Tuesday, October 14, 2014
Bauxite Tây Nguyên: Càng làm càng thiệt hại
Hungary đã từng gặp tai nạn vỡ đê hồ chứa bùn đỏ vào năm 2010.Reuters
Theo tin của tờ Tuổi Trẻ, ngày 08/10/2014 vừa qua, bùn đỏ đã tràn ra từ một hồ thải quặng ở khu vực nhà máy bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Đúng hơn đây phải gọi là bùn màu đỏ, màu của đất bazal và tuy bùn đỏ này không nguy hiểm bằng bùn đỏ thật sự, nhưng sự kiện này một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tác hại của việc khai thác bauxite Tây Nguyên đến môi trường và đời sống của người dân trong khu vực, ấy là chưa kể những thiệt hại về kinh tế và nguy cơ về an ninh quốc phòng.
Tai nạn nói trên xảy ra vào lúc mà chính phủ Việt Nam vẫn để cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản ( TKV ) tiếp tục kế hoạch “làm thí điểm” khai thác bauxite, với nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng đã đi vào hoạt động và nhà máy Nhân Cơ, Đak Nông sắp hoàn tất việc xây dựng, bất chấp nhiều lời cảnh báo của các nhà trí thức, các nhà khoa học.
Tháng tư vừa qua, một lần nữa họ đã ra một kiến nghị gởi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đề nghị dừng ngay cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ, vì theo họ, cả hai dự án này đều không được thực hiện đúng với chính những yêu cầu mà Bộ Chính trị đề ra khi cho phép “làm thí điểm” khai thác bauxite Tây Nguyên. Bức thư ngỏ cho rằng : “ Trong điều kiện hiện nay của đất nước việc khai thác bô-xít Tây Nguyên chỉ đem lại những thua lỗ nặng nề cho nền kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội cho Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.”
Nhưng không những không dừng hai dự án “thí điểm”, bộ Công thương Việt nam còn đề nghị chuyển từ khai thác bauxite sang sản xuất nhôm, điều mà theo các nhà trí thức, các nhà khoa học, sẽ còn gây thiệt hại nhiều hơn nữa cho đất nước.
Nhân vụ bùn màu đỏ tràn ra ở khu vực nhà máy bauxite Tân Rai, ngày 08/10 vừa qua, RFI Việt ngữ phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người đầu tiên ký vào kiến nghị yêu cầu dừng hẳn hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.
RFI: Kính thưa nhà văn Nguyên Ngọc, trước hết, theo ông, thông tin về vụ bùn đỏ tràn ra ở khu vực nhà máy bauxite Tân Rai đáng ngại như thế nào?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Hôm nay ( 08/10 ) có xảy ra vụ vỡ bờ của một đập cách nhà máy Tân Rai khoảng 4 cây số, tức là cũng nằm trong phạm vi dự án Tân Rai. Ở đấy, người ta rửa quặng bauxite, tức là quặng nằm trong đất bazal, rồi có một băng chuyền dài 4 cây số đưa quặng đó vào nhà máy. Trong nhà máy, quặng đã được rửa rồi sẽ được luyện thành alumina.
Hồ bị vỡ hôm nay là hồ chứa những chất bám vào quặng, tức là đất bazal cho nên bùn đó cũng có màu đỏ. Nhưng đó không phải là bùn đỏ như lâu nay ta vẫn nói trong quy trình luyện bauxite. Tức là sau khi quặng được chuyển từ băng chuyền dài 4 cây số nói trên vào nhà máy. Khi quặng được luyện thì sẽ ra một chất thải, đó mới là bùn đỏ thật sự. Hồ chứa bùn đỏ đó thì nằm ngay trước nhà máy.
Trước khi có dự án bauxite lớn ở Tây Nguyên và nhà máy bauxite Tân Rai, ở vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc đã có Công ty Hóa chất miền Nam cũng đã làm cái việc rửa quặng bauxite và gởi quặng đó về Sài Gòn để chế biến ra alumina. Làm cũng nhỏ thôi, nhưng cũng có một loại nước đỏ do màu đất chảy ra đường phố gần Bảo Lộc. Trước đây, người dân ở đó cũng đã phản đối việc đó, là vì nước đó bẩn. Nước có màu đỏ là vì nó có chất sắt, cho nên cũng có một chất độc nhất định.
RFI:Thưa ông, tuy bùn màu đỏ đó không nguy hiểm bằng bùn đỏ thật sự, nhưng các hồ chứa bùn đỏ độc hại cũng có thể bị tràn ra ngoài?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Nguyên nhân là do mấy hôm nay ở miền Trung, cũng như Tây Nguyên nói riêng mưa rất lớn do ảnh hưởng gió mùa phía Bắc. Chính mưa lớn đã làm tràn hồ đuôi quặng, chứ không phải làm tràn hồ chứa bùn đỏ kế nhà máy. Nhưng dầu sao nó cũng bảo động cho ta một điều thế này:
Tôi đã đến chổ hồ bùn đỏ gần nhà máy. Theo quan sát của tôi thì hồ này không thể bị vỡ, nhưng tôi sợ là nếu mưa to quá sẽ bị tràn, mà tràn ra thì rất nguy hiểm. Mà Lâm Đồng là vùng mưa nhiều nhất ở Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên tuy là có sáu tháng mưa và sáu tháng nắng, nhưng tập trung cao nhất là trong hai tháng, cho nên nguy cơ tràn ra là rất nhiều.
Thứ hai, ở hồ bùn đỏ “chính thức” có hai lớp vải đặc biệt lót ở dưới để chất động không thấm xuống nước ngầm. Đó là một loại vải có độ bền đặc biệt. Vừa qua, tôi thấy vải này có nhiều chỗ bị rách và nước bùn thấm xuống đất, tức là có thể thấm xuống nước ngầm.
Tuy hôm nay chỉ có hồ đuôi quặng bị tràn ra, nhưng sự kiện này cho thấy là việc tràn hồ đỏ chính thức là khả năng hoàn toàn hiện thực.
RFI: Theo ông bùn đỏ tràn ra hôm nay có tác hại như thế nào?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Như tôi nói vừa rồi, đất bazal có màu đỏ vì nó có sắt và như vậy khi chảy vào nước sinh hoạt hay nước sản xuất thì đều gây ô nhiễm cả, gây nguy hại cho đời sống người ta, phá hoại hoa màu, và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy độ ô nhiểm không nặng nề như bùn đỏ từ trong nhà máy làm alumina.
Nhưng như tôi đã báo động ở trên, với lượng mưa như hiện nay, hồ bùn đỏ ở đây cũng sẽ tràn ra. Bùn đỏ đó rất độc. Thậm chí vừa rồi có người chết, tức là không biết làm thế nào, mà xe đổ bùn đỏ này lên người một công nhân, khiến người này chết, cho thấy bùn đỏ độc như thế nào.
Có hai cách giữ bùn đỏ đó. Thứ nhất là giữ ướt, như hiện nay ta đang làm. Giữ ướt kiểu này thì nguy hiểm vì nó dễ tràn ra môi trường. Cách thứ hai là giữ khô, nhưng lại có một nguy hiểm khác là bụi độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nếu lan ra vùng sản xuất thì sẽ phá hoại toàn bộ vùng sản xuất ấy. Cho nên bùn đỏ là vấn đề nan giải của sản xuất bauxite.
RFI:Ông có vẫn cho rằng các dự án bauxite Tây Nguyên là không có lợi về mặt kinh tế?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Cách đây mấy năm tôi cùng với anh Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia về mỏ, nghiên cứu rất nhiều về bauxite Tây Nguyên, cũng như tham gia phản biện về bauxite Tây Nguyên, chúng tôi đã viết bài nói về 10 lý do không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Cho đến nay, chúng ta chỉ mới làm thí điểm ở hai nhà máy, nhà máy Tân Rai đã sản xuất và nhà máy Nhân Cơ sắp hoàn thành. Qua hai thí điểm này, những điều mà chúng tôi đã báo động lần lượt bộ lộ ra, trước hết là về kinh tế.
Gần đây có một báo cáo của bộ Công Thương, dựa trên tư liệu của tập đoàn TKV, đơn vị chủ thầu, bảo rằng khai thác bauxite không có vấn đề gì cả, rất là tốt. Chúng tôi đang tập trung phản biện cái báo cáo này. Đây là một báo cáo hết sức vô trách nhiệm này, hoàn toàn không dựa trên thực tế của hai nhà máy đang làm thí điểm.
Về kinh tế thì càng ngày càng lỗ, mặc dù cái tính đầu vào đã có rất nhiều gian dối, không tính đầy đủ cái đầu vào. Thứ hai, tập đoàn TKV, đơn vị chủ thầu thì liên tục xin giảm các loại thuế môi trường, thuế khoáng sản…, mà vẫn cứ lỗ. Như vậy về mặt kinh tế không có lý do gì để làm bauxite cả. Họ cũng bảo là trong bao năm nữa sẽ hết lỗ, nhưng cũng chẳng có căn cứ gì để nói như vậy. Ngoài ra, cái việc bán không có ai mua, ngoài Trung Quốc, tức là bán chỉ có một người mua, là rất nguy hiểm.
RFI: Về mặt vận chuyển bauxite, thì từ lâu các nhà kinh tế cũng đã cảnh báo về chi phí rất tốn kém. Theo quan sát của ông thì việc vận chuyển bauxite còn đang gây ra những vấn đề gì về giao thông, ô nhiễm?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Về vận tải thì chúng tôi cũng đã báo động từ rất lâu. Thậm chí chúng tôi đã đi khảo sát rất cụ thể những đường chính: đường 28, đường 55, đường từ cảng Kê Gà lên. Chúng tôi cũng đã báo động là cảng Kê Gà không thể vận chuyển bauxite được, nhưng không ai nghe, và cuối cùng thì bây giờ cũng phải bỏ cảng Kê Gà và phải sử dụng một đường dân sinh, đường 20 từ Đà Lạt qua Bảo Lộc.
Xe chở bauxite thường là 40 tấn, 50 tấn, mà cây cầu trên đường dân sinh đó chỉ chịu được 25 tấn. Bây giờ có một chuyện rất buồn cười: xe chở bauxite đến cầu thì phải dừng lại, hạ hàng xuống, chia đôi ra, đi qua cầu rồi quay trở lại chở nửa kia. Cứ như thế qua từng cây cầu trên đường 20 đó. Còn bây giờ nếu nâng cấp con đường này lên thì phải tính lại đầu vào, giá cả.
Đó là chưa nói những ảnh hưởng lên đời sống nhân dân, gây ô nhiễm và gây nguy hiểm về giao thông của dân. Ngay ở Bảo Lâm, tức là khu vực xung quanh nhà máy đó, việc vận chuyển cũng đã làm ô nhiễm và làm rối loạn đời sống của dân ở đấy. Sản xuất của người ta bị ảnh hưởng nặng nề.
RFI: Còn những người dân tộc thiểu số tại các khu vực được giải tỏa để làm nhà máy bauxite, họ được tái định cư như thế nào, họ sinh sống ra sao?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Về việc tái định cư ở đấy, chúng tôi đã đến quan sát các làng do TKV dựng lên cho người Cơ Ho. Hôm chúng tôi đến thăm họ, các bà cụ khóc, vì đồng bào dân tộc bản địa ở đấy không thể nào sống trong những nhà ống kiểu thành phố. Họ không nuôi bò được, mà nuôi gà cũng không. Rẫy thì ở rất xa. Họ bảo không có gì để kiếm sống được cả. Việc tái định cư chưa có nơi nào làm được cả.
Việc đào tạo sử dụng lao động có kỹ thuật cho người dân tộc tại chổ cũng chưa có nơi nào làm được. Về việc hoàn thổ, tức là khôi phục lại rừng thì có làm được đâu?
Tất cả những điều đó chúng tôi đã báo động từ 5,6 năm nước. Từ khi bắt đầu dự án bauxite, nhưng người ta vẫn cứ làm!
RFI: Trong báo cáo vừa qua, bộ Công thương còn đề nghị là từ chuyển từ làm thí điểm bauxite sang sản xuất nhôm. Theo ông, sản xuất nhôm thì có tác động ra sao?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Nói như thế là nói bừa, vô trách nhiệm! Điện ở đâu mà làm nhôm? Điện bây giờ đang thiếu như thế, mà như ta đã biết, cái khâu từ alumina làm ra nhôm là tốn điện rất nhiều. Với giá điện ở Việt Nam hiện nay thì không thể làm nhôm được. Làm alumina đã lỗ rồi. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ alumina và nhôm ở Việt Nam không có nhiều như thế. Bán ra ngoài thì chỉ có Trung Quốc mua thôi. Chưa nói đến đời sống xã hội bị xáo trộn, khiến văn hóa cũng bị đảo lộn.
Ấy là chưa nói đến mặt an ninh quốc phòng. Lao động của Trung Quốc, lao động không có tay nghề được đưa vào đấy, trong khi lao động của mình thì không sử dụng hết. Lao động nước ngoài tràn vào, thâm nhập vào trong đời sống người dân trong làng. Ở một vùng đất có tính chất chiến lược như Tây Nguyên, chưa biết nguy cơ lâu dài ra sao.
RFI: Tháng tư vừa qua, các nhà trí thức, các nhà khoa học, đã ra một thư ngỏ, mà ông tham gia ký tên, gởi chính phủ để yêu cầu dừng ngay các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Chính phủ có đã hồi đáp thư ngỏ này chưa?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Chúng tôi đã ra thư ngỏ vì thấy rằng, trước đây, khi có những phản biện như vậy, Bộ Chính trị đã quyết định chỉ làm thí điểm hai nhà máy và trên cơ sở kết luận về thí điểm đó mới quyết định có tiếp tục làm hay không.
Sau khi đã đi khảo sát hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, chúng tôi đã kiến nghị dừng xây nhà máy Nhân Cơ và chuẩn bị đóng cửa luôn nhà máy Tân Rai, tức là dừng toàn bộ các dự án bauxite Tây Nguyên. Nhưng cho tới nay, chúng tôi chưa hề nhận được phản hồi cho bất cứ kiến nghị nào, thậm chí không nhận được trả lời từ đơn vị chủ thầu là TKV.
RFI:Xin cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment