Càng gần ngày Hội nghị Trung ương đảng lần 9 diễn ra trước kỳ họp 7
của Quốc hội cuối tháng 5 (2014), làng báo ở Việt Nam đã bị lãnh đạo
chỉ trích "còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm, thiếu nhạy bén
chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, thậm chí có biểu
hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời đối tượng phục vụ, thiên về phản
ánh các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội..."
Tác giả Trương Minh Tuấn đã “hạch tội” báo chí như thế trên báo Nhân Dân
ngày 11/04/2014, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các báo “lề đảng”
bị chỉ trích không làm theo đúng những cam kết của cơ quan chủ quản
(chủ báo) với đảng và nhà nước như khi xin phép ra báo.
Cách đây 4 tháng, vào ngày 14 tháng 01/2014, Hội nghị báo chí toàn quốc
của 600 lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã phải
nghe ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương gay gắt:
“Đầu tiên phải kể đến là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, thiên về
khai thác mặt trái, giật gân, hình ảnh phản cảm nhằm câu khách vì mục
đích kinh tế gia tăng đáng báo động ở một số đơn vị báo chí, nhất là
trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, chương trình truyền hình giải trí…” (Thông tin từ Hội nghị).
Ông Huynh còn được báo chí trích lời phê bình rằng: “Vẫn còn một số
cơ quan báo chí buông lỏng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử
lý các tình huống, thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót
ở mức nghiêm trọng, không thể khắc phục hậu quả...”
Cơ quan Tuyên giáo có trách nhiệm “giữ vững tư tưởng chính trị” trong đảng và báo chí để chống lại điều được chế độ gọi là “diễn biến hòa bình” và “chống phá của các thế lực thù địch”.
Những “kẻ thù vô hình” do đảng dựng lên còn bị khép tội đã làm cho một số đông cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “suy thoái đạo đức cách mạng”.
Không thấy ông Huynh kết tội báo chí cũng đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá”
như trong cán bộ, đảng viên. Nhưng các người đứng đầu cơ quan chủ quản
báo, Tổng biên tập và có thể một số phóng viên, biên tập viên và số
người viết bài cho tờ báo cũng là đảng viên cả.
Có hay chưa chuyện báo chí đã “chệch hướng tư tưởng” của đảng
thì chưa rõ, nhưng tất cả báo -đài ở Việt Nam đều của các cơ quan, đoàn
thể và tổ chức của đảng nên khi ông Đinh Thế Huynh hay bất cứ cấp lãnh
đạo nào lên tiếng “vạch lá tìm sâu” trên báo để “hoạnh hoẹ” thì chính là đảng đã “chửi chính mình” vì nó phản ảnh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay “cha chung không ai khóc”.
NGUYÊN NHÂN SA SÚT
Nhưng tại sao đã xảy ra tình trạng báo đảng rẽ ngang, xé rào? Lý do vì
cơ quan chủ quản cần có báo để bảo vệ quyền lợi và khoe thành tích.
Muốn tồn tại phải có tiền để vừa duy trì tờ báo, nuôi phóng viên, cán bộ
và trả tiền bài. Vì vậy họ không thể cứ mãi mãi là cái loa mà phải
nhịn đói để tuyên truyền cho đảng.
Bằng chứng như lời chỉ trích trong bài viết trên báo Nhân Dân (11/04/2014) của Trương Minh Tuấn đã chê báo chí: "Ít thông tin, tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước..."
Lý do các báo ngại đưa các loại tin “khoe khoang” này vì chúng
không đem tiền về cho cơ quan chủ quản. Hơn nữa cơ quan chủ quản báo cần
phải dành chỗ cho đăng quảng cáo để thu lợi, hay ưu tiên cho việc viết
khen “người tốt, việc tốt” của chính cơ quan mình chứ “rỗi công đâu” khen người ngoài để chả được xơ múi gì?
Vì vậy, một số báo đã xuất bản đến 2 hay 3 phụ bản khác nhau để cạnh
tranh lấy quảng cáo với báo khác. Đôi khi có báo còn dùng cả các chiêu
câu khách “phản cảm”, “thiếu văn hóa”, không cần giữ thể diện với “thuần phong mỹ tục” để kiếm tiền nuôi báo!
Vì vậy không lạ khi thấy Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã gay gắt: “Không
thể để tình trạng các báo có xu hướng lá cải tiếp tục hoành hành. Và
những người làm báo phải dũng cảm, biết hy sinh, dám từ bỏ nếu có lợi
ích trong việc ra đời những phụ trương, những “ấn phẩm bẩn”.
Trong khi ấy thì Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng báo cáo tình trạng đang đi xuống của các báo:
"Đến hết tháng 12/2013 cả nước có 838 cơ quan báo chí in (tăng 25 cơ
quan). Nếu số bản báo phát hành trên thị trường năm 2012 khoảng 850
triệu bản thì năm 2013 chỉ còn khoảng 836 triệu bản. Tổng doanh thu của
báo chí in năm 2013 khoảng 4.100 tỷ đồng, giảm 0,8% so với 2012.
Hết tháng 12/2013, Việt Nam có 92 báo, tạp chí điện tử (cấp mới 19
báo, tạp chí điện tử ). Doanh thu quảng cáo trên báo điện tử trong năm
2013 dù tăng chậm nhưng dự báo thời gian tới rất khả quan.” (Báo Tiền Phong Online ngày 15/01/2014).
Lý do khác khiến báo in đi xuống vì nhiều độc giả đã đọc báo trên mạng
internet để vừa có nhiều thông tin lại tiếp cận được nguồn tin khác nhau
từ các Nhà báo Xã hội (Bloggers), nhất là những tin nhà nước không phổ
biến hay các báo không dám viết.
Vậy đâu là nguyên nhân báo chí sa sút phẩm chất hay đội ngũ biên tập đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” tư tưởng?
Trương Minh Tuấn có đáp số trên báo Nhân Dân ngày 11/04/2014: “Những
ưu điểm, thành tựu cũng như các hạn chế, khuyết điểm của hoạt động báo
chí thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan,
trong đó nguyên nhân trước hết là do sự hạn chế, bất cập trong công tác
chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản.
Thực tế thời gian qua cho thấy, có tình trạng buông lỏng quản lý,
thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản và dường như tự cho rằng
"vô can" trước những sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền?”
Vẫn theo lời ông Tuấn thì: “Không ít cơ quan chủ quản, nhất là một số
tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp buông lỏng vai trò và trách nhiệm
chỉ đạo, quản lý theo quy định đối với cơ quan báo chí thuộc quyền. Có
nơi, cơ quan chủ quản sau khi xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí đã
"khoán trắng" cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định hoạt động, dẫn
đến tình trạng có cơ quan báo chí lại không chịu sự chỉ đạo, quản lý của
cơ quan chủ quản. Một số cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, hỗ trợ cơ
quan báo chí tháo gỡ khó khăn, thậm chí còn yêu cầu cơ quan báo chí
thuộc quyền đóng góp kinh phí hoạt động, lệ thuộc vào kinh phí của cơ
quan báo chí; có trường hợp chưa tìm được cách tháo gỡ khó khăn, buộc
phải giải thể cơ quan báo chí thuộc quyền. Nhiều trường hợp sai phạm của
cơ quan báo chí xử lý không nghiêm hoặc giải quyết không dứt điểm, kịp
thời các vụ việc tiêu cực trong cơ quan báo chí, có biểu hiện bao che
cho người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp,
tác động tiêu cực tới cán bộ, phóng viên, biên tập viên...”
Tại sao hàng ngũ báo đảng lại “loạn cào cào” đến thế? Nó giống hệt như chuyện “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007 đến nay vẫn chưa trừ được nạn tham nhũng, lãng phí và suy thoái đạo đức trong đảng.
Hầu hết cán bộ, đảng viên có “học” nhưng không bao giờ “hành” những điều
“Bác” nói vì nếu thực hành thì “đói” trong khi những kẻ “có chức có quyền” lại cứ cho mình quyền “được tự do tham nhũng và lãng phí làm giầu trên mồ hôi và nước mắt của dân” mà không hề bấn gì!
Thất bại ê chề của Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một bằng chứng.
Vì vậy người đứng đầu ngành tư tưởng-văn hoá Đinh Thế Huynh đã dọa sẽ
“cạo đầu” cơ quan chủ quản là nơi “làm chủ” tờ báo. Báo Tiền Phong viết
ngày 15/02/2014: “Ông Huynh khẳng định vai trò của cơ quan chủ quản
là rất lớn, trực tiếp, có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, trong quy hoạch
tới đây sẽ tính đến việc cho dừng những tờ báo mà cơ quan chủ quản không
còn hoạt động, hoặc hoạt động không có hiệu quả, không có khả năng chỉ
đạo, lãnh đạo, quản lý tờ báo.”
Chuyện “đảng ra tay chính đốn và uốn nắn hàng ngũ báo chí” để kéo cầy cho đảng cũng còn được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm và chỉ thị phải hành động thay đổi.
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thay
mặt 16 Ủy viên Bộ chính trị yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương nhanh
chóng “khắc phục chồng chéo trong quản lý báo chí”.
Lên tiếng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2013
và triển khai nhiệm vụ năm 2014, tổ chức ngày 13/1/2014, ông Anh nói: “Trước
yêu cầu mới và trước nhiều thách thức, báo chí cần thể hiện rõ tính
chiến đấu, trở thành chủ lực trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp tục đổi mới tư duy về
công tác quản lý báo chí trong điều kiện hiện nay; nâng cao tính chủ
động trong nắm bắt, phân tích, xử lý tình huống, vấn đề, sự kiện, chủ
động trong thông tin, chiếm lĩnh thông tin để định hướng dư luận xã
hội.
Ông Lê Hồng Anh còn chỉ thị: “Cơ quan chủ quản cần phát huy vai trò
trách nhiệm quản lý nhà nước; khắc phục sự lỏng lẻo, chồng chéo trong
quản lý hoạt động báo chí; không để xảy ra tình trạng xa rời tôn chỉ,
mục đích, giật gân câu khách của một số báo, nhất là trong một số ấn
phẩm phụ, số chuyên đề, báo mạng, kênh truyền hình. Đẩy nhanh tiến độ
quy hoạch tổng thể hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng phân tán,
trùng lặp, lãng phí nguồn lực.” (Báo Tiền Phong, 13/01/2014)
Nhưng liệu báo chí có nghe theo những lời chỉ giáo của các “lãnh đạo” Trương Minh Tuấn, Đinh Thế Huỳnh và Lê Hồng Anh không?
Chỉ có tương lai mới trả lời được. Nhưng vào thời điểm đảng chuẩn bị họp Hội nghị 9 Trung ương, hay còn được gọi là “Hội nghị giữa nhiệm kỳ” của khóa đảng XI (2011-2016) thì câu chuyện phải “chuyên chính hóa báo chí” để đặt những cơ quan chủ quản và người làm báo vào “khuôn phép” cho đúng với “đường đi nước bước”
của Ban Tuyên giáo và Bộ Chính trị thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra,
tùy vào phe nào trong đảng có hy vọng sẽ thắng thế từ nay đến Hội nghị
Đảng XII dự trù vào tháng 01 năm 2016.
Có điều rất rõ là trong tình trạng “trâu-bò húc nhau” như thế này
thì chỉ có người dân bị thiệt. Bởi vì khi báo chí không còn muốn chơi
với đảng nữa thì người dân cũng chẳng muốn níu kéo báo chí ở lại với
mình làm gì.
Lý do người dân còn mua báo đọc vì họ không có sự lựa chọn nào khác để so sánh như người dân ở các nước có nền báo chí tự do.
Giữa đảng và “báo chí của đảng” thì thà đừng có cả hai còn hơn để bớt phiền muộn cho dân.
04 / 2014
0 comments:
Post a Comment