Cứ đến mùa mưa, việc các nhà máy thủy điện khắp Bắc Trung Nam xả lũ
làm dân điêu đứng là điều ai cũng biết. Và, ai cũng biết là không thấy
Bộ Công thương xin lỗi dân, thậm chí Bộ còn cho rằng việc thủy điện tích
nước gây hạn hán hoặc xả lũ gây lũ lụt là đúng quy trình!
Một bài viết trên Baodatviet.vn đã phải lên tiếng: “Bộ Công thương
thay vì nhận lỗi lại loanh quanh phủ nhận, bênh vực thủy điện, Bộ Công
thương phải chịu trách nhiệm, không thể đẩy trách nhiệm cho người dân”. [1]
Chỉ một câu nói đã cho thấy trong không ít cơ quan công quyền của nước
ta “văn hóa trách nhiệm” và “Văn hóa xin lỗi” dường như là một khái
niệm chưa được định nghĩa.
Tuy vậy, với một số quan chức, sự sốt sắng xin lỗi, sự sẵn sàng nhận
trách nhiệm lại khiến người dân dở khóc dở cười. Câu chuyện ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội xin lỗi sau sự việc Sở này gửi giấy mời dự hội thảo “Tính ưu việt của Kim Chi” đúng vào ngày giải phóng thủ đô là một minh chứng.
Theo ông Động “ở đây có vấn đề về sơ xuất, thiếu sót trong quá trình in
ấn giấy mời” [2], nói thế có nghĩa là khi in ấn mới xảy ra sơ xuất,
thiếu sót chứ không có “sơ xuất, thiếu sót” trong quá trình duyệt nội
dung giấy mời. Đây là tội của mấy cái máy in, máy phôtô copy chứ không
phải lỗi của công chức của sở, bà con phải hiểu như thế!
Không khó để nhận thấy trên giấy mời ngoài chữ ký chính của ông Động còn
có chữ ký nháy dưới mục “Nơi nhận”. Kể cũng thật lạ, máy móc văn phòng
của Sở VH-TT&DL Hà Nội chắc chắn không thể là loại “Second hand”
(hàng bãi) mà dân “nhà quê” hay dùng, vậy thì chỉ còn khả năng đó là máy
của thời tương lai, máy có trí tuệ thông minh hơn cả công chức Sở
VH-TT&DL Hà Nội thì mới có khả năng khiến cho các chữ trên giấy mời
tự động rủ nhau xếp thành dòng, rồi lại còn lúc nghiêng, lúc đậm mà bà
con nhìn thấy?
Dẫu sao thì ông Động cũng đã tuyên bố: “Với trách nhiệm là Giám đốc,
người đứng đầu Sở, tôi xin nhận trách nhiệm về sơ suất này. Ngay trưa
hôm nay tôi đã phải ký thư mời khác, đính chính lại toàn bộ nội dung”. [2]
Có điều trước khi xin lỗi, xin nhận trách nhiệm và sửa sai không biết
ông Động có cảm ơn mấy “cái máy” đã tự động in tờ giấy mời đó không? Sau
này không biết ông sẽ kỷ luật mấy cái máy chịu trách nhiệm in ấn đó như
thế nào? Hay là giáng nó vài cấp từ máy của tương lai xuống hàng đồng
nát rồi cho thanh lý luôn cho bõ tức?
Nhân nói về trách nhiệm, lại nhớ đến vụ cháy quán bar Luxury ở Hà Nội
khiến hơn chục người bị thương, cháy rồi mới biết quán bar này hoạt động
chui. Chẳng cần chịu khó tìm hiểu cũng thấy khắp đất nước nào là hút
cát chui, đào vàng chui, in sách chui, tiến sĩ chui, thậm chí cả... đẻ
chui. Tìm một lĩnh vực không có hoạt động “chui” chẳng khác nào mơ “dùi
đục nở hoa”, nói thế có nghĩa là cũng có thể có lĩnh vực hoạt động công
khai, không “chui” giống như có loại hoa nở trên sành sứ, bê tông mà
dân gian gọi là Hoa Ưu đàm, chỉ có điều theo nhà Phật, loại hoa này
3.000 năm mới nở một lần.
Hoa Ưu đàm
Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng hoạt động chui lại phổ cập như vậy?
Muốn tìm câu trả lời phải nhìn vào đội ngũ công chức, viên chức nhà
nước, những người hưởng lương từ tiền thuế của dân và nhưng lại ít chịu
trách nhiệm trước dân về hoạt động của mình.
Trong khi bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát dầm sương đội gió mai
phục bắt hàng lậu thì giữa phố phường hàng lậu bày công khai, tràn lan,
mua gì cũng có. Đó có phải là trách nhiệm của chính quyền phường xã, của
ngành thuế, quản lý thị trường...? Tết âm lịch vừa qua, pháo nổ đỏ vỉa
hè một số nơi ở Hải Dương là lỗi của ai? Nói nhiều về những điều ai cũng
biết thật chẳng hay ho gì, dường như “văn hóa trách nhiệm” là một thứ
hàng xa xỉ mà công bộc của dân không có điều kiện mua sắm!
Nói một cách thẳng thắn, các hoạt động chui chưa bao giờ lọt khỏi tầm
ngắm của những người có trách nhiệm, một ví dụ đơn giản là cảnh sát khu
vực luôn biết rõ những người sử dụng ma túy trên địa bàn nhưng lại
“không mấy khi” bắt quả tang người nghiện tàng trữ ma túy.
Tại sao một số chuyên án triệt phá các ổ nhóm cờ bạc lớn, bắt kiểm lâm
nhận hối lộ ở Thanh Hóa phải là lực lượng của Bộ Công an, có phải lực
lượng địa phương không đủ trình độ nghiệp vụ hay còn lý do nào khác?
TS Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã gọi mối
quan hệ “không bình thường” giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức
quyền với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi là “giặc nội
xâm”. [3]
Cùng chung ý kiến, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT T.Ư cho rằng: “Lúc
này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham
nhũng - kiên quyết đánh tan “giặc nội xâm”. Làm được điều này, lực ta
mạnh hơn, lòng dân đoàn kết hơn”. [4]
Thời nào cũng thế, quốc gia nào cũng thế, đã là “giặc” thì phải tiêu
diệt, thỏa hiệp với giặc có nghĩa là đầu hàng. Chống giặc nội xâm cũng
có ý nghĩa như một cuộc cách mạng nhằm quét sạch tham nhũng, lật đổ
những rào cản tiến bộ xã hội, đưa đất nước phát triển.
Ông Hoàng Văn Thụ, cựu Ủy viên TƯ, cựu Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ trước khi bị
thực dân sát hại đã viết bài thơ bất hủ “Nhắn bạn” gửi bà Hoàng Ngân,
bài thơ có câu:
“Phục thù, chí lớn không hề nản,
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”
Ngọc dẫu nát vẫn là ngọc, ngói dẫu lành vẫn là ngói, đó là chân lý mà
dân tộc đã đúc kết qua bao thế hệ. Để giữ được nước Việt đến ngày nay,
đất nước đã trải bao binh đao, khói lửa, chúng ta không có những công
trình đồ sộ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, Ăngco vat... nhưng
chúng ta có rừng vàng, biển bạc, có 90 triệu người dân thông minh, chịu
khó. Nếu không dám thực thi kế sách “vườn không nhà trống” liệu Hưng Đạo
Vương và quân tướng thời Trần có thể đánh tan quân Nguyên, nếu không
dám “tiêu thổ kháng chiến” liệu chúng ta có đánh thắng thực dân Pháp?
Chỉ khi cuộc chiến chống giặc nội xâm thắng lợi thì cuộc chiến chống
giặc ngoại xâm mới có cơ chiến thắng. Trong cuộc chiến, muốn dựa vào dân
thì phải tin dân, không thể vừa tin vừa sợ. Ngược lại, liệu có thể đặt
trọn niềm tin vào đội ngũ cán bộ công chức hiện nay trong cuộc chiến mà
kẻ địch nhiều khi lại là bạn đồng hành?
Trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng đường
Trường Chinh bị nắn cong đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 200 tỷ. Nhưng
cũng vì chậm giải phóng mặt bằng cầu Nhật Tân – Hà Nội mà phía Nhật bản
đã đòi bồi thường 200 tỷ. Đất nước không hề được lợi từ sự tiết kiệm dù
chỉ một xu, trong khi những tranh luận luận liên quan đến con đường
mang tên vị khai quốc công thần thì lại không thiếu trên mặt báo, điều
này chẳng lẽ không phải là sự thiếu tôn trọng với vị cựu Tổng bí thư của
Đảng?
Dù có cố giữ thì đập chứa bùn đỏ vẫn vỡ, đê chứa bùn đỏ vẫn vỡ và khoảng
5.000m3 bùn đất đỏ đã tràn xuống hồ Cai Bảng trong công trình xử lý
bauxit Lâm Đồng.
Đoạn đê bị vỡ sau khi được khắc phục
Trong những sự kiện nêu trên, người dân đã nhìn thấy hình ảnh cụ thể của
sự nứt vỡ nhưng lại không nhìn thấy cái vô hình là “trách nhiệm và xin
lỗi”.
Có thể các nhà khoa học sẽ nghĩ ra cách lấy bùn đỏ làm ngói với chất
lượng như ngói Giếng Đáy nhưng lấy bùn đỏ để làm ra ngọc thì có lẽ chỉ
tìm thấy trong truyện cổ tích./.
Tài liệu tham khảo:
0 comments:
Post a Comment