Tôi tường thuật lại nội dung trong lần nuôi cha tôi tại trại giam Z30A (Bộ công an, tổng cục VIII trại giam Xuân Lộc – Đồng Nai).
Cũng như những lần thăm nuôi trước, sau khi nộp sổ thăm gặp phạm nhân cho cán bộ quản giáo, gia đình tôi được vào bên trong để thăm cha mình (những gia đình khác đều thăm thân nhân tại phòng thăm gặp theo quy định của trại giam). Khi gặp lại, điều đầu tiên tôi cảm nhận được ánh mắt của cha vẫn bình tĩnh và cương quyết. Câu hỏi đầu tiên cha thường hỏi trong tất cả những khi gặp người nhà là: Bà nội vẫn khỏe hả? Mẹ và các anh chị em, cô bác vẫn bình an chớ? Dù bản thân đang bị giam cầm trong chốn lao tù của chế độ cộng sản vì bản án thật ngớ ngẩn nhưng cha vẫn giữ một tinh thần minh mẫn, mạnh mẽ và luôn quan tâm đến những người bên ngoài.
Trong cuộc nói chuyện lần này cũng như bao lần khác, nội dung câu chuyện đều được “chú ý lắng nghe rất tận tâm” của những cán bộ xung quanh đó. Họ luôn có mặt giá sát (khoảng 5-6 người) và ghi chép cẩn thận. Lần này, cha có vẻ tiều tụy và hốc hác hơn rất nhiều. Hỏi ra mới biết, cha mất ngủ nhiều do chứng đau nửa đầu bên phải kéo dài đã gần tháng nay. Chứng đau đầu này là do chấn thương ở K3. Nó gây ra cảm giác nhức xoáy đến như tê người hoặc giật lên từng hồi, khoảng 1-2 lần/ngày. Nghe qua bệnh tình của cha, tôi rất xúc động và căm phẫn, do đâu cha tôi phải mang những căn bệnh nguy hiểm như thế? Do đâu mà cha tôi phải chịu đựng những ngày tháng lao lý khổ ải như thế? Càng đau lòng hơn khi những triệu chứng ấy ngày ngày khiến cha tôi suy kiệt sức khỏe nhưng không được sự điều trị tích cực của nhà giam đối với phạm nhân. Bác sĩ ở đây chỉ khám qua loa và cho vài viên thuốc hạ huyết áp bình thường. Họ bảo ở đây không có thuốc điều trị nên chỉ có bao nhiêu là tốt lắm rồi, không nên đòi hỏi gì thêm. Cha nói có thể cha sẽ không được về cùng gia đình khi đã “chung đầy đủ bản án khắc nghiệt kia” vì có thể bị chết bất cứ khi nào trong nhà tù của chế độ cộng sản này. Tôi rất hiểu cha sợ chết không phải do tinh thần suy giảm, ý chí đấu tranh bị lung lay do những chiêu trò hay sự áp bức, khắc nghiệt của nhà giam và những người đã tự cho mình những quyền hạn được tự do hành hạ, áp bức người khác mà không sợ dư luận. Cha sợ không còn cơ hội trở về gia đình, được gặp lại anh chị em, cô bác gần xa để phơi bày tất cả những sự thật đã được che giấu bằng nhiều hình thức vô cùng đẹp của chế độ này. Cha nói rất dõng dạc và đầy tự hào: “Nếu cha có chết trong nhà tù cộng sản cũng là một điều tốt vì có thêm một nạn nhân của chế độ cộng sản đã bị bức hại. Cha không sợ cái chết tầm thường đó”. Những lời nói ấy khiến tôi càng thương cha và tự hào hơn vì mình được làm con của cha.
Cha cũng nhắc tôi và gia đình phải làm lành lánh dữ, tích đức tu thân, từ thiện bố thí…vì đó là những phẩm chất của người tín đồ PGHH cần có và đang được phát huy ….Tôi vội viết lại những ý chính trong buổi thăm nuôi ấy để khi về thực hiện cho tốt như ý nguyện của cha. Tôi viết được vài dòng thì cán bộ ở đấy hằng hộc: “Anh làm gì vậy, không được viết bậy bạ”. Tôi nói chỉ viết để về nhớ làm cho đúng chớ không có ý gì khác. Tôi viết thêm vài dòng thì có tiếng quát thật lớn của cán bộ: “Anh viết gì nữa đấy? Hỏi thăm tình hình sức khỏe được rồi, nhớ bao nhiêu thì nhớ, không cần viết gì nữa đâu, toàn viết những điều bậy bạ. Nếu tiếp tục, tôi không cho gia đình nói chuyện và không được thăm nuôi nữa”. Tôi đành dừng bút lại và nghe cha nói tiếp cuộc sống trong chốn lao tù.
Qua chuyện nhỏ này, tôi hiểu rõ hơn thế nào là “tự do, dân chủ” mà những người đại diện cho chế độ cộng sản Việt Nam đã và đang hô hào khắp nơi bằng nhiều hình thức. Tự do của họ là người dân phải tuân thủ theo tất cả những gì họ đặt ra dù nó có hợp lý hay không. Và họ có đầy đủ quyền lực để bắt buộc người dân phải làm theo, không được ý kiến này kia. Không chỉ vô lý và ngang ngược như trên, nhà tù Việt Nam còn rất nhiều chuyện buồn cười khác. Họ đang cố gắng xây dựng cho mình một “thương hiệu” mà không có ai có thể bắt chước được.
Phải chấp nhận cuộc sống trong chốn lao tù đã là một bất hạnh quá lớn cho người dân Việt Nam. Thế nhưng, cán bộ ở đây dường như cố tình không muốn hiểu nên ai cũng ngầm tìm mọi cách làm cho hầu bao của mình càng thêm nặng. Giá cả mọi thứ hàng hoá đều được bán với “giá ưu đãi” hơn bên ngoài từ gấp 1-2 lần từ nhu yếu phẩm đến thức uống, đồ ăn…Thậm chí những thứ đã có in giá cả do nhà nước quy định họ cũng bán cao hơn. Một con tem thư do nhà nước ban hành có định giá 3000đ, cán bộ nơi đây lại lạm dụng kê giá thành 5000đ. Những phạm nhân khác được điện thoại về gia đình mỗi tháng 1 lần để thăm hỏi và nhận được sự động viên về tinh thần trong thời gian bị giam giữ. Riêng cha tôi không được hưởng quyền lợi ấy. Mong ước của cha được gọi điện về cho bà nội một lần, nghe lại tiếng nói dịu dàng, yêu thương của người mẹ 95 tuổi mà từ khi bị bắt tù đày tới giờ chưa một lần được gặp mặt hay nói chuyện. Thư viết gởi về cho gia đình không được thường xuyên và lại lạc mất nhiều lần. Nội dung những bức thư đều phải được sự kiểm tra từng chữ của cán bộ trại giam. Thế nhưng không hiểu cán bộ ở đây do quá nhiều việc phải quan tâm nên đã quên gởi thư cho cha tôi hay là đã có một sự “đối xử đặc biệt ưu ái” dành cho cha tôi và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo. Hoặc là, cán bộ nơi đây muốn dùng chiêu thức đánh động vào tình cảm gia đình của phạm nhân và người thân của họ để hòng dụ dỗ họ nhận tội và thật lòng cảm ơn khi được đặc xá theo chính sách khoan hồng của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ưu việt?
Tôi và gia đình cũng thấy làm bất ngờ, bức xúc về chuyện này nhưng không nhận được một lời giải thích hay một lí do nào từ cán bộ trại giam. Những lần trước, qua thăm hỏi trò chuyện với gia đình những phạm nhân khác, tôi biết nhiều lúc phạm nhân phải đút lót, ăn chia (tiền hoặc quà do người thân gởi vào) cho cán bộ để được giải quyết nhanh và thuận lợi khi có người nhà đến thăm nuôi. Nghe qua những chuyện nhỏ này chắc rất nhiều người không thể tin. Nhưng đó là sự thật trong rất nhiều sự thật chưa được phơi bày trong chốn lao tù của Việt Nam.
Điều kiện sinh hoạt hằng ngày khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cha tôi. Ông được “ưu ái” hơn vì nằm gần nhà vệ sinh và bên cạnh luôn có những người bệnh HIV, lao…hoặc những người bệnh nặng đang đợi ngày chết. Ông nhiều lần yêu cầu sắp xếp lại chỗ nằm vì còn rất nhiều phòng trống và rộng rãi nhưng những cán bộ nơi đây không chấp nhận. Ông cũng yêu cầu được chuyển qua khu khác vừa đảm bảo sức khỏe vừa được gần với những anh em đồng đạo khác cũng đang bị giam cầm tại đây. Chuyện này, bác sĩ của trại giam cũng đã gợi ý và hứa hẹn trước đó để cha được theo dõi và điều trị vì tuổi già sức yếu. Tất cả chỉ là những lời hứa suông cho qua chuyện của người có chức quyền tại Việt Nam. 75 tuổi, cha vẫn phải tiếp tục chịu đựng những tháng ngày lao lý khắc nghiệt. Có lẽ, nhà cầm quyền Việt Nam muốn cha tôi chết trong sự đau đớn của bệnh tật cho “xứng đáng” với tội danh dám đấu tranh đòi hỏi quyền tự do cho tôn giáo và người dân đất Việt …
Lần thăm nuôi này chỉ vỏn vẹn trong khoảng 35 phút (gia đình phải đi hơn 100km để đến thăm cha). Mỗi lần thăm nuôi là mỗi câu chuyện khác đầy phẫn uất, bất công. Tôi nhận thấy rõ vẻ mặt hốc hác, xanh xao của cha nhưng tinh thần rất minh mẩn, mạnh mẽ. Ông nhắc đến việc đã nhận giải thưởng Tự do tôn giáo vì những hoạt động đấu tranh cho tín ngưỡng tôn giáo của mình. Tôi tự hào về cha tôi.
Trời bắt đầu mưa to khi gia đình chào cha và ra về. Bóng cha lần khuất sau cánh cổng âm u của trại giam. Gia đình hi vọng một ngày gần đây, cha sẽ trở về cùng gia đình để niềm vui cho những người đấu tranh vì tự do tôn giáo được trọn vẹn hơn. Và gia đình rất mong nhận được sự quan tâm, dõi theo của các cá nhân, tổ chức đấu tranh vì quyền con người để sớm đưa Việt Nam thành một nước tự do, dân chủ thật sự.
Chào và gởi lời cảm ơn chân thành, chúc sức khỏe đến tất cả mọi người.
*Phụ chú: Bên trong trại giam, các phạm nhân phải ăn uống kham khổ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bên ngoài, các cán bộ ta lại tụ tập ăn uống say sưa và hát hò vui vẻ. Ai cũng ăn nhiệt tình, uống hết sức và hát la bằng tất cả tinh thần của người chiến sĩ công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Mỗi bàn tiệc đều có một bóng hồng luôn vui vẻ, cười đùa mời các anh nâng ly uống mừng. Cười hay khóc? Buồn hay vui trong ngày này?
facebook Huyen Lam Nguyen
0 comments:
Post a Comment