Từ khi vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cuối năm ngoái, nhà cầm
quyền cộng sản Việt vẫn không ngừng đàn áp những người hoạt động Nhân
quyền. Việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm (thực tế chỉ là trò đổi
chác chính trị với quốc tế) không biện minh được cho việc mạng lưới công
an và an ninh Việt Nam vẫn ngày đêm theo dõi, sách nhiễu gia đình những
người đấu tranh, đàn áp biểu tình chống Trung Quốc, quấy phá công việc
làm, bôi nhọ danh dự những người lên tiếng đối kháng…
Gia đình tôi gần đây liên tục bị sách nhiễu. Em trai tôi Huỳnh Trọng
Hiếu và vợ con, chị họ tôi Huỳnh Phương Ngọc liên tục bị theo dõi, quấy
phá và bắt giữ tùy tiện. Điều này tất nhiên không khiến chúng tôi ngừng
những công việc mình đang làm, nhưng nó cũng lấy của chúng tôi nhiều sức
lực và tâm lực. Đó là chưa nói nó cản trở và gây khó khăn cho công việc
sinh nhai của tất cả các thành viên của gia đình tôi.
Một ngày họ bắt giữ em trai tôi Huỳnh Trọng Hiếu có nghĩa là ngày hôm đó
em tôi không thể đi giao cà phê đúng hẹn với khách hàng. Vợ chồng tôi
và vợ chồng em trai tôi cùng dựa vào công việc bán cà phê hạt rang
online để sinh sống. Đúng như công an Quảng Nam và Sài Gòn đã từng đe
dọa, họ sẽ “đánh phá kinh tế” để chúng tôi không có thời gian tham gia
công việc xã hội và lên tiếng cho Dân chủ, Nhân quyền. Đó là hành xử vô
lương tâm chứ không đơn giản chỉ là là sự quấy rối.
Ngày 7 tháng 9 năm 2014, công an phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hô, tỉnh
Đak Lak (quê chồng tôi) đã mang đến một giấy mời yêu cầu tôi lên công
an phường làm việc về chuyện tôi đang tạm trú tại nhà chồng mình. Đây
không phải là lần đầu tiên họ làm phiền chúng tôi, mượn cớ là “hướng dẫn
về thủ tục tạm trú”. Tôi đã nghĩ, những chuyện nhỏ như vậy không đáng
để khiến những người quan tâm, yêu mến tôi bận lòng. Nhưng hôm nay tôi
nghiệm ra rằng: nếu tôi bỏ qua những chuyện nhỏ thì họ sẽ còn làm phiền
tôi nhiều hơn và lớn hơn nữa.
Ngày 10 tháng 9 năm 2014, hai an ninh tỉnh Dak Lak và một công an phường
Thống Nhất đến nhà chúng tôi yêu cầu làm việc với tôi về các vấn đề Hội
nhóm xã hội dân sự, đặc biệt là Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Nhưng
chồng tôi bực mình vì họ làm phiền chúng tôi quá nhiều, nên đã không
tiếp đón và mời họ về.
Tôi từng nói rất rõ trên Facebook rằng tôi không có gì để chia sẻ với an
ninh vì tôi không hy có thể vọng xoay chuyển thái độ của họ từ thù hằn
sang thấu hiếu các hoạt động đấu tranh cho Nhân quyền. Nếu họ chịu dùng
lương tri để lắng nghe chuyện phải trái thì nhiều bài viết tâm huyết
trên mạng đã có thể khiến họ thay đổi thái độ và cách hành xử. Ở đây, họ
hành động vì quyền lợi của họ và gia đình mà bất chấp lương tâm và công
lý. Tôi có công việc gia đình và nhiều việc khác phải làm, không kể đến
chuyện sức khỏe tôi không tốt, nên tôi không có thời gian để tiếp
chuyện an ninh.
Tôi nhớ hôm bị bắt vào đồn công an phường 2, thành phố Cao Lãnh, khi từ
chối trả lời các câu hỏi của an ninh tỉnh Đồng Tháp, tôi bảo với họ:
“Tôi và các anh đã quá hiểu nhau. Tôi không có gì để chia sẻ thêm. Các
hoạt động của tôi và của Hội PNNQVN đều minh bạch và công khai, anh có
thể tìm trên internet. Xin anh đừng buộc tôi phải lớn tiếng với anh, vì
tôi không có thù hằn gì với cá nhân anh cả, anh cũng chỉ là tay sai của
chế độ thôi”. Anh ta đã tức giận lớn tiếng: “Chúng tôi không phải là tay
sai mà là những người đứng trong hàng ngũ đầu tiên bảo vệ chế độ”. Vậy
là rõ nhé!
Đến sáng hôm nay, ngày 2 tháng 10 năm 2014, hai nữ an ninh tỉnh Dak Lak
lại đến yêu cầu được nói chuyện với tôi, cũng về chuyện Hội đoàn mà tôi
đang tham gia. Tôi đã nói, vì thời gian và ưu tiên tôi dành cho Hội phụ
nữ cùng nhiều lý do tế nhị khác không tiện chia sẻ với họ, nên hiện tại
tôi chỉ là thành viên của Hội PNNQVN, chứ không tham gia bất cứ hội đoàn
nào khác. Những câu hỏi thọc mọc riêng tư khác tôi từ chối trả lời. Tôi
nể tình hai người này cùng là phụ nữ nên dành cho họ 5 phút nói chuyện
rồi mời họ về.
Tôi biết chắc đây không phải là lần cuối cùng họ sách nhiễu tôi, và đã
chuẩn bị tinh thần cho mọi hành động mạnh tay hơn của họ. Sự thận trọng
của một người với tư cách là người điều phối một nhóm xã hội dân sự
không đồng nghĩa với sự lùi bước trước bạo quyền.
Cuộc biểu tình của sinh viên Hongkong chống chế độ độc tài Hoa Lục đã
khiến tôi vô cùng xấu hổ. Họ là những thanh niên giỏi giang, năng động,
có kiến thức, sáng tạo và dũng cảm. Tôi và thanh niên Việt Nam cần học
hỏi họ nhiều hơn nữa, vì tôi hiểu rằng những nỗ lực lên tiếng của tôi
cho Dân chủ, Nhân quyền và Tự do trước nay là chưa đủ.
0 comments:
Post a Comment