Trong mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam chứng kiến một trong
những biến cố mang tính sáng tạo, nhiều ẩn dụ và gây cấn nhất lịch sử
mạng. Đó là sự ra đời của Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết dưới sự điều
hướng của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam (MLBVN), một tổ chức xã hội dân sự
do cá nhân các công dân và độc lập đối với hệ thống thông tin do nhà
nước tài trợ và đặt dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng Cộng Sản
Việt Nam (CSVN).
Thông điệp đơn giản và thông minh của phong trào đã lan tràn như lửa cháy rừng hoang. Thông điệp này như sau:
Chúng tôi, nhân dân muốn chính quyền (tức CSVN) thông tin cho chúng tôi
biết những quyết định ảnh hưởng đến quốc gia, nhất là nội dung của thỏa
hiệp riêng giữa các đảng CSVN và CSTQ tại Hội Nghị Liên Đảng Thành Đô
năm 1990.
Tại hội nghị ô nhục này, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Nguyên Thủ
Tướng Đỗ Mười và Cố Vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Phạm Văn Đồng đại diện
cho CSVN.
Nguyên Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và nguyên Thủ Tướng Lý Bằng đại diện CSTQ.
Quảng đại quần chúng tại Việt Nam biết rằng, trong hội nghị này, với sự
sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và toàn khối cộng sản Đông Âu, CSVN đã bán
nước Việt Nam cho Trung Quốc, hầu mua chuộc sự ủng hộ của Trung Quốc để
tiếp tục nắm quyền lực tại Việt Nam.
Tầm mức của tác động bán nước này có thể từ nhượng các vùng đất và biển
đến sự sát nhập lâu dài quốc gia Việt Nam vào Trung Quốc, như là một
tỉnh hoặc vùng tự trị, ngang hàng với Tây Tạng hoặc Nội Mông.
CSVN dấu kín như bưng nội dung của hội nghị này, không cho quần chúng
biết. Dưới chế độ luật lệ khắc khe về bí mật nhà nước và công an trị,
mọi đối lập đều bị dập tắt không thương tiếc.
Bây giờ, những công dân còn quan tâm đến vận mệnh quốc gia đều biết
rằng, sau Hội Nghị Thành Đô, CSVN, qua Quốc Hội bù nhìn, đã ra sắc luật
đồng ý nhượng một phần Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và hằng chục ngàn cây
số vuông Vịnh Bắc Việt cho Trung Quốc.
Thêm vào đó, các phản ứng yếu ớt và buồn cười của CSVN trước sự hung
hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và thềm lục địa Việt Nam là những chỉ
dẫn cho thấy bản chất phản quốc của tác động bán nước này.
Tại sao Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết có thể đi thẳng vào tim óc của người dân Việt?
Lý do có thể một phần phát xuất từ mạng lưới toàn cầu. Thật vậy, trong
vòng hai thập niên, mạng lưới này đã đem lại rất nhiều hiểu biết và
quyền lực cho người dân. Người dân muốn biết bởi vì họ ý thức rằng, chỉ
cần như là nhân dân, là họ đã sinh ra và được ban bố cho quyền được
biết.
Họ cũng biết rằng quyền được biết này đã được khắc ghi trong hiến pháp
của mọi quốc gia dân chủ trên thế giới, từ nhiều thế kỷ, trên cả hai
bình diện pháp lý lẫn định chế, và nhân dân của các quốc gia này đã
hưởng thụ quyền này một cách trọn vẹn.
Có lẽ biểu đạt tốt nhất về sự quan trọng của quyền người dân được biết
được tìm thấy trong đoạn văn trích dẫn sau đây từ James Madison, vị Tổng
Thống thứ Tư của Hoa Kỳ:
“Một chính quyền của nhân dân mà không có thông tin cho nhân dân,
hoặc phương tiện hầu nhân dân có thông tin, chỉ là nhập đề cho một tấn
tuồng dối gạt hoặc một thảm họa hoặc có thể cả hai. Sự hiểu biết sẽ
thống trị sự ngu dốt vĩnh viễn: Và một dân tộc muốn làm chủ vận mệnh của
mình, phải trang bị cho chính mình quyền lực mà sự hiểu biết có thể đem
lại.” (Thư viết cho W.T. barry 1822)
Quyền được biết này là một thành phần của một ý niệm kép làm nền tảng cho các chính quyền dân chủ: minh bạch và trách nhiệm.
Trong khi minh bạch trong chính quyền tìm được cảm ứng lập tức với quyền
được biết của nhân dân, ý niệm này sẽ không thể bền vững trừ phi chính
quyền phải chịu trách nhiệm. Có nghĩa là, trừ phi chính quyền chịu trách
nhiệm trước một cơ chế quyền lực cao hơn, có thực quyền để giới hạn
những lạm dụng có thể xảy ra.
Tại Hoa Kỳ, dưới hệ thống chính quyền theo tổng thống chế, khái niệm
phân quyền hàng ngang của Montesquieu được áp dụng. Tổng thống nắm quyền
hành pháp, chịu trách nhiệm không những với Quốc Hội (giữ quyền lập
pháp và trong quốc hội có những dân biểu và thượng nghị sĩ của cả chính
quyền lẫn đối lập như là những thành phần chính đáng) và Tối Cao Pháp
Viện (giữ quyền tư pháp độc lập), mà còn chịu trách nhiệm với một hệ
thống báo chí truyền thông tư nhân hùng mạnh và phồn vinh, điều hướng xã
hội dân sự và thông tin trực tiếp với nhân dân về bất cứ hành vi sai
trái nào của chính quyền.
Tại các quốc gia dân chủ theo quốc hội chế, như Vương Quốc Anh hoặc Úc
Đại Lợi, mặc dầu nguyên tắc phân quyền của Montesquieu không được áp
dụng triệt để, nhưng những nguyên tắc chịu trách nhiệm tương tự cũng
hiện hành và sự hiện hữu của một phe đối lập chính thức trong quốc hội
điền khuyết cho sự thiếu vắng phân chia quyền lực giữa hành pháp và lập
pháp.
Câu hỏi là: tại sao quyền được biết của nhân dân là vấn đề tại Việt Nam?
Câu trả lời nằm nơi di sản xã hội chủ nghĩa của dân tộc.
Một cách phiến diện, hiến pháp 2013, trên bình diện pháp lý, đề cập đến
những nguyên tắc nền tảng tìm thấy trong những nền dân chủ chân chính,
như tam quyền, quyền bầu cử, tự do kinh doanh và kinh tế thị trường. Tuy
nhiên đó chỉ là trò hề lừa gạt. Hiến pháp này cũng khắc ghi những khái
niệm triệt tiêu những nguyên tắc dân chủ căn bản đó. Thật vậy, điều 4
trao độc quyền chính trị cho đảng CSVN, khái niệm tập trung dân chủ lạ
lùng của Lenin buộc mọi cơ cấu hạ tầng phải phục tùng quyền lực của
trung ương, Mặt Trận Tổ Quốc chọn ứng cử viên trước khi bầu cử dùm cho
đảng CSVN, doanh nghiệp nhà nước ưu thắng doanh nghiệp tư nhân và kinh
tế phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nếu chúng ta suy tư thêm về câu trích dẫn của James Madison, thì hình
như câu này đưa đến kết luận rằng quyền được biết của nhân dân biến
thiên thuận chiều với các quyền tự do dân chủ. Dân chủ càng cao thì sự
hiểu biết của người dân về các quyết định của chính quyền càng rộng mở.
Chính vì thế, câu hỏi tiếp theo là: phải làm gì để đem lại dân chủ cho Việt Nam?
Hầu để cho dân chủ và dĩ nhiên quyền được biết của nhân dân được hình
thành, chúng ta phải có, không những sự công nhận vô điều kiện trên pháp
lý những nguyên tắc dân chủ, mà quan trọng không kém, những định chế
dân chủ phải được hình thành.
Dưới sự cai trị của CSVN, những định chế như thế hoàn toàn bị cấm đoán.
Không có chính đảng đối lập nào để chất vấn các quyết định của CSVN,
đảng và chính quyền là một, không có tư pháp độc lập, không có ủy ban
bầu cử độc lập và không có bầu cử độc lập.
Các ứng cử viên được Mặt Trận Tổ Quốc chọn trước, CSVN kiểm soát ba
ngành của chính quyền, mọi cơ quan truyền thông là của chính quyền và do
chính quyền tài trợ. Trong những điều kiện như thế, thay vì minh bạch
và có trách nhiệm, nhà nước Việt Nam mờ đục và vô trách nhiệm.
Dựa theo lời của Lord Acton, quyền lực lũng đoạn và quyền lực tuyệt đối
lũng đoạn tuyệt đối. Đảng CSVN thối nát tham nhũng tận răng. Toàn dân
đều biết đảng CSVN đã bán chủ quyền quốc gia cho đảng CSTQ, hầu mua
chuộc quyền lực chính trị và ngân lượng cho lãnh đạo đảng.
Tầm mức của sự bán nước này chắc là vô cùng sâu thẳm và với sự vươn lên
của thời đại tin học, nhân dân muốn biết. Tuy nhiên, sự hiểu biết này
chỉ đến với nhân dân qua xác chết của đảng CSVN và hàng ngũ lãnh đạo cao
nhất. Bây giờ họ đang chiến đấu để bảo vệ sự sống còn.
Thế kỷ 21 hứa hẹn một cuộc chiến hoành tráng giữa nhân dân Việt Nam và
đảng CSVN liên hệ đến vấn nạn quyền hiểu biết thông tin của nhân dân.
Và khi người dân thực sự biết, thì đảng CSVN đã cáo chung và chui tuột
vào thùng rác của lịch sử, nói theo từ của chính Vladimir Ilich Lenin
vậy.
Constitution Hill 11/9/14
0 comments:
Post a Comment