Khi trục xuất anh Điếu Cày ra khỏi Việt Nam, lãnh đạo CS nghĩ họ trục
xuất anh sang Mỹ. Với lãnh đạo CS đó là một chọn lựa khôn ngoan. Bởi
vì, theo họ, tên anh gắn liền với các phong trào chống chủ nghĩa Đại Hán
Bá Quyền Trung Cộng; phong trào do anh lãnh đạo chẳng những không bị
dập tắt dần theo năm tháng tù đày của riêng anh nhưng đã mỗi ngày một
phát triển rộng; để anh ở lại là một mối lo canh cánh bên lòng.
Từ lâu Việt Nam đã hình thành hai khối, Việt Nam CS và Việt Nam Tự Do.
Đảng không đẩy anh qua Mỹ mà đã đẩy anh về phía Việt Nam Tự Do đang có
mặt ở khắp bốn phương trời kể cả tại Việt Nam. Thả một con chim như Điếu
Cày bay vào bầu trời tự do, con chim đó sẽ không biền biệt cuối chân
mây nhưng một ngày sẽ bay về ngậm theo những hạt lúa mới. Hạt lúa dân
chủ, khai phóng, nhân bản và tình người.
Khác với nhiều người tranh đấu trước anh, có thể ra đi vì chính kiến, ra
đi vì quan điểm, ra đi vì gia đình, Điếu Cày ra đi vì trái tim khát
vọng nồng cháy. Chính kiến có thể thay đổi, quan điểm có thể thỏa hiệp
nhưng khát vọng độc lập, tự do dân tộc phát xuất từ trái tim của một con
người chỉ có chết mới thôi.
Khát vọng độc lập, tự do dân tộc như đã chứng minh trong suốt dòng lịch
sử Việt Nam, là ngọn lửa không bao giờ tắt. Hơn một ngàn năm trong bóng
đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường với bao nhiêu cực hình đày đọa,
sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu
báu, nhưng dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản
sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất. Đất nước chúng ta đã hơn một
lần bị mất đi và giành lại được, Thăng Long đã từng bị đốt cháy nhưng
chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất
gốc.
Hiếm có trên một đất nước nào, ở đó, tên của một con sông, một ngọn núi,
một thôn làng, cũng có thể làm cho người dân khi nhắc đến phải rơi nước
mắt. Những Phong Hóa, Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên
Trường, Diên Hồng, Chi Lăng, Lam Sơn, Đống Đa, v.v... không phải chỉ là
những địa danh, mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí
của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao,
mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở Sông Bạch
Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của
bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và
nước mắt của tổ tiên đổ xuống trước tham vọng của các triều đại Bắc
phương xâm lấn.
Trong lúc sự kính trọng dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày
bao giờ cũng sâu đậm, tình cảm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho
anh Điếu Cày, đặc biệt trong thời gian anh tuyệt thực đã vượt lên trên.
Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình cảm của anh dành cho đất
nước: thiêng liêng, thân thương và trong sáng.
Anh Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách
mạng, nhà lý thuyết, nhà hùng biện, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không
phải là nhà nào cả. Anh chỉ là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần
nghe rất lạ nay đã trở thành quen thuộc và gần gũi, đặc biệt trong lòng
tuổi trẻ Việt Nam.
Anh Điếu Cày không phải là Nelson Madela của Nam Phi, Aung San Suu Ky
của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người Việt Nam bình
thường, đơn giản như hạt gạo, củ sắn, củ khoai, con mắm, ngọn rau nhưng
cũng vô cùng cao quý bởi vì anh nói lên khát vọng độc lập tự chủ của dân
tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Nỗi đau trong lòng anh là nỗi đau của một dân tộc định cư hơn bốn ngàn
năm trên bán đảo Đông Dương trải dài 3260 cây số nhưng nay chỉ còn bờ mà
không còn biển. Phải dành lại biển Đông, phải giành lại những hòn đảo
mang tên Việt Nam, phải giành lại những tài nguyên trong lòng biển mà
cha ông đã đổ máu để giữ gìn. Anh bước đi trên con đường quê hương gai
góc, con đường nhiều người khác không dám đi: con đường chống Trung Cộng
xâm lăng.
Mẫu số chung hôm nay là dân tộc và dân chủ. Mẫu số chung thiêng liêng đó
vượt lên trên mọi hiệp định, mọi vĩ tuyến, mọi chia cách, mọi tôn giáo,
thế hệ, trong hay ngoài nước. Mẫu số chung thiêng liêng đó không chỉ
giá trị đối với những người đã từng hy sinh, từng đổ máu để bảo vệ miền
Nam mà còn cho cả nhiều triệu đồng bào đã bị khủng bố từng ngày, từng
đêm trên đất nước.
Không giống như 70 ngàn người Nga lưu vong ở Paris sau cách mạng CS năm
1917 hay hàng trăm ngàn người Việt lưu vong ngay sau CS chiếm VNCH năm
1975, người Việt Nam tự do hôm nay không còn mang tâm trạng lưu vong
nữa. Thời đại hôm nay là thời đại của những người chết đang bắt đầu sống
lại và người đi đang lần lượt quay về. Anh Điếu Cày cũng vậy, trong
lòng anh không có khái niệm lưu vong, anh ra đi là để quay về. Và chúng
ta sẽ về.
Cuộc cách mạng tin học, cách mạng kinh tế toàn cầu, sự sụp đổ của hệ
thống CS Liên Xô và chư hầu Đông Âu đã xóa bỏ nhiều cách ngăn, biên
giới, thu ngắn thời gian và thu hẹp không gian. Anh Điếu Cày rời nhà tù,
anh ra phi trường, anh lên máy bay, anh xuống máy bay, đối với người
Việt quan tâm đến đất nước và anh, tất cả điều đó như đã diễn ra trong
cùng một không gian và cùng một múi giờ dù ở chúng ta ở đâu trên mặt đất
này. Bởi vì, không gian là trái tim Việt Nam và thời gian được tính
bằng nhịp đập của trái tim Việt Nam.
Ngày cáo chung của chế độ CS toàn trị tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời
gian. Ngay cả những lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CS cũng biết điều đó.
Những cường hào ác bá cai trị đất nước ngày nay không phải là những
người làm nên lịch sử mà chỉ là những kẻ làm công việc giải thích, ăn
cắp, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng xích hóa Việt Nam của Đệ
Tam Quốc Tế Cộng Sản trước đây, và tiếp tục sống huy hoàng trên nỗi
thống khổ triền miên của dân tộc Việt Nam. Họ phải bị lật đổ.
Trước ngày 25 tháng 12 năm 1991, đảng CS Liên Xô cai trị một vùng đất có
diện tích 22 triệu 400 ngàn kilomet vuông, rộng hơn cả thời huy hoàng
nhất của Đế Quốc Nga và một đạo quân 5.3 triệu lính, nhưng không cứu vớt
được Liên Xô.
Sự sụp đổ của Liên Xô phát xuất từ nhiều lý do nhưng sâu xa nhất vẫn là
từ khát vọng độc lập tự do của các dân tộc Estonia, theo chân là
Lithuania, Latvia và lan dần sang các dân tộc khác như Azerbaijan,
Armenia, Tajikistan và Uzbekistan. Những dân tộc bị trị chiếm hai phần
ba dân số của Liên Xô và đã đấu tranh không ngừng nghỉ ngay từ ngày đầu
bị cưỡng chiếm.
Câu chuyện bi hùng về phong trào du kích Anh Em Rừng (Forest Brothers)
của các dân tộc vùng Baltics chống lại CS Liên Xô từ sau thế chiến thứ
hai là một bằng chứng hùng hồn. August Sabbe, người Estonia, kháng chiến
quân cuối cùng của Anh Em Rừng bị KGB khám phá hơn 30 năm sau, ngày 27
tháng 9 năm 1978, nhưng chúng không giết được anh. Anh đã nhảy xuống
sông Vohandu tuẫn tiết mang theo khát vọng tự do thiêng liêng. Phạm Hồng
Thái của Việt Nam trước đó đã hy sinh như thế. Cuối cùng, tinh thần dân
tộc và khát vọng dân chủ tự do của dân tộc Estonia đã thắng KGB và vượt
qua được chính sách tẩy não vô cùng thâm độc của chủ nghĩa CS.
Biển Thái Bình hôm nay là sông Bến Hải trước đây. Và thuận lợi hơn trước
thời điểm năm 1975, bên kia Thái Bình Dương, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, vì quyền sống của con người đang bùng
lên trên mọi ngã đường, mọi giới, mọi thế hệ. Quá khứ dù có khó khăn,
hiện tại còn vất vả nhưng tương lai tươi đẹp rồi sẽ đến. Dòng sông dù
còn vẩn đục nhưng nước đang trôi nên sẽ có một ngày trong. Cánh cửa đã
mở. Ánh sáng đã rọi vào. Những người mang ánh sáng đang có mặt trên khắp
ba miền đất nước. Họ còn ít, còn yếu nhưng họ là ánh sáng, ánh sáng
Điếu Cày.
Boston, 22 tháng 10, 2014
0 comments:
Post a Comment