Saturday, December 28, 2013

Sydney chia tay cùng Việt Dzũng

Bài viết của Ánh Linh

Tối Thứ Sáu 27/12/2013, từ 7g đến 10g, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Đồng Người Việt Tự Do tại Bonnyrigg, Sydney, gần 300 người đã đến tham dự buổi văn nghệ "Như Một Lời Chia Tay" cùng ca nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh Việt Dzũng, với toàn những nhạc phẩm của Việt Dzũng.

Ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung.

Hình ảnh Việt Dzũng trên màn ảnh điện tử, với đôi mắt hiền lành, nụ cười hòa nhã, trước lá cờ vàng Việt Nam thân thương. Anh đã thực sự ra đi về lòng đất Mẹ, như anh đã tiên đoán trước: "Con sẽ về bằng hồn phách linh thiêng", (trích trong bài Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ).

Ngoài bức hình thường trực đó, là những bức hình trải dài suốt cuộc đời ngắn ngủi của anh, từ lúc còn là chàng thanh niên tuấn tú, một thời vùng vẫy trong vòm trời âm nhạc dưới mái trường Lasan Taberd, Sài Gòn, đến lúc tỵ nạn tại Mỹ và chu du khắp nơi với đôi nạng gỗ để giúp người đồng cảnh tại các trại tỵ nạn, và hình ảnh đấu tranh cho Nhân Quyền và Tự Do cho Việt Nam, sát cánh cùng người chị kết nghĩa Nguyệt Ánh, rồi hình ảnh Việt Dũng chụp với đồng bào Sydney. Tất cả những hình ảnh thân thương đó còn quá mới, người nghệ sĩ này quá gần gũi với mọi người tham dự. Mới đây thôi mà, mới tháng 9/2013 vừa rồi, Việt Dzũng đã sang Úc. Giọng nói, khuôn mặt anh dường như còn đâu đó trong không gian tại Sydney. Việt Dzũng đã đến Úc khoảng 4 lần, có khi đi lưu diễn, gặp gỡ đồng hương, có khi đi huấn luyện các tài năng mới trong lãnh vực truyền thông. Ôi, hình ảnh anh quá gần gũi với đồng hương Sydney! Đó là chưa nói đến việc các đĩa ca nhạc Asia có mặt trong hầu hết các gia đình Việt Nam tại Úc, khiến cho sự có mặt của anh lan tỏa rộng khắp.

Mới đó mà đã ra người thiên cổ!

Đành rằng sinh tử là luật tự nhiên của tạo hóa. Tuy nhiên, ra đi giữa lúc còn sung mãn, còn tràn trề nhựa sống, lúc mức đóng góp cho nghệ thuật và đấu tranh đang lên đến tột đỉnh, thì thật là một điều mất mát to lớn cho những ai đã biết, đã nghe nói về anh, đã quý mến, khâm phục anh, và đang học hỏi nơi anh.

Đêm nay, khán giả được thưởng thức những bài nhạc đầy nhiệt huyết của anh, pha trộn với những bài tình ca ray rứt. Nỗi đau như cắt xé của kẻ mất nước, ra đi tìm tự do, lưu lạc nơi xứ người nhưng vẫn băn khoăn vì mảnh đất thân yêu khi anh phải lìa xa lúc mới 17 tuổi.

Việt Dzũng là hiện thân cho một trang sử đau thương của dân Việt. Có được bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ xa xứ lúc 17 tuổi mà đem theo cả tình quê bao la, sống nặng lòng với tình quê và đấu tranh cho tình quê đến hơi thở cuối cùng?

Mở đầu chương trình là chính giọng ca Việt Dzũng qua bài "Tự Tình Khúc Việt Dzũng": Chiều nay, ai ra mộ vắng, thắp dùm tôi nén hương tàn, thương người nằm sâu đất lạnh, đang buồn quê hương nát tan……Chiều nay ai ra phố vui, phố vui cũng chỉ là phố người, còn lại thân mình xa xứ, thương nhớ quê nhà khôn nguôi". Đêm nay, chính anh đã là người nằm dưới mộ vắng, đang buồn vì quê hương còn nát tan….

Anh từng quằn quại trong những nỗi niềm cay đắng được diễn tả qua bài "Những Đứa Con Của Mẹ" qua sự diễn tả của Xuân Thảo: Mẹ lỡ sinh ra thằng con bán nước, dâng hiến quê nhà cho nanh vuốt ngoại bang. Mẹ (cũng) lỡ sinh ra thằng con tên tỵ nạn, (dù rằng đã gặp hải tặc trên con thuyền mong manh nhưng khi) con sang xứ lạ (lại) chối bỏ quê hương! Việt Dũng đấu tranh không ngừng nghỉ và mong Mẹ hãy sinh thêm những thằng con phục quốc, (để) sẽ trở về giành lại quê hương, khi đó Mẹ sẽ thôi buồn vì đã lỡ sinh những thằng con (hư!).

"Lời Kinh Đêm" với giọng ca Quỳnh Xuân đưa mọi người về những đau đớn xót xa của những chuyến vượt biển hãi hùng: Trời chơ vơ, ôi người bơ vơ, Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục…Người buông xuôi về nơi đáy nước, người có mộng một nấm mộ xanh….Đau thương quá, những thuyền nhân đi tìm sự sống qua cái chết.

Có mấy ai cầm được nước mắt khi nghe Thanh Thúy hát "Một Chút Quà Cho Quê Hương", và chính Thanh Thúy cũng đã rơi lệ khi diễn tả bài hát đau thương này. Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương, em bán cho đời tìm đường vượt biên….Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần, mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng. Cả hội trường như hòa nhịp với Việt Dzũng trong tâm tình lắng đọng hướng về quê hương quằn quại trong khốn khổ.

Có nhiều người tham dự đã không ngờ dòng nhạc Việt Dzũng cũng mượt mà qua những bài tình ca yêu đương đôi lứa. Ca khúc "Mời Em Về" được Thanh Xuân diễn tả trìu mến yêu thương: Tôi muốn mời em về thăm lại Sài Gòn xưa, Duy Tân chiều say nắng, uống môi nồng hương xưa… những chiều trời mưa phủ, lời yêu nói sao vừa. Dòng nhạc này của Việt Dzũng đượm chất thơ nên đã được Đào Thúy diễn ngâm, trữ tình, lưu luyến, quyện với tiếng đàn tranh của Ánh Linh.

Cũng vậy, "Dấu Chân Của Biển" được nhạc sĩ Vũ Hùng vừa đàn vừa song ca với Nga Uyên, thật trữ tình: Từ trong hoang vắng, cho tay nắm tay tìm nhau về thuở hồng hoang, môi chôn kín trong niềm đau. Vòng tay yêu dấu như xin xóa bao thời gian giữa biển sóng dâng triều lên, riêng chỉ có anh và em…

Tình cảm dạt dào cho quê hương, cho người thân thương, trải dài vô tận trong dòng nhạc Việt Dzũng. Chữ "Mẹ" trong bài "Tình Ca Cho Nguyễn Thị Sài Gòn" được Tuyết Trinh đưa đến cử tọa tâm tình của người Mẹ, Mẹ Việt Nam cũng như người mẹ của mỗi người. Mẹ đặt tên em Nguyễn Thị Sài Gòn, Lý Thị Tỵ Nạn, Lê Thị Hy Vọng, Trần Thị Thương Nhớ. Ôi! Mỗi cái tên là cả một nỗi niềm gắn bó thiêng liêng, để kết luận rằng: Con là tương lai, con là gió mới, hãy nhớ đưa mẹ về lại nơi cuối trời….Và nay hương hồn Việt Dzũng cũng đã về với Mẹ Việt Nam nơi cuối trời quê hương yêu dấu.

Cạnh những dòng nhạc quê hương và tình cảm, dòng nhạc đấu tranh của Việt Dzũng vượt trội với nét thuyết phục và nhân bản, với niềm vững tin vào tương lai. Bài "Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ", chan hòa lòng cương quyết nơi các con của Mẹ, của Cha, của dòng giống Tiên Rồng, của trái tim Diên Hồng đầy khí phách: Con không hờn dù đời cay đắng, tâm không sờn dù lòng trắng khăn sô, còn hồn Việt Nam là còn niềm tin, còn người Việt Nam sẽ có ngày quang vinh. Trong đêm trường phục sẵn mặt trời, mai bình minh về rồi Việt Nam ơi!

Kết thúc chương trình là bài đồng ca "Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi" mà Việt Dzũng đã hát thành công trong những lần lưu diễn với người chị kết nghĩa Nguyệt Ánh. Cả hội trường cùng các ca sĩ đều hát thật to: Hỡi những người con của Mẹ Việt Nam…..sau cơn mưa rồi ngày sẽ sáng tươi ánh mặt trời, hẹn cùng bình minh xua bóng đêm, đòi Sài gòn xưa cho phố quen, rộn những bước chân về tự do công lý….

Chắc hẳn mỗi nhịp tim của mỗi người ra về đều mang theo dấu ấn Việt Dzũng, nặng tình với quê hương, lai láng với tình nghĩa đồng bào, trìu mến trong tình cảm đôi lứa và luôn nhiệt thành trong mọi sinh hoạt nhằm sớm đem lại Tự Do, Dân Chủ, An Bình, Thịnh Vượng cho quê hương.

Ca nhạc sĩ Việt Dzũng đã đi trọn đường trần, làm chứng nhân cho một thời đau thương của dân tộc Việt Nam, với hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, đi tìm sự sống qua bao cái chết đau thương tủi nhục, để lại sau lưng nước Việt Nam suy tàn, đến 38 năm sau vẫn còn đau khổ với những tiếng nói bị cùm kẹp vì đòi tự do công lý, với những thiếu nữ tìm đường sống trong ô nhục, với người mất nhà, kẻ mất nơi thờ phượng, và những biểu hiện dối trá của sự phồn vinh giả tạo tại các thành phố lớn.

Phải chi nước Việt Nam không còn bóng cộng thù thì các con dân xa xứ sẽ đổ dồn sự giúp đỡ về để cùng anh em trong nước xây dựng lại một Việt Nam kiệt quệ về kinh tế lẫn văn hóa, giáo dục và đạo lý, để Việt Nam thoát cảnh mất nước nhà tan vào tay kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, để người Việt Nam ngẩng đầu lên trên khắp năm châu.

Đó cũng là ước mơ suốt đời của Giuse Gioankim Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, người ca sĩ, nhạc sĩ, chiến sĩ văn hóa Việt Dzũng.

Nếu sự chết không phải là mất đi, mà là sự khởi đầu cho cuộc sống mới, vĩnh cửu, an lành của Ơn Cứu Độ, như Việt Dzũng đã từng sống trong niềm tin Công Giáo, thì từ nơi vĩnh hằng, Việt Dzũng vẫn song hành với những anh chị em cùng tâm huyết, thiết tha với quê hương, tương lai của dân tộc Việt Nam quật cường.

Tiến sĩ Hà Cao Thắng, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, một thanh niên trẻ mới ngoài 30, trong bài phát biểu đầu chương trình đã nói lên sự nuối tiếc và cảm phục đối với một đàn anh đã nêu một gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp nối.

Thật vậy, nén hương lòng đêm nay không chỉ là tiếc nuối, mà còn là một thề nguyền nối gót chân anh, tiếp tục con đường anh đi: qua âm nhạc, qua hoạt động không ngừng nghỉ, để sớm đem lại tự do no ấm cho Việt Nam, đất Mẹ thân yêu, nơi mà con người Việt Nam có thể hít không khí của mình, dưới bầu trời của mình, có thể sống trọn kiếp người Việt Nam như mong muốn.

Ước gì Đất Mẹ sớm sạch bóng những kẻ hại nước, bán nước như hiện nay, để những đứa con yêu trong nước và ngoài nước cùng xiết chặt tay nhau dựng lại cơ đồ.

Phạm Ánh Linh
28/12/2013

0 comments:

Powered By Blogger