đổi chót: 15-8-2014. http://en.wikipedia.org/wiki/Prose_poetry (truy cập 25-8-14)

© 2014 Cao-Đắc Tuấn

0 comments:

Powered By Blogger