Bước chân ra khỏi trại giam Nam Hà (20-11-2015), lòng tôi bùi ngùi
thương nhớ người chú ruột là LM. Tadeo Nguyễn Văn Lý, tâm trí hồi tưởng
về cuộc đời của Ngài với 4 lần vào tù và đã ở hơn 20 năm trong ngục: Lần
1 bị kết án 20 năm, ở 3 tháng; lần 2 bị kết án 10 năm, ở 9 năm; lần 3
bị kết án 15 năm, ở 4 năm; lần 4 bị kết án 8 năm, đã ở hơn 7 năm. Trở
thành con tin để mang ra mặc cả trước những áp lực của quốc tế, ngài
được giảm án và rồi bị bắt lại… chỉ vì 1 tội: yêu dân tộc Việt Nam, yêu
tổ quốc Việt Nam, yêu Giáo hội Công giáo… cứ lên tiếng công bố sự thật,
kêu gào tự do, cổ vũ dân chủ, tranh đấu cho nhân quyền, và đòi hỏi độc
lập cho tôn giáo.
Lần ở tù này với bản án 8 năm (bị quản thúc tại tòa tổng giám mục Huế từ
ngày 18-02-2007 [mồng 2 Tết Đinh Hợi], bị kết án ngày 30-03-2007), đáng
lý chú đã được tự do rồi. Khổ thay, vì bị bệnh liệt nửa người bên phải
và mang khối u sau óc vào cuối năm 2009, mà nhà cầm quyền Hà Nội lại
không muốn ngài chết trong tù, nên đã cho về Nhà Chung của Tổng Giáo
phận Huế (nằm trong khuôn viên tòa Tổng giám mục) để chữa bệnh với thời
hạn 1 năm kể từ ngày 15-03-2010.
Sau đó không hiểu vì lý do gì, nhà cầm quyền triển hạn cho đến
25-07-2011 (tức một năm 4 tháng) mới bắt vào lại nhà tù, dù lúc ấy chú
vẫn chưa bình phục.
Trước khi tôi gặp ngài, có một cán bộ nói với tôi: “Vào thăm nhớ động viên ông Lý. Chỉ còn mấy tháng nữa là về, đừng tuyệt thực gây căng thẳng”. Tôi nói: “Hôm 18-02 hoặc 29-03-2015 là hết án rồi!”. Ông trả lời: “Phải ở bù cho đủ 8 năm chứ!”. Tôi bèn im lặng và nói qua chuyện khác.
So với lần tôi thăm gặp cách đây 5 tháng, sức khỏe của cha Lý rõ ràng
xuống hẳn: lưng gù nhiều hơn trước, chân lê bước nặng nề, trí nhớ sút
giảm thấy rõ qua việc trao đổi trong câu chuyện. Kể từ hôm 05 tháng 10,
bác sĩ trong trại giam có cho ngài uống loại thuốc chống giảm trí nhớ,
mang tên: A9-Cerebrazel (Lão hoá não: các rối loạn tâm lý ứng
xử do lão hoá não và đặc biệt là giảm sút trí nhớ, thiểu
năng não bộ thực sự. Chấn thương sọ não: hội chứng hậu chấn
thương, chủ yếu là biểu hiện chóng mặt. Được đề nghị sử dụng
đối với các di chứng chức năng liên quan đến nhồi máu não,
nhũn não). Ngày uống 4 viên chia làm 2 lần.
Dù sức khỏe thể xác giảm sút, nhưng tinh thần của chú vẫn bình an, vẫn
thỉnh thoảng tuyệt thực để hãm mình hay đấu tranh 1 vấn đề nào đó. Thời
gian qua, ngài đã đặt vấn đề phải sửa lại một quy định của trại giam là “cấm truyền đạo”, yêu cầu sửa lại: “cấm truyền tà đạo”.
Mặc dù không được đáp ứng như lòng mong muốn, nhưng như thế chú cũng đã
gióng lên 1 ý nghĩa quan trọng: tự do tôn giáo là quyền căn bản của con
người; tù nhân bị mất quyền công dân nhưng vẫn còn quyền con người.
Vì ngài bị biệt giam, nên các phòng bên cạnh gồm toàn những tù nhân đặc
biệt với nhiều thành phần phức tạp. Cha Lý tìm phương cải hóa họ bằng
cách đề nghị họ không chưởi thề, nói tục….
Lúc đang thăm gặp, có ông cán bộ phụ trách ghé ngang qua, ngài níu lại nói luôn:
“Nhiệm vụ của các cán bộ rất cao quý, đó là giáo dục những kẻ bị tù tội
thành những người tốt sau này, vì vậy phải cho tôi tiếp tay với các vị
để làm điều đó.” Ông cán bộ cảm thấy khó chịu, không muốn nghe điều đó nên nói ngay: “Đám đó là những thằng côn đồ, không ra gì”. Ngài đốp lại:
“Sửa đồ hư mới khó, đồ hư mà sửa lại cho lành mới là tài! Chứ nếu là đồ
tốt thì đâu có nằm ở trong đây, mà là nằm ở các cửa tiệm để mua bán
rồi”. Cũng vì sống gần những người như vậy nên tinh thần ngài có lúc bị căng thẳng.
Trở về nhà sau chuyến thăm gặp, với bao mệt nhọc oằn nặng thể xác vì
đường sá xa xôi, tâm trí tôi còn trĩu nặng hơn bởi bao tháng ngày ở chốn
lao tù mà người chú đã gánh chịu và còn gánh chịu. Vì lý tưởng đấu
tranh cho công lý, vì ơn gọi làm chứng cho sự thật, vì sự dấn thân sống
niềm Tin Kitô giáo cách trọn vẹn, chú đã chấp nhận trải qua những năm
tháng đẹp nhất, trẻ trung nhất, mạnh khỏe nhất, năng động nhất (gần nửa
đời linh mục) giữa 4 bức tường đá! Nay gần bước vào tuổi “thất thập cổ
lai hi” mà chú vẫn mãi mang án tù với di chứng bại liệt trên thân xác…
Không biết ngày mai sẽ ra sao? Hay có ra sao cũng chẳng sao? Vì những hy
sinh cho các giá trị cao đẹp làm sao ra vô ích và vô nghĩa được, phải
không Quý vị?
21/11/2015
0 comments:
Post a Comment