Saturday, May 4, 2013

Việt Nam : Buổi dã ngoại trao đổi về nhân quyền Chủ nhật 05/05/2013

Bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế được Liên Hiệp Quốc côgn bố năm 1948.
Bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế được Liên Hiệp Quốc côgn bố năm 1948.
Nhóm Các Công dân Tự do dự định ngày mai Chủ nhật 05/05/2013 sẽ tổ chức các buổi dã ngoại trao đổi về nhân quyền tại ba thành phố Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội và đang kêu gọi mọi người ở ba thành phố này, nhất là giới trẻ, tham gia đông đảo.
Cô Phạm Thanh Nghiên, một nhà đấu tranh dân chủ, từng bị kết án bốn năm tù vào đầu năm 2010 vì đã tọa kháng phản đối công hàm Phạm Văn Đồng và hiện đang bị quản chế, thì chọn hình thức dã ngoại ngay trước sân nhà của cô. Từ Hải Phòng, Phạm Thanh Nghiên trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ :
RFI : Xin chào Phạm Thanh Nghiên, là một trong những người đầu tiên ký tên vào Lời tuyên bố Các Công dân Tự do, tức là nhóm khởi xướng buổi dã ngoại ngày mai, Thanh Nghiên có thể cho biết là vì sao các bạn chọn hình thức dã ngoại để trao đổi về nhân quyền ?
Phạm Thanh Nghiên : Kể từ khi ra Lời tuyên bố Các Công dân Tự do, chúng tôi cũng đã có những tuyên bố khác thể hiện quyền con người của mình. Ngày 05/05, chúng tôi sẽ có buổi dã ngoại trao đổi về quyền con người. Đứng tên tổ chức là các blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Anh Tuấn và đầu tiên là Nguyễn Văn Dũng. Riêng tôi, tuy không trực tiếp đứng tên tổ chức, nhưng tôi có một hình thức khác, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của tôi, đó là dã ngoại ngay trước sân nhà mình.
Dã ngoại là một hình thức rất nhẹ nhàng, như là một buổi picnic giữa bạn bè, gia đình, với hình ảnh gần gũi, thân quen, thoải mái, trong một không gian rộng lớn, để các bạn trẻ, kể cả các phụ huynh và tất cả những người khác quan tâm đến quyền con người đều có thể tham gia. Cho nên, chúng tôi mới chọn hình thức dã ngoại.
Các buổi dã ngoại này sẽ diễn ra ở các công viên 30/04 tại Sài Gòn, do bạn Nguyễn Hoàng Vi phụ trách; công viên Bạch Đằng tại Nha Trang, do blogger Mẹ Nấm phụ trách; công viên Nghĩa Đô, do blogger Trịnh Anh Tuấn phụ trách.
RFI : Tuy các buổi dã ngoại này diễn ra một cách nhẹ nhàng, nhưng không thể loại trừ khả năng công an ngăn cản, xua đuổi hoặc bắt bớ. Trong những trường hợp đó, những người tham gia phải phản ứng ra sao ?
Phạm Thanh Nghiên : Nếu như được thoải mái thảo luận, thì đó quả một điều may mắn, đáng mừng. Nhưng nếu như bị ngăn cản, không cho sinh hoạt tại các địa điểm đã thông báo, thì các bạn sẽ được hướng dẫn tới những nơi khác. Những người muốn tham dự thì nên đọc kỹ bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Nếu tình huống xấu xảy ra, chúng ta phải ý thức rằng cuộc dã ngoại này là cuộc dã ngoại trao đổi về nhân quyền rất chính đáng và rất ôn hòa. Chúng ta phải cho mọi người thấy được rằng của chúng ta là những người rất hiền lành và làm những công việc rất chính đáng.
Nếu bị ngăn cản, tinh thần chung là đồng lòng và chia sẽ, chấp nhận, không phản kháng trước bất cứ một biện pháp, nào, kể cả đánh đập, để nói lên tiếng nói của mình về quyền con người và để cho công luận trong nước và trên thế giới biết rằng người Việt Nam rất khát khao về quyền con người và vì quyền con người, chúng tôi sẳn sàng bị bắt bớ, bị đánh đập, bị hành hung.
RFI : Riêng đối với Thanh Nghiên, thì hình thức dã ngoại sẽ như thế nào ?
Phạm Thanh Nghiên : Là người còn bị quản chế trong vòng 3 năm, tôi đã chọn hình thức dã ngoại ngay trước sân nhà mình, mới người mẹ thân yêu của tôi. Tôi cũng rất muốn có những bạn bè khác đến với tôi để kể chuyện cho nhau nghe về nhân quyền. Tôi cũng viết bài « Dã ngoại trước sân nhà. Tại sao không ? » và đã có lời mời công khai trên mạng Facebook về buổi dã ngoại 05/05.
Tôi sẽ rất mừng nếu được đón tiếp những công dân tự do khác đến trao đổi với tôi về quyền con người. Tôi tin là sẽ không bao giờ có kịch bản ngày 18/9 lần thứ hai như là cách đây 5 năm, khi tôi toạ kháng tại gia để khẳng định chủ quyền của dân tộc, phản đối công hàm Phạm Văn Đồng.
Tôi nghĩ rằng sẽ không có ai bị bắt khi nói với người khác : « Tôi là con người ». Nếu ở địa vị nhà cầm quyền, tôi cũng sẽ không bao giờ đàn áp hay ngăn cản, vì nếu như họ đàn áp, ngăn cản, thì không có gì bình luận hơn về lối hành xử của nhà cầm quyền đối với công dân của mình, trong khi họ chỉ đơn giản nói : « Tôi là con người ».
RFI : Nhân quyền cũng là vấn đề được nói đến nhiều trong bối cảnh người dân được mời đóng góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp. Nhưng theo Thanh Nghiên, người dân Việt Nam nói chung và giới trẻ nói riêng đã có ý thức nhiều về nâng cao dân chủ, nhân quyền hay không hay đa số vẫn còn thờ ơ về vấn đề này?
Phạm Thanh Nghiên : Có thể nói một cách công bằng rằng, so với những năm trước thì giới trẻ Việt Nam hiện nay ít nhiều quan tâm hơn đến các vấn đề của đất nước. Nhưng nhiều người cũng vẫn còn bàng quan, thờ ơ với hiện tình của đất nước.
Việc sửa đổi Hiến pháp cũng là dịp để đánh giá về cái nhìn của giới trẻ hiện nay đối với đất nước. Tôi đã quen biết và gặp gỡ một số bạn trẻ là sinh viên, các bạn cũng đã bày tỏ với tôi quan điểm về quyền công người, về dân chủ, về Hiến pháp…Tôi rất hy vọng họ sẽ làm điều gì đó hơn tôi, hơn những người khác, để làm thay đổi thực trạng của đất nước.
Tôi cũng đã tiếp xúc nhiều với những nhân viên an ninh còn rất trẻ và có thể là một số người cũng đã có chuyển biến trong tư tưởng. Tuy họ mang trên vai nhiệm vụ mà Đảng giao cho, nhưng họ cũng có lối hành xử không đến nỗi tệ, tức là ôn hoà hơn so với những năm trước, khi mà tôi chưa đi tù, tức là thể hiện tiến bộ hơn trong nhận thức.
Tuy nhiên đây không phải là quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chỉ là chuyển biến tư tưởng của một vài cá nhân, chính quyền sẽ không có thay đổi gì về việc cải thiện quyền con người. Kỳ vọng quá nhiều vào sự thay đổi của nhà cầm quyền là một sự ngộ nhận.
Giới trẻ bây giờ tuy có tiến bộ hơn trước, nhưng tôi cho rằng chúng ta cần nhiều hơn thế, chứ không chỉ là những cá nhân đơn lẻ, hay một bộ phận nhỏ, để có thể hy vọng tiến trình dân chủ hóa sẽ đến sớm hơn ở Việt Nam.
RFI: Xin cám ơn cô Phạm Thanh Nghiên.

0 comments:

Powered By Blogger