Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam từng nói: “Giả
dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống
dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng
không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước
ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy
là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở
các tầng nấc.” (trích Phỏng vấn của báo Dân Trí)
Giáo sư Hoàng Tụy |
Thực tế đã chứng minh số người có bằng giả đã hoặc đang làm việc trong
các cơ quan nhà nước không hiếm ở Việt Nam. Người nổi tiếng trong vụ
khai gian bằng Tiến sĩ là Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang nay đã bị sa
thải. Ông Quang khai đã có bằng Tiến sĩ tại Đại học Uppsala, Thụy Điển,
nhưng sự thật thì trường này, theo báo chí Việt Nam, chỉ cấp chứng chỉ
về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ
không phải văn bằng.
Báo VnExpress viết ngày 16/9/2011: “ĐH Uppsala xác nhận: "Ông Cao
Minh Quang, sinh ngày 6/6/1953, đạt chứng chỉ "Licentiatexamen" về
nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26/10/1994. Đây là chứng
chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của trường Uppsala chứng chỉ
nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ".
Bằng chứng này đã xác nhận một thực trạng ai cũng biết đang diễn ra
trong xã hội Việt Nam: Ở bất kỳ địa vị nào trong xã hội, nhất là những
kẻ có chức có quyền, cũng có thể gian dối để đạt lợi ích cá nhân mà
không cần phải hổ thẹn với lương tâm.
Trường hợp của "Nỗi Lòng Người Đi"
Vì vậy khi đem bi kịch gian dối lồng vào sự bất lực của nhà nước trong
cuộc chiến phòng, chống tham nhũng từ bao nhiêu năm mà nay vẫn còn
“nghiêm trọng” cũng không phải là một ngoại lệ. Nếu sự dối gian này cũng
đã lan sang lĩnh vực Văn nghệ trong thời gian 2 năm qua đối với Tác
phẩm Âm Nhạc nổi tiếng “Nỗi lòng người đi” của Nhạc sĩ Anh Bằng thì cũng không ai ngạc nhiên.
Tuy chuyện “tranh quyền Tác giả” bài ca lịch sử này đã râm ran từ lâu
nhưng không mấy người quan tâm cho đến khi Đài Truyền hình VTV1 loan báo
có chương trình Giai điệu tự hào mang chủ đề Người Hà Nội lúc 20h ngày
24/10 (2014), và Ca khúc Nỗi lòng người đi - của nhạc sĩ hải ngoại Anh Bằng sẽ lên sóng VTV1.
Vì vậy ông Khúc Ngọc Chân - nguyên nhạc công cello Dàn nhạc Giao hưởng
Việt Nam đã làm to chuyện rằng chính ông ta mới là Tác giả của “Nỗi Lòng Người Đi”, có tên gốc là “Tôi Xa Hà Nội” viết năm 1954!
Câu chuyện bắt đầu như thế này:
Nhạc sĩ Anh Bằng, người có tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại
Nga Điền, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng quê với Nhà thơ Hữu Loan, Tác
giả của Bài Thơ bất tử “Mầu tím hoa sim”.
Khi bước sang tuổi 88 năm 2014, Nhạc sĩ Anh Bằng đã có một gia tài gần
700 ca khúc nhạc tình, nhạc dân tộc và nhạc trẻ nổi tiếng, trong đó có “Nỗi lòng người đi” ra đời ngày 15/04/1967.
Khi Tác phẩm này in ra, ai cũng thấy chỉ có một mình tên Tác giả Anh Bằng in trên Bản nhạc.
Và trong suốt 47 năm qua, qua trình diễn của nhiều thế hệ ca sĩ từ trong
nước ra hải ngoại, không có bất cứ một ai dám “cả gan” tranh chấp chủ
quyền với ông.
Tại sao? Bởi vì ông đã viết ra “Nỗi Lòng Người Đi” cho cả một thế
hệ người Bắc di cư vào Nam năm 1954, trong đó có gia đình ông, sau khi
Việt Nam phải chia đôi đất nước tại Hội nghị Geneve tháng 07/1954.
Nội dung bài hát nói lên tâm trạng rời bỏ quê hương Hà Nội của một Thanh
niên đã phải bỏ lại người yêu đi tìm tự do vì không thể nào có thể ở
lại miền Bắc sống chung với quân Việt Minh thời ấy.
Lý do dễ hiểu vì Anh Bằng thuộc một gia đình chống Cộng sản như Tiểu sử ông đã cho biết: “Năm
1935 ông xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng tại huyện Tĩnh Gia
thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau đó ông lại tiếp tục theo học trung học ở Hà
Nội. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ Kháng Pháp, ông
bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử
hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ
tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà
Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.”
Chuyến ra đi lịch sử của Anh Bằng năm 1954 và cuộc di cư vào Nam trong
thời gian 300 ngày của trên 1 triệu người dân miền Bắc đã in đậm trong
tâm khảm người Việt Nam thời ấy. Vì vậy, mỗi khi nghe ai hát “Nỗi lòng người đi” là người dân gốc Bắc, dù ở trong nước hay hải ngoại suốt 60 năm qua (20/7/1954 – 20/07/2014), cũng phải rưng rưng nước mắt!
Thế nhưng, tuy đã gần đến tuổi 50 kể từ ngày ra đời 1967, “Nỗi lòng người đi”
vẫn không thoát khỏi một tai nạn không ai có thể ngờ tới xẩy đến năm
2012 qua “một việc làm chung” của 2 người ở Hà Nội, Nhà báo phê bình ân
nhạc Nguyễn Thụy Kha và Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân, người tự nhận chính ông
mới là “tác giả thật” của “Nỗi Lòng Người đi” đã được ông Anh Bằng đặt thay cho “tên nguyên thủy” là “Tôi Xa Hà Nội”.
Nguyễn Thụy Kha - Khúc Ngọc Chân
Lập luận của 2 ông Kha và Chân có một số điểm “rất nên thơ” nhưng họ lại không chứng minh được:
Thứ nhất, hãy nghe ông Nguyễn Thụy Kha kể: "Một buổi sáng cuối thu Hà
Nội, có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi -
Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân.
Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn
nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành lập. Các anh em của ông
là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi tiếng từ lâu. Ông
Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang - Hải
Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá
tại đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn
cảnh ra đời của ca khúc “Nỗi lòng người đi” mà chính ông là tác giả với
cái tên đầu tiên là “Tôi xa Hà Nội.”
Thế rồi chuyện tình của Tác giả “Tôi Xa Hà Nội” Khúc Ngọc Chân được ông Kha kể:
“Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần
Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn cũng đều đến học thầy
Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một thiếu nữ Hà Nội
tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa. Họ đã
có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể
quên những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève. Ông
Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ nhung người yêu khiến cho ông
cảm xúc bâng khuâng.
Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải
Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng để
sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây
guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại
khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong
suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:
(1) "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa.”
Trong khi Anh Bằng viết:
“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa.”
Bài của Nguyễn Thụy Kha viết tiếp như ông viết Truyện tình thơ mộng của Khúc Ngọc Chân: “Chàng
tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi. Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình
thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó đã khiến cho Hoàng Dương
viết ra Hướng về Hà Nội nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân cũng viết Tôi xa
Hà Nội nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại cái cảm
xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento - Espressivo):
(2)“Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…”
Nhạc Anh Bằng:
“Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan.”
Nguyễn Thụy Kha còn bi thảm hóa cuộc gặp của đôi tình nhân Nguyễn Thu Hằng-Khúc Ngọc Chân với những dòng: "Không
biết trong những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên
chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi nhau, nàng cứ vào trước, chàng
hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn. Nàng hãy gắng chờ đợi
giữa đô hội phồn hoa:
(3)“Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.”
Nhưng đoạn này lại giống hệt như lời của Anh Bằng:
“Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ.”
Nhưng đến đoạn chót của Bài hát thì ông Khúc Ngọc Chân thay đổi:
(4)“Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi.”
Trong khi Anh Bằng đã viết:
“Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi
trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi.”
Những mặt trái bị lộ
Đến đây thì chân tướng không thật bắt đầu lộ ra với giọng văn tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Kha: "Ca
khúc được viết xong, Khúc Ngọc Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát
đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy đã là cuối tháng 11.1954.
Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng
và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu
ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát
Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên
mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết
của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào
biển cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu
đượm buồn kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ
nàng thì cứ thắp sáng trong những đêm trường cô đơn.”
Lối “tả chân” của Nhà văn Nguyễn Thụy Kha chất chứa đầy đủ những hoạt
cảnh cần thiết cho một khúc phim tình cảm của thời bình trên chiếc du
thuyền, nhưng chắc chắn không thể có “trong chuyến đò” di cư của người
miền Bắc vào Nam của thời 1954. Tất nhiên vào khi ấy, không người di cư
tất tưởi nào lại còn đủ bản lãnh để thư thái mà “bập bùng guitar và hát
Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe” , và nàng cũng “ung dung”, chả quan tâm gì
đến bố mẹ và gia đình ngồi quanh để “vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên
mạn thuyền”!
Về trường hợp của cô Nguyễn Thu Hằng, qua ngòi bút điêu luyện không cần có chứng minh, ông Nguyễn Thụy Kha viết:
“Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ
đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm
việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong
những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người
khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay
như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà
Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận
khác khi được nhạc sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc
Ngọc Chân đâu ngờ gia đình ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không
theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với
nàng đành lỡ dở theo thời gian.”
Đến đây thì “mùi sắc” chính trị “làm cho Tây” và “Hà Nội vừa giải phóng”
đã được Nguyễn Thụy Kha lồng vào âm nhạc. Chả lẽ Nguyễn Thụy Kha không
biết đâu phải hơn 1 triệu người bỏ miền Bắc di cư xuống Nam là vì đã
“làm cho Tây” nên đã đi theo Tây vào Nam?
Cũng chẳng lẽ ông Kha không biết lực lượng Việt Minh đã “tiếp quản”
thành phố Hà Nội từ tay quân đội Pháp sáng ngày 10/10/1954 chứ đâu có
đánh đấm gì mà bảo là “giải phóng” như Ban Tuyên giáo đảng CSVN đã viết
tài liệu tuyên truyền trong dịp kỷ niệm 60 năm mới đây (10/10/1954 –
10/10/2014)?
Không dừng ơ đây mà Tác giả Nguyễn Thụy Kha đã cùng với Khúc Ngọc Chân đong đưa tiếp với nhiều huyền thoại:
Nhà báo này viết: “Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân vào học đàn cello
ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại Dàn nhạc
Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng
vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ
hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã
mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi
lập”. Theo người thân của người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp
hương, thầm khóc cho cuộc tình chia phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã
mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội
của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông sửa thành nhịp 4/4
theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn.”
Rồi ông Kha và ông Chân kể tiếp như người chết đuối vớ được phao giữa dòng nước xoáy:
"Ông Chân nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà
lại ghi tên ông là tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao
hưởng cho đến khi về hưu. Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng,
nên những ca từ rất thực của ông diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà
Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen mang đậm nỗi ấm ức của bao
người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng đổi tên ca khúc
thành Nỗi lòng người đi nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất nước
bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay Nỗi lòng người đi (vốn là
Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.”
Nhưng làm sao mà ông Chân có thể “hát lại” được, bởi vì Trung tâm bảo vệ
quyền Tác giả Âm Nhạc Việt Nam ở Hà Nội (Vietnam Center for Protection
of Music Copyright , VCPMC) đã bác lời xin bảo vệ quyền lợi cho ông vì
ông “đã không chứng minh được quyền Tác giả” của mình.
Nguyên văn điện thư của Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó quản lý, đặc trách
ngoại vụ của Trung Tâm gửi Nhạc sĩ Anh Bằng về tác quyền như sau:
From: "Dinh Thu Phuong" <phuong.dtt@vcpmc.org>
Date: September 24, 2014 at 1:08:06 AM PDT
Subject: Fwd: NOI LONG NGUOI DI
Kính gửi Nhạc sĩ Anh Bằng,
Cháu nhận được email kèm theo bản nhạc của bác đã lâu, nhưng phải chờ
thẩm định, rồi lại vì bận nhiều việc quá nên hôm nay cháu mới hồi âm
tới bác được, mong bác thứ lỗi.
Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân ủy quyền cho VCPMC ca khúc Tôi xa Hà Nội từ
ngày 24.4.2014, tuy nhiên sau đó phát hiện có sự song trùng với ca khúc
Nỗi lòng người đi của bác. VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng
văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã quyết định
ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội. Điều đó có
nghĩa VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi
của nhạc sĩ Anh Bằng. Cháu xin chúc mừng bác ạ.
Đây là việc thường xuyên phải giải quyết của VCPMC, mong bác giải
thích với mọi người rằng chỉ thuần túy là việc tranh chấp dân sự bình
thường, ai không đủ chứng cứ là thua, có thế thôi, không phải là âm mưu
chính trị gì đâu (như có bài viết ở hải ngoại phỏng đoán) vì sự việc nó
quá tầm thường không đáng để suy diễn làm ảnh hưởng đến chính sách đại
đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam.
Để thực hiện khoản 1, 2 Điều 3 của Hợp đồng ủy quyền (mà cô Trương Mỹ
Dung – học trò của bác ở Việt Nam đã thay mặt bác ký với VCPMC) một lần
nữa cháu đề nghị bác vui lòng gửi qua email cho cháu toàn bộ ca khúc
của bác mà bác đang có, nếu đã là xuất bản phẩm trước 1975 tại Sài Gòn
thì bác scan cho cả mặt ngoài và mặt trong của bản nhạc khổ giấy A3, ca
khúc nào chưa xuất bản hoặc viết sau 1975 chưa in thì bác gửi cho cháu
bản chép tay cũng được. Cháu cảm ơn bác trước.
Cháu xin gửi kèm theo đây 1 quyết định của Giám đốc VCPMC và 1 mẫu Hợp đồng ủy quyền để bác tham khảo.
Trân trọng kính chào bác – người nhạc sĩ tài danh mà tác phẩm luôn
hướng tới và dành cho tình yêu con người cùng quê hương đất nước Việt
Nam. Chúc bác vui khỏe và dồi dào sức sáng tạo.
Kính thư,
--
Dinh Thi Thu Phuong (Ms)
Deputy Manager of External Relations Divison,
Cellphone: +84 91 660 5156
Vietnam Center for Protection of Music Copyright (VCPMC)
66 Nguyen Van Huyen Str, Cau Giay District., Hanoi, Vietnam
Phone: +844 3762 4718 (ext: 268) / Fax: +844 37624717
Office hour: 8am - 5pm GMT+7, Mon-Fri
Ngoài ra, Giám đốc Trung Tâm, Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng ra Quyết định ngày 12 tháng 09 năm 2014 có 3 điểm, nguyên văn như sau:
Điều 1: Ngừng bảo vệ quản lý và khai thác 1 ca khúc “Tôi xa Hà Nội” của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân.
Điều 2: Những ca khúc khác của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân vẫn được bảo vệ, quản lý và khai thác bình thường.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các phóng ban chức năng của Trung tâm chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Tiếp tục sai lầm
Bài viết của Nhà báo phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha xuất hiện trong
Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 804 và được Website Giai Điệu Xanh đăng
lại ngày 21/12/2012 còn tiếp tục sai lầm rằng: “Tìm hiểu về nhạc sĩ
Anh Bằng qua nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng
điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là
Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình.
Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày
30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas . Ông vẫn
hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung
tâm Asia Entertainment tại Houston.”
Ngay trong đoạn này, ông Kha đã “khẳng định chuyện kể của ông Chấn “rất
có cơ sở”, căn cứ theo những gì ông Kha tìm được trên mạng điện tử
Google, nhưng ông lại nói sai “Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ,
cư trú tại Houston, bang Texas . Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng
đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại
Houston”, trong khi gia đình Nhạc sỹ Anh Bằng và Trung tâm Asia chưa bao giờ sinh sống hay xây dựng sự nghiệp âm nhạc ở Houston, Texas.
Tuy vậy, tác giả Nguyễn Thụy Kha cứ “đong đưa” với chữ nghĩa để tiếp tục thêu dệt rằng: “Ngày
ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết
đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc Tôi xa Hà Nội do một
thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ mà lại không biết xuất xứ.
Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được giai điệu này.
Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa phải xa
Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm
trạng của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã
chuyển nhịp 3/8 gốc của ca khúc Tôi xa Hà Nội thành nhịp 4/4 dùng tiết
điệu Slow.”
Tệ hại hơn, Thụy Kha còn dựa vào lời nói của người duy nhất tự nhận là Tác giả “Tôi xa Hà Nội” Khúc Ngọc Chân để bịa ra rằng: “Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có
bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng.
Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông
tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu
trách nhiệm ca từ này.”
Nhưng Nhạc sĩ Anh Bằng, đã trả lời câu hỏi của tôi (Phạm Trần) về chuyện Nguyễn Bính như sau:
“Cảm ơn Anh đã tỏ ra rất quan tâm đến ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI của tôi đang bị cướp đoạt một cách trắng trợn.
Anh đã xem Bản nhạc được in và phát hành năm 1967 tại Sài Gòn chỉ có
tên Tác giả là ANH BẰNG trong ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI. Tuyệt đối
không có tên Thi sĩ Nguyễn Bính in bên cạnh như kẻ gian manh, xáo quyệt,
vô lương tâm, vô liêm sỉ bịa đặt.
ANH BẰNG xin minh xác như vậy để Anh yên tâm.”
Nhạc sĩ Lê Dinh, người bạn tâm giao của Anh Bằng trong nhóm 3 Nhạc sĩ Lê
Minh Bằng (Lê Dinh-Minh Kỳ-Anh Bằng) phản ứng về chuyện này:
“Bài viết này, của báo trong nước, tôi cũng đã đọc cách nay một tuần.
Đây chỉ là một bài viết lập lại những lý luận mà họ đã lải nhải như
trong nhiều bài trước, không có gì mới lạ.
Nhưng họ không đá động gì tới việc cô Đinh thị Thu Phương, Vietnam
Center for Protection of Music Copyright (VCPMC / thuộc Trung Tâm Bảo Vệ
Quyền Tác Giả) đã xác nhận với Anh Bằng, qua thư đề ngày 24-09-14,
rằng: “Sau khi thẩm định, VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và
khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội (của Khúc Ngọc Chân vì không cung cấp
chứng cứ bằng văn bản). Và VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc
Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng”.
Như vậy, chúng ta xem như việc này đã kết thúc qua lá thư của cô Đinh
thi Thu Phương (CVPMC) gửi cho Anh Bằng ngày 24-09-14 (được trích trên
đây)
“…Việc lên tiếng của VCPMC là một tiếng chuông cảnh cáo những kẻ giả
mạo để ăn cướp công lao của những nhạc sĩ sáng tác, vì không gì dễ bằng,
cứ lấy một tác phẩm cũ nổi tiếng nào đó, của một nhạc sĩ nổi tiếng nào
đó, chép bằng máy vi tính, sửa lại vài chữ và nói đây là bài nhạc của
tôi sáng tác năm đó, năm đó… ông nhạc sĩ này lấy bài nhạc của tôi làm và
nói là của ổng. Chủ nhà trở thành kẻ cướp và kẻ cướp trở thành chủ nhà,
quá dễ.
May mà có sự quyết định sáng suốt của Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả,
nếu không thì sẽ có loạn trong làng âm nhạc Việt Nam, chứ chẳng không.”
Tại sao đến 2012 mới biết?
Về chủ quyền bài hát, ông Khúc Ngọc Chân tỏ ra lúng túng khi phóng viên
báo Thể thao- Văn hóa Việt Nam (Thethaovanhoa.vn) hỏi ngày 15/10/2014
rằng: “Tại sao đến tận bận bây giờ ông mới nhận Nỗi lòng người đi là
của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc
của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu
ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?”
Ông Chân đáp gọn: “Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được. Ca khúc của tôi
sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô
người yêu thôi.”
Về chuyện bảo Anh Bằng ghi tên Nhà thơ Nguyễn Bính vào bản nhạc, ông Chân lại ú ớ khi được báo Thanh niên-Văn hóa (TTVH) hỏi: “Sau này rồi có ai biết có bài nào nhác nhác như thế của ông Nguyễn Bính không?
Khúc Ngọc Chân: “Không có. Gia đình Nguyễn Bính ở Nam Định cũng không
còn ai, con cháu đi hết rồi. Tất cả các tuyển tập thơ Nguyễn Bính không
có bài nào như thế.
May cho tôi là khi kể chuyện này với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và một
số người bạn, có người lên mạng đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác
đề rằng Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên,
sau bài viết đầu tiên của Nguyễn Thụy Kha được đưa lên mạng thì đến ngay
cả Thụy Kha đi tìm bản đề thơ Nguyễn Bính cũng không có nữa mà chỉ đề
là tác giả Anh Bằng thôi, bỏ phần thơ đi. Nếu mà sự thực phổ thơ Nguyễn
Bính thì vẫn để nguyên chứ. Giả dụ là thơ của Nguyễn Bính thật thì không
sao, không thì tôi phải là Nguyễn Bính chứ không phải Anh Bằng, bởi Anh
Bằng chỉ phổ nhạc thôi mà.”
Nhưng tại sao ông Khúc Ngọc Chân (KNC) không yêu cầu ông Nguyễn Thụy Kha
và “một số người bạn” trưng ra bằng cớ về chuyện “đã copy được bản nhạc
Anh Bằng sáng tác” có tên Nguyễn Bính trên đó?
Báo TTVH: “Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng,
vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự
là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này
là của ông?
KNC: "Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác
giả. Tôi chỉ muốn nói về một số phận khác khi ca khúc được một nhạc sĩ
nhận thức và xử lý và đã thành một ca khúc hay, đó là điều may mắn. Khi
xưa, lúc tôi biết Anh Bằng phổ nhạc, tôi cũng không dám nói ra, bởi Tôi
xa Hà Nội với những ca từ rất thực diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà
Nội tạm bị chiếm của tôi lại trở thành một vệt đen thì sao?"
Chân trái đá chân phải
Trong ki đó, Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiến Phong, 11-10-2014) viết: “Khúc
Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia (2012) ông mới biết đến sự tồn tại
của Nỗi lòng người đi. Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải
ngoại.
Qua lời kể của ông Chân thì thậm chí Nguyễn Thụy Kha cũng biết đến
“nghi án” Nỗi lòng người đi. Ông Chân thuật lại lời ông Kha trong cuộc
gặp lần đầu tiên của hai người: “Anh có cái bài Nỗi lòng người đi bên
kia người ta nói là bài của anh?!” Nhưng Nguyễn Thụy Kha lại khẳng định
không hề biết đến nghi án này cho tới khi Khúc Ngọc Chân kể ra. Tuy
nhiên, ông Kha vẫn cảm thông với cách trình bày hơi khó hiểu của ông
Chân: “Người ta không phải người ăn nói với công chúng. Nhưng mình biết
được cái lõi của vấn đề. Tôi bằng trực giác biết chắc chắn bài này của
ông ấy rồi!”.
“Phổ thơ cũng được nhưng đấy là cái sai lầm nhất của Anh Bằng. Toàn
bộ gia tài Nguyễn Bính không có bài thơ nào như lời bài “Nỗi lòng người
đi”. Mà lúc đấy Nguyễn Bính tập kết ra Bắc ra Hà Nội rồi, không dính
dáng đến miền Nam nữa mà viết cái đó. Đấy là kẽ hở của câu chuyện.
Thế rồi Nguyễn Mạnh Hà nhận xét: "Sự vô danh của Khúc Ngọc Chân là
một điều bất lợi khi đặt cạnh Anh Bằng- tác giả của hàng trăm bài hát
trong đó có Khúc thụy du, Nếu vắng anh, Anh còn nợ em, Tình là sợi tơ…
Một điểm yếu nữa trong câu chuyện của Khúc Ngọc Chân mà những người đứng
về phía Anh Bằng xoáy vào là có nhiều hình ảnh tư liệu cho thấy tàu há
mồm đưa người vào Nam cập sát cảng Hải Phòng. Trong khi ông Chân kể, ông
vẫn còn hát Tôi xa Hà Nội cùng người yêu trên thuyền từ bến Bính ra
“phao số không” để tiễn nàng lên tàu há mồm. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha,
người gốc Hải Phòng, cho hay Thu Hằng vào Nam là đợt đầu tiên, tháng
11/1954. Lúc đó tàu há mồm chưa cập vào cảng Hải Phòng."
Với những gì chúng ta đọc được quanh “vụ án Nỗi Lòng Người Đi” của Nhạc sĩ Anh Bằng cho thấy đã có những thay đổi nguy hiểm trong tâm tư của cả giới làm văn nghệ ở Việt Nam trong thời đại “gian
dối đã ngự trị trên, không những con người mà cả nền tảng văn hóa
truyền thống lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của dân tộc làm kim chỉ nam
cho đời sống hàng ngày.”
Một nền văn hóa loạn xạ như thế phải là mối lo nhức nhối của mọi người, vì như Giáo sư Hoàng Tụy đã báo động: “Giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối.” -/-
(10/014)
0 comments:
Post a Comment