Ngô Nhân Dụng
Nghe tin có cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội,
tôi đã tìm đọc mấy bài tường thuật trên các báo trong nước và các mạng
thông tin. Cảm tưởng chung: Đây chỉ là một trò tuyên truyền rất vụng về,
mạo xưng là “lịch sử;” mà nó lại nhạt phèo, chẳng có gì mới mẻ đáng
coi. Người ta trưng bày những sập gụ, tủ chè, bát đĩa dùng trong nhà địa
chủ; bên cạnh cảnh sống bần hàn của những nông dân. Những người tổ chức
cuộc triển lãm chắc hy vọng mọi người xem xong sẽ kết luận: Xã hội thời
xưa thật lắm cảnh bất công. Nếu có bát công tức là có bóc lột, đó là
cách suy nghĩ đơn giản, dễ khiến người ta tin.
Nhưng người biết suy nghĩ sẽ nhận ra điều này: Thời nay cũng nhiều
cảnh bất công không khác gì 60 năm trước. Chỉ cần nhìn vào ngôi nhà của
một ông Bí Thư Huỳnh Đức Hòa, tỉnh ủy Lâm Đồng, người ta cũng có thể
thấy ông giàu có gấp ngàn lần các địa chủ thời 1946-1957. Trong khi đó
thì bao nhiêu người lao động đang sống trong các ổ chuột ở thành phố vẫn
chạy ăn từng bữa. Và cảnh sống của đồng
bào nghèo tại các vùng nông thôn xa; nếu so sánh nhà cửa của họ với ngôi
nhà tồi tàn của người nông dân nghèo khổ, của các bần cố nông thời cải
cách ruộng đất, chắc cũng như nhau. Nếu khá hơn cũng chỉ hơn đến gấp
đôi, gấp ba là cùng. Hố cách biệt giàu nghèo ngày nay tăng lên gấp trăm,
gấp ngàn lần so với thời 1950! Nếu có bất công tức là có bóc lột, thì
ngày nay ai bóc lột ai?
Do đó, cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất sẽ gây tác dụng ngược.
Thay vì “gây căm thù” đối với các địa chủ ngày xưa, cuộc triển lãm sẽ
khiến người đi coi nghĩ tới các đại địa chủ thời nay. Một điều hiển
nhiên ai cũng thấy: Sau khi Đảng Cộng Sản cướp ruộng đất từ tay các địa
chủ, thì nông dân Việt Nam bây giờ có được làm chủ ruộng đất hay không?
Câu trả lời là: Không! Ngày nay tất cả ruộng đất thuộc quyền của “nhà
nước.” Nhà nước là tay đại địa chủ, nắm quyền cho dân “cấy rẽ,” cho ai
thì người ấy được “quyền sử dụng,” chỉ là quyền sử dụng chứ không phải
quyền sở hữu. Nhà nước là một bộ máy khổng lồ vô hình, nhưng đại diện
của nó là các quan chức, cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xuống xã. Họ nắm
toàn quyền, ban bố quyền sử dụng cho đám dân đen. Họ có thể lấy lại
quyền sử dụng của nông dân để ban phát cho các nhà tư bản đỏ, bồi thường
dân một đồng thì thu lời hàng trăm đồng. Cả bộ máy nhà nước này nằm gọn
trong tay Đảng Cộng Sản. Đảng là tay đại địa chủ thời nay. Đảng đưa ra
khẩu hiệu “Người cầy có ruộng,” nhưng cuối cùng chỉ có đảng là có ruộng,
nông dân Việt Nam vẫn đóng vay tá điền. Thay vì các địa chủ thu tô,
ngày nay nông dân sống dưới chế độ đảng thu thuế. Báo chí trong nước vừa
so sánh số thuế má, dưới nhiều hình thức, tại một tỉnh Thanh Hóa ngày
nay còn nhiều hơn các món thuế nông dân phải đóng trong thời thuộc Pháp.
Một phản ứng ngược khác, là người đi xem triển lãm sẽ bất mãn thêm
khi thấy đây chỉ là một trò tuyên truyền cũ kỹ, hoàn toàn không phải là
lịch sử, dù được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia. Người
biết suy nghĩ sẽ thấy, như Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, tại sao một cuộc
triển lãm tự xưng là lịch sử mà lại không được trung thực. Ông nói, “…
những sai lầm – tội ác do chính quyền gây ra thời đó không được đưa ra,
những việc phá tan chùa, đình, miếu, làng, xã…làm phá vỡ những truyền
thống đạo lý – văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam qua ngàn năm …”
cũng không được trưng bày ra.
Nhưng việc phá tan những miếu mạo, đình chùa cũng không phải là tội
ác văn hóa lớn nhất của Đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Tường Thụy, một người
làm blog riêng có tiếng ở Hà Nội đã nhắc đến tội ác khác về văn hóa, là
cuộc Cải Cách Ruộng Đất “nó tàn phá luân lý đạo đức lúc bấy giờ” với
những cảnh “cha tố con, con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau …” Và
ông nhấn mạnh rằng, “Cải cách ruộng đất là do người Trung Quốc, các
chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo và cố vấn…” Một blogger khác, J.B Nguyễn
Hữu Vinh đã đi xem triển lãm, kể lại, “Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên
áo đỏ (nói) liên tục: ‘Cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ người bóc lột
người, là cách mạng về quan hệ sản xuất và nông dân đổi đời…’ Tôi quay
lại nói, ‘Quan chức Cộng Sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn
gấp trăm lần địa chủ phong kiến trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham
nhũng của dân, còn địa chủ phong kiến ngày xưa có ăn chơi cũng là tiền
của họ. Bây giờ có ông quan hàng trăm ha đất như chủ tịch Bình Dương thì
bọn địa chủ sao so được nhỉ?’”
Nguyễn Hữu Vinh trông thấy một nhiếp ảnh gia đi chụp các vật trưng
bày trong phòng triển lãm, khi chụp hình xong, anh ta kết luận, “Thôi,
cái hay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp địa chủ, phong
kiến ngày xưa chẳng là cái đ. gì so với bọn quan Cộng Sản tham nhũng
hôm nay.” Một di họa văn hóa của thời Cải Cách Ruộng Đất vẫn để lại bóng
đen lảng vảng trong xã hội Việt Nam: “Cái gọi là ‘thành phần’ xuất hiện
trong thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong từng tờ hồ
sơ, lý lịch của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu “thành phần”
nghĩa là cái gì và từ đâu ra.”
Cuối cùng, chỉ vì Đảng Cộng Sản tổ chức cuộc triển lãm tuyên truyền
vô duyên này, những người như các ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường
Thụy, Nguyễn Xuân Diện có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ thật của người
dân Việt thời nay. Rõ là chỉ làm cho rách việc thêm!
Tại sao Đảng Cộng Sản lại bày ra một trò tuyên truyền gây phản ứng
ngược nhiều như vậy? Có thể chỉ vì các cán bộ trong Viện Bảo Tàng Lịch
Sử chẳng có việc gì làm cho qua thời giờ, cho nên họ mới bày vẽ ra cái
cuộc triển lãm này. Hay là quý ông bà trong ban văn hóa tư tưởng của
đảng đang lo khi chế độ sụp đổ thì mình thất nghiệp, nên cố gắng tô thêm
son phấn lên mặt đảng một lần chót? Hoặc có thể đưa ra một giả thuyết
táo bạo, rằng có người đã xúi giục họ tổ chức triển lãm để khiêu khích
tất cả nông dân miền Bắc, những người đã đi biểu tình đòi ruộng, đòi đất
trong những năm qua và bị ông đại địa chủ thời nay đàn áp dã man. Đặc
biệt, họ muốn khiêu khích tất cả giới thanh niên, trí thức miền Bắc và
đặc biệt là dân Hà Nội, xem có ai dám đứng ra “lật mặt nạ” của Đảng Cộng
Sản hay không?
Mà việc lột mặt nạ thì không khó gì cả. Người ta không thể tổ chức
một cuộc “phản triển lãm” về những tội ác của Đảng Cộng Sản trong vụ Cải
Cách Ruộng Đất. Không thể trưng bày cảnh những người bị gán cho danh
hiệu địa chủ bị chôn sống, thò đầu trên mặt đất để nhìn thấy lưỡi cầy
kéo qua đầu mình cho tới khi chết. Cảnh này đã có thi sĩ Hữu Loan làm
chứng, ông đã kể lại cho con cháu khỏi quên chuyện một địa chủ đã cấp
gạo cho trung đoàn của ông trong thời kháng chiến bị hành hạ như vậy.
Sau đó, tác giả Màu Tím Hoa Sim đã cưới cô con gái nhà địa chủ này, để
đền ơn công cha mẹ cô nuôi dưỡng cả trung đoàn.
Không thể tổ chức triển lãm, nhưng giới thanh niên, trí thức Hà Nội
có thể làm một cuộc triển lãm trên mạng. Một cuộc “phản triển lãm” đã
xuất hiện trên các mạng ở Việt Nam. Blogger Lê Dũng đã chụp lại các bức
ảnh trong phòng triển lãm rồi nêu ra những sai lầm, gian dối. Thí dụ,
mấy ông già 60 nhận xét thời 1950 “Đũa nhựa và thìa phíp trắng chưa có!”
Hoặc nhìn cái áo của “địa chủ” được trưng bày, có người thấy, “Áo trưng
bày này là hàng fake [giả] 100 %. Vì “May bằng máy công nghiệp, viền
cứng và thô, thời đó không có máy khâu đó. Đặc biệt áo dài thời đó hoàn
toàn khâu tay, mũi khéo và mềm mại.” Đến một bức ảnh, “Bần cố nông làm
gì có nồi đồng, có chiếu trải ra hè ăn cơm vậy?” một độc giả của Blog Lê
Dũng góp ý “thời đó đã làm gì có modern áo đuôi tôm hả mấy ông giời
con?” Một độc giả giấu tên khác nói thẳng: “Nói dối mà không biết ngượng
sao, hỡi những kẻ lấy tay che mặt trời? Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất vẫn
còn đầy rẫy, hoặc con cháu họ sẽ lên tiếng. Hay đợi đấy!” Một độc giả
ký tên Mượt viết, “Chết thật, dối lừa mãi thế sao?”
Lê Dũng kết luận, “Tóm lại tay nào sắp đặt cái ảnh này là dân vớ vẩn,
không có tí kiến thức gì về lịch sử, am hiểu về đồ vật.” Và anh viết
thêm, “Dù sao thì tôi vẫn nói với mọi người cùng xem rằng: việc có cái
triển lãm này cũng hay, bọn trẻ sẽ tìm nốt nửa còn lại qua gúc gồ, thế
thôi vì một nửa sự thật không phải là sự thật.”
Nửa thứ hai của sự thật đã được trình bày từ lâu. Bao nhiêu tác giả
đã viết về cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Những tác phẩm mô tả tai họa Cải
Cách sớm nhất là “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng”
của Ngô Ngọc Bội. Tiếp theo có “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tiểu
thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài. Đặc biệt, cuốn “Đèn cù” của Trần
Đĩnh gần đây nhất đã cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh trong vụ giết bà
Nguyễn Thị Năm, chính ông Hồ đã viết bài đăng báo buộc tội bà. Có thể
đăng lại những đoạn văn của các tác giả trên, để “triển lãm cho mọi
người được thấy sự thật về tội ác của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng trên các mạng đã xuất hiện những câu chuyện thực đau lòng hơn
cả những cảnh trong tiểu thuyết. Một độc giả ký tên Lê Tri Điền kể trong
Blog Lê Dũng những chuyện xảy ra thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất tại xã Định
Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; chúng tôi trích vài chuyện: “Có
một bà tên Chấn, không hiểu bùa phép nào của đội cải cách mà lên trước ‘
tòa án nhân dân’ nắm râu bố đẻ mà vặt rồi rít lên: Thằng Thể (tên bố bà
Chấn)…mày là….mày là…” (bà Chấn sau này ân hận vì tội lỗi với người cha
thân yêu của mình nên trở thành người trầm cảm, bà chết vào khoảng năm
1989 trong đói nghèo cô độc). Một chị con gái kể: Tôi thương cha tôi
lắm, hắn bắt cha tôi, thúc vô rọ lợn rồi chúc ngược cha tôi đầu cắm
xuống đất, tôi lén đem cơm cho cha thấy mặt cha đỏ tím tụ máu sưng tròn
như chấy bưởi, cha tôi nói con đi đi! Không du kích biết thì khổ, cha
không ăn được cấy chi mô, tôi còn nhỏ quá, chả biết cha có tội chi,
thương cha quá mà không dám khóc…” Cuộc phản triển lãm vẫn còn tiếp tục.
Dân Hà Nội không để cho người ta khinh thường, bày trò tuyên truyền rẻ
tiền trước mắt mình mãi như vậy.
Một người bạn tôi mới trò chuyện với một bà chị lớn tuổi ở Hà Nội qua
điện thoại, nhân tiện hỏi, “Chị đi xem cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng
Đất tại Bảo Tàng Lịch Sử chưa?” Bà chị trả lời, “Xem làm cái gì? Chúng
nó hết khôn dồn ra dại hay sao mà lại đi chọc “c…” ra mà ngửi với nhau
như thế hở!”
Đúng là hết khôn dồn ra dại cho nên mới đi chọc Cải Cách ra mà ngửi.
Khi một chế độ lâm vào bước đường cùng thì nó mới sinh ra những trò dồ
dại, ngớ ngẩn, lung tung beng như vậy.
0 comments:
Post a Comment