Người chuyển bài: Trần Thiện | Tác giả: Phạm Văn Liễu (hồi ký) | Ngày 2015.11.22 |
Đầu năm 1994, tôi (Phạm Văn Liễu)
nhận được điện thoại của anh Vũ Ngự Chiêu, tức nhà văn Nguyên Vũ, giám
đốc nhà xuất bản và phát hành Văn Hóa, yêu cầu tôi ra làm chứng cho vụ
ba đầu lĩnh Mặt Trận, Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa và Trần Xuân Ninh
kiện nhà văn Nguyên Vũ, giám đốc nhà xuất bản Đa Nguyên, đã cho in và
phát hành cuốn hồi ký chính trị Mặt Trận, những sự thực chưa hề được kể
của nhà văn Cao Thế Dung năm 1992. Suy nghĩ một lúc, tôi nhận lời, anh
Vũ Ngự Chiêu là bạn tôi, tình thân như ruột thịt, Nguyên Vũ hay Chính
Đạo là nhà văn có nhiều tác phẩm và bài phân tách chính trị, tôi ưa
thích
Những
ngày kế tiếp, tôi nhận được điện thoại của ông Cao Thế Dung, tác giả
cuốn hồi ký chính trị Mặt Trận, những bí mật chưa hề tiết lộ về Mặt Trận
Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh và đặc biệt là tổ chức K 9, cũng yêu cầu tôi ra làm chứng cho vụ ông bị nhóm ba đầu lĩnh Mặt Trận kiện .
Tôi
đã nhận lời ra làm chứng cho nhà văn Nguyên Vũ, tôi không chần chừ nhận
lời. Ông Cao thế Dung, tôi đã biết từ ngày ở Saigon, qua Hoa Kỳ, ông là
chiến hữu trong Mặt Trận. Thêm nữa, ông là nhà văn và nhà báo can đảm,
không sợ bạo lực, viết lên những sai trái, nhem nhuốc, gian giảo của Mặt
Trận.
Ông
Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, chủ báo Văn Nghệ Tiền Phong (VNTP) cũng gọi
cho tôi yêu cầu tôi ra làm chứng về vụ ông bị ba người đầu lĩnh Mặt
Trận thưa ra tòa, vì báo VNTP đã cho đăng tải những bài viết của Lê Kính
Dân “Ai giết vợ chồng ký giả Lê Triết”, Lê Bằng Phong và Chu Tri Lục
viết khen tặng và phụ họa bài của Lê kính Dân.
Tôi
nhận lời yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Hoàng, ông Hoàng với tôi quen
biết nhau từ ngày tôi theo học trên trường Võ Bị Dalat năm 1952, và
những ngày sau khi ông làm chủ những tờ báo Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền
Phong ở Saigon, kể cả thời gian tỵ nạn qua Hoa Kỳ, ông Hoàng với tôi vẫn
là bạn có giao hảo tốt.
Ngoài sự quen biết và tình bằng hữu, tôi
nhận lời yêu cầu của cả ba người, ra làm chứng là vì chính nghĩa, vì
công đạo, vì công lý, tôi không muốn thấy nhóm đầu lĩnh Mặt Trận hiện
nay mang tiền bạc phi nghĩa ra, định làm hại ba người trong giới văn
bút, báo chí.
Ngày
13 tháng 5 năm 1994, Luật sư Kleven, thầy cãi cho phe nguyên đơn, có
Hoàng Cơ Định đi theo đến Austin, Texax, lấy lời khai của tôi, nhân
chứng cho phía bị cáo.
Tôi trưng ra những tài liệu chứng minh Hoàng Cơ Định là một con người sảo trá, gian manh, bạo tàn.
Trước đó, tôi tra cứu tự điển dịch mấy chữ nhận xét về anh em họ Hoàng
Cơ, như bịp bợm, dối trá, lường gạt, phản bội, v.v. . .ra tiếng Anh cho
đúng. Tưởng tôi có tài liệu thành văn, luật sư Kleven đòi xem và ghi
vào biên bản.
Ông
Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng cho biết đã nhờ một luật sư Mỹ biện hộ, tên
là Richard D. Givens ở Redwood City. Nhà văn Nguyên Vũ cho biết đã nhờ
được luật sư Nguyễn Tâm có văn phòng tại San Jose, biện hộ, chỉ có ông
Cao Thế Dung lấy lý do nghèo nàn, không có tiền thuê mướn luật sư, được
tòa cho tự biện hộ.
Phiên tòa chính thức bắt đầu từ ngày 5 tháng 12 năm 1994 tại tòa Thượng Thẩm hạt Santa Clara ngay trung tâm thành phố San José.
Ngày
12 tháng 12 năm 1994, tôi đáp máy bay qua San José, tới phi trường
được Nguyên Vũ và cựu chiến hữu Vũ hữu Dũng đã chờ sẵn, đưa tôi về nhà
anh Dũng. Chiêu cũng ở đó, sau này có thêm Cao Thế Dung tới. Tội nghiệp
anh chị Dũng đã phải thu xếp việc ăn ngủ cho ba chúng tôi, lại phải lo
la-de (beer) cho nhà văn Cao Thế Dung.
Nguyên
Vũ trình bầy là giai đoạn đầu của phiên tòa hộ. Phiên tòa do ông Thẩm
phán Joseph F. Biafore, Jr. điều hợp. Nguyên Vũ cười nói:
-
“Anh biết không, việc xét xử vai trò xã hội của các nguyên đơn mới
thật quan trọng, vì nó quyết định phần nào kết quả vụ án. Trong các vụ
án hộ hay dân sự (civil), luật pháp Mỹ có những điều khoản khác nhau tùy
theo “vai trò xã hội” của nguyên đơn . Nếu nguyên đơn là thường dân
(private citizen) họ được luật pháp bảo vệ rất kỹ. Nhưng nếu phe nguyên
đơn là người của đám đông hay nhân vật cộng đồng (public figures), họ
phải chấp nhận sự chỉ trích của giới báo chí và dư luận. Ngày 7 tháng
12, 1994, sau nhiều ngày tranh cãi của hai phía luật sư, thẩm phán
Biafore phán quyết các nguyên đơn là người của đám đông. Ngược lại, phía
bị cáo không được nhắc nhở gì đến vụ án trốn thuế của vợ chồng Hoàng Cơ
Định và thuộc hạ. Tiếp đến là việc lựa chọn 12 vị bồi thẩm chính thức
và 2 dự khuyết cũng thật gay cấn, phải mất 2, 3 ngày mới xong.”.
Tuy nhiên, Nguyên Vũ khẳng định, thế nào phía bị cáo cũng thắng kiện.
Nguyên
Vũ và tôi hàn huyên đủ mọi chuyện về phiên tòa, phe nguyên đơn, phe bị
cáo, điểm mạnh, điểm yếu của hai phe. Nguyên Vũ nhấn mạnh về trường hợp
Cao Thế Dung. Điểm yếu nhất của ông Dung là không có luật sư, phải tự
biện hộ, Anh ngữ giới hạn, phải dùng thông dịch viên. Ông Dung ăn nói
lưu loát, nhưng nhiều khi đi quá trớn vì hăng say, tuy nhiên khiêm tốn,
nhã nhặn, gây được cảm tình của Bồi thẩm đoàn. Luật sư Nguyễn Hữu Liêm
được phe bị cáo mời biện hộ cho ông Dung, nhưng luật sư Liêm chỉ nhận sẽ
thủ vai trò “cố vấn”.
Phe
nguyên đơn, Hoàng Cơ Định nhất thời tưởng là mạnh. Thái độ kiêu căng,
ngạo mạn, mặt trơ, trán bóng, lúc nào cũng vênh lên, cậu ấm con quan, kẻ
cả ta đây, tốt nghiệp tiến sĩ từ bên Pháp, lắm tiền nhiều bạc, dù tiền
bạc toàn là thứ phi nghĩa, tham lam, gian giảo, làm mất cảm tình của Bồi
thẩm đoàn.
Tôi lắng nghe Nguyên Vũ trình bầy, tôi có ý kiến:
-
“Ba bị cáo, Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Nguyên Vũ như ba tay
chèo trên một con thuyền nhỏ trong cơn sóng gió, không những phải vững
tay chèo, không sợ sệt, không rối trí, không nản lòng, mà còn phải liên
kết chặt chẽ, chung sức, ba người như một. Nếu có một người nhảy ra khỏi
thuyền, thuyền sẽ đắm, cả ba người sẽ đắm theo thuyền. Vậy phải liệu
trông nhau, bảo nhau, giúp nhau, bình tĩnh, chịu đựng, trí óc lúc nào
cũng giữ cho tỉnh táo, sáng suốt. Anh nghĩ Nguyên Vũ thừa biết những
điều anh vừa nói, anh tin vào Nguyên Vũ thừa nghị lực và khả năng để
thực hiện việc giữ cho con thuyền khỏi đắm.”.
Tôi
cũng có ý kiến về sự thông cảm, kết hợp giữa hai luật sư, Richard
Givens và Nguyễn Tâm. Hai vị luật sư, một Mỹ, một Việt, phải hướng dẫn
khéo léo các bị đơn, các nhân chứng, cung khai ở tòa, kẻ nâng, người đỡ,
né chỗ mạnh, tìm chỗ yếu, chỗ sơ hở của phe nguyên đơn mà khai thác
triệt để.
Nói tóm lại, việc thắng bại cho phiên tòa là do ở sự đoàn kết một lòng của ba bị cáo và sư liên kết, phối hợp giữa hai luật sư.
Tôi
đề nghị Nguyên Vũ bàn với luật sư Nguyễn Tâm triệu tập một phiên họp
đông đủ có mặt cả bị cáo, chứng nhân và luật sư vào ngày chủ nhật ngay
tại văn phòng luật sư Tâm, để thông qua những điểm cốt yếu, vai trò của
từng người, chiến lược và chiến thuật áp dụng để đi tới toàn thắng.
Trong buổi họp, tôi đề nghị, sau mỗi buổi tòa, ba bị cáo tới nhà anh Vũ
Hữu Dũng họp, để khai thác những ưu khuyết điểm của từng người phía mình
và những ưu khuyết điểm phía nguyên đơn, ngày hôm sau, ra đòn cho thật
đúng.
Bên
phía nguyên đơn đưa ra hai nhân chứng, An Nguyễn tức Nguyễn Kiển Thiện
Ân, hồi còn ở Saigon, làm Thứ Trưởng của chính phủ Nguyễn Văn Lộc
(1967-1968), qua Hoa Kỳ làm thông dịch viên các tòa án hạt Santa Clara.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, khai trước tòa, du học tại Mỹ năm 1956, tốt nghiệp
đại học Princeton, về nước làm viện trưởng đại học Mékong từ 1972-1975.
Cá
nhân tôi biết ông Bích nhiều, cùng với anh em ông là các ông Nguyễn
Ngọc Linh, Nguyễn ngọc Phách, Nguyễn Ngọc Nhạ, v.v. . .Tôi không hiểu
tại sao ông Bích lại nhận lời ra làm chứng cho phía nguyên đơn.
Bên
bị đơn, thoạt đầu, Nguyễn Thanh Hoàng mời ông Hoàng Xuân Yên, tức ký
giả Hoàng Xuyên, nhưng ông Yên từ chối không nhận. Ông Nguyễn Đạt Thịnh
từ Hawaii bay qua San José làm nhân chứng theo lời mời của nhà văn
Nguyên Vũ, nhưng sau Nguyên Vũ quyết định chỉ đưa ông chủ báo Diều Hâu
lên bục nhân chứng nếu cần.
Rốt
cuộc, có Vũ Hữu Dũng, cựu trung tá Nguyễn Xuân Phác, (một thời làm chủ
báo Dân Tộc, Dân Việt và rồi Người Việt Bắc Cali. Ông là người đầu tiên
đã công bố những gian lận, tham tàn của Hoàng Cơ Minh và anh em, giòng
họ) và tôi là nhân chứng của phía bị đơn.
Tôi
không thể nêu ra đây, trong cuốn sách này, tất cả chi tiết phiên tòa,
như cuốn “Một ngày có. . . 26 giờ “, bút ký của Nguyên Vũ về vụ án lịch
sử Báo Chí Hạ Đo Ván Mật Trận. . . Kháng Chiến William Nakamura, dầy
300 trang, và cuốn “Mặt Trận kiện Báo Chí”, tường thuật của Trần Củng
Sơn diễn tiến từng ngày về phiên tòa Mặt Trận Kiện Báo Chí vào cuối năm
1994, dầy hơn 200 trang, vì đây chỉ là một chương, trong tập 3 cuốn hồi
ký Trả Ta Sông Núi khoảng 30 trang giấy. Tôi chỉ viết những chuyện “ái,
ố, hỷ, nộ” đã xẩy ra trong phiên tòa.
Người đặc biệt trong số 3 bị đơn, nhà văn Cao Thế Dung đã là một minh tinh sáng chói trong suốt phiên tòa:
1/
Ông Dung đã trình diện trước thẩm phán và các bồi thẩm hình ảnh một
nhà văn trên 60 tuổi, nghèo đến độ không có tiền mướn luật sư, kiêm tốn
và lịch sự, nhưng đủ can đảm đương đầu với thứ móng vuốt vô hình của bạo
lực, gian trá và lươn lẹo, đương đầu với mãnh lực của kim ngân.
2/
Ông Dung nổi bật với hai điểm trong bài diễn văn, ông nói với giọng từ
tốn, khiêm cung, nhưng rất đanh thép, cao giọng, khi hai lần chỉ thẳng
vào ba nguyên đơn “Mặt Trận là ba người này, ba người này là Mặt Trận.”.
Hay
nhất là mỗi lần đến lượt ông được kêu lên trả lời hoặc cung khai, ông
bước ra vái ông thẩm phán, vái bồi thẩm đoàn, vái luôn cả các bạn bè,
thân hữu ngồi dưới ghế thính giả. Thái độ của ông Dung gây xúc động và
cảm tình của bồi thẩm đoàn.
3/
Phía nguyên đơn, luật sư Kleven, dụng tâm đánh mạnh vào điểm nghi ngờ
ông Dung không có bằng tiến sĩ (PhD hay được gọi là Doctor) mà dám nói
là có.
Ông
Dung trả lời về điểm này rất vui, ông nói thuở nhỏ, nhà nghèo, không đủ
tiền cho ông đi học, ông phải đi chăn trâu độ nhật, tối về tự học dưới
ánh trăng hay ánh lửa bếp. Ông cố học đỗ bằng tiểu học. Luật sư Kleven
đánh tiếp:
- “Ông Dung, ông cho chúng tôi biết, ông có bằng trung học không?”.
Họ Cao không trả lời thẳng vào câu hỏi, nói:
-
“Sau khi tôi đỗ tiểu học, bố mẹ tôi lần lượt qua đời, tôi phải qua ở
nhờ bà cô tôi. Bà bảo tôi, cháu đã có bằng tiểu học, cháu nên cố học lấy
bằng thành chung (trung học), cô sẽ cố làm nuôi cháu ăn học. Tôi học
trung học ở trường phủ (nhà quê).
Cứ
mỗi lần ông nói về việc học hành của ông trong sự nghèo nàn của gia
đình, ông lại chỉ vào mặt Hoàng Cơ Định và Hoàng Cơ Long nói :
-
“Tôi đâu có được học hành ở những trường to lớn trên thành phố như
những người này. Ông cha chúng trước kia làm quan tham nhũng, hối lộ,
giúp giặc Pháp dẹp những phong trào kháng chiến, nhiều tiền bạc nuôi
chúng ăn học trong sự cao sang, giầu có, trường to, trường tốt.”.
Luật sư Kleven nhiều lần giơ tay “objection !” (phản đối), nhưng quan tòa vẫn cho tiếp tục.
Ông Dung tiếp tục kể :
-
“Tôi cố gắng học, đỗ cả hai bằng tú tài. Bà cô tôi bảo, cháu học được
lắm, người ta học đỗ cử nhân, cháu nên cố gắng học lấy bằng cử nhân.”.
Nghe
lời bà cô, tôi học tiếp cũng trong sự nghèo nàn, chật vật về cuộc sống
nương tựa bà cô tôi. Tôi đỗ bằng cử nhân. Ông lại quay về phía anh em họ
Hoàng Cơ, nói gay gắt như ở trên. Luật sư Kleven giơ tay “objection”,
ông tòa cho tiếp tục. (Tôi nghĩ ông thẩm phán muốn tìm hiểu vấn đề giáo
dục của Việt Nam như thế nào, nên mỗi lần luật sư nguyên đơn giơ tay
“objection”, ông vẫn tiếp tục cho ông Dung nói tiếp.)
Luật sư Kleven hỏi:
- “Ông Dung, ông cho chúng tôi biết, ông có bằng tiến sĩ không?, Trường nào và năm nào?”.
Ông Dung không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông nói vòng quanh:
-
“Sau khi tôi đậu bằng cử nhân, tôi vừa đi dậy học vừa tiếp tục học lấy
tiến sĩ. Tôi đâu có cha ông làm quan, tham nhũng, vơ vét tiền bạc của
dân nghèo, thăng quan tiến chức vì làm bầy tôi hữu hiệu cho giặc Pháp
xâm chiếm và cai trị nước Việt Nam, để được gửi đi học tận bên Pháp như
bọn người này”.
Ông Dung vừa nói vừa chỉ vào Hoàng Cơ Định. Luật sư Kleven giơ tay “objection”, ông tòa vẫn cho ông Dung tiếp tục.
Luật sư Kleven:
- “Ông Dung, ông không trả lời câu hỏi của tôi, chúng tôi muốn biết, ông có bằng tiến sĩ không? Trường nào cấp bằng cho ông ? “.
Họ Cao vòng vo tam quốc, trả lời:
-
“Tôi có đậu bằng tiến sĩ, tôi không theo học trường đại học nào ở Hoa
Kỳ, tôi cũng không học ở bên Pháp như tên này”, ông lại chỉ vào Hoàng Cơ
Định Luật sư Kleven không nén được sự sốt ruột, lên tiếng:
- “Ông Dung (Mr. Dung, đáng lẽ phải kêu ông Dung là Dr. Cao), ông nói, ông có bằng tiến sĩ bên Pháp, ông cho biết trường nào?”.
Ông Dung lại vòng vo trả lời:
-
“Tôi học bên Pháp, nhưng tôi không qua Pháp như tên này (lại chỉ vào
Hoàng Cơ Định), tôi học par correspondant (hàm thụ). Anh em, thân hữu
ngồi dưới ghế thính giả lo quá, không hiểu ông Dung trả lời ra sao. Luật
sư Kleven:
- “Ông Dung, tôi chỉ hỏi ông tốt nghiệp tiến sĩ trường nào?”.
Họ Cao trả lời vẫn với giọng ẫm ờ :
-
“À, tôi tốt nghiệp tiến sĩ tại một trường ở Paris, trường “Ecole
Universelle de Paris “. Vì tôi học hàm thụ, nên nhà trường gửi bằng qua
đường bưu điện tới cho tôi. Tôi nhận được bằng, nghĩ đến công ơn của bà
cô tôi, đã mất, tôi đem tấm bằng ra mộ bà cô tôi, cúng vái, khấn khứa
xong, tôi bật lửa đốt tấm bằng cho cô tôi ở dưới suối vàng biết là tôi
đã đậu tiến sĩ.”.
Cả tòa, kể cả ông thẩm phán, các bồi thẩm và thính giả, như coi một cuốn phim hay, nín cười không nổi.
Buổi
tối, tôi bàn với Vũ hữu Dũng và Nguyên Vũ, trêu chọc Cao Thế Dung một
tí cho vui. Khi chị Dũng dọn cơm ra, tôi yêu cầu chị lấy hai lon la de
Budweiser để thưởng ông Dung, bữa nay diễn xuất quá hay ở tòa. Tôi lại
nói:
-
“Kỳ này về, tôi sẽ làm một cuốn phim bộ, ông Dung thủ vai chính, như
một hiệp sĩ, mặc quần áo toàn mầu trắng, đầu chít khăn tang trắng, trên
lưng đeo thanh bảo kiếm, tay mặt cầm tấm bằng, vai trái đeo một bị lon
Budweiser. Khi ra tới mộ bà cô, hiệp sĩ họ Cao để các thứ đeo trên
người xuống trước ngôi mộ, đoạn lấy lửa đốt tấm bằng, miệng khấn vái,
hôm nay cháu ra thăm mộ cô, cháu đốt mảnh bằng tiến sĩ, để dưới suối
vàng cô biết là cháu đã đỗ bằng tiến sĩ, như lúc sanh tiền cô vẫn mong
đợi. Khấn vái xong, Cao tráng sĩ rút thanh kiếm ra khỏi vỏ, múa mấy
đường kiếm, vừa múa vừa ca :
-
“Ta tráng sĩ họ Cao hề, gặp thời nhiễu nhương hề. Ta không sợ bạo lực
hề, ta không sợ mãnh lực kim ngân hề. Ta tráng sĩ họ Cao hề. Quyết dẹp
tan bọn gian tà hề. Quét sạch nhiễu nhương trong cộng đồng hề. Cho đồng
bào sống yên vui hề.
Múa
xong bài kiếm, ca hết bài ca, tráng sĩ họ Cao ngồi xếp vòng tròn trước
mộ bà cô, lấy ra một miếng thịt bò khô, mở la de ra nhậu.
Khi uống xong sáu lon la de, tráng sĩ họ Cao lại đeo bảo kiếm trên vai, đứng lên vái mấy vái, rồi lên đường hành hiệp.”.
Vũ
Hữu Dũng và Nguyên Vũ vỗ tay tán thưởng, phàn nàn không được đóng chung
với Cao Thế Dung trong cuốn phim. Còn họ Cao tuy vui trong bụng, nhưng
nhăn mặt lắc đầu nói:
- “Anh Bảy trêu đàn em quá, em khai là ra mộ bà cô đốt bằng là có chủ đích, em muốn bảo chúng nó rằng “bằng cái mả mẹ tụi bay”.
Luật
sư Kleven bên nguyên đơn, hết truy ông Cao Thế Dung về bằng cấp không
được, ông truy qua là ông Dung có tham gia Mặt Trận hay không? (theo
phía nguyên đơn khẳng định với ông là ông Dung chưa bao giờ tham gia Mặt
Trận, ông Dung có mặt trong các buổi họp của Ban Chấp Hành TVHN là do
ông Tổng vụ Trưởng dẫn đến.)
Một buổi tòa, luật sư Kleven chất vấn :
-
“Ông Dung, ông cho chúng tôi biết ông có tham gia Mặt Trận không?”.
(lưu ý là luật sư Kleven luôn kêu ông Dung là Mr. Cao, không lần nào ông
kêu là Dr. Cao). Ông Dung được anh em căn dặn là khi luật sư hỏi, cứ
bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ càng rồi hãy trả lời, không nên hấp tấp, vội
vàng.
Chúng
tôi nghĩ tiếng Anh của ông đủ để nghe biết luật sư chất vấn gì cũng như
trả lời, nhưng ông Dung đã yêu cầu được một thông dịch viên giúp. Bà Tô
Hà là thông dịch viên hữu thệ được tòa mời tới giúp ông Dung. Khi thấy
luật sư Kleven hỏi về việc ông Dung có là thành viên của Mặt Trận hay
không, anh em mừng quá, ông Dung chỉ việc xuất trình tờ quyết định của
Tổng vụ Trưởng Trần Trung Sơn ký và đóng dấu, cho ông Dung làm Chủ nhiệm
Ủy Ban Chính Trị của Tổng vụ hải ngoại là bên nguyên đơn trắng mắt.
Không hiểu ông Dung nghe bà Tô Hà dịch sao, ông ngẩn mặt suy nghĩ, và
trả lời dõng dạc “không” (no). Anh em ngồi dưới hàng ghế thính giả nhăn
mặt, lắc đầu, không hiểu sao ông Dung lại trả lời “không”.
May là đúng lúc đó ông Thẩm phán ra hiệu nghỉ trưa, chiều họp tiếp.
Trong bữa cơm trưa, anh em hỏi ông Dung, ông nghĩ sao, mà lại trả lời “không”. Ông Dung nhăn nhó nói :
-
“Tôi nghĩ họ đặt bẫy tôi, tôi nghe bà thông dịch viên dịch lại, tôi
tưởng họ hỏi tôi là tôi có tham gia Mặt Trận Giải Phóng không, (Mặt Trận
Giải Phóng do cộng sản Hànội lập ra), vì vậy tôi trả lời không.
Giận quá, tôi nói :
- “Thế tiếng Anh của ông cũng không nghe hiểu là họ hỏi gì sao?.”.
Buổi chiều, ông Dung xin được xuất trình bản quyết định và xin sửa lại cho đúng.
Thế
là hai điểm mà luật sư Kleven xoáy vào ông Dung để chứng minh là ông
Dung nói dối, man trá trước tòa, nếu như vậy thì cuốn Mặt Trận và những
bài viết trên báo VNTP, ông Dung cũng đã dối trá, viết không có chứng
cớ, gieo vạ cho ba nguyên đơn. Chỉ cần hạ một ông Dung là kéo theo cả ba
bị đơn thua kiện.
Cả hai điểm, ông Dung đều qua được.
Bây giờ, đến lượt những chuyện hỷ, nộ phía nguyên đơn.
Khi luật sư Richard Givens hỏi Hoàng Cơ Định:
Hỏi : Mặt trận có vào sổ bộ (tức đăng ký, register) không?
Đáp : Không !
Hỏi : Mặt trận có giữ sổ sách quyên góp tiền không ?
Đáp : Không !
Hỏi : Mặt trận có đóng thuế không ?
Đáp : Không !
Phản
ứng của Bồi thẩm đoàn, một bồi thẩm đoàn hầu như chưa biết gì về Mạt
Trận và sinh hoạt cộng đồng Việt Nam, sau mấy câu đối đáp này rõ ràng
bất lợi cho Hoàng Cơ Định và phía nguyên đơn.
Ba
tiếng trả lời “No” khô gọn, chẳng một chút ngại ngùng, ngượng ngập của
Hoàng Cơ Định bộc lộ bản chất con người bạo ngược, tham tàn và sự lường
gạt có tính toán của anh em họ Hoàng Cơ.
Một
buổi tòa khác, khi luật sư Nguyễn Tâm xin trình tòa chứng liệu
(exhibit) một xấp hình, trong đó có một tấm hình chụp mấy ngày sau khi
Hoàng Cơ Minh chết ở Hạ Lào hơn 7 năm trước.
Luật sư Tâm từ tốn yêu cầu Hoàng Cơ Định lật tới hình thi hài của ông Minh, cao giọng hỏi:
- “Ông Hoàng Cơ Định, ông có nhận ra ai trong hình đó không?”.
Hoàng Cơ Định chỉ liếc mắt qua tấm hình, thản nhiên đáp:
- “Không”.
Thật
là bất nhân, bất nghĩa, táng tận lương tâm, một người vẫn cho mình là
con giòng, cháu giống, được nuôi ăn học, đỗ đạt đến cấp tiến sĩ Pháp, nỡ
đang tâm không nhìn nhận tấm hình thi hài của chính người anh ruột
mình.
Luật sư Tâm không chịu tha, ông hỏi Hoàng Cơ Định về cái chết của Hoàng Cơ Minh :
Định trả lời :
- “Tôi tin rằng anh tôi vẫn còn sống.”.
Nguyên
đơn thứ hai, y sĩ Trần xuân Ninh, sinh ngày 4-10-1936 tại Hànội, tốt
nghiệp y khoa vào năm 1963. Sau khi miền Nam mất, ông Ninh đi cải tạo 2
năm, qua Hoa-Kỳ năm 1979, tạm cư tại Hayward, Bắc California, hành nghề
tại Chicago. Theo ông Ninh, người con trai độc nhất của vợ chồng ông bị
chết thảm trên đường vượt biển tìm tự do, lý do đó, ông rất thâm thù
cộng sản. Ông gia nhập Mặt Trận năm 1984.
Qua
sự hướng dẫn của luật sư Kleven, với lối trình bày lưu loát, hoạt bát,
ông Ninh đã tự tạo cho mình hình ảnh một vị y sĩ tận tâm về chức
nghiệp, yêu thương đồng bào, nòi giống, quyết tâm lật đổ bạo quyền cộng
sản, mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Cách diễn xuất của ông Ninh cùng
với sự nể vì đối với giới y sĩ, ông Ninh phần nào đã gây được thiện cảm
của Bồi thẩm đoàn. Ông Ninh chủ trương chiến dịch chống kinh tài cộng
sản và cấm du lịch Việt Nam. Dư luận trên Chicago cho rằng y sĩ Ninh đã
cho đàn em đốt nhà một người Việt tên Lâm Tôn chống lại lệnh cấm, đã về
thăm quê hương.
Luật sư Givens hỏi :
Hỏi : Ông Ninh, ông biết chuyện gì xẩy ra cho ông Lâm Tôn sau chuyến đi về Việt Nam không?
Đáp : Ông ta bị vợ ly dị.
Hỏi : Ông biết việc có người đốt nhà ông Lâm Tôn không?
Đáp : Tôi chỉ biết nhà ông Lâm Tôn bị cháy.
Luật
sư Nguyễn Tâm chất vấn ông Ninh về cái chết của Hoàng Cơ Minh. Bằng
chứng của phía bị đơn số 258, tức hồ sơ hình ảnh về Mặt Trận được trao
cho ông Ninh. Chỉ vào tấm hình chụp thi hài ông Minh, luật sư Tâm hỏi :
Hỏi : Y sĩ Ninh, xin cho biết ông có nhận ra ai trong tấm hình đó không ?
Đáp : Không.
Hỏi : Theo ông, ông Hoàng Cơ Minh còn sống hay đã chết ?
Đáp : Tôi nghĩ rằng ông Minh còn sống. (ông Ninh không dám quả quyết mà nói tôi nghĩ rằng).
Nguyên
đơn thứ ba được mời lên bục nhân chứng là ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tức
Nguyễn Đông Sơn. Dư luận toàn thể người Việt tỵ nạn cộng sản kết tội ông
là nằm vùng cho cộng sản, được gài vào Mặt Trận để phá hoại. Nhiều
người còn cho là chính ông Nghĩa đã mật báo cho cộng sản biết đường lối
chuyển trại của ông Minh, phục kích để tiêu diệt ông Minh và các kháng
chiến quân. Ông Nghĩa đã rời Mặt Trận trước khi xẩy ra vụ án
thuế khóa, ông đã cộng tác với cơ quan an ninh của Hoa-Kỳ, nên đã không
bị câu lưu cùng với năm đầu lĩnh của Mặt Trãn tại hải ngoại.
Ông Nghĩa giữ thái độ hòa nhã với phía bị đơn.
Dưới
sự hướng dẫn của luật sư Kleven, ông Nghĩa khai, sinh ngày 11-11-1944
tại Hànội. Cha là Nguyễn văn Hiếu, kỹ sư công chánh, anh em thúc bá
ruột với Nguyễn Văn Linh tức Mười Cúc, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt
Nam từ 1986 tới 1991.
Ông Nghĩa tốt nghiệp trường Cao đẳng thương mại tại Paris, với bằng HEC (Hautes Etudes Commerciales).
Ra
hải ngoại ông Nghĩa tham gia Mặt Trận từ tháng 6 1984 với chức Vụ
Trưởng vụ Tuyên Vận. Luật sư Nguyễn Tâm chất vấn ông Nghĩa về việc tại
sao không phải đi cải tạo như các công chức cao cấp khác trong chính
quyền miền Nam. Ai là tác giả bài viết ký tên Nguyễn Xuân Nghĩa trên một
tạp chí cộng sản chiến dịch chống kinh tài cộng sản và du lịch Việt
Nam.
Luật sư Tâm lại xoáy vào việc sống, chết của Hoàng Cơ Minh. Nhìn vào tấm hình Hoàng Cơ Minh một lúc, ông Nghĩa ấp úng nói:
- “Tôi không biết ai trong tấm hình.”.
Trả lời câu hỏi, Hoàng Cơ Minh còn sống hay đã chết, ông Nghĩa đáp:
- “Tôi không biết .” (I don’t know).
Khi luật sư Tâm vặn hỏi, tại sao trước đây ông tuyên bố ông Hoàng Cơ Minh còn sống. Ông Nghĩa đáp:
- “Vì ngày ấy, tôi còn ở trong Mặt Trận.”.
Không biết ông Nghĩa có dụng ý gì khi trả lời như trên. Câu nói này chứng tỏ sự gian dối của các đầu lĩnh Mặt Trận. Sự kiện này khiến Hoàng Cơ Định và Trần Xuân Ninh không dấu được sự bất mãn. Phía bị đơn cũng không che dấu được sự vui mừng, tin tưởng sẽ nắm phần thắng.
Phải
nhìn nhận là những nhân chứng phe bị đơn, từ Vũ hữu Dũng, tới tôi và
Nguyễn Xuân Phác đã làm tròn trách nhiệm. Nhất là anh Nguyễn Xuân Phác
đã nhấn mạnh y sĩ Ninh là con người có hai bộ mặt, y sĩ
Ninh giống hệt như y sĩ Jekyll và ông Hyde trong một cuốn phim. Có
lúc ông ta rất dễ thương, là một y sĩ tài giỏi. Nhưng có lúc ông ta lạnh
lùng, tính toán, cực đoan, có khả năng làm bất cứ gì để đạt mục tiêu.
Ông
Phác cũng khai trước tòa, sau những loạt bài chỉ trích Mặt Trận, tòa
báo của ông bị đập phá, cá nhân ông bi đe dọa. Với sự hướng dẫn của luật
sư Tâm, ông Phác khai thêm là tờ báo Dân Việt của ông phải đóng cửa vì
các cơ sở thương mại sợ móng vuốt của Mặt Trận, rút hết quảng cáo.
BẠO LỰC ĐI VÀO TÒA.
Buổi
tòa nào cũng có hai ba nhân viên FBI và thám tử Zwemke tới tham dự .
Ngày 21 –12- 1994, tòa vẫn họp như thường lệ. Hôm nay, có lẽ Hoàng Cơ
Định nghĩ là phía nguyên đơn nắm chắc phần thắng vụ kiện nên động viên
đại lực lượng đến tòa để làm áp lực và biểu dương khí thế đấu tranh.
Đoàn viên Mặt Trận ngồi kín cả phía bên nguyên đơn, tràn qua cả phía bị
đơn.
Phiên
tòa buổi sáng vừa tan, Bồi thẩm đoàn còn đang lục tục rời phòng xử,
nhân viên FBI và cảnh sát vừa bước ra khỏi hành lang, ông Cao thế Dung
rời chỗ ngồi bước về phía tôi. Nhanh như cắt, Đoàn trọng Thê, K 9, chạy lao tới phía tôi đang đứng, dơ tay dí vào ngực tôi, dáng điệu hung bạo và sừng sộ, gằn giọng nói với tôi:
- “Sao anh không mang theo Nguyễn Bích Mạc mà anh mang mấy con dogs này tới đây?
Tôi
điềm nhiên, dịu dàng trả lời Thê ngắn gọn, kẻ cả. Trực giác thấy điều
gì bất thường, bị đơn Cao Thế Dung nhìn nhanh về phía Hoàng Cơ Định thì
bắt gặp đôi mắt đầy căm thù, còn Hoàng Cơ Long đôi mắt long lên sòng
sọc.
Vì
đây là trong Tòa, tôn trọng luật pháp, tôi kêu cảnh sát can thiệp,
Thê, Long bước nhanh ra khỏi phòng xử. Định chối cãi không có ra lệnh.
Bà Thụy Giao, chủ báo Xây Dựng đã mô tả rất đầy đủ trên mặt báo về cái
trò vũ phu, bạo lực, coi thường pháp luật, của Mặt Trận, đã đặt tên cho
họ qua tựa đề “Chứng nào tật ấy.”.
Ngày
cuối của phiên tòa kéo dài đằng đẳng 14 ngày. Phía nguyên đơn kéo nhau
đến tòa đông, thật đông. Cả hai phía, đơn và bị sẽ đọc bài biện hộ cuối
cùng.
Luật
sư Givens, Cao thế Dung (tự biện hộ), và luật sư Nguyễn Tâm, lần lượt
đọc bài biện hộ cuối cùng. Luật sư Givens khẳng định trên thực tế, cả
ba nguyên đơn không có danh thơm gì mà mất, họ chỉ là những kẻ xấu, gây
ra đủ mọi tội ác trong cộng đồng người Việt, họ chỉ có xú danh.
Các
bị đơn cũng không hề “cẩu thả” hay “ác ý” mà thực sự tin tưởng những
điều đã viết hay phổ biến. Cao thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng không hề
viết sai sự thực.
Luật
sư Givens đòi bên nguyên đơn phải đưa ra bằng chứng, phải chứng minh vì
ba bài báo viết sai, cố tình vu oan, phỉ báng, khiến các nguyên đơn bị
mất danh tiếng, đau ốm, sầu khổ. Thế nhưng, không những các nguyên đơn
không trưng ra được bằng chứng là ba bài báo hoàn toàn sai, là cố tình
vu oan, giáng họa làm hại nguyên đơn, cả ba nguyên đơn đâu có đau ốm,
sầu khổ, vì không trưng ra được một giấy tờ hay hóa đơn đi khám bác sĩ.
Nữ ký giả Thụy Giao tường thuật rất trung thực y như bản văn
(transcript) của Tòa.
Ông
Cao thế Dung, trong bài biện hộ, có câu nói đi vào lịch sử cộng đồng
hải ngoại, “Sự thực là người biện hộ cho tôi, công lý là quan tòa của
tôi”. (Truth is my defense, justice is my judge). Ông Dung kết thúc
bằng một câu làm cho không khí phòng xử bớt căng thẳng: “Merry
Christmas and Happy New Year “.
Bài
diễn văn biện hộ của luật sư Nguyễn Tâm rất xuất sắc. Ông ôn tồn trình
bày thảm cảnh của cộng đồng người Việt phải sống dưới móng vuốt, áp lực
đen của Mặt Trận, như đám mây đen che phủ kín, không thấy ánh mặt Trời.
Các bị đơn là những người can đảm đứng lên dùng bút mực xuyên thủng đám
mây đen đó.
Ông Tâm mong rằng Bồi thẩm đoàn có một biểu quyết lịch sử, xác định các bị đơn không phạm lỗi gì.
Gần
5 giờ chiều, thẩm phán Biafore yêu cầu các vị Bồi thẩm vào phòng kín.
Bản phán quyết (verdict) được thẩm phán Biafore trao cho bà Lục sự.
Bà lục sự cao giọng tuyên đọc:
-
“Các bị đơn, Cao thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng và Nguyên Vũ đều được xác
định là “không hề có một lời nào sai trái”. (did not make any false
statement) về phe nguyên đơn.
Bà lục sự hắng giọng đọc to: “Số phiếu là 11 trên 1.”.
Như vậy, phiên tòa kết thúc với kết quả như mọi người mong đợi, đó là thế tất thắng của công lý, chính nghĩa thắng hung tàn.
Nhưng
còn những cái chết đầy nghi vấn của ký giả Đạm Phong ở Houston, của một
nhân viên tòa báo VNTP trong vùng Virginia, cuộc ám sát hụt ông Cao
Thế Dung ở Maryland, và luật sư Nguyễn văn Chức ở Houston, tiếp là vụ
thảm sát vợ chồng ký giả Lê Triết, mà cơ quan an ninh đang ráo riết
truy tầm thủ phạm, với đầy đủ bằng chứng rõ rệt, truy tố về hình tội. Dư
luận cộng đồng người Việt hải ngoại cầu mong Lưới Trời Lồng Lộng không
cho bọn hèn hạ, tham tàn trốn thoát, làm sạch sẽ, quang đãng khí Trời
cộng đồng.
Trên máy bay về lại Austin, Texas, tôi nghĩ đến ông Hoàng Cơ Minh, tôi thấy ái ngại, thương tâm.
Mở
cuốn 2, Hồi Ký Một Đời Người của cụ Phạm Ngọc Lũy, tôi mang theo để coi
lại những điều giữa ông Hoàng Cơ Minh và cụ Lũy, có thể dùng trong
phiên tòa, tôi mở đến đoạn cụ Lũy phỏng vấn ông Trần Minh Công, sau sự
sụp đổ của Mặt Trận.
Ông Công đã kết luận cuộc phỏng vấn :
1/ Làm việc nước mà đầu óc và lòng dạ không lớn, sẽ không làm được.
2/ Cho dù một tổ chức có to lớn và thành công đến đâu mà lãnh đạo dở cũng sẽ thất bại.
Tôi cho rằng đó là một bài học tốt cho các bạn trẻ sau này. Bài học này cũng đã gây cho tôi nhiều cay đắng và phiền muộn.
Tôi
rất thông cảm với ý kiến của anh Trần Minh Công, tôi cám ơn anh Công đã
nêu lên những ý kiến xác đáng, thâm tâm tôi cũng nghĩ đúng như anh.
Quay
lại chuyện ông Hoàng cơ Minh, cựu phó đề đốc Hải Quân, tôi mường tượng
ra một hình ảnh: Ông cựu phó đề đốc đã tạo ra một con tầu ma, con tầu
bằng giấy mà những gia đình đặt ở hàng mã, cúng rồi đem đốt. Con tầu ma
không bao giờ được hạ thủy. Trên con tầu, ông Minh có khoảng 40 - 50
tay chèo, toàn là những thanh niên, trai tráng nhiệt thành. Con tầu ma,
khi được những tay chèo hay thủy thủ đoàn khiêng đến một nơi khác, gặp
lửa, chiếc tầu bị cháy, hạm trưởng tới thủy thủ đoàn đều bị chết gần
hết, ngoài những người nhanh chân nhẩy ra ngoài, nhưng cũng bị phỏng
nặng .
“Cửu long giang, chưa qua mà vĩnh biệt
Chốn biên thùy, ấp ủ nỗi lòng đau.”
. . . . . . . . . . .
Chốn biên thùy, ấp ủ nỗi lòng đau.”
. . . . . . . . . . .
Phạm Văn Liễu
Hồi ký Trả Ta Sông Núi
Hồi ký Trả Ta Sông Núi
0 comments:
Post a Comment