Thursday, August 23, 2012

Một vài dự đoán về trang blog Quan Làm Báo

 
Lê Nguyên Hồng

Tuy mới ra đời từ ngày 07/06/2012 tức là đến nay mới hơn 2 tháng nhưng trang blog Quan Làm Báo đã thu hút được một số lượng người truy cập có thể nói là kỷ lục – hơn 9 triệu lượt truy cập. Cứ cho là có sự cài đặt đồng hồ đếm cấp số cộng hay cấp số nhân của trang blog này đi chăng nữa, thì phải khẳng định rằng con số thực vẫn là đáng nể.
Theo giới thiệu của trang Ba Sàm, tôi là một người đã nhanh nhảu gắn đường link liên kết của trang Quan Làm Báo vào trang blog cá nhân ngay từ ngày thứ hai khi trang này xuất hiện. Có lẽ mọi độc giả của trang Quan Làm Báo đều giống tôi, đều nhận định đây là một trang mạng mà chủ trang là người rất nghiệp dư về báo mạng Internet, nhất là chưa có kinh nghiệm sử dụng dịch vụ blog của blogspot.com.

Chính vì vậy tôi đã canh giờ post bài mới của trang Quan Làm Báo và phát hiện ra trang này sử dụng múi giờ GMT+8 (hiện nay họ đã cài đặt lại theo múi giờ GMT+7). Những vùng lãnh thổ có múi giờ như vậy gồm Singapore, Đài Loan, Kualar Lumpur, Thượng Hải, Hồng Kông vv… Nếu đây là sơ suất của người thiết kế trang blog Quan Làm Báo trong những ngày đầu, thì chủ trang trang này chắc chắn không cư ngụ trong lãnh thổ Việt Nam.
Người ta lập ra một trang mạng không phải để giải trí bằng việc đưa tin, viết bài về chính trị xã hội, vậy mục đích của trang Quan Làm Báo là gì?
Trang Quan Làm Báo tấn công vào chế độ chính trị Cộng Sản ở Việt Nam, nhưng “ưu ái” chĩa mũi nhọn chính vào đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhân vật thân cận cộm cán cũng như những nhóm lợi ích xung quanh ông này. Cũng có một vài bài nhắc đến các cái tên như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng. Nhưng tràn ngập thông tin trên Quan Làm Báo vẫn là những cái tên như: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Văn Hưởng, nhóm ngân hàng đứng đầu là thống đốc Nguyễn Văn Bình và “bố già” Nguyễn Đức Kiên vừa bị bắt.
Không mấy ai có đủ khả năng chứng minh về tính xác thực của những thông tin mà Quan Làm Báo đã đăng tải. Nhưng có thể thấy, chỉ cần độ chuẩn đạt 50% thôi thì những thông tin về nhóm lợi ích mang tính chất Mafia xung quanh nhân vật Nguyễn Tấn Dũng cũng đã là “bom tấn” trên mạng Internet.
Ai có thể cung cấp những thông tin và số liệu hoạt động kinh tế của ngành ngân hàng đã chiếm một dung lượng lớn trên trang Quan Làm Báo? Đó phải là những thông tin được lấy ra từ chính những nhân vật cao cấp trong ngành ngân hàng và công an an ninh. Nói “những” có nghĩa là có nhiều nhân vật đã cùng làm việc này. Nếu vậy thì việc bắt ông Phạm Chí Dũng – một sĩ quan trung cấp, vốn trước đây thuộc ngành anh ninh của công an Việt Nam, một người được cho là tay chân của ông Trương Tấn Sang – chỉ có thể là do phe nhóm đối lập với nhóm của Nguyễn Phú Trọng thực hiện.
Có 2 tình huống giả định được đưa ra: Thứ nhất, Quan Làm Báo ra đời chính là chủ trương của nhóm ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đứng đầu. Thứ hai, đây chính là những thông tin hoạt động kinh tế tài chính nội bộ mà tình báo nước ngoài đã lấy được. Họ đã tung ra những bằng chứng phạm pháp của nhóm Nguyễn Tấn Dũng để hạ bệ ông này. Đó chắc chắn phải là tình báo của một nước ủng hộ nhóm của Nguyễn Phú Trọng. Theo suy luận thì đó chỉ có thể là tình báo Trung Quốc.
Sự kiện Nguyễn Đức Kiên, tiếp đến là tổng giám đốc ngân hàng ACB bị bắt chỉ sau hơn 2 tháng trang Quan Làm Báo xuất hiện đã cho thấy hai sự việc có thể có liên quan đến nhau. Vậy trang Quan Làm Báo ra đời là tín hiệu vui hay buồn?
Trước hết nó là tín hiệu vui, vì một phần sự thật về nhóm lợi ích đục khoét công khố, móc túi nhân dân qua các thủ đoạn hoạt động ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh vàng bạc, đầu cơ bất động sản vv.., đã được phanh phui. Nếu không được ngăn chặn, chắc chắn những bố già như Nguyễn Đức Kiên sẽ nhảy sang làm chính trị. Và khi đó thì hậu quả sẽ khôn lường…
Nhưng sự xuất hiện của trang Quan Làm Báo cũng chỉ là một tín hiệu buồn vì những gì thể hiện trên trang này cho đến hôm nay đơn thuần là phục vụ cho mũi nhọn tấn công vào nhân vật Nguyễn Tấn Dũng dưới dạng tố cáo tham nhũng. Người đọc chưa thấy quan điểm chính trị của Quan Làm Báo giống như đã thấy trên trang Dân Làm Báo – một trang blog khá nổi tiếng trước khi Quan Làm Báo xuất hiện.
Chúng ta không có quyền bắt buộc người khác phải làm theo ý mình, nhất là họ đang phải nhận lãnh những nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Nhưng có thể khẳng định, nếu coi trang Quan Làm Báo là một trang có mục đích chính trị thì đó chỉ là những mục đích chính trị đấu đá nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đối với đại đa số người dân Việt Nam, nhất là tầng lớp dân nghèo, họ sẽ không được hưởng lợi ích gì nếu nhóm của Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ. Đơn giản là một khi có quyền lực độc đoán trong tay, những đảng viên Đảng Cộng Sản kế nhiệm ông Dũng trước sau gì cũng sẽ vướng vào “vết xe đổ” bởi sức hút khó cưỡng của những đồng tiền phi pháp.
Lê Nguyên Hồng

0 comments:

Powered By Blogger