...Đèn
Cù có thể làm người đọc ngộ nhận, rằng Trần Đĩnh đả phá chế độ cộng
sản. Hoàn toàn không phải thế. Mục đích của Đèn Cù là bênh vực cộng sản,
nhưng chỉ là một phe của cộng sản “chân chính” thôi: phe thân Nga cũ...
Trần Đĩnh rất tự hào mình là kẻ “xét lại”, và dành rất nhiều trang
trong Đèn Cù để bênh vực, minh oan và ca ngợi những kẻ “xét lại”, từ
Giáp trở xuống... “Xét lại” là theo đường lối của cộng sản Liên xô, mà
Liên xô chỉ miệng nói “chung sống hòa bình” còn tay chân đều tuồn súng
đạn sang các nước khác giục/bắt đánh chiếm nước khác thì Trần Đĩnh không
nhìn ra? Theo Liên xô để nhận súng đạn Nga tràn ngập miền Bắc để “giải
phóng” miền Nam là yêu hòa bình và chống chiến tranh ư? Không có súng
đạn Nga thì làm sao CSVN thắng được VNCH và vũ khí Mỹ?...
*
Giá trị của Đèn Cù
Tác phẩm Hồi ký Đèn Cù của Trần Đĩnh xuất hiện sau hơn hai chục
năm “thai nghén và sinh nở” (như tác giả tâm sự là bắt đầu viết “truyện
tôi” từ sau 1990) đã gây nên một cơn chấn động dư luận trong người Việt
khắp trong ngoài nước, nhất là những ai quan tâm và đấu tranh dân chủ
cho VN. Nó như một bước đưa chân tiếp theo của Lịch sử dẫn người Việt về
hướng sự thật luôn bị che giấu và bóp méo về quá khứ của thể chế và bản
thân giới lãnh đạo chóp bu CSVN từ thời họ cướp chính quyền 1945 đến
nay, mà những bước đầu tiên có thể nói đến là “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, “Mặt thật” của Bùi Tín, “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, “Những lời trăn trối” của Trần Đức Thảo…
Và bây giờ dường như là “Đèn Cù” của Trần Đĩnh là một bước “đưa
chân” như thế của Lịch sử? Chỉ có điều, lịch sử VN thời cộng sản luôn
được “đưa chân” quá muộn màng, quá dè dặt, và nửa vời nữa, còn không
biết bước này “đưa” theo hướng nào, có theo hướng đã định không?
Các giá trị của Đèn Cù được rất nhiều người nêu ra và ca ngợi hết
lời, nhưng tôi chỉ xin điểm qua vài ý chính, vì đó không phải mục đích
(và quan điểm) của bài viết này (vốn là chỉ ra hạn chế của Đèn Cù), đó là (những!) tám (08) ý sau:
Thứ nhất, tác giả là cây viết đặc biệt, đã viết tiểu sử
chính thức của Hồ Chí Minh, và nhiều lãnh tụ CSVN khác như Trường Chinh,
Nguyễn Đức Thuận (“bất khuất”), nên từng có điều kiện làm việc rất gần
gũi với nhiều yếu nhân của CSVN, cho nên có thể nói những điều tác giả
biết và viết ra là có thể gần sự thật...
Thứ hai, Trần Đĩnh hé mở thêm bộ mặt khác “thật hơn” của
Hồ và “rất tiếc cho” Hồ không được như (tác giả) kỳ vọng, nhưng vẫn
không làm bớt đi những đại từ khúm núm “Ông Cụ” trong hồi ký “thất vọng
về CS” của mình, như chính triết gia Trần Đức Thảo đến khi trăn trối vẫn
cứ “ông cụ” và “ông cụ”...
Thứ ba, tác giả thể hiện tư tưởng yêu hòa bình (theo đường
lối “xét lại - chung sống hòa bình với tư bản” của Liên xô thời Nikita
Khrutsev), ghét chiến tranh (nhất là chiến tranh chống Mỹ đến người Việt
Nam cuối cùng của Mao). Điều “vĩ đại” này cũng chả có gì mới, chả có gì
cao siêu, hàng tỷ người biết thế...
Thứ tư, tác giả tố cáo Trung cộng đã thúc đẩy và kiểm soát
CSVN hoàn toàn trong cuộc chiến tranh chống VNCH và Mỹ. Lần nữa, về
điểm quan trọng này, tác giả chỉ nói được những điều chung chung. Ở vị
trí khá đặc biệt của mình, với suy nghĩ độc lập từ trẻ, vậy mà Trần Đĩnh
không nhìn ra bản chất cội nguồn không chỉ là Mao, Maoism và những kẻ
Mao “nhều” ở VN, mà là bản chất cộng sản từ Mác đến Lê, đến Sít rồi đến
Hồ thần tượng hơi sứt mẻ của tác giả...
Thứ năm, Trần Đĩnh đặc biệt tố cáo vai trò tội lỗi của cặp
đội trên đỉnh quyền lực và tàn ác của CSVN là Lê Duẩn- Lê Đức Thọ.
“Món” này của Trần Đĩnh chỉ thú vị vì các chi tiết “gia vị” vụn vặt thêm
thôi, không có giá trị lịch sử (mới) nào cả. Một là thư 15 trang được
cho là của bà Vân vợ sau của ông Duẩn còn có nhiều chi tiết mới hơn 600
trang của Trần Đĩnh, và cũng chẳng kém những “gia vị” lạ...
Thứ sáu, Trần Đĩnh cũng rất tích cực minh oan, giải oan
cho hàng loạt nhân vật bị Hồ và cặp đôi Duẩn-Thọ hãm hại, từ Võ Nguyên
Giáp đến rất nhiều người khác... Đây có lẽ là một mục đích chính của
“truyện tôi”, cũng là lý do nó thoát mọi kiểm soát gắt gao của CSVN (phe
Mao “nhều”) để ra mắt, và cũng giải thích tại sao sau hơn 20 năm “lên
bàn đẻ” nó mới được nhào nặn ra... Thời điểm ra đời của Đèn Cù vì
một lương tâm cắn rứt thì là quá muộn, vô nghĩa, nhưng vì một xu thế
“xét lại” nhưng vẫn quyết tâm bảo về đảng CS cầm quyền, thì thật là đúng
lúc...
Giá trị thứ bảy, gián tiếp, tác giả như đã chỉ ra, thoát
Trung là con đường tất yếu và sinh tử của Việt Nam để tồn tại (độc lập).
Lại cũng là giá trị “luẩn quẩn”, vì không mới, không đặc sắc, vẫn chỉ
tù mù...
Cuối cùng, nhiều người đánh giá Đèn Cù về giá trị
văn học độc đáo của nó, với cách viết tưng tửng trần trụi nhiều khi rất
trần tục, gây ấn tượng khá mạnh qua các chi tiết “độc” rất đời, rất
“con” để nói về những kẻ ít “người”... (giống y như giọng văn trong “Bất
khuất” viết theo lời kể của Nguyễn Đức Thuận mà Trần Đĩnh đã dùng để
miêu tả phe địch - những kẻ cai tù ở Côn Đảo). Như vậy, bút pháp của tác
giả không mới, sau hơn 50 năm vẫn chỉ lặp lại chính mình. Ai đã đọc kỹ
“Bất khuất” sẽ thấy Trần Đĩnh “giậm chân tại chỗ” ăn tiền. Điều này đưa
ra câu hỏi: Bộ mặt thật của tác giả là gì? Tác giả đang đứng ở đâu? Hôm
qua tác giả “chửi” kẻ thù là “mất dạy!”, hôm nay chửi thần tượng và cựu
đồng đội cũng như thế, và tự hào mình là cộng sản thân Nga...
Tóm lại, dù được mọi người đề cao và gắn cho nhiều giá trị lớn lao, tôi vẫn nghi ngờ giá trị đích thực của Đèn Cù
và mục đích của Trần Đĩnh qua “truyện tôi”, tôi tin thời gian sẽ sàng
lọc lại và đưa nó về đúng vị trí của nó, ví dụ như lịch sử cũng sẽ làm
thế với Giáp - một thần tượng không sứt mẻ của tác giả Đèn Cù.
Tôi để ý thấy những người (có bài viết) ca ngợi Đèn Cù thường là ở
nước ngoài - luôn sẵn sàng tung hô tất cả những gì là “phản tỉnh” không
cần biết có cả những phản tỉnh giả để đổi màu của CSVN, hay những người
miền Trong - chưa hiểu CSVN ở miền Bắc và nội tình CSVN lắm nên rất tò
mò và... được toại nguyện? Còn người Bắc (hiểu rõ CSVN có thể và đang
làm trò gì), và vẫn đang ở trong nước để “chịu trận” suốt đời, thì tại
sao không hào hứng lắm với Đèn Cù? Hỏi, đã là trả lời.
Cá nhân tôi không đánh giá cao các giá trị trên của Đèn Cù (sẽ còn được thời gian kiểm duyệt), mà còn nhìn thấy nhiều hạn chế lồ lộ của Đèn Cù/Trần Đĩnh, không đáng được ca ngợi đến thế và có thể gây nhiều ngộ nhận.
Đèn Cù rất tù mù và lẩn quẩn
Trần Đĩnh dùng hình ảnh cái đèn cù để tượng trưng cho, và qua đó đánh
giá về chế độ CSVN mà ông đã cả đời phục vụ, cống hiến, dù về sau không
được trọng dụng nữa.
Tôi thì thấy, cái đèn cù với đặc trưng là rất tù mù (ánh sáng đèn cầy)
và luẩn quẩn (xoay tròn mãi cũng chỉ có bằng ấy hình ảnh luẩn quẩn) lại
rất đặc trưng cho chính tác giả và tác phẩm: luẩn quẩn và tù mù. Hơn thế
nữa, tác giả là một hình nét lờ mờ và quay lòng vòng trên cái đền cù
ấy, không đứng ra ngoài mà nhìn xem ai đã dán nó, ai đã quay nó, quay
mình được.
Thứ nhất, Đèn Cù của Trần Đĩnh rất luẩn quẩn vì dù
nói ra sự thật nhưng Trần Đĩnh hầu như không nói ra được sự kiện gì mới
cả (có lẽ chỉ trừ sự kiện/chi tiết “hot” là Hồ bịt râu che mặt đi xem xử
bắn thí điểm ân nhân của CSVN - bà Năm, cùng với Chinh đeo kính râm bên
cạnh). Tất cả những điều Trần Đĩnh nói trong Đèn Cù đều đã được
biết đến (như cuộc sống tình dục của Hồ, như cuộc đấu đá giữa Hồ với cặp
Duẩn-Thọ, như các vụ thanh trừng nội bộ theo tư tưởng Mao-it...), và
Trần Đĩnh chỉ thêm các chi tiết vụn vặt. Có nghĩa là, trên cái đèn cù
CSVN vẫn chỉ có từng đó hình ảnh, câu chuyện và Trần Đĩnh chỉ cho quay
lại với việc chỉ ra vài chi tiết như hình ông này có râu, hình kẻ kia có
đuôi... mà thôi.
Vì thế, tôi nói Đèn Cù rất luẩn quẩn. Với những người sống cả đời với CSVN như tôi, cả nội dung lẫn giọng văn của Đèn Cù chả
có gì mới lạ. Ừ thì là cái nhìn của người khác, người khá đặc biệt,
cũng rất đáng đọc, nhưng no big deal! - không có gì quá to tát cả, vì là
sự lặp lại của chính tác giả mà thôi. Thậm chí, sự luẩn quẩn về nội
dung và phong cách viết của Trần Đĩnh làm tôi thấy hụt hẫng...
Thứ hai, Đèn Cù của Trần Đĩnh rất tù mù. Đó là tôi nói về quan điểm, cách nhìn của tác giả lên các vấn đề, nhân vật chính được nêu ra trong Đèn Cù. Tôi xin dẫn chứng ba trường hợp: về Hồ, về bọn “xét lại”, và về Mao “nhều”...
Về Hồ, thời trẻ Trần Đĩnh coi Hồ là thần tượng. Thời đó, ở miền Bắc, ai
không coi Hồ là thần tượng thì là không bình thường: phi thường như
Duẩn-Thọ, hoặc điên (ăn gan hùm). Nhưng với sự gần gũi Hồ nhiều năm, đã
phát hiện ra Hồ nhiều mặt với nhiều chi tiết bẩn thỉu, mà Trần Đĩnh chỉ
“tiếc cho” Hồ và Chinh... thì quả là một cách nhìn tù mù không đi vào
bản chất. Trần Đĩnh có thể không Mao “nhều”, nhưng theo tôi, như đại đa
số “nhà phản tỉnh” của VN gần đây, từ Vũ Thư Hiên đến Bùi Tín và Trần
Đức Thảo,... bị Hồ “nhều”. Trần Đĩnh còn thêm cả Chinh “nhều”, Giáo
“nhều” nữa, Đồng “nhều” nữa... thôi thì trọn “bộ”.
Khi viết (tiểu thuyết hay tiểu sử) Trần Đĩnh rất biết khai thác chi tiết
vụn để lột tả bản chất nhân vật, nhưng khi đánh giá Hồ, Chinh... ngoài
đời, Trần Đĩnh đã nhìn thấy vô số chi tiết vụn đen tối của họ mà vẫn
không nhìn ra bản chất đen tối của họ. Vì thế tôi thấy Đèn Cù vừa
luẩn quẩn vừa tù mù. Nó không nhất quán với cách viết và lột tả của
Trần Đĩnh trong các tiểu thuyết, tiểu sử khác, và nó thể hiện hạn chế
thế hệ (giới hạn thế hệ) của tác giả.
Những năm học viết báo ở Bắc Kinh, Trần Đĩnh đã nhìn ra bản chất tàn bạo
vô độ của Mao, thấy sự ảnh hưởng của Mao lên toàn bộ chế độ Bắc Việt
thế nào, thấy bọn Mao “nhều” thống trị đất nước thế nào..., vậy mà Trần
Đĩnh không nhìn ra cả cái đảng CSVN với Hồ chính là Mao “nhều” nhất, để
rồi vẫn tách Hồ ra khỏi đám Mao “nhều”, và không hề dám nói cả đảng CSVN
đều Mao “nhều”. Vì vậy, có thể nói, Trần Đĩnh chi lo biện minh cho mình
là không Mao “nhều” là chủ yếu. Cái nhìn của Trần Đĩnh vẫn quá tù mù
cộng sản, không thoát được khỏi cái bong bóng cộng sản bao trùm tất cả
và nằm trong quan điểm của chính tác giả Đèn Cù.
Người ta nói, ở trong chăn mới biết chăn lắm rận, nhưng với cái chăn
khủng CSVN thì người trong chăn nếu không kịp chui ra sẽ thành rận hết
cả, còn làm sao nhìn ra rận nữa. Cũng như thế, Trần Đĩnh chỉ chui ra cái
chăn Bắc Kinh vài năm, nhận ra vào điều về “rận tổ” Mao, rồi lại chui
vào chăn CSVN sống với “rận Hồ và con cháu” đến nay, dù nhiều khi bị
“đảng rận” để cho lạnh cóng, nên vẫn chẳng nhìn ra rận... cũng là mình.
Cuối cùng, Trần Đĩnh rất tự hào mình là kẻ “xét lại”, và dành rất nhiều trang trong Đèn Cù để
bênh vực, minh oan và ca ngợi những kẻ “xét lại”, từ Giáp trở xuống...
“Xét lại” là theo đường lối của cộng sản Liên xô, mà Liên xô chỉ miệng
nói “chung sống hòa bình” còn tay chân đều tuồn súng đạn sang các nước
khác giục/bắt đánh chiếm nước khác (Bắc Việt và Bắc Triều đều đánh chiếm
miền Nam bằng vũ khí của Nga sô) thì Trần Đĩnh không nhìn ra? Theo Liên
xô để nhận súng đạn Nga tràn ngập miền Bắc để “giải phóng” miền Nam là
yêu hòa bình và chống chiến tranh ư? Không có súng đạn Nga thì làm sao
CSVN thắng được VNCH và vũ khí Mỹ? Đúng là cái nhìn quá tù mù của Đèn Cù.
Đèn Cù có thể nguy hiểm: làm người đọc ngộ nhận
Vâng, tôi thấy Đèn Cù có thể làm người đọc ngộ nhận, rằng Trần Đĩnh đả phá chế độ cộng sản. Hoàn toàn không phải thế. Mục đích của Đèn Cù là
bênh vực cộng sản, nhưng chỉ là một phe của cộng sản “chân chính” thôi:
phe thân Nga cũ (vì bây giờ có Nga cộng sản nữa đâu mà thân!).
Phe này trong đảng CSVN hiện nay khá đông và khá mạnh, có thể chi phối
tầng lớp cán bộ đảng cấp trung. Và phe này gồm những kẻ có học, khá giả,
nhưng không có quyền quyết định chính sách (vẫn bị Mao “nhều” khống
chế. Vì thế Trần Đĩnh có thể viết và in Đèn Cù mà không sợ bị phe kia - Mao “nhều” bắt giam như ông Phạm Viết Đào. Bởi vì những sự thật mà Đèn Cù
cho sáng lờ mờ lên chả làm hại ai - ở VN thì Duẩn-Thọ đã chết, ở bên
kia thì Mao cũng toi rồi... Còn đảng CSTQ và đảng CSVN thì Trần Đĩnh đâu
có động đến cái lông chân nào?
Thế cho nên, có lẽ Đèn Cù ra đời là có lợi cho phe Giáp “nhều”,
Hồ “nhều” mà Trần Đĩnh ca ngợi, là chủ yếu, còn phong trào dân chủ ư?
Chỉ là chút xíu, còn là ngộ nhận.
Tại sao ngộ nhận ở đây lại nguy hiểm? Bởi vì nếu ngộ nhận về Đèn Cù
như đa số hiện nay thì sẽ ủng hộ phe cựu “xét lại” Giáp “nhều” của Trần
Đĩnh. Mà phe cựu xét lại hay phe thân Tàu thì cũng đều là những kẻ muốn
kéo dài chế độ CSVN cả, cách này hay cách khác, vì phe nay hay phe khác
mà thôi, bên dưới mông chúng mới là quyền lợi dân tộc, là dân chủ, là
hiến pháp... Tức là, ngộ nhận về Đèn Cù sẽ có thể vô tình dẫn đến ủng hộ CSVN!
Đó là điều tôi nghĩ chúng ta - những người đấu tranh dân chủ cho VN -
cần tỉnh táo tránh bằng mọi cách: không nên vô tình giúp CSVN đổi màu.
Vì nếu chúng đổi được màu, cái ách CS gồng trên cổ dân tộc Việt sẽ còn
lâu dài và nặng nề hơn, siết chặt hơn, dù chúng là Mao “nhều” hay Nga
“nhều” hay “cộng sản phản tỉnh”!
Đơn giản là, vì mọi loại cộng sản (với những thứ như “dân chủ tập trung”
hay “tập trung dân chủ” hay “dân tộc dân chủ”, hay “quốc tế dân chủ”
v.v... của chúng) đều không thể đội trời chung với Dân chủ đích thực từ
Quyền của Con người.
0 comments:
Post a Comment