Thursday, May 7, 2015

Thuyền nhân Việt Nam: thảm trạng lịch sử chưa thể sang trang


Một chuyến vượt biển từ miền bắc Việt Nam
Một chuyến vượt biển từ miền bắc Việt Nam
Files photos
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ 1975 đến 1997, tổng cộng khoảng 839.000 người Việt Nam đã vượt biển trên những chiếc thuyền mong manh, tấp vào các trại tị nạn thuộc các quốc gia trong khu vực. Vẫn theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong số 839.000 thuyền nhân đó, ít nhất 10% bỏ mạng ngoài khơi, vĩnh viễn không bao giờ tới miền đất hứa.

Một giai đoạn lịch sử bi thương
Năm 1979 Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương, thừa nhận quy chế tị nạn đối với thuyền nhân đến các trại tiếp cư Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Philippines…, mở đường cho việc hàng loạt người được đi định cư ở một quốc gia thứ ba.
Về làn sóng người tị nạn Việt Nam dâng cao vào giai đoạn đó, luật sư Trịnh Hội của VOICE, tổ chức phi chính phủ có văn phòng ở Philippines chuyên giúp đỡ những người tị nạn Việt Nam, cho biết.
Từ năm 79 đến 89 có một khung pháp lý rõ ràng là những thuyền nhân Đông Dương đều được đi định cư. Đó là lý do có con đường đi. Đó là lý do đi nhiều người. Đặc biệt nữa là đầu thập niên 80, kinh tế Việt Nam xuống rất rõ. Lúc đó chưa có đổi mới. Lúc đó sự đàn áp, áp bức lên rất cao, vào đầu những năm 80. Sau đó người ta ồ ạt ra đi.
Không chỉ người miền Nam, do không sống nỗi trong chế độ mới, tìm cách vượt thoát khỏi nước, mà đến cuối thập niên 70 bước sang đầu thập niên 80 trở đi thì người miền Bắc từ Hải Phòng và Quảng Ninh, nơi có hai cảng biển lớn của miền Bắc, cũng hòa vào làn sóng ra khơi tìm tự do:
Mình thấy cuộc đời chán nản quá, mọi người đều đi nên mình cũng phải đi. Nói đúng ra lúc đó mình ở Việt Nam thì giấy tờ mình có đâu. Lúc ấy giấy tờ mình không có, như kiểu người thừa. Xin giấy chứng minh khó, xin không được. Mình vừa làm ngư dân, vừa buôn bán thấy cuộc sống chán.
Đó là lời anh Thụy, đã cùng cha mẹ, anh em tất cả 12 người trong gia đình hòa vào làn sóng người vượt biển năm 1981. Hai ba lần ra khơi, trải qua sóng gió dập vùi trước khi may mắn tới được Hồng Kông năm 1981, nay gia đình đã ổn định cuộc sống tại California, Hoa Kỳ:
Có chuyến mất tích hết, đấy là người quen, rồi con bà cô, em bố anh bị công an ở đảo Bạch Long Vĩ bắn chết hết, công an bắn đắm chết hết 28 người.
Có chuyến mất tích hết, đấy là người quen, rồi con bà cô, em bố anh bị công an ở đảo Bạch Long Vĩ bắn chết hết, công an bắn đắm chết hết 28 người
anh Thụy
Đã là thuyền nhân Việt thì ai cũng có một ký ức, một câu chuyện phiêu lưu nhớ đời để thuật lại. Bão tố, sóng dữ, hải tặc, đói khát, tới bờ hoặc bị đẩy ra khơi trở lại đều là thảm cảnh chung của thuyền nhân hai miền.
Thuyền Nhân cũng là một giai đoạn lịch sử chưa thể sang trang, không thể sang trang, mà phải được ghi chép lại bằng mọi cách, là lời nhà báo Ngụy Vũ với tác phẩm Hành Trình Thuyền Nhân khởi sự năm 2001, hoàn tất năm 2003, được dịch sang Anh Ngữ tựa đề Boat People năm 2013:
Cách thực hiện là tìm lại những nhân chứng ngày xưa, kể cả những người thân hay bè bạn của họ đã chết trên biển Đông hay bị hãm hiếp, sau đó tôi lập ra một nhóm để cùng với tôi biên soạn lại. Tôi muốn chuyển những câu chuyện đó qua Anh ngữ, mục đích là bỏ vào Thư Viện Quốc Hội, tuy nhiên cái chính là cho giới trẻ về sau này có tài liệu đó để nghiên cứu. Thuyền nhân là một giai đoạn lịch sử bi thương nên đối với tôi 40 năm vẫn chưa đủ, đó là nói riêng về thuyền nhân thôi.
Vực Xoáy, Tiếng Uất Gào Còn Vang Vọng Trên Biển Đông, là tựa đề tác phẩm gần đây nhất về thuyền nhân Việt Nam của tác giả Châu Thụy, nổi tiếng với bức tranh Thuyền Nhân qua nghệ thuật bút họa. Bắt đầu vượt biên từ 1979 khi tuổi đời còn trẻ, sau đôi ba lần thất bại Châu Thụy đến được Thái Lan năm 1980. Tác phẩm Vực Xoáy ra mắt độc giả Quận Cam, Nam California Chúa Nhật vừa qua, nhân kỷ niệm hồi ức 40 năm xa xứ:

Ông Talbot Bashall và cô Carina Hoàng trao tặng bộ sưu tập Thuyền Nhân VN ở Hong Kong cho tiến sĩ Thụy Võ Đặng của đại học Úc Irvine In California. (từ trái ông Talbot Bashall, tiến sĩ Thụy Võ Đặng , ông John Renaud, và cô Carina Hoàng.
Ông Talbot Bashall và cô Carina Hoàng trao tặng bộ sưu tập Thuyền Nhân VN ở Hong Kong cho tiến sĩ Thụy Võ Đặng của đại học Úc Irvine In California. (từ trái ông Talbot Bashall, tiến sĩ Thụy Võ Đặng , ông John Renaud, và cô Carina Hoàng.

Là một nạn nhân của chế độ và phải bỏ nước ra đi thì trong đầu luôn hằn sâu những nỗi buồn. Khi mà bước vào nghệ thuật Bút Họa, vẽ lên bức tranh thuyền nhân thì quá khứ bắt đầu trở lại. Rồi giống như động lực thúc đẩy gây nên cảm xúc, từ đó Châu Thụy ngồi xuống viết về chuyến đi của mình.
Năm nay kỷ niệm 40 năm, đối với những người đến định cư trước hay định cư sau thì những buổi kỷ niệm như vậy nhắc đến những đau thương không bao giờ có thể quên đi được. Qua Vực Xoáy, Châu Thụy muốn lồng vào tất cả những nỗi đau của một người trẻ trên đường vượt biên, một là thoát ra hoặc là chết, nhưng nếu còn sống thì còn tìm được tự do.
Thuyền nhân là một giai đoạn lịch sử bi thương nên đối với tôi 40 năm vẫn chưa đủ, đó là nói riêng về thuyền nhân thôi
nhà báo Ngụy Vũ
Vết thương không bao giờ lành
Bốn thập niên qua, ngoài những cuốn sách viết về thuyền nhân thì còn có những truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, tự thuật, chưa kể phim ảnh, nói lên những thảm trạng đau lòng của người vượt biển Việt Nam. Tuy nhiên có thể nói một cuốn sách thuyền nhân nặng tính nghiên cứu, công phu và tốn kém nhất là cuốn Boat People tiếng Anh của nữ tác giả Carina Hoàng từ năm 2011. Bản tiếng Việt tựa đề Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông, vừa hoàn tất khi cô từ Perth, Australia, đến Quận Cam thuộc Nam California tuần trước.
Tác phẩm của Carina Hoàng, tức Oanh Hoàng, tràn ngập những hình ảnh sống động mà cô đã bỏ rất nhiều công sức sưu tầm hay được ủy thác:
Hình đầu tiên trong cuốn sách, sau cái hình bìa, là 152 thuyền nhân Việt Nam được tàu Cap Amamur của Đức vớt trên biển Đông năm 1982. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ nữa nếu không được cứu thì 152 người đó sẽ bị chôn trong nấm mồ tập thể là chiếc thuyền của họ.
Đầu tiên thì Oanh muốn cuốn sách này có mặt tại Thư Viện Quốc Gia và thư viện các trường học thì điều này Oanh đã làm được ở bên Úc rồi. Hiện giờ trường học bên Úc đang dùng cho học sinh trung học.
Tác phẩm Vực Xoáy của tác giả Châu Thụy và tác phẩm Boat People bằng tiếng Việt với tựa đề Thuyền Nhân của Carina Hoàng
Tác phẩm Vực Xoáy của tác giả Châu Thụy và tác phẩm Boat People bằng tiếng Việt với tựa đề Thuyền Nhân của Carina Hoàng


Boat People hay Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông, bao gồm 38 câu chuyện kể lại từ những người vượt biên may mắn đến được bến bờ tự do, là tác phẩm tài liệu và tim óc của Oanh Hoàng cũng là một thuyền nhân năm 1979 khi mới 16 tuổi. Ra đi cùng hai em nhỏ và mẹ phải ở lại để nuôi bố là quân nhân miền Nam đang bị tù, chứng kiến bao cảnh chết chóc, phân ly, đau đớn tửng ngày, Oanh Hoàng không thể chọn lựa mà phải dấn thân vào những hoàn cảnh ngặt nghèo như phụ đỡ đẻ cho một phụ nữ vượt biển đến phút lâm bồn hay tẩn liệm xác một em bé 8 tháng chết dần mòn khi cả đoàn bị bỏ lại trên đảo vắng.
Tôi nghĩ đó là một thảm kịch lớn của nhân loại mà tôi may mắn được làm nhân chứng. Tôi đã tận mắt thấy mọi chuyện xảy ra, những chuyện không ai có thể tưởng tượng nỗi, không tưởng tượng nỗi
Talbot Bashall
Oanh qua Mỹ lần này có hai lý do. Thứ nhất là tham dự những chương trình tưởng niệm 40 năm, đồng thời giới thiệu cuốn sách Boat People bằng tiếng Việt với tựa đề Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông. Đây là thời điểm đúng để nói về thảm cảnh thuyền nhân, hậu quả của sau ngày 30 tháng Tư 1975.
Vì 40 năm là bắt đầu thế hệ thứ ba rồi, nếu mình không trang bị sự hiểu biết này cho con cháu thế hệ thứ hai thì thế hệ thứ ba càng khó khăn hơn.
Làm thế nào để Boat People Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông có được những tấm ảnh sống động và thực đến nỗi đập vào mắt vào tìm người xem như vậy:
Khi bắt đầu làm cuốn sách thì Oanh đi tìm hình ảnh, Oanh tìm trên Internet trước, biết chủ nhân của những tấm hình đó thì Oanh bắt đầu liên lạc để xin phép quyền sử dụng.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì Oanh liên lạc qua thư viện chính của họ ở Thụy Sĩ thì họ đã cho Oanh hình ảnh từ lâu rồi trong những chương trình nghiên cứu của Oanh.
Rồi bắt đầu từ đó Oanh liên lạc với chính phủ Hồng Kông, chính phủ Indonesia rồi đến các tòa báo có những hình ảnh như vậy.
Sự thành công của cuốn sách về giá trị lịch sử và giá trị văn hóa, Oanh Hoàng kể tiếp, đã tạo cơ hội cho cô biết và đến với thêm nhiều tổ chức nhân đạo hay truyền thông chú ý đến tập sách tài liệu được in ấn đẹp mắt và công phu đó:
Sau khi Oanh ra mắt cuốn sách này rồi thì ngay cả chính phủ Úc, hầu hết quốc hội các tiểu bang đều mời Oanh vào để nói chuyện và giới thiệu cuốn sách này. Tại vì họ làm cho chính phủ, họ đưa ra những chính sách cho thuyền nhân, cho người tị nạn hoặc di dân nhưng mà họ chưa hiểu biết nhiều về sự ra đi bằng thuyền như thế nào, tại sao họ ra đi, họ đi cho cái gì. Từ đó trở đi cuốn sách được phổ biến nhiều, không chỉ với người đọc Việt Nam không mà cho trường học, cho đại học và cho chính phủ.
Tại buổi kỷ niệm 40 Năm Hành Trình Tự Do Và Vươn Tới ở Nam California tuần trước, quyển sách Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông của tác giả Carina Hoàng lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả ở đây.
Việc biên soạn cuốn sách Boat People tiếng Anh, Thuyền Nhân Nước Mắt Biển Đông tiếng Việt sau này, đã đưa tác giả Oanh Hoàng quen biết ông Talbot Bashall, một người Anh từng là trưởng Trung Tâm Quản Lý Các Trại Tị Nạn Hồng Kông từ 1979 đến 1982, thời điểm mà số lượng thuyền nhân Việt tấp vào lãnh địa này cao nhất.
Trong 4 năm cùng vợ làm việc qua các trại tị nạn Hồng Kông, ông Bashall kể lại với Thanh Trúc rằng ông có thể đoan chắc khi ấy Hồng Kông chưa bao giờ đẩy một chiếc tàu nào ra khơi trở lại.
Ông nói ông còn nhớ rất rõ ngày 10 tháng Sáu năm 1979, ông và tất cả nhân viên đã nhận 4.315 thuyền nhân Việt Nam đến từ 43 chiếc tàu khác nhau. Đó là thời gian ông Bashall chịu rất nhiều áp lực, có khi làm việc đến kiệt sức nhưng bù lại là những giấc ngủ bình yên mỗi tối.
Hôm thứ Hai 27 tháng Tư vừa qua, tại tòa soạn báo Người Việt ở thành phố Westminster quận Cam, California, ông Bashall năm nay 89 tuổi đã cùng tác giả Carina Hoàng của Thuyền Nhân, Nước Mắt Biển Đông, trao lại bộ sưu tập mà người vợ của ông thực hiện lúc sinh thời cho Đại Học UC Irvine in California.
Đây là bộ sưu tập 6 cuốn, trước đó được tặng cho cô Carina Hoàng, qui tụ gần như đầy đủ hồ sơ, thư từ, bài vở, hình ảnh, những bài báo, những số liệu của chính phủ Hồng Kông thời cao trào thuyền nhân Việt tấp vào đất này. Lời ông Talbot Bashall:
Nỗi đau, vết thương của thuyền nhân VN sẽ không bao giờ lành. Một số những gia đình có người thân chết trên biển khơi hoặc chết trong trại tị nạn mà không được một nắm mồ. Nhưng đau khổ nhất là những người bị bắt cóc đi mà đến hôm nay gia đình cũng không biết nên để tang ... hay vẫn tiếp tục hy vọng tìm được họ
Carina Hoàng
Đây có thể là bộ sư tập vô cùng xúc tích về thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông, cũng đồng thời phản ảnh một giai đoạn khốc liệt của những người vượt biển đến các quốc gia khác ngoài Hồng Kông. Bộ sưu tập cho thấy một giai đoạn lịch sử đau thương cần được bảo vệ, cho thấy vì sao người dân Việt nối tiếp nhau đi khỏi nước bằng những chiếc thuyền mong manh vô định. Khi quyết định trao bộ sưu tập mà vợ tôi dày công thực hiện cho đại học Irvine của California, chúng tôi nghĩ nó không còn là bộ sưu tập riêng tư nữa mà phải là một hồ sơ mở, một tài liệu mở sẽ được lật ra nghiên cứu trong tầm vóc một đại hoc danh tiếng của Hoa Kỳ, nơi đã đón nhận không biết bao nhiêu người vượt biển Việt Nam.
Tôi nghĩ đó là một thảm kịch lớn của nhân loại mà tôi may mắn được làm nhân chứng. Tôi đã tận mắt thấy mọi chuyện xảy ra, những chuyện không ai có thể tưởng tượng nỗi, không tưởng tượng nỗi…
Sau 30 tháng Tư 1975, thuyền nhân, vượt biển, người tị nạn Việt Nam, đột nhiên biến thành tâm điểm sự chú ý của thế giới. Bốn mươi năm qua rồi mà câu chuyện thuyền nhân vẫn chưa thể sang trang. Với những người ngồi xuống và viết lại hoặc thu thập lại tài liệu hay hồ sơ thuyền nhân Việt bao năm qua, đây là công việc không thể không làm dù như phải xoáy thêm con dao vào vết thương hãy còn rỉ máu. Lời tác giả Carina Hoàng của Boat People Thuyền Nhân Nước Mắt Biển Đông:
Nỗi đau, vết thương của thuyền nhân Việt Nam sẽ không bao giờ lành. Một số những gia đình có người thân chết trên biển khơi hoặc chết trong trại tị nạn mà không được một nắm mồ. Nhưng đau khổ nhất là những người bị bắt cóc đi mà đến hôm nay gia đình cũng không biết nên để tang cho con cho vợ hay vẫn tiếp tục hy vọng tìm được họ. Có nhiều chuyện mà mỗi câu chuyện cho mình thấy những khía cạnh của thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam. Oanh nghĩ không bao giờ mình sang trang được, trang lịch sử này sẽ tồn tại mãi mãi.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

0 comments:

Powered By Blogger