Phát
xuất từ những diễn biến chính trị nội bộ đảng cộng sản cũng
như những hoạt động ngoại giao của đảng và nhà nước CHCNXH/VN
trong thời gian gần đây, nhất là qua chuyến công du Việt Nam của
Tập Cận Bình, chủ tịch Trung cộng, kèm theo lời mời Nguyễn Tấn
Dũng sang thăm Tàu "trong thời điểm thích hợp", dư luận của
những người có quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam trong
và ngoài nước cho rằng Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ Tướng
Việt Nam, sẽ là người nắm quyền lực tại Việt Nam sau đại hội
12 của đảng cộng sản xảy ra vào đầu năm 2016.
Vậy thì Nguyễn Tấn Dũng là ai, tài cán như thế nào, tư tưởng
chính trị ra sao mà từ một cậu bé 12 tuổi bỏ học vào bưng
theo Việt cộng và sau đó từ một giao liên leo đến chức Thủ
Tướng nước CHXHCN/VN và trong nay mai có thể trở thành một nhân
vật có quyền lực nhất tại Việt Nam?
1- Nguyễn Tấn Dũng là ai?
Trên thực tế từ năm 12 tuổi cho đến nay Nguyễn Tấn Dũng không
học qua một trường lớp nào cả (Theo cổng thông tin điện tử nhà
nước CHXHCN/VN trình độ học vấn cử nhân Luật hệ tại chức!?). Cái
vốn kiến thức của ông ta chỉ là những gì thu nhận được qua
sự truyền dạy của bậc đàn anh cộng sản lúc còn trong bưng (1961
- 1975), của ban tuyên giáo trung ương đảng cộng sản (1975 - nay)
và kinh nghiệm được rút ra từ bản thân trong thời gian có chức
quyền. Ngoài những nguồn trên Nguyễn Tấn Dũng chưa bao giờ cầm
đọc một cuốn sách nào nói về Marxism, Leninism bởi vì ông ta
không đủ trình độ và kiến thức để làm công việc này. Từ đó
chúng ta có thể xác định được rằng:
Nguyễn Tấn Dũng là Việt cộng (người Việt Nam theo chủ nghĩa
cộng sản) nhưng là Việt cộng ăn theo (theo cộng sản vì ảnh hưởng
của gia đình và bị tuyên truyền lôi cuốn) không phải là Việt
cộng lý tưởng (giác ngộ chủ nghĩa cộng sản).
2- Nguyễn Tấn Dũng con người và tư tưởng chính trị?
Mặc dầu là người cộng sản, cùng là ủy viên BCT/TW đảng cộng
sản, cùng giữ những chức vụ cao cấp nhất trong đảng và trong
nhà nước, nhưng Nguyễn Tấn Dũng có những khác biệt với các
đồng chí của ông ta nhất là đối với Nguyễn Phú Trọng đương kim
TBT/đảng cộng sản.
Trong phát ngôn của mình dù bất cứ nơi đâu hay bất cứ trong
trường hợp nào Nguyễn Phú Trọng luôn luôn xem chủ nghĩa cộng
sản, chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản là cứu cánh như là một
quán tính. Trái lại trong phát ngôn của mình Nguyễn Tấn Dũng
xem chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản chỉ
là phương tiện. Về ngôn từ, Nguyễn Tấn Dũng phát biểu như một
người bình thường ít khi dùng đến duy vật biện chứng pháp,
cũng như những từ ngữ sặc mùi cộng sản như Nguyễn Phú Trọng.
Nguyễn Phú Trọng: "cần phải quán triệt tư tưởng Mác-Lê trên
truyền thông báo chí và định hướng dư luận của chủ nghĩa
Mác-Lê rộng khắp"
Nguyễn Tấn Dũng: "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng - có lẽ làm thủ
tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba
năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc
là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng"
Khi có quyền lực trong tay Nguyễn Tấn Dũng có những hành động
công khai bất chấp nội quy, điều lệ, những đều cấm kỵ của
người cộng sản như gả con gái cho cựu viên chức của chính phủ
VNCH (quan hệ với VNCH là điều tối kỵ của đảng viên đảng cộng
sản), công khai đi chùa dâng hương cúng vái (nên nhớ là người
cộng sản không có tôn giáo), cho con cái xuất ngoại học hành
tại các nước tư bản (chứng tỏ không tin tưởng vào chủ nghĩa
cộng sản, các nước XHCN)...
Tinh ý một chút chúng ta có thể thấy Nguyễn Tấn Dũng xử dụng
đảng, nhà nước như là một bình phong cho tham vọng cá nhân của
mình tỷ như:
Trong vụ Bauxit Tây Nguyên, khi bị nhân dân phản đối thì ông ta đổ
lỗi cho đảng - Chủ trương lớn của Đảng, của nhà nước không
thể không làm - Tôi Nguyễn Tấn Dũng vô can!
Khi bị đồng chí của mình chống đối thì đem con bài đảng và
nhà nước ra chống đở. Cụ thể sau hội nghị trung ương 6 Nguyễn
Tấn Dũng trả lời chất vấn của Quốc Hội / CS về những yếu
kém của mình như sau: "Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo
Đảng. Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và
cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ
Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã
hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng ta là Đảng
cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã
bỏ phiếu tín nhiệm. Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, tôi không chạy, xin
hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao". Tôi Nguyễn Tấn Dũng chỉ chấp hành!
Trong tập đoàn lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước
cộng sản Việt Nam, ngoài HCM ra thì từ Lê Duẫn cho đến Nguyễn
Phú Trọng chưa có một cá nhân nào trong lúc đương quyền có
những lời nói và việc làm chửi nhau chan chát nhiều như Nguyễn
Tấn Dũng.
- Nói: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay."
- Làm: Quyết tâm bám ghế dù tham nhũng hoành hành, sinh sôi nẩy
nở như một bầy sâu (Trương Tấn Sang) và ăn đến cái đáy quần
của nhân dân (Nguyễn thị Doan)
.
- Nói: "Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng
không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN
không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này." hoặc "Phát
huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân
chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở."
- Làm: Ban hành các nghị định bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận,
quyền tự do tư tưởng cụ thể như Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về việc
Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Chỉ thị 37CP với nội dung cấm tư nhân hóa báo chí... Bảo kê cho
công an, viện kiểm sát, tòa án dùng bạo lực, luật rừng trấn
áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, những cá nhân và
tổ chức vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
- Nói: "Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974..." hoặc "Tôi
muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích
chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là
thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải
trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng
biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để
nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó..."
- Làm: Xử dụng công an đàn áp dã man người dân yêu nước biểu
tình chống bành trướng Bắc Kinh. Bao che cho thuộc hạ bán đất,
bán rừng biên giới, bán cao điểm chiến lược cho Trung cộng. Tạo
môi trường thuận lợi cho đầu tư Trung cộng vào chiếm lĩnh thị
trường, lũng đoạn nền kinh tế nước ta. Giữ thái độ im lặng
hèn hạ trong vấn đề biển đảo và chủ quyền quốc gia đang bị
xâm phạm trước các quan thầy Trung cộng như Lý Quốc Cường, Dương
Khiết Trì và nhất là Tập Cận Bình khi bọn chúng có mặt tại
Việt Nam.
Người cộng sản có câu "Hiện tượng nào thì bản chất đó",
nếu đem câu này áp dụng vào cuộc đời và sự nghiệp của
Nguyễn Tấn Dũng thì chúng ta có thể kết luận được rằng:
Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một kẻ độc tài cơ hội. Chủ nghĩa cộng
sản, chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản hay nói khác đi chế độ,
chủ thuyết, đảng phái chính trị đối với ông ta chỉ là những
phương tiện để thỏa mãn tham vọng riêng tư của mình. Nếu có ai
hỏi Nguyễn Tấn Dũng theo chủ nghĩa gì, câu trả lời đúng nhất
phải là: "Chủ nghĩa Vinh Thân Phì Gia Mặc Cha Dân Tộc" (*).
3- Nguyễn Tấn Dũng có tài cán gì?
Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một cán bộ
cấp thấp không có chuyên môn nghiệp vụ, không có trình độ văn hoá,
chưa được đào tạo cơ bản chính quy, không có thành tích đặc biệt, không
có năng khiếu gì xuất sắc ông ta đã đánh bại hơn 3 triệu đảng viên
đảng cộng sản có quá trình, nhân thân, quan hệ gia đình ngang
với mình hoặc hơn mình để trở thành Thủ Tướng của nước
CHXHCNVN.
Trong gần 10 năm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ Tướng, đất nước càng
đi xuống (*) thì cá nhân, gia đình và tập đoàn của Nguyễn Tấn
Dũng càng đi lên, dân càng nghèo, càng khổ thì cá nhân, gia
đình và tập đoàn của Nguyễn Tấn Dũng càng giàu có, sung
sướng.
Từ những thực tế nêu trên chúng ta có thể thấy được vị thế,
quyền lực mà Nguyễn Tấn Dũng có được ngày hôm nay chỉ là kết
quả của những âm mưu, thủ đoạn đấu đá, chia bè, kết phái
trong nội bộ đảng cộng sản chứ hoàn toàn không phải do tài năng
lãnh đạo đất nước mà có.
Trên thế giới và ngay tại nước Việt Nam chúng ta cũng có không
ít những người có "tài!" theo kiểu này điển hình như Mohamed
Honi Mubarak (Ai Cập), Muammar Gaddafi (Libya), Hồ Chí Minh, Đổ
Mười, Lê Đức Anh...
4- Nguyễn Tấn Dũng và tác động của khách quan
Phát xuất từ bản chất cũng như rút kinh nghiệm trong quá trình
tranh chấp quyền lực không khoan nhượng của chính mình và đồng
chí của mình trong nội bộ đảng v sản, hơn ai hết Nguyễn Tấn
Dũng biết rằng không thể tin tưởng vào đồng chí, đồng viện,
tay chân thuộc hạ của mình.
Với một con người chủ quan (chưa bao giờ nhận khuyết điểm về
mình) và nhiều cá tính như Nguyễn Tấn Dũng, một khi có quyền
sinh sát trong tay thì tác động của khách quan đối với ông ta
sẽ rất là hạn chế.
Làm cho ông ta thay đổi ý chí chỉ có thể từ hai đối tượng sau:
- Từ những người ông ta tin tưởng nhất đó là các thành viên trong gia đình.
- Từ áp lực của một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, phát
xuất từ một lực lượng có quyền lực mạnh hơn quyền lực đảng
cộng sản ban cho ông ta, đó là 90 triệu dân Việt Nam.
4- Lời kết
Với một con người thiếu tài, dư thủ đoạn, đầy lòng tham, tiến
thân nhờ vào một cơ chế độc tài toàn trị như Nguyễn Tấn Dũng,
thì sau khi nắm được quyền lực tuyệt đối trong tay ông ta sẻ
là ai? Là phiên bản của Tập Cận Bình/Trung cộng hay
Gorbachev/Liên sô?
Trả lời được câu hỏi này chúng ta có thể hình dung được tình hình chính trị Việt Nam trong những năm sắp đến.
30/11/2015
_____________________________________
Chú thích:
(*) Một vài kết quả thống kê thế giới về Việt Nam:
- Về giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng
121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có một trường đại học nào
của Việt Nam được lọt vào danh sách trường đại học có danh tiếng và có
chất lượng.
- Về thu nhập tính theo đầu người: Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam
đứng hàng 57/193, Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu
nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc
gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.
- Về tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức
Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc
1/4 quốc gia cuối bảng.
Về tự do ngôn luận: Theo chỉ số tự do ngôn luận (freedom of press),
Việt Nam đứng vị trí 174/180, chỉ hơn Trung Quốc, Bắc Hàn, Syria,
Somalia, Turkmenistan và Eritrea, có nghĩa là nằm trong nhóm 1/20 thấp
nhất thế giới.
- Về phát triển xã hội: Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không
có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số
chất lưọng sống (Quality of Life) thì Việt Nam có điểm là 22.58, đứng
hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.
Vể y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190
quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ
nhất.
...
(*) Câu chữ học được từ một lởi bình trong Facebook của Nhạc sĩ Tuấn Khanh.
0 comments:
Post a Comment