Tuesday, September 23, 2014

Nỗi buồn xuất khẩu lao động: Xin khóc cho người xa xứ! (Phần 2)

Hôm nay, một thông báo trên facebook của Thảo Vân, một công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã làm nhiều người xót xa.

Trên tấm hình của một thành niên độ khoảng 20 tuổi là một dòng chữ báo tin buồn của nhóm có tên là “Trái Tim Yêu Thương ĐÀI LOAN - VIỆT NAM” với nội dung:

Trái Tim Yêu Thương ĐÀI LOAN - VIỆT NAM ban quản lý trang vô cùng thương tiếc báo tin buồn:
Em Trần Ngọc Công
Em: TRẦN NGỌC CÔNG sinh ngày 4.5.1986 quê xóm 4 xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Trong khi đi câu cá gặp người chết đuối, em nhảy xuống cứu người nhưng cứu được người thì em bị đuối sức và nước cuốn trôi. Em CÔNG là lao động bất hợp pháp nên xác em hiện không có người đứng ra nhận hiện đang nằm tại nhà xác ĐÀI NAM lạnh lẽo không hương khói.

Thật đau đớn cho 1 người con đất VIỆT tốt bụng cứu người đã lại phải ra đi trên đất khách. 

Vĩnh biệt em. Chúng ta hãy cùng nhau chung sức đưa em trở về quê nhà yên nghỉ. A-Di –Đà-Phật”

Tại sao em Công trở thành lao động bất hợp pháp? Các công nhân đi xuất khẩu lao động đều phải đóng tiền cho công ty môi giới. Muốn đi lao động tại Đài Loan, mỗi người phải đóng từ 5000-10.000 USD trong khi chi phí thực sự chưa đến 4000 USD/người. Nhưng vì muốn được đi lao động ở nước ngoài, công nhân phải chấp nhận trả phí vượt hơn mức quy định.

Thường công ty môi giới ký một hợp đồng với người lao động, nhưng phần lớn, họ ký mà không hề biết trong hợp đồng nói gì, nhiều người còn không biết công ty môi giới tên gì, công ty mình sẽ đến làm tên gì, bởi đa số xuất thân từ nhà quê, ruộng vườn, trình độ thấp.

Bản báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận

““Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các cá nhân môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là, người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.

Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào. Một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ năm 2013 cho thấy người lao động thường không được xem trước hợp đồng hoặc bị ép ký các hợp đồng được soạn thảo bằng những ngôn ngữ mà họ không hiểu. Các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu đôi khi không đáp ứng yêu cầu trợ giúp của người lao động khi họ bị bóc lột.”

Khi đến Đài Loan, người lao động bị chủ giữ hộ chiếu. Lý do để chủ công ty giữ hộ chiếu của công nhân ngay khi xuống phi trường là vì khi không có hộ chiếu trong tay thì dù bị chủ ngược đãi, hành hạ, làm nhiều giờ, lương ít, người lao động cũng không dám bỏ đi, vì bỏ đi là sống không có hộ chiếu và trở thành người bất hợp pháp ở Đài Loan.

Tuy nhiên, trước sự bạc đãi, o ép của chủ nhân, không ít người đã bất chấp nguy hiểm và trốn ra ngoài, trở thành sống bất hợp pháp, mà Công là một trong những trường hợp này.

Tại Đài Loan, ngày càng nhiều lao động Việt bỏ trốn vì không chịu nỗi sự áp bức của chủ nhân, trung bình mỗi tháng có khoảng 600 lao động Việt bỏ trốn.

Nhà nước VN, thay vì tìm cách kiểm soát các công ty môi giới Việt và Đài để ngăn chặn việc thu phí quá mức hoặc kiểm tra điều kiện của người lao động để bênh vực quyền lợi cho công nhân nước mình thì ngược lại, vào ngày 22 tháng 8 năm 2013, chính phủ Hà Nội lại ban hành Nghị định 95 (95/2013/NĐ-CP) về việc “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.” Chương IV, điều 5, khoản 2 trong nghị định này quy định phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với những lao động “bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng”

Ra một nghị định bất công như thế chứng tỏ nhà nước không đứng về phía người lao động nghèo khổ. Họ không tìm hiểu vì sao người lao động phải bỏ trốn ra ngoài? Người dân phải cầm nhà, thế đất để có một số tiền lớn đi xuất khẩu lao động, qua được bên đó đâu phải để trốn ra ngoài để trở thành bất hợp pháp?

Thay vì kiểm tra các khâu tuyển dụng, thu phí để chấm dứt tình trạng thu giá cắt cổ. Thay vì kiểm tra điều kiện làm việc, lương hướng để đấu tranh cho quyền lợi công nhân thì chính quyền Hà Nội lại ra một đạo luật bất công tiếp tay cho giới chủ thẳng tay đàn áp người lao động Việt Nam trên xứ người.

Lao Động Việt

0 comments:

Powered By Blogger