Tại sao địa phương nghèo nhất nước vẫn có trụ sở hoành tráng, khuôn viên
rộng nhất; lớp học không có vẫn chạy theo phong trào xây trụ sở lớn...
tiếp tục được các chuyên gia bắt bệnh? Trả lời:
Đầu tiên là do tham nhũng, xây dựng cơ bản là tham nhũng dễ nhất, an
toàn nhất, nhanh nhất. Chỉ có những dự án xây dựng mới dễ cài cấy vi rút
tham nhũng. Điều này trả lời vì sao VN khó chống tham nhũng.
Thứ hai, là tư duy nhiệm kỳ, thích khoe khoang, báo cáo thành tích.
Thứ ba, xây trụ sở được coi là lối thoát cứu GDP cho các địa phương, mặc dù không nhiều.
*
Trụ sở hoành tráng:Cuộc so găng "ai to hơn, nhiều tiền hơn..."?
Lam Lam (BaoDatViet) - Khi chưa tự chủ được về ngân sách, dân chưa đủ ăn, trụ sở to lại trở thành thứ nghịch dị.
Nghịch lý địa phương nghèo nhất nước vẫn có trụ sở hoành tráng, khuôn
viên rộng nhất; lớp học không có vẫn chạy theo phong trào xây trụ sở
lớn... tiếp tục được các chuyên gia bắt bệnh.
Biết vô lý vẫn làm?
TS Phạm Tiến Bình – Giảng viên, Tiến sĩ kinh tế, (ĐH kinh tế ĐHQGHN) ví
von, trào lưu xây trụ sở của các địa phương giống như cuộc so găng "ai
to hơn, cao hơn, đẹp hơn, nhiều tiền hơn....".
Theo ông Bình, cuộc chạy đua nước rút để ai cũng cố có được cái dự án để
đời trong mỗi nhiệm kỳ nó giống như câu chuyện một ông bố có mấy người
con. Hết tiền lại chìa tay xin, người này xin được người kia cũng xin.
Ban đầu xin ít, sau xin nhiều hơn. Xin để chi tiêu, xin để lấy vợ, xin
để xây nhà. Có nhà rồi lại xin để xây nhà mới to hơn... tóm lại, xin
càng nhiều càng muốn xin.
Đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay, câu chuyện địa phương nào, tỉnh nào
cũng muốn xây trụ sở, có rồi lại đập đi xây mới là điều bình thường.
Chỉ một ví dụ điển hình, Lai Châu dù là một trong những tỉnh nghèo nhất
nước nhưng vẫn tự hào có trụ sở là công trình để đời, có quảng trường
lớn nhất cả nước.
Trụ sở các cơ quan hành chính Lai Châu
Nhưng, khi chưa hoàn toàn tự chủ được về ngân sách tức là vẫn phải phụ
thuộc vào nguồn tiền rót về từ Trung ương, dân thu nhập chưa đủ ăn, thì
trụ sở to lại trở thành thứ nghịch dị.
Vậy phải trả lời tại sao họ vẫn làm? Có nhiều lý do. Đầu tiên là do tham
nhũng, xây dựng cơ bản là tham nhũng dễ nhất, an toàn nhất, nhanh nhất.
Chỉ có những dự án xây dựng mới dễ cài cấy vi rút tham nhũng. Điều này
trả lời vì sao VN khó chống tham nhũng.
Thứ hai, là tư duy nhiệm kỳ, thích khoe khoang, báo cáo thành tích.
Thứ ba, xây trụ sở được coi là lối thoát cứu GDP cho các địa phương, mặc dù không nhiều.
Ở VN câu chuyện tính GDP giống như chuyện hài, rất vui. Ví dụ, tôi có
một con gà mua về giá 20 đồng, tôi nuôi một tháng bán lại cho người thứ
nhất 20 đồng, người thứ hai bán lại cho người thứ ba 20 đồng... đến
người thứ 100. Nếu theo cách tính của VN hiện nay là đã có 100 con gà
nhưng thực chất chỉ có một con gà.
Như vậy, xây trụ sở vừa giải quyết được lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân
vừa có GDP, vừa có thành tích... và có nhiều thứ khác nữa, tại sao lại
không làm. Rồi địa phương này làm được, địa phương khác làm được tại sao
các địa phương còn lại không làm được.
Đây là điều bất cập trong quản lý, sử dụng chi tiêu công hiện nay đã
không có một chiến lược, kế hoạch tổng thể đặt trong bối cảnh tổng thể
của nền kinh tế. Xây được cứ xây nhưng không tính toán xem hiệu quả tới
đâu, có cần thiết không, có tương thích với nền kinh tế, điều kiện dân
trí của dân hay không. Xây để một vài năm lại đập đi xây lại, điều này
rất nguy hiểm.
Trong khi, hiện nay điều kiện kinh tế còn nghèo, bệnh viện không có đủ
giường nằm, học sinh không có lớp học nhưng vẫn thấy những công trình
như Cục thuế Sơn La hoành tráng, sa hoa. Điều đáng nói, Sơn La đã có trụ
sở Cục thuế nhưng vẫn xây trụ sở mới. Trụ sở cũ mấy chục tỉ nhường lại
cho HĐND, mỗi năm được mấy lần họp. Biết vô lý tại sao họ vẫn làm?
Nghèo vẫn cố chơi sang
Không coi chuyện xây trụ sở là sai, tuy nhiên vị chuyên gia kinh tế
Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo trước tình trạng lạm dụng, chạy đua xây
nhà to.
Ông Phong cho biết, trong chủ trương cải cách hành chính có hai hướng
cải cách rất lớn, một là cải cách về thủ tục, chức năng hành chính, con
người tức là công tác quản lý nhà nước. Thứ hai là hiện đại cơ sở vật
chất trong đó có hiện đại hóa phần cứng và phần mềm. Phần cứng bao gồm
các công nghệ quản lý, do đó yêu cầu xây dựng các trụ sở to đó để hiện
đại hóa không phải là sai. Đặc biệt các đô thị lớn, càng phải tập trung
các trụ sở lớn để tập hợp các liên cơ tạo ra cho xã hội một thuận lợi,
tiết kiệm thời gian đi lại, làm việc tập trung.
Tuy nhiên, hiện nay trào lưu xây trụ sở to đang bị lạm dụng. Có những
địa phương còn nghèo cũng cố có được cái trụ sở to dù biết rõ nó không
tương thích với khả năng kinh tế, cũng như so với nhu cầu quản lý của
địa phương đó. Như thế là không cần thiết.
Cần phải có cơ chế quản lý, nhất là nguồn ngân sách chi cho xây dựng,
nguồn tiền có hợp lý không, có dẫn tới lạm thu gây mất cân đối ngân sách
không. Tất cả không minh bạch, rõ ràng dễ dẫn tới lãng phí, tham nhũng.
Đây là bài toán khó, không dễ giải quyết nhưng ai cũng có quyền được
đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch, lợi ích nhóm trong mỗi dự án, chủ
trương đó.
Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng xây trụ sở là cách cứu GDP
nhưng vị chuyên gia này cũng đồng tình với quan điểm xây trụ sở ít
nhiều có làm tăng GDP. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến
địa phương nào cũng muốn xây trụ sở.
Ông Phong lấy ví dụ, cách tính GDP ở VN cũng giống như TQ, về nguyên
tắc chỉ cần đào đường, xây một cái công trình cũng làm tăng GDP. Bài
toán này đã được TQ áp dụng triệt để, tức là khi cần tăng GDP họ lại xây
dựng những tòa nhà bỏ không.
Đứng ở góc độ kinh tế, ông Phong cho rằng nếu việc xây trụ sở cũng là
cách giải quyết những nguồn nguyên vật liệu tồn đọng, mọi thứ đang trì
trệ, ít nhiều có thể có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Tuy nhiên,
nếu không hợp lý nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy xấu. Một là lợi ích nhóm,
tham nhũng. Thứ hai là làm tăng nợ xấu. Thứ ba là căn bệnh thành tích.
*
Trụ sở như cung điện: Kiểu gì cũng là tiền của dân!
Bích Ngọc (BaoDatViet) - Việc xây trụ sở hành chính tại nhiều địa phương, có nói là xã hội hóa thì cũng là tiền của dân.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội
(ĐBQH) tỉnh Phú Yên đã chia sẻ với Đất Việt góc nhìn của mình khi nói
về chuyện xây dựng trụ sở hành chính tại các địa phương hoành tráng,
nguy nga như cung điện.
Theo ĐB Học: “Việc xây dựng trụ sở tại các địa phương như báo chí phản
ánh nguy nga như cung điện dù xã hội hóa hay bằng ngân sách suy cho cùng
cũng xuất phát từ việc sử dụng tài sản chung. Có xã hội hóa thì cũng là
tiền của dân”.
Lễ hội tổ chức hoành tráng, trụ sở khánh thành khang trang, gây lãng phí cho ngân sách
Hiện vẫn có nhiều ý kiến xung quanh việc xây dựng trụ sở hành chính tại
các địa phương quá lớn. Nói như Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Ksor Phước từng phản ánh với Quốc hội, rằng ông đi nhiều nơi thấy nhiều
tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như
cung điện, như địa điểm để du lịch.
“Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế!", ông Phước đặt câu hỏi.
Lo ngại của các vị ĐBQH cũng là từ thực tế người dân vẫn còn nhiều người
phải sống khổ sở. Vẫn còn những trường học tạm, những chiếc cầu tạm
luôn rình rập tính mạng của học sinh và người dân khi đi qua đó.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải địa phương nào cũng dùng tiền ngân
sách để xây dựng. Như ở Bình Dương dù là trụ sở hành chính được xem là
lớn nhất Việt Nam có tới 23 tầng, độ cao 104 m với tổng vốn đầu tư 1.400
tỷ đồng, có bãi đáp trực thăng; 2 tầng để xe, bãi đỗ xe có sức chứa 640
ôtô và hơn 2.000 xe máy, tổng diện tích sàn là 104.000 m2. Ngay cạnh
Trung tâm hành chính là Trung tâm Hội nghị và triển lãm có sức chứa 800
người. Song địa phương đã không sử dụng vốn ngân sách mà huy động nguồn
lực của doanh nghiệp và xã hội, sau đó hoán đổi các trụ sở cũ để thu hồi
vốn.
Trụ sở làm việc của tỉnh Hậu Giang
Song theo ĐB Nguyễn Thái Học: “Việc xã hội hóa hay bằng ngân sách suy
cho cùng cũng xuất phát từ việc sử dụng tài sản chung. Có xã hội hóa thì
cũng là tiền của dân. Do vậy trong tình hình chung của từng địa phương,
từng đơn vị, nhu cầu của từng cơ quan và quyết định xây dựng cho phù
hợp”.
Từ chối đưa ra bình luận cá nhân khi xu thế hiện nay địa phương sau xây
trụ sở hành chính lớn hơn địa phương trước, song ông Học cho rằng cần
xuất phát từ tình hình thực tế của mỗi địa phương.
“Việc xây dựng trụ sở trong điều kiện thấy vượt quá khả năng, tình thế
chung thấy chưa thực sự cần thiết cũng cần nhìn nhận và đánh giá lại.
Những người có trách nhiệm quyết định đầu tư xây dựng phải cân nhắc điều
này”, ĐB Học nói.
Nhiều ý kiến người dân cũng phản ánh, trụ sở quá lớn, sang trọng và
hoành tráng khiến họ có cảm giác ngại ngần mỗi khi có việc cần phải bước
chân đến “cửa quan”.
“Vốn đến cửa quan đã là một khoảng cách lớn, mình là dân đen, ăn mặc
không sang trọng mà bước vào khu làm việc nguy nga quá cũng thấy e dè.
Một điều cốt lõi nữa là cán bộ làm việc ở đó có thực sự vì nhân dân, vì
nước không. Trụ sở hoành tráng nhưng nếu người dân đến nơi công quyền đó
để giải quyết công việc vừa thấy nhanh chóng, nghiêm túc, hiệu quả thì
có ích biết mấy”, một độc giả tên Phan Thọ chia sẻ.
0 comments:
Post a Comment