Saturday, October 18, 2014

Nhà máy đóng tàu

Tôi có một chiến thắng. Đó là phá hủy hoàn toàn chế độ cũ, một chế độ tồi tệ. Chiến thắng ấy xuất phát từ nhà máy đóng tàu này, mà cung cấp việc làm cho 17.000 người.

Nhà máy đóng tàu

Ông nghĩ đặc trưng nào góp phần lớn nhất vào sự thành công của ông?

Có hai nhân tố-một là đức tin của tôi ở Đức Chúa. Tất nhiên tôi là tín hữu có tội, nhưng tôi coi trọng đức tin của mình. Nhân tố thứ hai là tôi tin tưởng vào mục đích đấu tranh của mình. Ngoài ra không có gì khác. Tôi không có những điểm mạnh nào khác. Tôi nghèo, thất học, gia đình đông con... Nếu chúng ta có đức tin-và niềm tin vào điều chúng ta làm-thì mọi người trong chúng ta có thể thật sự tiến rất xa trong đời.

"Cuối cùng chúng ta có công đoàn tự chủ, độc lập."

Ông là thợ điện?

Vâng

Ông có thể cho biết đôi chút về công việc của ông đã làm ở đây?

Tôi làm việc với tàu thủy. Tôi làm công việc này được 10 năm trước khi họ đuổi tôi.

Ông bị đuổi việc bao nhiêu lần?

Chuyện ấy thì nhiều lần. Vào năm 1976, tôi bị đuổi việc ở nhà máy đóng tàu này. Zremb. Vài nhà máy khác. Elektromontaz. Rồi họ nhận thức rằng đuổi việc tôi chẳng có lợi gì vì như thế tôi lại càng có nhiều thời gian rảnh hơn để làm những chuyện phá hoại. Tôi dành thời gian ba tháng đi khắp nơi trong thành phố phân phát truyền đơn. Vì vậy họ quyết định tốt hơn hết cho tôi đi làm trở lại." Hắn hơi bị điên cuồng về chính trị, hắn nói về đối lập và làm những chuyện phá hoại. Hắn là thằng điên."

Nhưng ông chẳng phải là người điên?

Chắc chắn không rồi. Nhưng theo quan điểm của họ, có lẽ tôi bị điên thiệt. Họ thường nói..."Hắn có biết hắn đang làm gì không? Chúng ta có 200.000 lính Xô viết theo dõi hắn. Hơn 1 triệu người trên khắp Ba Lan cũng theo dõi hắn. Chúng ta có những kho ngầm chứa đầy vũ khí hạt nhân, thế mà hắn lại muốn lật đổ họ bằng truyền đơn?"

Vơi tư cách nhà hoạt động đối lập tôi đã hỏi những nhà lãnh đạo của thế giới- các thủ tướng, tổng thống, và cả quốc vương- chúng tôi có thể đánh bại cộng sản được chăng. Không ai trong số họ đã cho chúng tôi cơ hội mong manh nhất. Người ta cứ lặp đi lặp với tất cả chúng tôi rằng chỉ chiến tranh hạt nhân mới có thể thay đổi mọi thứ.

Rồi một điều kỳ diệu đã diễn ra. Một Đức Giáo Hoàng người Ba Lan đã được bầu ra. Đức Giáo Hoàng này đến Ba Lan trong cuộc viếng thăm chính thức và cả thế giới đều đưa mắt nhìn về Ba Lan. Mọi người kinh ngạc. Chúng tôi cầu nguyện rất thành tâm. Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha thậm chí ảnh hưởng cả đến công an chính trị và những người cộng sản. Chúng tôi nhìn họ vì thấy họ đang học làm dấu thánh. Dĩ nhiên, họ đã không học những lời kinh thánh, nhưng họ cũng làm được dấu thánh. Nếu họ là những người theo đạo như chúng tôi, thì họ không thể nào là những người cộng sản thật sự. Họ chỉ là những củ cải đỏ-đỏ chỉ ở bên ngoài nhưng trắng ở bên trong. Chúng tôi không còn sợ những củ cải đỏ ấy nữa.

Nhưng cộng sản, đặc biệt Liên Xô, đang theo dõi chúng tôi. Khi họ thấy tình hình Ba Lan diễn ra đáng ngại như thế, tức hầu hết mọi người vẫn còn có đức tin, sau gần 50 năm dưới chế độ cộng sản, họ đâm ra hoảng hốt. Họ ra sức ám sát Đức Thánh Cha. Họ đã mưu sát hại Người. Nhưng Đức Thánh Cha, dù chẳng phải bất tử, vẫn còn sống qua vụ ám sát. Và rồi họ càng hoảng sợ hơn nữa.

Chúng tôi nhận thức chúng tôi có rất đông người. Chứ chẳng phải chúng tôi chỉ có một vài người thôi. Cho nên chúng tôi rất tin tưởng vào sức mạnh của mình.

"Trận bóng đá giữa đội Lechia của Gdansk với đội Juventus của Turin Ý để tranh giải Cúp Châu Âu"

Chúng tôi có một cơ hội ở trận bóng đá để nói thẳng vào mặt nhà cầm quyền, "Không, không... không phải như thế. Chính quyền đang nói láo với chúng tôi."

Chính quyền nói rằng không có đối lập, rằng phong trào Công đoàn Đoàn kết đã thất bại, còn Walesa đã hết thời và hoàn toàn bị quên lãng. Tôi bị giám sát rất chặt chẽ cho nên tôi phải nghĩ ra mưu kế vì nhà cầm quyền nhất định sẽ không cho tôi vào. Cho nên tôi hóa trang. Khi tôi đã an toàn ở trong sân vận động, nơi nhà cầm quyền không thể nào với đến tôi được, tôi cởi quần áo ra và tiết lộ tôi là Lech Walesa. Hầu như cả thành phố náo động. Nhà cầm quyền rất khiếp sợ.

Có những lần khác tôi giả thành đàn bà.

Ông mặc áo quần phụ nữ?

Tất nhiên.

Ông giả phụ nữ có đẹp không?

Không, không... Tôi cam đoan với ông chẳng bao giờ ai thèm tán tỉnh tôi.

Vào thời đó tôi đấu tranh từ mọi góc độ có sẵn. Không có nơi nào mà tôi không đấu tranh. Với giải Nobel, tôi dùng vợ tôi như vũ khí. Họ muốn tôi đi đến Na Uy để không cho tôi trở về. "Nếu Phương Tây thích ông và trao cho ông giải Nobel, thì họ có thể nhận ông. Tại sao ông không ở lại đấy?"

"Bản thân Walesa đã trải nghiệm một ngày mà trôi qua khá yên ắng. Ít có hoạt động chào mừng hay cảnh những đám đông vỗ tay ở Gdansk vì giải Nobel hòa bình được công bố ở Oslo cách nơi đây 500 dặm. Bên trong nhà linh mục, người ta sốt ruột bấm nút dò tìm đài radio phát thanh trên làn sóng ngắn.

Dường như âm thanh duy nhất họ nghe được trong hồi lâu là tiếng ồn do bị nhiễu sóng. Nhưng mặc dù Chương trình Tin tức Thế giới của đài BBC bị phá sóng, nhưng Đài Châu Âu Tự Do đã giúp họ, cho phép Walesa lắng nghe vợ ông đang đọc diễn văn. Ông dò lại bản gốc để chắc chắn rằng vợ ông đọc đúng hoàn toàn."

Có lẽ ta không nên dùng giải Nobel như một con tốt trong bàn cờ, nhưng ông biết... tôi có mục đích-làm sụp đổ chế độ cộng sản.

Trong quá trình đấu tranh ấy chúng tôi đã thua nhiều trận, nhưng cuối cùng chúng tôi đã chiến thắng cuộc chiến một cách ôn hòa.

Có rất nhiều điều khó khăn, nhưng tôi đã có thể vượt qua được. Giống như ai đấy đang dẫn dắt tôi đi vậy. Chẳng hạn- vào ngày 14 tháng Tám, 1980. Tôi phải đến đấy vào lúc 6 giờ sáng để bắt đầu cuộc đình công. Vì lý do nhỏ nhặt nào đấy, tôi không biết, tôi đã đến trễ đến hai hay ba giờ đồng hồ. Nếu như tôi rời khỏi nhà như đã định, tôi sẽ không có cơ hội đi đến nơi đấy. Tôi luôn luôn bị giám sát. Bất kỳ hành động gây nghi ngờ nào cũng đều khiến họ sẽ bắt giữ tôi lại ngay. Chính quyền Gdansk đang gọi cấp trên của họ ở Warsaw, hỏi họ nên làm gì với Walesa vì ông ta sẽ tham gia đình công. Họ bàn bạc với nhau rất lâu, cuối cùng tôi lén họ đi, nhảy qua hàng rào vào bên trong nhà máy đóng tàu này. Nếu như tôi rời nhà đúng giờ, tôi sẽ không có cơ hội tham gia đình công.

"Chúng ta có quyền đình công."

Tôi chỉ thấy mình nên lật đổ chế độ cộng sản, và tôi đã thành công hoàn toàn trong việc này, nhưng đó là cả một quá trình phá hủy. Tôi đã từng thích xây dựng nên cái gì đấy đẹp đẽ và bền vững. Tôi đã có thể vẫn còn thay đổi mọi sự một chút; tôi biết đôi điều về cuộc đời này. Tôi có một chiến thắng. Đó là phá hủy hoàn toàn chế độ cũ, một chế độ tồi tệ. Nhưng ông biết, tôi đạt được chiến thắng ấy ở trong nhà máy đóng tàu này.

Và bây giờ hãy nhìn lại nhà máy xem. Thấy thật hơi đau lòng. Đây là người mẹ của cách mạng nhưng chúng tôi đã không săn sóc mẹ. Nhà máy giờ giống như một con người hấp hối, mọi thứ đều tàn lụi và khô rút lại. Nó giờ giống hệt như một người già- như tôi-hấp hối, tàn lụi, rã rời,... nhà máy giờ cũng trông giống như thế. Thật tốt đẹp là họ đang xây dựng cái gì đấy, mà sẽ khác trước. Nhưng chính những hình ảnh vào thời đó sẽ sống mãi trong lòng tôi.

Vào năm 1989, Công đoàn Đoàn kết thắng 99 trong tổng số 100 ghế ở Thượng viện.

Cùng năm ấy Bức tường Berlin sụp đổ.

Walesa là tổng thống Ba Lan từ 1990 đến 1995.

Vào năm 1991 Liên Xô không còn tồn tại.

Nguồn:

The New York times 7/10/2014

0 comments:

Powered By Blogger