Câu hỏi hàng đầu trong mỗi người Việt Nam ở hai đầu chiến tuyến sau
40 năm kết thúc chiến tranh ngày 30 tháng 04 năm 1975 là tại sao dân tộc
Việt Nam vẫn chia rẽ để đất nước tiếp tục suy yếu trước đe dọa xâm lược
của láng giềng Trung Quốc?
Thứ nhất, đảng cầm quyền duy nhất Cộng sản Việt Nam không chịu chia chác quyền lực với ai và không chấp nhận “đa nguyên đa đảng”.
Các nhà tư tưởng của Đảng tiếp tục lý luận cối chày rằng: “Tính tất
yếu cầm quyền của Đảng ta như là một vấn đề có tính quy luật - quy luật
vận động của thời đại và xã hội nước ta, nhu cầu về tư tưởng, tình cảm
của nhân dân ta, trực tiếp là sự phát triển của giai cấp công nhân, của
phong trào yêu nước cách mạng và được thể hiện qua hoạt động của Đảng ta
trong 85 năm qua.” (Trích ý kiến từ Hội thảo “Nâng cao vị thế, vai
trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay” tại
Quảng Ninh ngày 28/01/2015).
Nhưng “tất yếu” và “quy luật” nào hay toàn chuyện đảng vẽ ra để tự biên
tự diễn, tiếm quyền và khoác vào mình “chiếc áo tình cảm của nhân dân”
để xỏ mũi dân kéo đi vì giai cấp công nhân và nhân dân lao động, từ sau
“Cách mạng tháng Tám 1945” có được chia cho miếng đỉnh chung nào đâu?
Thứ hai, quyền làm chủ đất nước của dân đã bị tước bỏ để
tuyên truyền cho chế độ qua các cuộc bỏ phiếu giả tạo “đảng cử dân bầu”,
dù vẫn phải nghe tuyên truyền khống rằng “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân”.
Thứ ba, đất nước Độc lập rồi mà Tự do thì không, ngược với lời nguyền “không gì quý hơn độc lập, tự do” của ông Hồ Chí Minh, người lập ra đảng CSVN cách nay 85 năm (03/02/1930-03/02/2015)
Thứ tư, đảng tiếp tục lấy chủ nghĩa phá sản Cộng sản
Mác-Lênin và tư tưởng độc tài Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành
động đi ngược lại trào lưu tiến bộ của nhân loại để tiếp tục làm cho dân
nghèo, nước mạt.
Thứ năm, quyền lợi của dân bị trắng trợn xâm hại bởi cán
bộ, đảng viên mất phẩm chất đã được các cấp có chức có quyền bao che để
thỏa mãn quyền lợi phe nhóm tạo thành mạng lưới tham nhũng để bóc lột
nông dân và công nhân - hai lực lượng nồng cốt đã giúp đảng Cộng sản lên
cầm quyền. Những vụ cán bộ bầy mưu chiếm đất, lấy ruộng của dân trong
nhiều dự án đô thị, kinh tế, làm đường để bán lấy tiền bỏ túi và chia
chác cho các nhóm lợi ích từ mấy năm qua là nguyên nhân của những vụ
khiếu kiện đông người mỗi ngày một nhiều.
Thứ sáu, việc đảng tiếp tục độc quyền kiểm soát và điều hành nền kinh tế quốc gia dựa trên lý thuyết viển vông “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà thực chất chỉ làm thuê cho nước ngoài đã đưa kinh tế lệ thuộc vào Trung Quốc là chính.
Bằng chứng từ các thống kê chính thức của Việt Nam cho thấy hàng hóa nhập siêu từ Trung Quốc đã lên đến 23,7 tỉ USD.
Báo Thanh Niên ngày 14/05/2014 viết: “Điều đáng nói là, với cơ cấu
nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công và xuất khẩu, chúng ta
thực ra đang xuất khẩu giùm nước này và phần giá trị gia tăng được hưởng
rất ít ỏi. Theo Tổng cục Hải quan, cả năm 2013, Việt Nam xuất khẩu
17,95 tỉ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập tới 14,81 tỉ USD, trong đó
nhập khẩu của Trung Quốc 5,56 tỉ USD. Công thức là, Việt Nam nhập nguyên
liệu của Trung Quốc về gia công và xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, EU
(European Union -Liên hiệp Châu Âu). Ở hoàn cảnh tương tự là điện thoại
các loại và linh kiện, Việt Nam xuất được 21,24 tỉ USD cả năm 2013 nhưng
phải nhập khẩu 8 tỉ USD, riêng Trung Quốc gần 5,7 tỉ USD...
Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn tiêu thụ công nghệ cho các doanh
nghiệp Trung Quốc. Năm 2013, Việt Nam nhập từ Trung Quốc tới 36,8 tỉ
USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất,
máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu… Riêng 3 tháng đầu năm, nhóm hàng
này nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với tổng trị giá là 1,58 tỉ
USD, tăng 29,7%.”
Đó là lý do tại sao nhà nước cứ “tái cơ cấu” mãi mà kinh tế vẫn lệ thuộc vào nước ngoài.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhìn nhận: “Mấy năm qua, tăng trưởng
kinh tế còn dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư, sử dụng nhiều tài nguyên và
lao động với năng suất, chất lượng thấp… ảnh hưởng không tốt tới sự phát
triển kinh tế nhanh và bền vững.
Lĩnh vực đầu tư công nhìn chung hiệu quả vẫn còn thấp, cơ sở hạ tầng
mặc dù đã khá lên hơn rất nhiều nhưng vẫn còn kém so với các nước tiên
tiến trong khu vực.
Sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ khó cải thiện nếu cứ tiếp tục kéo dài
tình trạng tỷ trọng gia công lớn trong nền kinh tế, sử dụng công nghệ
trung bình và thấp, lao động không lành nghề và năng suất thấp... và
không nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cũng cần nhấn mạnh đến những khó khăn trước mắt của ta trong lĩnh vực
tài chính, ngân hàng như nợ xấu, nợ công cao, bội chi lớn ngân sách nhà
nước còn lớn, các nhà sản xuất kinh doanh trong nước còn nhiều khó
khăn…, trong phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, những hạn chế
trong quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương và địa phương...” (Phỏng vấn của TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam)/03/02/2015).
Vì vậy đến cuối năm 2014, tính bình quân mỗi người dân Việt Nam trong dân số trên 91 triệu người phải gánh nợ trên 937 Dollars.
Nợ xấu là món tiền vay Ngân hàng không trả nổi của các cơ sở thương mại
và xí nghiệp, trong đó đáng kể là các Doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến
cuối năm 2014, nợ xấu của Việt Nam được ước tính là 240.000 tỷ đồng,.
Do đó khi nền kinh tế do Doanh nghiệp Nhà nước đóng vai chủ quản và
Chính phủ quản lý xấu như thế thì dân đen phải lao động muôn năm cho
tham nhũng xơi và tình trạng giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn càng
căng ra và sâu thêm.
Vậy nợ xấu ở đâu mọc ra? Báo Diễn đàn Đầu tư đã dựa vào lời một chuyên gia không nêu tên nói rằng: “Bản
chất của nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam được chia thành 3 nhóm: nợ
doanh nghiệp Nhà nước, nợ liên quan đến bất động sản và nợ liên quan đến
lợi ích nhóm. Trong 3 nhóm này đều có nợ xấu liên quan đến sở hữu chéo,
bởi vậy, các ngân hàng không dám đưa ra phán quyết đối với những công
ty con của mình, lợi ích nhóm. Do vậy, các ngân hàng không muốn xử lý vì
điều đó có khác gì tự chặt chân, chặt tay của mình.”
“Để giải quyết được nợ xấu cần phải công khai, nếu không, giải pháp
VAMC (Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam) cũng không thể giải
quyết được nợ xấu, mà chỉ chữa được những bệnh thời tiết, vì mầm mống
gây bệnh nợ xấu vẫn tồn tại trong cơ thể của nền kinh tế” (báo Diễn đàn Đầu tư, 20/10/2014)
Vậy ai, nếu không phải là ông Nhà nước, chủ nhân của Doanh nghiệp Nhà
nước, đã đốt tiền của dân vào những canh bạc đầu tư lấy lời để chia
nhau, đến khi thua lỗ thì lại ì ra với chiêu bài “cha chung không ai
khóc”. Cuối cùng chỉ còn lại dân đen phải è cổ ra lao động để cho đảng
tiếp tục nuôi các nhóm lợi ích!
Như vậy thì làm sao mà dân còn kiên nhẫn để liên kết “máu thịt với đảng” như cán bộ Tuyên giáo vẫn khoe khoang?
Thứ bảy, đảng tiếp tục độc quyền ngôn luận, báo chí để
phục vụ đặc quyền, đặc lợi cho đảng và dùng Công an và côn đồ đàn áp,
không chế, bỏ tù những người dân bất đồng chính kiến, đòi tự do dân chủ
và đòi quyền con người.
Thứ tám, khi đạo đức của đảng viên đã sa sút đến tận đáy
của xã hội và những kẻ tham nhũng cứ sống phây phây trước mắt dân như
hiện nay thì công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng làm theo Nghị quyết Trung
ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có còn giá
trị gì không?
Thứ chín, dân càng ngày càng nghi ngờ khả năng bảo vệ vẹn
toàn lãnh thổ và chủ quyến quốc gia của đảng sau khi đã dành đặc quyền
đặc lợi tại nhiều vùng kinh tế chiến lược cho Trung Quốc và còn bất lực
trước kế họach lấn chiếm biển đảo và lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.
Thứ mười, đảng đã vô ơn bạc nghĩa với 74 chiến sĩ Quân đội
Việt Nam Cộng hòa, cũng là công dân nước Việt, đã bỏ mình trong cuộc
chiến chống Quân Trung Quốc xâm lược chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa năm
1975. Sao lãng tưởng niệm 64 người lính CSVN đã bỏ mình trong trận chống
quân Tầu xâm lược chiếm đảo ở Trường Sa năm 1988. Và đặc biệt còn tuân
theo lệnh Trung Quốc cấm không cho dân-quân tưởng niệm trên 40,000 chiến
sĩ và đồng bào của 6 tỉnh dọc biên giới Việt-Trung đã hy sinh trong 2
cuộc chiến xâm lăng của 600,000 quân Trung Quốc từ 1979 đến 1989.
Từ năm 2011 đến 2013, đảng còn cho Công an đàn áp trí thức và một bộ
nhân dân biểu tình tưởng niệm những người đã hy sinh trong các cuộc
chiến chống quân Trung Quốc và lên án Bắc Kinh xâm lược tại Sài Gòn và
Hà Nội, tiêu biểu tại Tượng Đức Trần Hưng Đạo bên bờ sống Sài Gòn và tại
Công viên Tượng đài Lý Thái Tổ ờ Hà Nội.
Kỳ thị Nam-Bắc thắng-thua
Bên cạnh 10 nguyên nhân là mầm mống chia rẽ trong dân kể trên, đảng còn
nuôi khuyết tật kỳ thị Nam-Bắc và tiếp tục phân biệt giữa kẻ thắng và
người thua sau 30 năm theo cuộc chiến nồi da xáo thịt do Đảng Cộng sản
chủ động. Dù đảng đã phủ nhận và tiếp tục che đậy nhưng chúng vẫn thường
xuyên là một bi kịch của xã hội trong suốt 40 năm qua.
Bằng chứng là Mặt trận Giải Phóng miền Nam hay Chính phủ Cách mạng Lâm
thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, dù do đảng dựng lên nhưng số cán bộ lão
thành gốc Nam vẫn là nòng cốt, đã bị giải tán không kèn không trống
sau ngày thống nhất đất nước 1976.
Sau đó đến số phận của Câu lạc bộ Kháng chiến (tên nguyên thủy là Câu
lạc bộ Những người Kháng chiến cũ), dù chỉ nhằm hoạt động “tương tế ái
hữu” cũng bị đình chỉ hoạt động vào tháng 03 năm 1989 bởi Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh, người được coi là “khởi xuớng phong trào Cởi Mở” từ năm
1986.
Ông Linh lo sợ Câu lạc bộ sẽ biến thành một đảng đối lập chính trị vì
chỉ sau 2 năm hoạt động số hội viên đã vượt lên 20.000, trong số này có
những đảng viên nổi tiếng như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Nam Trung.
Một số sáng lập viên như các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Nguyên Phong Hồ Hiếu sau đó đã bị cô lập, bị bắt giam hay sa thải khỏi đảng.
Đối với hàng ngũ Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa thì đảng đã lừa dối
hàng trăm ngàn người để bắt tập trung vào các trại giam lao động từ Nam
ra Bắc sau ngày 30/04/1975. Nhiều người đã chết trong tù, tiêu biểu và
nổi tiếng như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần
Văn Tuyên và Thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Ngoại trừ những người trốn được ra nước ngoài hay đủ điều kiện được định
cư ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây, những người phải ở lại miền Nam,
đặc biệt là những cựu thương binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa và con cháu
họ đã bị kỳ thị không cho học hành đến nơi đến chốn, không cho công ăn
việc làm dù khả năng vượt cao hơn con cán bộ, đảng viên.
Nhiều người còn không có sổ Hộ khẩu để được sống hợp pháp và không được chữa trị khi lâm bệnh.
Thậm chí đảng còn kỳ thị cả với những chiến sĩ VNCH đã yên nghỉ tại các
Nghĩa Trang Quân đội, không tôn trọng vong linh của họ mà còn gây khó
khăn cho việc thăm viếng, tu bổ, bảo trì các ngôi mộ này.
Vậy mà đảng và nhà nước vẫn oang oang tuyên truyền cho Nghị quyết
36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài.
Nghị quyết viết “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân
tộc Việt Nam”, nhưng hành động thì chỉ muốn người Việt ra đi quay
đầu về “hòa hợp” vào guồng máy cai trị của đảng và làm việc theo mệnh
lệnh của Nhà nước.
Nghị quyết cũng hô hào mọi người hãy: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến,
phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần
cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương
lai.” Rồi hứa hẹn: “Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc,
tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong
muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại
đoàn kết toàn dân tộc.”
Nhưng sau 10 năm thi hành (2004-2014), đảng đã thất bại nặng nề vì “lời
nói không đi đôi với việc làm”. Đảng không ngừng gửi cán bộ với nhiều
dạng thức khác nhau ra nước ngoài để móc nối, mua chuộc, len lỏi phá
hoại và thao túng các Tổ chức xã hội và chính trị của người Việt ở nước
ngoài.
Từ năm 2010, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), thời Thứ
trường Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn làm Chủ nhiệm đã thi hành kế họach:
Chiêu dụ 300,000 trí thức, chuyên gia “Việt kiều” (nay đã tăng lên
400,000 người) về giúp nước; Tổ chức các Tổ hoạt động tại các Cộng đồng
lớn của người Việt; Tổ chức các lớp dạy Việt ngữ và văn hóa Việt với
thầy cô giáo gửi ra từ trong nước; Thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam ở
nước ngoài; Đem sách báo, lập Đài Phát thanh-Đài Truyền hình để tuyên
truyền cho đảng; Tổ chức du lịch cho Kiều báo và Tổ chức các trại Hè cho
Thanh thiếu niên Việt kiều về thăm Quế hương, thăm các Di tích lịch sử
Cộng sản và thăm các đơn vị quân đội ở Trường Sa v.v...
Tuy nhiên kết quả là con số không, hay chỉ đem lại kết quả rất hạn chế
vì cán bộ và lãnh đạo nhà nước còn duy trì nhiều mặc cảm với những người
đã bỏ nước ra đi. Điển hình như số Trí thức, chuyên viên người Việt về
giúp nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đảng cũng thất bại không mua chuộc được Thế hệ người Việt thứ hai và thứ
ba ở nước ngoài vì thiếu thành thật và vẫn dựa vào tiêu chí “đảng viên”
để lãnh đạo những Trí thức hải ngoại có trình độc học hàm và chuyên môn
giỏi hơn mình cả chục lần.
Đã thế, còn nuôi dưỡng ấu trĩ “nghi ngờ” để “bảo mật quốc gia” để che đậy những thông tin ai cũng biết cả rồi!
Nói hòa giải nuôi hận thù
Vì vậy, cũng chính ông Nguyễn Thanh Sơn đã có những lời nói chỉ để chọc
giận và gây chia rẽ dân tộc trong-ngoài trong suốt nhiệm kỳ của ông đến
ngày đi làm Đại sứ ở Nga năm 2014.
Trong cuộc phỏng vấn của báo Quân đội Nhân dân ngày 12/09/2011, ông Sơn nói: “Các
cơ quan đại diện (của Chính phủ ở nước ngoài) cần mạnh dạn mở rộng diện
tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động
chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong
công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền,
tôn giáo để chống phá đất nước.”
“…Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi
ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức
càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông
tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì
càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất
quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước
nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín
của họ đang bị giảm sút.
Không có lý gì mà chúng ta không giành thế chủ động, chìa bàn tay với
những người còn hiểu lầm về đất nước, còn mơ hồ về việc họ có thể lật
đổ chế độ chúng ta. Chúng tôi đã quyết định có đoàn liên ngành cùng với
các cơ quan báo chí trong nước đi công khai, gặp gỡ những phần tử còn
chống đối quyết liệt nhất, cố tình không hiểu tình hình trong nước.
Chúng tôi đã nêu công khai với Đại sứ quán Mỹ, thông qua cơ quan đại
diện Ngoại giao ở các quốc gia như Mỹ, Canada... để có thông tin đến các
tổ chức, cá nhân này. Họ rất bất ngờ trước kế hoạch này và lúng túng,
cố tình không gặp.
Khi nào họ thực sự muốn gặp công khai như họ nói (nhưng thực ra khi
yêu cầu gặp công khai họ lại không dám gặp), thì chúng tôi sẽ sẵn sàng
gặp. Chúng tôi đang muốn gặp họ công khai với sự chứng kiến của phóng
viên trong và ngoài nước, bà con kiều bào để tìm hiểu xem vì sao họ còn
hận thù với đất nước. Và cũng để họ hiểu rõ rằng, Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn mở rộng vòng tay đối với họ, nếu họ thực sự muốn hướng về Tổ
quốc, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho đất nước.”
Do đó khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ và họp tại Tòa Bạch ốc
với Tổng thống Barack Obama ngày 25/07/2013 thì hàng trăm đồng bào người
Việt đã biểu tình bên ngoài lên án CSVN và kêu gọi Tổng thống Obama
thảo luận và áp lực ông Sang thả tù nhân chính trị và tôn trọng nhân
quyền.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phản ứng: “Tôi thật sự không hiểu về cái
sự cố tình đó của một số quý vị, các bác, các anh các chị vẫn còn có tư
tưởng hận thù đi ngược lại với lợi ích dân tộc... Tôi nghĩ rằng những
cái hiện tượng mà còn đây đó chống đối cái chuyến thăm của chủ tịch nước
Trương Tấn Sang, tức là các quý vị, các bác, các anh các chị còn cố
tình giữ trong lòng mình một cái “chút hận thù cuối cùng”. (Trích phỏng vấn của Phố Bolsa TV)
Viên chức ngoại giao mang nhiều mặc cảm vì đã bị nhiều người Việt ở Hoa
Kỳ từ chối tiếp xúc trong các lần công tác trước nói tiếp: “Quý vị
không có lý gì các vị “đứng ở ngang giữa đường các vị ngăn cản cái quan
hệ Mỹ-Việt”. Điều đó chỉ làm cho các quý vị thêm khổ tâm, thêm phiền
não, thêm buồn bực và rồi chính bản thâm những người bạn Mỹ của chúng ta
lại trách quý vị là “cản cái con đường hội nhập của Việt Nam và cản cái
quá trình quan hệ Mỹ-Việt” mà họ đang mong muốn...
“...Tôi cho là các bác, các anh chị - “những người đang còn có những
tư tưởng như vậy hãy hết sức tĩnh tâm suy nghĩ lại để chúng ta xóa bỏ
tất cả những cái hận thù... còn có những cái suy nghĩ cực đoan chống lại
đất nước hoặc là có một cái suy nghĩ lệch lạc thì đó thực sự nó chỉ là
ảo tưởng... hãy gác lại những cái tư thù cá nhân, hãy gác lại những cái
suy nghĩ cá nhân”.
Cuối cùng, ông Sơn bị đặt mà không biết mình đã nói láo vu cáo người đi biểu tình được trả tiền: “Tôi
cho rằng là những cái biểu tình chống đối của bà con cô bác ở bên ngoài
đối với chủ tịch nước vừa qua nó chỉ là những cái hiện tượng. Tôi nghĩ
rằng là tất cả mọi người không phải ai cũng muốn như vậy. Có những người
chì vì đồng tiền, có những người chì vì nhu cầu cuộc sống, có những
người chỉ vì một chút thu nhập thêm mà tham gia những hoạt động đó, chứ
trong lòng tôi nghĩ quý vị cũng không có những suy nghĩ muốn phá hoại
quan hệ Mỹ-Việt.”
Trí thức Việt kiều quay mặt
Nhưng tại sao Trí thức Việt Kiều đã không chịu về giúp nước thì Giáo sư
Nguyễn Quốc Vọng thuộc Đại học danh tiếng Kỹ thuật và Thiết kế RMIT của
Úc Đại Lợi giải thích trong một bài viết:
“Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:
- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ
thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút
trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước
chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ
không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất
của nước sở tại;
- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví
dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bôxit Tây
Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay
đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra
hoang mang, lo sợ... không muốn trở về nước;
- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức
Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế
giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt
nhất, thích hợp nhất và có lợi nhất cho đất nước;
- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;
- Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích
“mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ
khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;
- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm
việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin
tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có
thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.
Giáo sư Vọng kết luận bài viết của ông trên Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 07/09/2010:
“Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi
trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp. Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn
lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã
ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến
rất nhanh trong công cuộc hiện đại hóa công nghiệp hóa đất nước, trở
thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới. Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi
năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí
thức Việt kiều.”
Theo tổ chức ngoại vi của đảng CSVN là Mặt trận Tổ Quốc thì đến năm
2015, trên toàn Thế giới có: “4,5 triệu người sống và làm việc ở 103
quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hằng năm có khoảng 500.000 lượt
kiều bào về nước, trong đó khoảng hơn 300 chuyên gia, trí thức về làm
việc và hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.”
Tuy nhiên bản tin ngày 27/09/2014 của tổ chức này không cho biết 300 trí
thức là những ai và họ đã làm gì ờ Việt Nam, nhưng có điều chắc chắc là
“rất ít người muốn trở về sống và làm việc cho đảng CSVN”.
Ngày cả số người Việt lớn tuổi ở nước ngoài về nước sống cho hết đời cũng rất ít oi, dù Mặt trận khoe: “Hiện
có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước do kiều bào thành lập hoặc góp
vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi
về nước tăng trung bình 10-15%/năm, Năm 2009 là 6,83 tỷ USD, năm 2010
đạt mức 8,6 tỷ USD, năm 2011 là 9 tỷ USD, năm 2012 đạt 10 tỷ USD, năm
2013 đạt gần 11 tỷ USD.”
Theo số thống kê ở Việt Nam thì phần lớn đầu tư của người Việt nhằm vào Du lịch và ngành Địa ốc.
Như vậy đủ biết cũng đã có sự dè dặt làm ăn với Việt Nam từ phía các
thương gia người Việt ở nước ngoài. Và tất nhiên, một sự quay về để bị
kiểm soát và cai trị bởi chế độ Cộng sản vẫn còn xa vời đối với ước mơ
“vắt được chanh thì bỏ vỏ” mà đảng đã nhắm vào khối người Việt Nam ở
nước ngoài từ nhiều năm qua.
Đấy là nguyên do tại sao đã sau 40 năm kết thúc chiến tranh và qua 40
cái Tết mà người Việt Nam ở đôi bờ chiến tuyến vẫn còn xa mặt cách lòng,
dù đang sống bên cạnh nhau ở trong nước.
Sự nghi ngờ và thờ ơ của đảng CSVN đối với sự quay về Việt Nam của
nguyên Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc sĩ Phạm Duy là một bằng
chứng cho đến ngày hai ông qua đời (Ông Kỳ qua đời ngày 23/07/2011 tại
Kuala Lumpur, Malaysia. Nhạc sĩ Phạm Duy mất ngày 27/01/2013 tại Sài
Gòn).
Lỗi ấy tại ai nếu không phải là vì đảng CSVN vẫn tiếp tục nói một đàng
làm một nẻo và chưa muốn hỏa giải với đồng bào trong nước, vẫn nuôi
dưỡng chính sách kỳ thị địa phương Nam-Bắc, vùng miền lãnh thổ và tiếp
tục độc quyền cai trị để bảo vệ quyền lợi cho một thiêu số lãnh đạo,
nhưng lại sẵn sàng thỏa hiệp chủ quyền lãnh thổ với ngoại bang Trung
Quốc để được yên thân.
(02/015)
0 comments:
Post a Comment