Tội
ác thường lẫn trốn, thay vì vận dụng nghiệp vụ chuyên môn tìm nó thì
lại bắt một người vô tội khác thay vào, liệu đó có là “tài giỏi”? - So
sánh với quốc tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Nguyễn Đình
Quyền cho rằng: “cơ quan CS điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh”.
(VnExpress.net) Có điều giỏi đến tầm cỡ thế giới như thế nào thì cũng
nên tham khảo vài chuyên án điển hình của cơ quan CS điều tra (nhà nước
đảng CS/Việt Nam) để… xếp hạng với thiên hạ. Dù vụ việc không lạ với dư
luận nhưng cũng nên điểm lại để thấy cái “giỏi nhất thế giới” trong tư
duy của một cái “mặt lớn” (đại biểu) Quốc Hội.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội Nguyễn Đình Quyền: “cơ quan CS
điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án
rất nhanh”. (VnExpress.net)
Ngày 15.8.2003, chị Nguyễn Thị Hoan ngụ tại thôn Me, xã Nghĩa Trung,
H.Việt Yên, Bắc Giang bị giết chết. Ngày 17.8.2003, Cơ quan CSĐT Công an
tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án giết người. Ngày 30.8.2003, Ông Nguyễn
Thanh Chấn, ngụ cùng thôn với nạn nhân, bị công an bắt giữ khởi tố về
tội giết người. Ngày 3.12.2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ
án. Ngày 26.3.2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án Nguyễn Thanh Chấn phạm
tội giết người, tù chung thân. Bản án phúc thẩm có hiệu lực.
Ngày 5.7.2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn) làm đơn
kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, tố cáo thủ phạm giết
người là Lý Nguyễn Chung ngụ tại địa phương. Ngày 25.10.2013, Lý Nguyễn
Chung sau nhiều năm lẩn trốn tự ra đầu thú, thành thật khai nhận toàn
bộ hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được tuyên bố vô tội và trả tự do. Ngày 23-7-2015,
TAND tỉnh Bắc Giang xét xử tuyên án Lý Nguyễn Chung 12 năm tù về tội
giết chị Nguyễn thị Hoan, cướp tài sản tại thôn Me, xã Nghĩa Trung,
huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) năm 2003, đồng thời cơ quan tố tụng phải
lấy ngân sách (thuế của dân) bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn 7 tỷ 2
cho 10 năm ngồi tù oan sai.
Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng nhìn nhận đây là việc
sai sót hết sức đáng tiếc trong quá trình điều tra tội phạm của lực
lượng công an.
Thủ phạm Lý Nguyễn Chung nghe tuyên án trước tòa tỉnh Bắc Giang
Sau 10 năm ngồi tù oan ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do trong nước mắt vợ con.
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn vừa khép lại, thì một vụ án oan nghiêm trọng
khác (lớn hơn) tiếp nối. “Tù nhân chung thân” của bản án giết người
cướp của Huỳnh Văn Nén (53 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vừa
được đình chỉ bản án, trả tự do vì: “Ngày 28/11/2016, đại tá Phạm
Thật - Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, quá trình lật lại
vụ án để điều tra theo đơn tố cáo, cơ quan công an đã truy tìm vừa bắt
được hung thủ giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng cách đây gần 18 năm.
“Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án theo luật”, đại tá Phạm Thật nói.(1)
17 năm 5 tháng luân chuyển qua nhiều nhà tù khác nhau, thời gian và đời
sống khắc nghiệt của tù nhân đã bào mòn tuổi sung mãn thời trung niên để
giờ đây chỉ còn là “ông già” Huỳnh văn Nén run rẩy lụm cụm già hơn
nhiều so với cái tuổi 53 của mình khi được dìu đi trong vòng tay vợ và
thân nhân.
Tình nghi giết người cướp của, ngày 23/4/1998 CA bắt giam Huỳnh văn Nén bị kết án chung thân - (vợ ngồi chứng kiến)
Sau 17 năm tù oan, ngày 14-11-2015 Huỳnh văn Nén lụm cụm đi đứng không nổi, đoàn tụ vợ mình trong nước mắt.
Khi nhắc về kí ức những ngày tù oan trái đắng cay của cuộc đời, Huỳnh Văn Nén thốt lên: “Tôi
đã cố gắng kêu oan từ khi mới bị mời lên UBND xã làm việc, đến quá
trình phúc cung sau cùng của đại diện viện kiểm sát và cả tòa án nhưng
họ không nghe tôi, dù chỉ là một lời, ước gì người ta nghe mình sớm hơn
thì tôi đã được gặp mẹ lần cuối, mẹ mất một năm rồi mà tôi không hề hay
biết, giờ tôi chỉ muốn về Cà Mau để được nhìn ảnh mẹ, thắp cho mẹ tôi
nén nhang và nói với bà rằng “mẹ ơi con không giết người” mọi người bảo
đây là tâm nguyện của mẹ tôi trước khi nhắm mắt", ông nén chua chát lắc đầu kể. (vov.vn-Oline)
Còn anh Nguyễn Phúc Thành (người có vai trò then chốt trong việc chỉ ra
thủ phạm, kêu oan cho ông Nén) cũng không giấu được niềm vui. “Vui
quá, mười mấy năm từ ngày ấy đến giờ sự thật mới được trả lại, tôi luôn
có niềm tin ngày này sẽ đến, chỉ tiếc là muộn màng”. Hai tháng trước
phiên xét xử ông Nén diễn ra (năm 1998) anh Thành đã viết đơn ký tên tố
cáo 2 người bạn (trộm cắp, nghiện ma túy) của mình mới đích thị là hung
thủ sát hại bà Bông. Nhưng kỳ lạ, mãi đến 17 năm sau… Huỳnh văn Nén mới
thoát cảnh đoạn trường.
Hồ sơ vụ án ghi lại, tối 23/4/1998, ông Nén bị cho là dùng một đoạn dây
thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn, sau khi đi uống
rượu về. Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông
Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về
tội Cố ý hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Ông Nén nộp đơn kháng cáo kêu oan nhưng quá thời hạn, ngày 12/12/2000,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM không chấp nhận kháng cáo và đình
chỉ xét xử phúc thẩm.
Trong thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại
giam Sông Cái, Ninh Thuận, đã làm đơn tố giác hai người bạn của mình
(ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản,
sắp bị chính quyền đưa đi học tập và cai nghiện bất ngờ trốn khỏi địa
phương) mới chính là hung thủ giết bà Bông chứ không phải ông Nén. Từ
đó, người vợ, người cha già và một thầy giáo cũng là cựu Chủ tịch UBND
xã Tân Minh, đích thân hành trình ròng rã kêu oan cho chồng và con.
(Xem: “trách móc ai thì mọi chuyện cũng đã xong) (2)
Tháng 11/2014, trên cơ sở các đơn kêu oan của vợ ông Nén tòa Giám đốc
thẩm của TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên
hủy án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt với ông Nén để điều tra
lại. Sau đó, Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã bàn giao hồ sơ cho công an
tỉnh này điều tra lại nhưng vẫn không có cơ sở buộc tội ông Nén. Ngoài
ra, trong thời gian bị cáo buộc giết bà Bông, ông Nén lại còn bị xác
định liên quan một vụ giết người khác xảy ra trước đó 5 năm (1993). Trải
qua quá trình tố tụng kéo dài 12 năm nhưng cũng không tìm được hung
thủ, cơ quan tố tụng buộc phải tuyên 9 bị cáo trong "kỳ án vườn điều"
này (đều là người trong gia đình vợ Nén) vô tội và phải bồi thường oan
sai hơn một tỷ đồng. Riêng ông Nén vẫn còn là thủ phạm của vụ án giết bà
Bông nên chưa được bồi thường còn trong tù cho đến hôm nay.
Ông Nén là người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong hai vụ
giết người do cơ quan CS thụ lý điều tra kết tội nhưng không có cơ sở
chứng cứ theo đúng pháp luật. Dự kiến ngày 3/12 ông sẽ được xin lỗi công
khai tại địa phương./.(vov.vn-Oline)
Lá đơn từ trại giam tố cáo hung thủ (3)
Hay tin ông Huỳnh Văn Nén lĩnh án chung thân vì bị cho là giết bà Bông
để cướp vàng, phạm nhân đang thụ án ở trại Sông Cái (Ninh Thuận) làm đơn
tố giác hai người bạn trong nhóm giang hồ của mình mới là hung thủ.
Bày tỏ vui mừng khi vụ án Huỳnh Văn Nén vừa được kháng nghị xem xét lại,
anh Nguyễn Phúc Thành (35 tuổi, thị xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình
Thuận) cho biết, hơn 14 năm trước, anh cùng Nguyễn, Hồ và một số thanh
niên tại địa phương chơi khá thân với nhau. Nhóm giang hồ "vườn" lúc đó
thường rủ nhau đi cướp hoặc chặn xe khách chạy qua địa bàn buộc phải cho
tiền để tụ tập hút bồ đà, ăn chơi.
"Hôm bà Bông (Lê Thị Bông, thường gọi bà là Năm Tép) bị sát hại và bị
cướp nhẫn vàng, chính Nguyễn và Hồ đã tìm gặp và kể lại việc gây án" cho anh nghe, anh Thành nói.
Anh Nguyễn Phúc Thành cho biết hung thủ có tên Nguyễn và Hồ mà anh tố
giác nằm trong nhóm giang hồ bạn của anh tại địa bàn xã Tân Minh lúc
bấy giờ. Ảnh: Phước Tuấn.
Dù vụ việc diễn ra đã 16 năm nhưng anh Thành tỏ ra nhớ đến từng chi
tiết. Anh kể, khoảng 7-8h sáng 24/4/1998, Nguyễn mặc chiếc quần jean màu
xám, vẻ mặt khá nghiêm trọng khi gặp anh, bảo đã giết bà Bông vào đêm
hôm trước. Ngay sau đó, Nguyễn kéo anh Thành sang nhà Hồ ở cách đó một
căn để kể lại vụ việc.
Theo đó, mục tiêu ban đầu của Nguyễn và Hồ là chị Hồng (còn gọi là Gái,
con ruột bà Bông) vì chị này đeo nhiều vòng vàng. Đêm 23/4/1998, sau
cuộc nhậu, Nguyễn và Hồ đến nhà bà Bông phục sẵn. Họ lấy 2 con dao trong
nhà cắt sợi dây dù buộc chiếc gàu ở giếng nước làm hung khí. Trong lúc
nằm chờ, do ngấm rượu nên cả hai ngủ quên.
Đến khuya, bà Bông về phát hiện hai thanh niên đang ngủ trong nhà mình nên gọi dậy, đuổi đi.
"Khi bà này vừa quay lưng thì Nguyễn đi theo choàng sợi dây dù cổ, siết
mạnh. Biết chủ nhà đã chết, anh ta lấy chiếc chăn mỏng phủ từ ngực lên
mặt. Trước khi rời hiện trường Nguyễn đã tuốt chiếc nhẫn trên ngón tay
nạn nhân", anh Thành nói.
Thành cho hay, lúc đó nghe hai người bạn kể việc gây án thì cũng chưa
tin, vì không nghĩ chúng lại "cả gan đến vậy". Nhưng Nguyễn móc trong
túi ra chiếc nhẫn, nói “lấy được của bà Năm đó” và chỉ vào ống quần được
cho là vẫn còn dính máu nạn nhân. “Nguyễn nói khi tuốt chiếc nhẫn
của bà Năm ra làm chảy máu tay và dính lên quần. Vì quần của nó màu xám
nên không dễ nhìn ra vết máu, tôi phải nhìn gần mới biết”, anh Thành kể.
Sợ bị phát hiện nên Nguyễn bảo sẽ bỏ đi trốn, lên Đăk Lăk đánh bẫy heo
rừng và nhờ Thành gọi xe ôm giúp. Vẫn nghi ngờ lời kể của bạn, anh Thành
qua chợ Tân Minh ăn sáng, rồi ghé qua nhà bà Bông (cách đó khoảng một
km) thì thấy công an đang khám nghiệm hiện trường và mổ tử thi. Trên
đường quay về, anh Thành gọi một người bạn hành nghề xe ôm tên là Nghĩa
qua chở anh và Nguyễn đi. Lúc đó, Hồ vẫn ở nhà không dám đi đâu.
Đến căn cứ 4 (Đồng Nai) thì cả ba dừng lại bên đường. Anh Thành cùng
Nghĩa ngồi uống sữa đậu nành trong lúc chờ Nguyễn sang bên kia đường bán
chiếc nhẫn vàng cướp được của bà Bông. Một lúc sau, Nghĩa tiếp tục chở
cả hai đến căn cứ 3 (Đồng Nai). Tại đây, Nguyễn đưa cho anh Nghĩa 20.000
đồng đổ xăng rồi bắt xe khách, còn anh Thành và người xe ôm quay về.
“Về sau tôi thấy ông Nén bị giam lỏng trên xã, có hôm còn ghé qua nhà
mang cơm lên cho ổng ăn. Lúc đó tôi còn nghĩ và cười thầm trong bụng,
thằng giết người thì đã bỏ đi, còn người xỉn say tối ngày (ông Nén) thì
nói giết bà Năm", anh Thành kể.
"Tôi cũng ham chơi nên không nhớ đến ông Nén luôn. Mấy tháng sau do
tham gia vụ đánh lộn và cưỡng đoạt tài sản nên tôi bị bắt, đưa đi cải
tạo tại trại giam Sông Cái. Bẵng đi hai năm sau, tôi hỏi thăm những bạn
tù vào sau về vụ việc thì mới hay ông Nén bị cáo buộc giết bà Bông cướp
vàng, đang đối diện với bản án tử hình", Thành nói.
Người đàn ông từng đi tù này chia sẻ thêm, trong trại giam nghĩ đến việc
có người đã nhận giết bà Bông và ông Nén bị cáo buộc là thủ phạm nên
anh quyết định nói ra sự thật. Sau nhiều lần cán bộ trại giam tường
trình vụ việc và lần nào cũng khớp nhau, anh được cho nghỉ lao động 3
ngày để làm đơn tố giác.
Anh Thành khẳng định đơn đã gửi cho trại giam vào ngày 26/8/2000, tức 5
ngày trước khi ông Nén bị đưa ra xét xử. Lá đơn sau đó được cán bộ trại
giam chuyển lên Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp
(Tổng cục 8), Bộ Công an.
Gần một tuần sau được mẹ vào thăm nuôi (ngày 2/9/2000) anh Thành tiếp
tục nhờ bà mang một lá đơn về gửi cho ông Nguyễn Thận, Chủ tịch UBND xã
Tân Minh (lúc bấy giờ) để nhờ ông chuyển lên các cơ quan chức năng của
tỉnh. Hôm sau, ông Thận đã nhận được thư tố giác của anh Thành nhưng lúc
này ông Nén đã bị xét xử và tuyên phạt tù chung thân.
“Đơn của tôi cuối cùng cũng đến được tay những người tôi muốn gửi
nhưng không hiểu sao vẫn không có ai phản hồi. Chỉ có một cán bộ điều
tra vào trại gặp tôi khuyên nên rút đơn", (!?) anh Thành cho biết như vậy.
Anh Thành tâm sự, sau này mãn hạn tù, anh nhiều lần gặp và khuyên Hồ ra
đầu thú nhưng hung thủ này không chịu và còn dọa giết anh. “Nó bảo cứ kệ để cho công an tự điều tra. Lúc đó nó nghiện nặng và 3 năm trước nó chết do nhiễm HIV", Thành kể.
Khái quát qua hai vụ sát nhân “oan án” Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn
Nén cho thấy khi điều tra và xét xử các cơ quan chức năng liên quan
không dựa trên nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”. Trong “oan án”
Huỳnh Văn Nén cả 3 bên (CA điều tra, Viện KSND và Tòa Án) đều có tư duy
ngược lại nguyên tắc ấy. Thiếu trách nhiệm, ngay từ rất sớm (năm 1998)
không đoái hoài đến đơn tố cáo từ Anh Nguyễn Phúc Thành (bạn thân của
hung thủ) và xác nhận của CA xã địa phương về nhân thân lý lịch cũng như
sự vắng mặt bất ngờ của hung thủ mà người tố cáo (Anh Thành) chỉ ra
trong đơ, sau khi nạn nhân bị giết, như lời của Phó thủ trưởng cơ quan
điều tra Công an tỉnh Bình Thuận Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, trực tiếp chỉ
đạo ban chuyên án…
Nhận định về quá trình điều tra vụ giết thiếu phụ cướp vàng 16 năm
trước, nguyên phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận
Thượng tá Đinh Kỳ Đáp (trực tiếp chỉ đạo ban chuyên án) thừa nhận còn
nhiều khuất tất, sơ sài, chưa trọn vẹn trong quá trình điều tra.
Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận Thượng Tá Đinh Kỳ Đáp - trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án.
Phóng viên phỏng vấn: Trước khi ông Nén được đưa ra xét xử, anh Nguyễn
Phúc Thành đã có đơn từ trong trại giam tố cáo hai người bạn của mình
mới chính là hung thủ giết bà Bông. Ông đã xử lý thông tin này như thế
nào?
Thượng Tá Đinh Kỳ Đáp: “Tôi chưa cầm cái đơn đó bao giờ. Nhưng khi
nghe thông tin có đơn tố cáo tôi liền lên đường đến trại giam Sông Cái
(Ninh Thuận) dù lúc này án chung thân của Huỳnh Văn Nén đã có hiệu lực.
Ngày đó tôi đi với điều tra viên Cao Văn Hùng nhưng đến đó thì tôi vào
thăm một số anh em cán bộ trại giam, giao nhiệm vụ cho đại úy Cao Văn
Hùng (nhân viên thừa hành) lấy lời khai của anh Thành. Hôm đó, tôi bị
lên cao huyết áp nên vào một phòng khác nghỉ ngơi chứ không trực tiếp
gặp anh Nguyễn Phúc Thành. Trên đường về lại Bình Thuận, tôi hỏi Hùng có
vấn đề gì mới không thì anh ấy bảo không có gì, đơn tố cáo của anh
Thành không có căn cứ. Hùng bảo Thành khai báo có 2 thanh niên khác giết
bà Bông chứ không phải ông Nén. Về sau, tôi cũng nghe các trinh sát báo
cáo rằng những người này đã đi khỏi địa phương trước khi xảy ra án mạng
một tháng nên nghĩ lời tố cáo của anh Thành thiếu cơ sở nên không xác
minh tiếp”.
Phóng Viên: Nhưng theo báo cáo của phó công an xã tại địa phương lên ban
chuyên án, thời điểm bà Bông bị giết, hai nghi phạm trong đơn tố cáo
của anh Thành đều có mặt tại địa phương, ông ý kiến thế nào thông tin
mâu thuẫn này?
Thượng Tá Đinh Kỳ Đáp: “Cái này thì tôi không được nghe báo cáo từ
anh em. Nếu có thông tin cũng như biết rõ về nội dung tố cáo của anh
Thành, tôi sẽ cho người đi xác minh ngay”. (5)
Rõ ràng một Thượng tá thủ trưởng trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án nhưng
trả lời không trung thực rằng: Tôi chưa nghe báo cáo cũng như chưa cầm
cái đơn (tố cáo) đó bao giờ (chưa biết nội dung đơn) nhưng lại lên đường
đến trại giam gặp và lấy lời khai (anh Thành) người làm đơn tố cáo đó
(!?).
Trong số những cán bộ (đảng viên CSVN) tham gia tố tụng vụ án Huỳnh Văn Nén, không ít người vẫn đang tại vị.
Điều tra viên chính vụ án Huỳnh Văn Nén là nguyên đại úy Cao Văn Hùng,
cũng là điều tra viên chính vụ án vườn điều, được khen thưởng do thành
tích trong vụ án này (sau khi ông Nén bị kết án).
Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh
Bình Thuận, là thành viên ban chuyên án (Huỳnh Văn Nén) và vụ án vườn
điều. ông Đinh Kỳ Đáp phải nghỉ hưu trước niên hạn. Kiểm sát viên sơ cấp
Đinh Văn Lai, hiện nay ông Đinh Văn Lai công tác tại VKSND thành phố
Phan Thiết. Người ký cáo trạng truy tố ông Huỳnh Văn Nén là bà Nguyễn
Thị Dung, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận, nghỉ hưu theo chế độ. Kiểm
sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ án Huỳnh Văn Nén là kiểm sát
viên trung cấp Vũ Hồ Thành, ông Thành vẫn đang làm việc tại VKSND tỉnh
Bình Thuận. Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén là thẩm phán
Nguyễn Thành Tâm hiện là Phó Chánh án Tòa Hình sự, TAND tỉnh Bình Thuận.
Thẩm phán thứ hai trong phiên tòa sơ thẩm là bà Nguyễn Thị Lộc, đang là
thẩm phán TAND tỉnh Bình Thuận.
Tóm lại, thay vì tìm ra thủ phạm để “phá án” trong 2 hai vụ trọng án
“giết người” thì CA điều tra và cơ quan chức năng lại vô hình trung “kết
án” oan cho công dân – Ngược lại vợ con cha mẹ “oan phạm” lại chính là
những người “phá án” cho công lý và pháp luật (!?) “Thợ mộc có thước, thợ kim hoàn có khuôn, cán bộ điều tra và xét xử thì có nguyên tắc pháp luật”.
Họ quên rằng cả 2 ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh văn Nén sau khi “giải
oan” đều cho biết trong quá trình thẩm vấn hỏi cung điều tra các ông
nhiều lần bị đánh đập nhục hình rất đau đớn, tâm lý chất phác, nạn nhân
sợ rằng cứ bị tiếp tục như thế sẽ tổn thương nội tạng, trong tù thiếu
thuốc men và kham khổ đôi khi dẫn đến tàn tật hay chết sớm nên sinh tâm
lý cầu an nhận đại mọi lời mớm cung của cán bộ điều tra để tránh bị nhục
hình rồi số phận tới đâu hay tới đó… và kết cục đưa đến là “trọng cung
hơn trọng chứng” oan khuất xảy ra là tất nhiên.
Xã hội nào cũng cần có mọi công cụ biện pháp để trấn áp ngăn ngừa bài
trừ tội phạm, nhưng điều đó không có nghĩa là được phép đạp lên phẩm giá
đạo lý và nguyên tắc để nhân danh công lý.
Một tài xế lái xe lưu thông phạm luật dù ít hay nhiều đều trả giá, giống
như vậy, còn nặng nề hơn, một đời người bị đánh cắp phẩm giá, tinh thần
lẫn thể xác và chắc rằng luôn cả tuổi thọ thì kẻ thừa hành phạm luật
như can phạm đánh cắp ấy không thể vô can vô sự với cuốn sổ hưu ở cuối
đời mà xã hội phải chi trả!? Quyền lợi phải đi kèm với chịu trách nhiệm.
___________________________________
Tham khảo:
0 comments:
Post a Comment