Monday, October 13, 2014

Công nghiệp Phụ trợ Việt Nam là con số Âm to tướng...

Với Thành Đô 1990, đảng CSVN không chỉ bán độc lập chủ quyền quốc gia cho Tàu cộng, mà với những “quyết định kinh tế kiểu Thành Đô” như “định hướng XHCN, nền kinh tế VN đã bị làm méo mó và lệ thuộc Trung cộng, lệ thuộc (nợ) nước ngoài hoàn toàn, mà Công nghiệp phụ trợ chỉ là một thành phần tất yếu bị cho hy sinh ngay từ đầu mà thôi, không thể cứu vãn... Nền Công nghiệp phụ trợ VN phải chết trước khi sinh ra là tất yếu, là cái giá phải trả và đảng CSVN cùng chính phủ VN đã chọn và chấp nhận trả ngay từ năm 1996. Họ chỉ làm tất cả để giữ thể chế, họ chưa bao giờ có mong muốn và kế hoạch, chiến lược làm tất cả để đất nước thịnh vượng, để kinh tế VN đi lên, để dân Việt Nam ấm no hạnh phúc. Họ không đợi được điều đó. Họ làm ngược lại, hơn ba triệu đảng viên CS phải đảm bảo được tồn tại trên đầu dân tộc trước, dù bằng cái giá đạp đổ thịnh vượng của cả xã hội và dân tộc Việt Nam...

*

Câu chuyện Công nghiệp Phụ trợ (CNPT) VN từ gần 20 năm trước

Không phải chỉ đến hôm nay, 2014, khi thực trạng của nền CNPT được báo động là Zero, là không có gì, không thể làm ra con ốc vít... thì các nhà hoạch định kinh tế VN mới nói đến CNPT. Từ 1996 tức gần hai chục năm trước, khi thành lập các Tổng Cty đầu ngành (vừa quản lý vừa kinh doanh) trực thuộc Thủ tướng (gồm 17 tổng công ty 91 và 86 Tổng công ty 90), việc phát triển nền CNPT của VN đã được Chính phủ đề ra và giao cho các tổng công ty trên thực hiện trong phạm vi và chuyên nghành của mình, thông qua cái gọi là “nhiệm vụ thực hiện và nâng cao tỷ lệ % nội địa hóa sản phẩm của ngành”. Ví dụ ngành đóng tàu đình đám khi đó (được gọi là “con gà cựa của thủ tướng”) tự nhận mục tiêu “gương mẫu” được thủ tướng khen ngơị biểu dương khắp nơi là “sẽ nội địa hóa” 60% sản phẩm đóng tàu vào năm 2020 (năm 2010 là 40%)... Các ngành khác vì thế không ai dám đưa ra mục tiêu nội địa hóa thấp hơn 40%, vì đó là chỉ tiêu rất “yêu nước” hay được thủ tướng hỏi han khắp nơi (trước ống kính TV), từ giám đốc một xí nghiệp quèn đến ông bộ trưởng... nông nghiệp!

Điều tôi muốn nói ở đây là, một quyết định chiến lược quản lý kinh tế sai (thành lập và gom các tổng công ty 90 và 91 vào tay thủ tướng) năm 1996 sai lầm như một “Hội nghị Thành đô về kinh tế” của VN sau 1990, đã bao gồm luôn một chiến lược rất sai lầm về phát triển CNPT. Bởi vì, ngay từ thời đó đã có nhiều ý kiến là không thể có và phát triển CNPT cho và trong từng ngành mà chỉ có một nền CNPT chung của cả nền kinh tế quốc gia mà thôi. Đó cũng là nhận xét của các chuyên gia sau nhiều đoàn thăm quan và nghiên cứu các nền CNPT của Nhật, Hàn, Đài loan, Thái lan, Malaysia..., Nhưng không may cho CNPT VN, họ lại không thuyết phục được thủ tướng “yêu nước” ngùn ngụt bằng bọt mép, nhìn ra nước ngoài... 

Tất cả các tập đoàn và tổng công ty đầu ngành của VN từ đó đã dựa trên chỉ đạo và mục tiêu “nội địa hóa ngành” mà thủ tướng giao để vẽ ra vô số dự án phát triển CNPT và xin được vô số đất đai ngon lành và vốn ngân sách nhà nước (tiền dân) cùng mọi chính sách ưu đãi để “triển khai” nhiệm vụ “yêu nước” của mình... Và chúng ta biết, đến nay, hầu như tất cả các dự án CNPT đó đều đã bốc hơi (tiền) và đổi chủ (đất) hết cả rồi... Nếu tất cả các “dự án yêu nước” đó của các ngành đều thành công như họ vẽ ra hay chỉ thành công 25% (số dự án) thôi thì VN hiện nay đã có nền CNPT tạm gọi là “có mặt” rồi... 

Thực tế lại là ngược lại, khi “sự vắng bóng chết người” hay cái con số không tròn trĩnh của nền CNPT VN nổ tung ra thì không thấy ai nhắc lại/đến các chỉ tiêu “yêu nước” - “nội địa hóa sản phẩm” với vô số dự án đã bốc hơi hay đắp chiếu khắp nơi bởi tất các các “quả đấm thép chủ lực” của thủ tướng cả... Người ta, các “chuyên gia” của chính phủ, đều chỉ tay về hướng khác: các FDI quá khó khăn và các DNVVN quá yếu kém...!

Ví dụ, để nội địa hóa sản phẩm tàu biển, Vinashin nhất định phải luyện thép đóng tàu (ở Hải Dương) và chế tạo động cơ diesel thủy (ở Vĩnh Phúc) hay xưởng đúc rèn cơ khí hiện đại (ở Hải Phòng) - tất cả đều từ vài chục đến vài trăm triệu đôla Mỹ... thay vì... bắt đầu từ chỉ làm ốc vít, co, cút... và các linh kiện đơn giản khác nhưng VN vẫn phải đi nhập (những thứ chỉ cần đầu tư ít hơn rất nhiều). Nay thì thép đóng tàu và động cơ diesel chắc chắn phải chờ 100 năm nữa may ra mới có, mà ốc vít, co cút đóng tàu cũng vẫn không có luôn. Đó cũng là bức tranh chung của tất cả các ngành khác của VN hôm nay, không chỉ của VNS... 

Thế nào là một chiến lược tốt cho nền CNPT?

Một chiến lược phát triển CNPT tốt hay đúng, theo quan sát, trải nghiệm và suy ngẫm của tôi (một kỹ sư đã phải/được làm trong các ngành công nghiệp VN gần 40 năm nay từ các vị trí quản lý cấp thấp và trung trong cả ba lực lượng kinh tế nhà nước, tư nhân và FDI, trong đó nhiều năm là với CNPT...), phải có 5 (năm) yếu tố cơ bản sau: 

1) “Nó” phải là mục tiêu và nền tảng chung các ngành (kinh tế nhà nước) cùng làm nên (vì thế gọi là “nền” CNPT, kết nối các ngành công nghiệp khác nhau); 

2) Nó phải được kết hợp hài hòa trong chính sách thu hút lực lượng FDI để FDI hỗ trợ chứ không bóp ngẹt CNPT như hiện nay; 

3) Nó phải xác đinh khai thác và ưu tiên cho các thế mạnh (nhỏ, mềm dẻo, sáng tạo... ) của lực lượng kinh tế tư nhân - các doanh nghiệp VN; và 

4) “Nó”phải được hỗ trợ bằng chiến lược, chính sách pháp lý, ưu đãi đất đai và tài chính dài hạn từ Nhà nước, chính phủ nữa; và 

5) Khi thực hiện, “Nó” phải được toàn xã hội, thị trường, các công nghiệp địa phương, các ngành dịch vụ thương mại và phân phối bán sản phẩm... tham gia và ủng hộ tùy theo thế mạnh của họ, mới hiệu quả. Điều này là để ngăn chặn sự tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường CNPT của hàng ngoại từ Đài loan, Trung quốc... vốn rẻ tiền và chất lượng thấp nhưng góp phần tích cực và trực tiếp bóp chết CNPT của VN trước khi nó có thể chập chững bước đi... 

Với CNPT VN, điều đầu tiên và cuối cùng đã sai (hai số âm) từ hai chục năm nay, ba điều còn lại hoàn toàn không có (những số O), thì kết quả là số Âm to tướng (dưới hố sâu), chứ không phải số O to tướng (nhưng vẫn trên mặt đất). 

Là số “âm”, bởi vì VN nếu muốn cũng không thể ngay bây giờ bắt đầu làm lại từ đầu – số O, mà phải trèo lên khoỏi cái hố sâu mà VN đã tự đào và chôn mình suốt gần hai chục năm qua, tức là phải định nghĩa lại CNPT thực chất là gì, và xem có thể “giao chỉ tiêu yêu nước” cho các “quả đấm thép” không..., xem có thể mở cửa biên giới kinh tế “biên mậu” hoàn toàn với Trung cộng hay không... ? Xem ra, đảng CSVN sẽ chọn phương án “ở yên dưới hố”, thậm chí họ sẽ ”đào hố sâu thêm”... vì họ sẽ không muốn trèo lên khỏi hố!

Cơ hội nào cho nền Công nghiệp phụ trợ VN?

Đơn giản là nền CNPT VN không có cơ hội nào cả, từ gần hai chục năm nay. Cũng như, cả nền kinh tế Việt Nam không có cơ hội đi lên nào cả, khi định hướng XHCN là chỉ thị kinh tế kiểu Thành Đô mà đảng tự bắt buộc phải làm - tức là chỉ vì sự sống còn của thể chế bất chấp mọi nguyên tắc và hiệu quả kinh tế. Điều đó được thực hiện và thể hiện bằng cơ cấu lực lượng kinh tế nhà nước chiếm tất cả (vốn và đất đai, hạ tầng, chính sách, độc quyền thị trường...) để phá hỏng tất cả và không đóng góp được gì cả cho nền kinh tế quốc gia, ngoài việc là... làm đầu tàu kéo KTVN đi ngược xuống hố... 

Nói cách khác, nền CNPT VN phải chết trước khi sinh ra là tất yếu, là cái giá phải trả và đảng CSVN cùng Chính phủ VN đã chọn và chấp nhận trả (dù họ có thể không ý thức được việc mình làm) ngay từ năm 1996. Họ chỉ làm tất cả để giữ thể chế, họ chưa bao giờ có mong muốn và kế hoạch, chiến lược làm tất cả để đất nước thịnh vượng, để kinh tế VN đi lên, để dân Việt Nam ấm no hạnh phúc (và nhờ đó thể chế làm được như thế cũng sẽ được trường tồn...). Họ không đợi được điều đó. Họ làm ngược lại, hơn ba triệu đảng viên CS phải đảm bảo được tồn tại trên đầu dân tộc trước, dù bằng cái giá đạp đổ thịnh vượng của cả xã hội và dân tộc Việt Nam. 

Khi bắt đầu ngồi xuống viết bài này, tôi đã chuẩn bị gạch đầu dòng nhiều lý do cụ thể chi tiết tại sao CNPT VN không có và không thể phát triển, tại sao nó là con số Âm to tướng như hiện nay. Nhưng viết đến đây, tôi thấy không cần thiết phải liệt kê ra và phân tích nữa. Chỉ ra thêm là họ bất tài và vô đạo đức kinh doanh ư? Với những kẻ cướp cả thực tại và tương lai của dân tộc ư?

Kết luận của tôi về tương lai phát triển của nền CNPT VN nhiều người sẽ cho là cực đoan. Nhưng, như tôi đã chỉ ra, chỉ khi nào thể chế cộng sản này sụp đổ, tức chỉ khi nhà nước và chính phủ “này” không lo giữ bộ máy của mình để ngồi trên cai trị dân bất chấp hậu quả kinh tế, xã hội thì nền CNPT mới được đặt đúng vị trí quan trọng nền tảng của nó, và có cơ hội phát triển. 

Còn hiện nay, với Thành Đô 1990, đảng CSVN không chỉ bán độc lập chủ quyền quốc gia cho Tàu cộng, mà với những “quyết định kinh tế kiểu Thành Đô” như “định hướng XHCN, nền kinh tế VN đã bị làm méo mó và lệ thuộc Trung cộng, lệ thuộc (nợ) nước ngoài hoàn toàn, mà Công nghiệp phụ trợ chỉ là một thành phần tất yếu bị cho hy sinh ngay từ đầu mà thôi, không thể cứu vãn. 


0 comments:

Powered By Blogger