Sunday, May 17, 2015

Những bất cập về quy định mới của quỹ bảo hiểm xã hội


Những ngày qua, các chi nhánh trung tâm bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thuộc các quận có số người đến nộp hồ sơ để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp đông hơn mức bình thường. Từ sau vụ đình công đến nay, mặc dù đã có sự hứa hẹn của chính phủ sẽ kiến nghị quốc hội sửa đổi luật trong kỳ họp quốc hội ngày 20 tháng 5 sắp đến, tuy thế VTV và báo chí tuyên truyền rằng: Công nhân đã hiểu và đồng thuận quyền lợi của điều 60 luật bảo hiểm xã hội một lần, nên quay lại làm việc không tổ chức đình công nữa. 
Với cách tuyên truyền ngược như thế, khiến công nhân bức xúc, và đã không ít người không còn đủ niềm tin vào lời hứa của chính phủ nên đã tìm cách đi rút BHTN và Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) một lần.

Phóng viên Lao Động Việt đã đến một trung tâm bảo hiểm số 145 Lê Văn Thịnh,phường Bình Trưng Đông quận 2, tp hcm, chi nhánh trung tâm bảo hiểm thất nghiệp này đã có những thái độ quan liêu, gây khó dễ, ăn nói lớn tiếng với người dân đến nộp hồ sơ dẫn đến bức xúc một số người

Đó là những viên chức được trả lương từ thuế của nhân dân nhưng cư xử không đúng mực, và thật thiếu sự tôn trọng. Cũng là một thái độ sẽ đem niềm vui đến cho nhau, nhưng ở đây những người phục vụ lại chọn thái độ bực bội, khó chịu. Đó có phải là thái độ vốn có từ trước tới nay, hay là mới đây, nhằm gây khó khăn để giảm bớt hồ sơ của người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, trong lúc có tin đồn rằng, quỹ bảo hiểm đã cạn kiệt cho nên chính phủ mới thông qua điều luật 60 của BHXH để cứu ngân quỹ này.

Trên tờ hướng dẫn nhận bảo hiểm thất nghiệp, có quy định lạ lùng là người nhận bảo hiểm sẽ được BHTN hẹn đến nơi đăng ký bảo hiểm trình diện mỗi tháng một lần để thông báo tình trạng việc làm. Đây là một nội dung không thấy nằm trong quy định nào của luật bảo hiểm. Người lao động rất dễ quên để ý đến chi tiết nhỏ này, nếu quên kể như họ mất trợ cấp bảo hiểm hàng tháng. Quy định trên cũng rất khó khăn cho những công nhân đi về quê phải lội ngược lên trở lại thành phố mỗi tháng để trình diện, và nếu không lên được thì kể như họ cũng bị cắt trợ cấp. Nội dung này cần phải loại bỏ ngay để phù hợp với người lao động.

Từ đầu năm 2015, BHXH và BHTN đã cắt giảm chi trả số tiền bảo hiểm cho công nhân, chính điều này và việc ban hành điều 60 luật bảo hiểm xã hội mới đã cho thấy quỹ bảo hiểm đã cạn vì thất thoát.

Điều đáng nói là nhà nước dùng tiền của họ vào chỗ không đúng và để thất thoát quỹ BH thì họ phải chịu trách nhiệm chứ không phải công nhân là người gánh chịu khoảng mất mát đó.

Có thể nói người lao động từ quê lên các khu công nghiệp làm chỉ có ý định làm một khoảng thời gian nhất định nào đó dành dụm đủ tiền và cộng với số tiền bảo hiểm xã hội một lần, họ có được một số tiền kha khá đem về quê. Nên họ xem BHXH một lần như một cái vốn để dành.

Vì thế đa số lao đông dưới mức 35 tuổi, và những người lao động dưới độ tuổi này đều không chấp nhận việc phải đợi đến 55 hay 60 tuổi, vì theo họ, khoảng thời gian đợi chờ quá lâu, mà họ không thể biết được tương lai xa ấy của họ sẽ như thế nào, có được nhận hay không? Nếu nhận rồi có còn cần sử dụng hay không ? Rất nhiều hoài nghi trong lúc bao nhiêu là khó khăn về tài chính đến với họ trong hiện tại.

Cũng từ những lo lắng đó, những ngày gần đây, các trung tâm bảo hiểm thất nghiệp đã tiếp nhận khá đông người lao động đến làm thủ tục, và có thể hiểu họ đang nôn nóng rút lấy bảo hiểm xã hội một lần vì sợ luật bảo hiểm mới có hiệu lực và họ phải mòn mỏi đợi chờ đến tuổi hưu. Và đa số còn lại vẫn đang trong tâm lý thấp thỏm đợi chờ kết quả kỳ họp quốc hội sắp tới.

Dù cho luật bảo hiểm xã hội này có lợi cho vấn đề an sinh khi về hưu. Nhưng chính phủ cần phải nhận thấy rằng đa số các công nhân không có ý định làm lâu dài, và không định làm đến tuổi nghĩ hưu, thêm lý do để thấy không phù hợp để áp dụng trong lúc này là đồng lương còm cõi, áp lực công việc nặng nề của công nhân…vv

Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng ngày 8 tháng 5 rằng: “ lo cho dân là phải lo mọi thứ, nhưng trước hết là phải lo về đời sống”

Và nếu phải nói tới an sinh, thì điều quan trong nhất là phải lo an sinh của công nhân trong đời sống hiện tại, nghĩa là không được quyền ép công nhân đóng BHXH mới, lúc hoàn cảnh khó khăn này, mà chính sách an sinh thực sự phải giúp người lao động làm sao cải thiện được đồng lương ít ỏi, và giúp đời sống người lao động phát triển mọi mặt, chứ không phải bắt họ trích ra từ đồng lương ít ỏi mà lo an sinh khi về hưu.

Và cũng vì lời hứa của thủ tướng chính phủ trong kỳ họp quốc hội hôm ngày 1 tháng 4 sẽ kiến nghị quốc hội thay đổi điều 60 luật BHXH, cho người bảo hiểm tự do lựa chọn có tham gia hay không? đã làm cho người lao động yên tâm làm việc trở lại sau các cuộc đình công, thì đừng đánh mất uy tín của mình khi phải nuốt lời mà nhắm mắt để yên cho luật bảo hiểm mới có hiệu lực. Không thì e rằng, các cuộc đình công lại nổ ra trên một diện rộng to lớn mà không thể lường được vì tính chất leo thang của nó khi người lao động ai cũng bị chạm đến quyền lợi. Và chả lẽ, cả một bộ máy chính quyền to lớn, chỉ có một chính sách là dùng đến lực lượng công an để trấn áp đình công hay thôi sao?

Nhóm PV Lao Động Việt

0 comments:

Powered By Blogger