Bản nhạc tôi viết theo cảm hứng từ niềm vui, mừng cựu đại úy VNCH Nguyễn Hữu Cầu,
người tù thế kỷ, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và lòng
yêu thương của đồng bào, chiến hữu ông khắp bốn phương trời.
Bên cạnh sự trở về của ông, có một người thầy giáo khả kính khác, cựu trung úy QĐND Đinh Đăng Định,
ông cũng trở về từ tù ngục, nhưng đã vĩnh viễn ra đi trong vòng tay
thương yêu của gia đình và lòng thương tiếc của những người thương yêu
ông khắp nơi.
Nhưng bản nhạc không chỉ viết cho riêng hai tù nhân lương tâm “cựu lính” này.
Người Lính của Tự Do, với tôi, không mặc quân phục, không nhất thiết
thuộc về chế độ nào, không có súng đạn, quân trang... Chỉ có tiếng nói:
Tiếng nói cho sự thật, bất kể an nguy bản thân, tranh đấu đòi công lý,
tự do cho dân tộc.
Danh sách tù lương tâm của Việt Nam ngày càng dài. Cả nước vốn dĩ là
một nhà tù lớn, những người không chịu khuất phục, thì có luật rừng đưa
vào nhà tù nhỏ. Một người mãn hạn, hàng chục người khác đã vào thế chỗ.
Có người ra chưa bao lâu, đã vào trở lại. Đây quả là sự kiện đáng
buồn: Tập đoàn thống trị, dù có giao hảo, có gửi con cháu họ ra học hỏi
ở các nước tự do dân chủ, chỉ với mục để tiếp tục ôm quyền lực, cai
quản túi tiền của cha con giòng họ, chứ không phải để ích quốc lợi dân.
Tuy nhiên, nhìn trên một khía cạnh khác, sự kiện “đáng buồn” này cũng
rất “đáng vui”. Bất chấp bạo tàn, tù ngục, người dân Việt vẫn dấn thân,
ngày một nhiều. “Đáng vui” vì đó là chỉ dấu dân tộc Việt Nam sẽ trường
tồn.
Với bao cảnh đau thương dưới ách Cộng Sản, thật khó cho tôi viết ra được
giai điệu vui về đất nước và con người Việt Nam. Nhưng lần này, tôi
rán nhìn theo khía cạnh “đáng vui” trên để gửi tới những Người Lính Tự
Do của Việt Nam. Xin được kể ra một số tiêu biểu, tên những “người lính”
tôi rất kính trọng này.
Linh mục Nguyễn Văn Lý, với tiếng nói đòi tự do, công bằng không
ngừng nghỉ, nên trải suốt thời Cộng sản luân chuyển khắp các nhà tù nhỏ,
hoặc bị quản chế ngoài nhà tù lớn.
Ký giả Trương Minh Đức, sau những năm tù ra, đang tiếp tục là người phóng viên, ký giả cho dân, cho các nạn nhân của chế độ bất công, bạo tàn.
Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, người cựu tù không quên “đồng đội”
chuyển tin tức, những câu chuyện tù ra ngoài, tiếp tục những hoạt động
sẵn sàng đưa anh từ tù lớn trở lại tù nhỏ.
Anh Đoàn Huy Chương, 4 năm tù vì tham gia công đoàn đòi hỏi quyền
lợi cho công nhân, phóng thích trở ra, không ngưng nghỉ hoạt động bênh
vực công nhân nghèo, và đã đang lãnh tiếp một bản án 7 năm nữa.
Cô Phạm Thanh Nghiên, khí phách kể cả lúc trong tù, mãn án 4 năm,
tiếp tục viết những bài viết về thời sự, nhân quyền, quan điểm... mà
tôi rất cảm kích.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, tiếp tục con đường hoạt động, sau 4 năm tù giam, hiện là thành viên hội Anh Em Dân Chủ.
Luật sư Lê thị Công Nhân, xong án tù 3 năm, vẫn khẳng khái tố cáo những điều bất công dù một tay con nhỏ, đang là thành viên hội Bầu Bí Tương Thân.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, hy sinh cuộc sống tự do tại Pháp trở về
Việt Nam làm giảng sư đại học, bị bắt tù vì các hoạt động cổ vũ dân chủ,
sau nhiều vận động từ Quốc tế, trở ra, ông vẫn tiếp tục phổ biến những
bài viết đầy tính nhân bản của mình.
Chị Bùi thị Minh Hằng, không lùi bước trước các thủ đoạn đàn áp
của bạo quyền, sau khi được thả ra khỏi trại "phục hồi nhân phẩm", một
lối tù trá hình chúng giành cho chị, và hiện đang bị "tạm giam" chuẩn bị
cho một tòa án "rừng" khác.
Hai anh em Huỳnh Anh Trí và Huỳnh Anh Tú, tù chính trị, vừa phóng thích sau 14 năm đã xuất hiện giữa những khuôn mặt đấu tranh...
Các cha, sư, các vị lãnh đạo tinh thần đang góp tiếng nói, việc làm với
chúng dân trong công cuộc giành lại quyền làm chủ. Xin được nhắc tới một
người tiêu biểu là Linh mục Nguyễn Ngọc Tĩnh đã đặc biệt gây ấn tượng với tôi qua bài giảng can trường ngày 29/9/2013:
Gương bất khuất của cố đại úy VNCH Trương Văn Sương cũng khiến
tôi không thể quên được. Sau 6 năm tù cải tạo, ông đã vượt thoát tới
Thái Lan, nhưng lại quay về theo đoàn quân kháng chiến của anh hùng Trần
Văn Bá, bị bắt và lãnh án chung thân. Suốt thời gian tù đày, cứ mỗi đầu
năm ông lại bị biệt giam cùm 6 tháng vì không chịu viết bản nhận tội mà
viết: "Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội. Chúng tôi là
những người có công với đất nước. Mặc dù chúng tôi không đắp được một
con đường hay xây được cái nhà, nhưng chúng tôi là những người đã đem mồ
hôi, nước mắt, xương máu để đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ
cho VN." Anh hùng Trương văn Sương đã mất trong tù CS sau 34 năm tù ngục.
Còn nhiều những người lính của tự do khác hiện có tên trong danh sách
dài Tù Nhân Lương Tâm, "chưa về", mà tôi không thể bao gồm tất cả trong
đoạn chú gọn này.
Xin được dùng lời nhạc Người Lính của Tự Do để tỏ lòng cảm kích đến tất cả:
Người về cho niềm tin còn sáng trên quê hương tội tình
Người về với hùng tâm không chuyển lay sau tháng năm nhục hình
Hiểm họa vẫn bủa vây, bầy Ác chưa buông tay luật rừng
Và người đi tiếp đường, đi đến cùng, làm chứng nhân kiên cường
Nói lên giả trá đang tàn phá quê hương nhà
Xóa bao bản án đang nhạo báng lương tâm người
Quên an bình riêng vì công lý, quyết đấu tranh
Xứng danh người lính của tự do, sống cho dân
Người về như tự do phải đến cho quê hương ngục tù
Người người đứng thẳng lưng, không sợ hãi, lên tiếng cho sự thật
Bạo quyền không còn đất, lộ rõ tâm gian manh, lọc lừa
Người vùng lên phá ngục, bứt xích xiềng, ngày sáng sau đêm dài
Phá đi màn tối! Thế kỷ trói, chân giống nòi
Phá đi tà thuyết, đã tận giết tinh anh Việt
Quyết, ta gìn giữ nền văn hóa, đất cha ông
Quyết tâm diệt ác, dậy cùng đi, cứu non sông
Trân trọng.
Trần Bảo Như
0 comments:
Post a Comment