Friday, October 17, 2014

Hồng Kông: Phép thử của biểu tình bất bạo động

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
000_TS-Was8872465.jpg Hình ảnh cảnh sát Hồng Kông tấn công sinh viên biểu tình ngày 15 tháng 10 năm 2014.AFP PHOTO / ALEX OGLE
Cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên học sinh Hồng Kông đã bước sang một bước ngoặc mới khi cảnh sát tiến hành các cuộc đàn áp bằng sức mạnh bất kể người biểu tình vẫn kiên cường không tỏ thái độ chống lại hay bỏ cuộc. Liệu sức chịu đựng của họ kéo dài được bao lâu và thử thách này phải nên chấp nhận trong thái độ nào?

Gây khó khăn cho chính quyền?

 
00:00
00:00

Bất bạo động là cụm từ đang được các nhà tranh đấu cho dân chủ chú ý nếu muốn áp dụng nó vào hoàn cảnh của một tập thể yếu sức chống lại với một chính quyền trang bị tận răng. Một đám đông sử dụng chiến thuật bất bạo động dễ gây khó khăn cho chính quyền hơn là bắt đầu sự chống đối bằng hành vi bạo lực.
Khi họ gặp tình huống những người phản đối biểu tình gây hấn trong đám đông thì mọi người có hình thức rất ôn hòa là hát những bài hát như bài Happy Birth Day để phát hiện và mời người đó ra khỏi đám đông.
-Nguyễn Thị Phương Uyên
Khó khăn mà bất cứ nhà độc tài nào cũng gặp là sự chùn bước trước sự im lặng dữ dội của đám đông. Vũ khí sẽ tỏ ra bất lợi khi dùng nó đối phó với quần chúng bất kể mục đích của họ là gì. Trong nhiều trường hợp, chính phủ sẽ kéo dài sự im lặng hay phản ứng rất nhẹ nhàng chờ đợi sự mỏi mệt và phân hóa ngay trong nội bộ của đầu não tổ chức ấy. Trường hợp của “cách mạng cây dù” đã diễn ra theo kịch bản này và phần tiếp theo mới là sự đối mặt gay gắt của cả hai phía.
Phía nhà nước Hong Kong nếu im lặng kéo dài sẽ kéo theo sự suy sụp kinh tế và thị trường tài chánh vốn là nguồn lợi chính thức của đảo quốc. Phía Bắc Kinh nếu người biểu tình tiếp tục chiếm lĩnh khu Trung Hoàn thêm vài tuần nữa thì người dân đại lục sẽ lấy đó làm niềm hứng khởi cho các cuộc biều tình chống chính phủ như các vụ biểu tình mới nhất tại Vân Nam. Sự chờ đợi sinh viên Hong Kong mỏi mệt đã tỏ ra thất bại và giải pháp đàn áp đã được mang ra áp dụng.
Về phía sinh viên, bắt đầu từ tối 26 tháng 9 tới nay đã gần ba tuần lễ dù sao thì họ cần phải luân chuyển nhau nếu muốn giữ lửa mặc dù vẫn đoàn kết và giữ vững lập trường bất bạo động nhưng trong nhiều trường hợp sự mỏi mệt đã lộ ra và lập tức chính quyền Hong Kong áp dụng ngay biện pháp phủ đầu bằng cách thẳng tay đàn áp, đánh đập thậm chí tấn công không khoan nhượng.
46 người bị bắt, hàng trăm căn lều bị xé rách, mọi chướng ngại đều bị giải tỏa và nhất là đã có máu đổ. Xét về bề ngoài thì sự đàn áp chưa đến nỗi thô bạo nếu so với các cuộc cách mạng khác tại Trung Đông hay Bắc Phi tuy nhiên đối với Hong Kong, xứ sở có truyền thống dân chủ từ hơn trăm năm qua thì việc cảnh sát đánh đập sinh viên, học sinh là hành động khó tha thứ.

Bỏ cuộc hay chống lại?


000_Hkg10106961-400.jpg
Cảnh sát Hồng Kông bắt người biểu tình hôm 15 tháng 10 năm 2014. AFP PHOTO / Philippe Lopez.

Sinh viên phải lựa chọn quyết định ngay vào lúc này nếu không muốn phong trào tan biến vào quên lãng. Câu hỏi đặt ra họ là có cần thiết phải giữ chủ trương bất bạo hay không và nếu giữ thì sự chịu đựng được bao lâu. Câu hỏi này là cũng là mối quan tâm của chính quyền đang chăm chú nhìn vào động thái của họ để điều chỉnh cách đối phó.
Nếu sinh viên tiếp tục chịu đựng những đòn tấn công bạo lực của cảnh sát họ sẽ thu được cảm tình của thế giới, sẽ được các nước lớn quan tâm và chính người dân bản xứ cũng sẽ có phản ứng trước việc con em họ bị đánh đập, đàn áp.
Tuy nhiên sức người có hạn, những thân hình mảnh dẻ còn ngồi trong ghế nhà trường ấy không phải sinh ra để bị đánh đập. Môi trường sống được bảo vệ từ nhỏ dễ làm họ bị tổn thương hơn khi đụng chạm với bạo lực nhất là bạo lực đến từ người cộng sản. Khi thân thể bị chấn thương cũng chính là lúc dễ bỏ cuộc nhất vì vậy một lần nữa câu hỏi lại đặt ra: bỏ cuộc hay phản ứng lại bằng biện pháp bạo động?
Hong Kong nhờ vào sự trưởng thành của người trẻ, sự ủng hộ phía sau của trí thức và những đồng tình nhất định từ cha mẹ khiến sinh viên cảm thấy tự tin hơn trong khi thực hiện quyền dân chủ mình. Đối với Việt Nam tình trạng biểu tình lớn và đồng bộ như Hong Kong chưa có cơ hội xảy ra và kinh nghiệm này thật có ích cho các phong trào đòi dân chủ trong nước.
Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên, một khuôn mặt tranh đấu từng bị cầm tù đến hôm nay vẫn bị quản chế cho biết suy nghĩ của cô về câu hỏi này:
Họ ý thức được rằng cuộc đấu tranh này không phải chỉ kéo dài một ngày hay một tuần mà nó là cuộc đấu tranh rất lâu dài và họ biết rất rõ những gì có thể xảy ra, những gì có thể gặp phải.
-Nguyễn Hoàng Thanh Tâm
“Uyên rất đồng ý về cách đối phó của người biểu tình ở Hong Kong. Khi họ gặp tình huống những người phản đối biểu tình gây hấn trong đám đông thì mọi người có hình thức rất ôn hòa là hát những bài hát như bài Happy Birth Day để phát hiện và mời người đó ra khỏi đám đông. Những cách này rất là thông minh không gây sự tranh cãi. Một điều quan trọng nữa là các cuộc biểu tình luôn luôn bị đối lập cài người vào để biến những cuộc biểu tình ôn hòa thành biểu tình bạo động vì vậy cách này đối với Uyên thì khá tốt rồi.
Khi “cuộc cách mạng dù” xảy ra thì Uyên nhận được rất nhiều tin nhắn của các bạn trên Facebook cũng như qua e-mail có tâm sự với Uyên là mong muốn Việt Nam có một cuộc biểu tình như Hong Kong bây giờ. Tuy nhiên lịch sử của mình thì nó khác rất nhiều so với Hong Kong vì thế công cuộc đấu tranh của mình sẽ lâu hơn. Sự mong chờ thì cũng đúng nhưng hành động thì vẫn thiết thực hơn.”
Anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, một người trẻ khác đang sống tại Úc vừa có chuyến đi thực tế ngay tại Hong Kong trong những ngày vừa qua cho biết nhận xét của mình về sức trẻ và suy tư của thanh niên trong nước:
“Đối với môi trường Việt Nam và những diễn tiến đang xảy ra trong những năm gần đây nó cho phép chúng ta có niềm hy vọng rằng trong một tương lai gần khi sự việc xảy ra thì những người trẻ Việt Nam đeo đuổi cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ có những hành xử tương tự với các bạn trẻ tại Hong Kong. Một khi giới trẻ Việt Nam quán triệt được tinh thần đó, hiểu rõ được mục tiêu là chúng ta đang đấu tranh cho cái gì và công cụ, đường hướng mà chúng ta đấu tranh trong tinh thần bất bạo động với chế độ thì tôi tin chắc tuổi trẻ Việt Nam sẽ có cách đối phó tương tự.”
Câu hỏi được đặt ra: tiếp tục im lặng chịu đựng có phải là một thái độ hợp lý hay không? Anh Tâm cho biết:
“Nó rất là hợp lý bởi vì đứng trước sự bạo động của giới cầm quyền mà đoàn biểu tình đáp trả lại bằng hành động bạo động thì mình đã xử dụng sở đoản của mình để đối phó với sở trường của chính quyền thành ra anh em ở Hong Kong đã quán triệt được tinh thần đó một cách triệt để và rõ ràng. Họ ý thức được rằng cuộc đấu tranh này không phải chỉ kéo dài một ngày hay một tuần mà nó là cuộc đấu tranh rất lâu dài và họ biết rất rõ những gì có thể xảy ra, những gì có thể gặp phải.”
Khó khăn của Hong Kong sẽ là kinh nghiệm của Việt Nam sau này vì xu thế thời cuộc không cho phép bất cứ cuộc biểu tình bạo động nào xảy ra nếu muốn tránh đổ máu cho người vô tội. Kết quả của Hong Kong cũng là phép thử cho biện pháp bất bạo động mà rất nhiều tổ chức chính trị đang theo đuổi trong xu thế toàn cầu hiện nay.

0 comments:

Powered By Blogger