Monday, February 9, 2015

Phá vỡ im lặng về Thuyền Nhân





Hai anh em (Glenn) Hoa Xuân Long và (Sabrina) Hoa Tú Anh, cùng con trai của Sabrina là (Justin) Đặng Vinh Sơn. (Alison Cook/CBC).
Sabrina Hoa Tú Anh và Glenn Hoa Xuân Long là người Canada gốc Việt nhưng chưa hề sống trên đất nước từng bị chiến tranh tàn phá. Hai anh em họ cũng không phải trải qua cuộc vượt biển nguy hiểm bằng ghe tàu để đến được bến bờ tự do.
Thật ra, hai anh em họ không biết đến câu chuyện thuyền nhân Việt Nam cho tới khi họ trưởng thành.
Sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã gây ra một làn sóng di cư ồ ạt của người Việt. Hàng trăm ngàn người bỏ chạy bằng thuyền, dẫn đến thuật ngữ "thuyền nhân."
Thuyền nhân tiếp tục ra đi khỏi Việt Nam trong hơn một thập niên sau sự sụp đổ của Sài Gòn.
Là hậu duệ của người di dân Việt Nam, Glenn và Sabrina được sinh ra và lớn lên tại Brossard, Québec Canada. Glenn, 30, là một nha sĩ và Sabrina, 28, đang thực tập y khoa về bệnh phong thấp.



Hình hai anh em (Glenn) Hoa Xuân Long và (Sabrina) Hoa Tú Anh, với mẹ là Đỗ Thị Đông cùng con trai của Sabrina là (Justin) Đặng Vinh Sơn. Cha mẹ của Glenn và Sabrina từ Việt Nam đến Canada định cư. (Alison Cook/CBC)
Glenn cho biết anh chỉ nhận ra ý nghĩa đích thực của hai chữ thuyền nhân khi anh 28 tuổi. Glenn nói:
"Trước đó, tôi chỉ biết là mọi người tránh nói đến hai tiếng 'thuyền nhân' vì nó được xem là một thuật ngữ xấu nhắc nhớ bao nhiêu kỷ niệm đau buồn. Vì vậy nó là một từ ngữ bạn không muốn đề cập đến."
Tất cả ý nghĩ đó đã thay đổi khi anh xem một phim tài liệu tên là Bolinao 52 do Nguyễn Hữu Đức, một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt thực hiện. Glenn cho biết:
"Phim tài liệu này dài chỉ 40 phút, nhưng nó cho thấy hình ảnh sống động của những gì thuyền nhân tị nạn Việt Nam đã trải qua."
Phim kể về câu chuyện của một chiếc thuyền chở đầy người tị nạn rời khỏi Việt Nam năm 1988. Trong tổng số 110 hành khách trên tàu, chỉ có 52 người sống sót qua cuộc hành trình.
Glenn xem cuốn phim tài liệu này tại một hội nghị lãnh đạo thanh niên Việt Nam mà anh đã tham dự ở Calgary vào tháng 8 năm 2012. Glenn kể tiếp:
"Tôi cùng ngồi xem phim tài liệu đó chung với rất nhiều bạn trang lứa trẻ tuổi khác. Nó gây xúc động rất mạnh mẽ đối với chúng tôi, mạnh đến mức nó làm cho chúng tôi thực sự tò mò muốn tìm hiểu gốc tích để xem trong gia đình và bạn bè chúng tôi có ai là thuyền nhân hay không."
Thời gian sau đó, Glenn có đọc qua cuốn tiểu thuyết "Ru" của tác giả Kim Thúy và nó càng làm cho anh tò mò hơn về vấn đề thuyền nhân. Mặc dù cha mẹ của Sabrina và Glenn không phải là thuyền nhân, Glenn nói anh rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng khoảng 80 phần trăm của thế hệ cha mẹ anh đều là thuyền nhân. Glenn nói:
"Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi tôi biết ra một số bạn bè của tôi, dù họ chỉ lớn hơn tôi ba hoặc bốn tuổi, nhưng chính họ cũng là thuyền nhân. Hãy nghĩ xem nếu một số những người này không hiện diện trong cuộc đời bạn thì cuộc đời bạn sẽ không được như thế này."
Sabrina học được câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam khi cô 19 tuổi và gặp người chồng tương lai của cô. Anh ấy và cha mẹ là thuyền nhân. Cô nói nhờ hiểu biết về những gian khổ gia đình chồng đã trải qua mà cô càng trân quý sự có mặt của cô nơi xứ sở này. Cô nói:
"Chúng tôi may mắn còn sống sót và được cư ngụ ở một nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội bình đẳng, đều được sống trong xã hội tự do."
Giữa năm 1975 và năm 1980, gần 40,000 người Việt đã đến Canada, trong đó có 8.000 đến tỉnh bang Quebec.
Cộng đồng người Việt phát triển mạnh mẽ trong tỉnh bang. Theo kết quả kiểm tra dân số năm 2011, có 42,480 người ở Quebec nói họ có nguồn gốc Việt Nam.
Nhờ sự hiểu biết về thuyền nhân, Glenn đã tích cực tham gia vào chiến dịch gây quỹ cho một bảo tàng thuyền nhân Việt Nam tại Ottawa. Trong khi bảo tàng vẫn chưa được xây dựng, Glenn nói dự án này giúp bắt cầu khoảng cách giữa các thế hệ, nâng cao nhận thức về những gì mà thế hệ cha mẹ anh đã trải qua. Anh nói:
"Họ ở trong khoảng tuổi 25, 30 khi họ miễn cưỡng rời xa quê hương, họ cũng có những ước mơ như chúng tôi, nhưng những ước mơ của họ phải bỏ lại phía sau. Họ hy sinh tất cả mọi thứ để cho con cái của họ có thể thành công."
"Cha mẹ của chúng tôi, tôi nghĩ rằng họ không bao giờ đi ăn ngoài ở nhà hàng. Họ không bao giờ đi xem phim ở rạp, họ không bao giờ đi xem kịch nghệ trình diễn, họ không bao giờ mua sắm các món hàng sang trọng. Nhưng thực sự là họ dám bỏ ra một món tiền lớn để mua cho chúng tôi một chiếc dương cầm. Do đó ý tôi muốn nói là, họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, và tôi nghĩ rằng điều đó thật tuyệt vời."
Sabrina, em gái Glenn cũng đồng ý. Cô nói:
"Họ sẵn sàng cung cấp tất cả mọi thứ cho chúng tôi, nhất là cho việc học của chúng tôi. Nếu không có sự hy sinh của họ thì chúng tôi sẽ không có được những gì như hiện nay."
Sabrina và Glenn cũng biết ơn đất nước Canada đã mở rộng vòng tay đón nhận cha mẹ họ, và Glenn đã tìm được cách riêng của mình để đền đáp. Anh mới vừa gia nhập Lực lượng Trừ bị Quân đội Canada với tư cách là một nha sĩ. Anh cho biết:
"Thuyền nhân Việt Nam đã can đảm đánh đổi mạng sống ra đi để đến đây. Nhưng đáng nói hơn là có một đất nước tuyệt vời tên Canada đã đón nhận họ."
"Và tôi nghĩ rằng nếu thế hệ cha mẹ tôi đã dồn mọi nỗ lực để tồn tại và tạo ra một cộng đồng mới, bây giờ cuộc sống của chúng tôi đã ổn định, vậy thế hệ của tôi phải có trách nhiệm đối với đất nước này để đền đáp lại bằng cách nào tốt nhất. Và vì vậy mà tôi đã tham gia quân đội, và phần còn lại là lịch sử."

Nguyễn Thanh Hoàng.


Nữ dân biểu trẻ người Canada gốc Việt Anne Quách Minh Thu

Cờ Vàng Việt Nam

Mời xem (nghe) nữ dân biểu trẻ người Canada gốc Việt Anne Quách Minh Thu, thuộc đảng NDP, đơn vị tỉnh bang Québec thuyết trình trước Hạ Nghị Viện Liên Bang để ủng hộ dự luật S-219 công nhận ngày 30-4 là NGÀY HÀNH TRÌNH ĐẾN TỰ DO. Cô Quách Minh Thu nói tiếng Pháp, mặc dù cô cũng nói thông thạo tiếng Anh.



Quách Minh Thu

0 comments:

Powered By Blogger