Ông Hàn Đông Phương, nhà hoạt động công đoàn độc lập (wikipedia.org)
Lê Vy
Chưa bao giờ tại Trung Quốc, công nhân lại rầm rộ xuống đường biểu
tình trên diện rộng như vào lúc này, từ công nhân làm việc cho các hãng
Nike, Adidas, Converse cho đến tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ … Hàn Đông
Phương (Han Dongfang), người sáng lập ra công đoàn độc lập đầu tiên tại
Trung Quốc, có bài viết về vấn đề này và được nguyệt san Le Monde
diplomatique số ra tháng 09/2014, đăng tải.
Ông Hàn Đông Phương (Han Dongfang) là nhà hoạt động công đoàn độc lập
từng bị cầm tù sau khi tham gia cuộc đấu tranh đòi dân chủ tại quảng
trường Thiên An Môn vào năm 1989 đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc vào năm
1993. Qua bài viết, ông rút ra những bài học sau các cuộc tranh đấu mà
tổ chức của ông đã tham gia.
Tác giả cho biết, vào tháng Tư vừa qua, tại Đông Quản, một thị trấn công
nghiệp phía Nam Trung Quốc, 40 nghìn công nhân tại một xưởng giày
lớn ở Trung Quốc (Yue Yuen), vốn cung cấp cho thị trường các sản
phẩm như Nike và Adidas, đã đình công trong vòng hai tuần vì công ty
không chi trả bảo hiểm xã hội. Sự kiện này có ý nghĩa cho thấy, từ
ba thập niên gần đây, chính quyền địa phương đã lách luật và phớt lờ
các hành vi vi phạm quyền lợi của công nhân để thu hút và bảo đảm nguồn
đầu tư nước ngoài.
Từ 10 năm nay, công ty sản xuất giày Đài Loan nói trên đã không đóng
bảo hiểm xã hội cho công nhân. Chính quyền địa phương biết chuyện, nhưng
vẫn nhắm mắt làm ngơ. Khi sự việc bị bại lộ, chính quyền đã hoảng hốt
và không biết xử lý thế nào. Sự việc tại công ty Yue Yuen đã thu hút sự
chú ý của truyền thông quốc gia cũng như quốc tế.
Ông Hàn Đông Phương giải thích, chính quyền địa phương không có một
cơ chế giải quyết nào cho các vụ tranh chấp như vậy. Trên thực tế thì có
một nghiệp đoàn trong mỗi công xưởng, nhưng họ chẳng phản ứng gì. Do
đó, nhân viên không có một người đại diện nào đủ tư cách để đưa các
khiếu nại của họ lên cấp lãnh đạo hay để yêu cầu một cuộc thương lượng
tập thể. Một tổ chức phi chính phủ (ONG) bảo vệ quyền lợi người lao động
đã can thiệp để giúp công nhân bầu ra đại diện và đưa ra một loạt các
yêu sách.
Tuy nhiên, theo tác giả, thiện chí thôi không đủ. Việc đại diện cho
hàng trăm nghìn công nhân và giải quyết các xung đột xã hội đòi hỏi phải
có một kinh nghiệm dày dặn và chuyên môn về thương lượng tập thể. Tại
Trung Quốc, lãnh đạo công đoàn đều thiếu các kỹ năng trên. Hơn nữa, công
nhân Đông Quản cũng không tin tưởng vào nghiệp đoàn.
Kịch bản tương tự tại Walmart
Le Monde Diplomatique đưa ra một dẫn chứng tương tự, cách Đông Quản
chừng 900 cây số về phía Bắc, một nhóm công nhân kiên quyết đấu tranh.
Họ bị sa thải do nhà phân phối Walmart đóng cửa một cửa hàng tại một
thành phố nhỏ.
Trước đây, tập đoàn Mỹ có thể mở cửa, đóng cửa tùy thích, tuyển dụng
hay sa thải nhân viên mà công đoàn không hề lên tiếng. Mọi việc đã thay
đổi vào ngày 05/05/2014, khi công ty này quyết định đóng cửa cửa hàng
tại Thường Đức. Như thông lệ, Walmart chỉ đưa quyết định sa thải cho
công nhân hai tuần trước đó và cho họ chọn lựa giữa một là nhận tiền đền
bù, hai là đi làm cho một cửa hàng khác cách đó cả trăm cây số.
Tuy nhiên, Walmart lại đề nghị một chức vụ mới, kèm theo một khoản
tiền thưởng kha khá cho việc « tái bố trí công tác » cho ông Hoàng Hưng
Quốc, lãnh đạo công đoàn của công ty. Bất ngờ là cả công nhân lẫn công
đoàn đều từ chối giải pháp của Walmart và họ quyết định biểu tình. Họ
giăng biểu ngữ để phản đối việc sa thải bất hợp pháp và yêu cầu nhận
được tiền đền bù một cách « thỏa đáng ».
Chính quyền địa phương tuyên bố dự án đóng cửa cửa hàng của Walmart
hợp pháp và hành vi của công nhân là phi pháp. Ông Hoàng Hưng Quốc làm
chứng rằng đã phải chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền. Họ dọa sẽ bắt
ông nếu ông tiếp tục ủng hộ công nhân cản trở tập đoàn Mỹ. Cảnh sát đã
đến nơi biểu tình để giải tán đám đông, nhưng công nhân vẫn thường xuyên
cập nhật trên các mạng xã hội tin tức mới nhất.
Từ đó, tác giả bài viết nhận định, ông Hoàng Hưng Quốc và các đồng
nghiệp đã không có được những gì họ muốn, song họ đã giành một chiến
thắng lớn. Họ đã chứng tỏ cho thấy nhân viên và công đoàn có thể hợp tác
với nhau để giải quyết vấn đề.
Trung Quốc giờ đây đã thay đổi. Các vụ biểu tình trên và các phong
trào xã hội gần đây cho thấy, công nhân không còn đơn thuần là nạn nhân
của các vụ trấn áp chính trị : họ trở thành những tác nhân có thế lực và
góp phần vào sự thay đổi.
Do đó, công đoàn lẫn công nhân đều phải biết thích ứng với hoàn cảnh
mới. Giới cầm quyền cần hiểu rằng, không nên giải quyết vấn đề bằng cách
bỏ tù người phản kháng, thông thường là vài ngày nhưng một số cũng có
thể bị giam giữ lâu hơn. Cấp lãnh đạo không quan tâm đến nguyên nhân dẫn
đến xung đột. Doanh nghiệp cần học cách thương lượng một cách bình đẳng
với công nhân và công đoàn, đồng thời ủng hộ họ khi cần.
Hiện nay, doanh nghiệp là hiện thân của một xã hội Trung Quốc thu nhỏ
: đó là một cấu trúc theo tôn ti trật tự rất chặt chẽ, cứng nhắc và độc
đoán. Do đó, căng thẳng phát sinh là không tránh khỏi và đôi khi còn nổ
ra cả bạo lực, bởi vì người cầm quyền lạm dụng nó cho mục đích cá nhân,
mà không hề quan tâm đến nhu cầu của cấp dưới…cho đến khi, người thấp
cổ bé họng không còn chịu đựng được nữa và chuyển sang hành động.
Nhà hoạt động Hàn Đông Phương nhận định, nếu như doanh nghiệp trở nên
dân chủ hơn và tiếng nói của công nhân được lắng nghe nhờ vào một công
đoàn thật sự thì rõ ràng, công nhân sẽ ít bị trấn áp hơn. Nhân viên tự
tin hơn vào chính mình sẽ bắt đầu sử dụng các cơ chế cho phép giải quyết
hòa bình các xung đột, hơn là tìm đến ngay lập tức việc đối đầu.
Đúng là thay đổi diễn tiến chậm chạp, thưa thớt, nhưng phong trào
công nhân, nghiệp đoàn cuối cùng sẽ gây nên tác động mạnh, không chỉ
trên việc cải thiện đồng lương cho công nhân mà còn tác động lên cả xã
hội. Chỉ cần công nhân có thể dựa vào những nghiệp đoàn được bầu cử và
lãnh đạo một cách dân chủ để thương lượng với giới chủ.
Phong trào công nhân không chỉ góp phần làm cho giới chủ cải thiện
đồng lương tương xứng cho công nhân mà còn thúc đẩy chính phủ mở trường
học nghiêm chỉnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt cho công dân, an sinh
xã hội đáng tin cậy. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một
phiên bản của mô hình Thụy Điển, nơi mà lợi ích cá nhân lẫn tập thể đều
được bảo vệ công bằng.
0 comments:
Post a Comment