Monday, December 30, 2013

Ca nhạc sĩ Việt Dzũng, 'biểu tượng tự do, nhân quyền, và công lý'

Đỗ Dzũng/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) - “Ngày hôm nay, chúng ta mất đi một biểu tượng tự do, nhân quyền, và công lý,nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN kiêm giám đốc nghệ thuật Trung Tâm Asia, phát biểu trong lời mở đầu lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, được tổ chức tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, lúc 8 giờ tối Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai.

Quang cảnh lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh ca nhạc sĩ Việt Dzũng, phía trước đài SBTN. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Chúng ta chỉ mong tinh thần này, của biểu tượng đó, còn mãi, để đem lại hoà bình, tự do, như lời anh nói 'mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình’,” nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp, trong tiếng vỗ tay của hàng trăm đồng hương đứng ngồi đầy bên trong hội trường và bãi đậu xe trước đài SBTN, trong thời tiết giá lạnh.
Nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp: “Chắc chắn, thế hệ đi sau sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh của Việt Dzũng. Và hy vọng một ngày nào đó, Little Saigon sẽ có một con đường mang tên anh.

Đông đảo đồng hương đến thắp nến cầu nguyện cho người quá cố. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đông đảo đồng hương tập trung trước một bàn thờ lớn, nhưng đơn giản. Chỉ có tấm hình cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng thời còn trẻ, với mái tóc dài, mặt thư sinh. Trước tấm hình là 18 ngọn nến hai màu vàng đỏ, được xếp thành màu cờ VNCH. Hai bên là hai vòng hoa đơn giản. Bên trái có năm lá cờ Mỹ, bên phải năm lá quốc kỳ VNCH. Phía trước là ba cái bàn đầy những ngọn nến.
Không nói một lời, từng người bước lên cầm mỗi người một ngọn nến và mắt ngước nhìn lên hai màn hình TV khổng lồ chiếu cảnh sân khấu bên trong. Cứ vài phút, màn hình lại hiện lên hình ca nhạc sĩ Việt Dzũng với hàng chữ “Tưởng Niệm & Vinh Danh nhạc sĩ Việt Dzũng (1958 - 2013).”
Trong khi đó, đồng hương vẫn tiếp tục đậu xe ở ngân hàng Farmers and Merchants đối diện, đi bộ băng qua đại lộ Garden Grove để đến đài SBTN tham dự lễ.

Giây phút xúc động của MC Thuỳ Dương trên sân khấu bên trong hội trường SBTN. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bên trong sân khấu của đài, gia đình và người thân ca nhạc sĩ Việt Dzũng cùng nhiều vị chức sắc tôn giáo, chính quyền và bạn bè thân thuộc, tất cả trong trang phục màu đen, ngồi ngậm ngùi về sự ra đi đột ngột của một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Bên ngoài hành lang, nhạc sĩ Nam Lộc, MC chính của buổi lễ, cùng hàng chục ca sĩ đang chuẩn bị chương trình ca nhạc qua một danh sách với 66 tiết mục.
Nhạc sĩ Nam Lộc nói: “Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ một người chồng, người anh, người con của cộng đồng, một nhà đấu tranh gần 40 năm cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.”
Kế đến, xướng ngôn viên Đỗ Tân Khoa đọc tiểu sử của cố ca nhạc sĩ, kèm với những hình ảnh về hoạt động đấu tranh, nghệ thuật, và truyền thông của ca nhạc sĩ Việt Dzũng, từ những năm còn ở Sài Gòn cho đến lúc vượt biên sang Hoa Kỳ và sau này.
Chương trình được nối tiếp bằng lời cầu nguyện của từng thành viên Hội Đồng Liên Tôn. Tất cả đều ca ngợi con người ca nhạc sĩ Việt Dzũng, qua việc đấu tranh của ông, và cầu mong ông sớm siêu thoát.
Sau đó là tiếng hát của ca sĩ Mai Thanh Sơn với bài “Lời Kinh Đêm,” một trong những sáng tác đầu tay của Việt Dzũng.

Nhạc sĩ Nam Lộc (trái) cùng một số ca sĩ chuẩn bị chương trình hát tưởng niệm Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trong lúc tiếng hát được cất lên thì cũng là lúc những người đứng xung quanh sân khấu và bên ngoài sụt sùi cảm động, nhớ về con người tài hoa đã đột ngột ra đi.
Khi nghe Việt Dzũng mất, tôi rất buồn,” bà Lan Hàn, từ San Garbriel xuống Little Saigon tham dự lễ, chia sẻ một cách cảm động. “Việt Dzũng là người luôn đấu tranh cho người tị nạn, chuyện gì cộng đồng cần, anh luôn có mặt. Đây là lần đầu tiên tôi theo bạn bè đến SBTN để tưởng niệm anh. Tôi cầu mong những gì anh đang làm dở dang có người tiếp bước.
Bà Lan cũng kể về một hình ảnh của Việt Dzũng mà bà không thể nào quên.
“Tôi nhớ có lần xem Asia 73. Mỗi lần ra nói, người ta phải dọn chỗ đứng cho anh. Tôi thấy anh luôn phấn đấu, mặc dù anh không được khoẻ như người thường,” bà nói tiếp.
Ông Kim Đặng, nhà ở Westminster, chia sẻ: “Bà xã tôi rất buồn khi hay tin Việt Dzũng mất. Ngày mai tôi phải đi làm, nhưng tối nay phải chở bà đến đây. Tôi và bà xã mê nhất bài 'Một Chút Quà Cho Quê Hương' của Việt Dzũng, và chúng tôi thường hát chung với nhau. Còn về đấu tranh, phải nói Việt Dzũng là số một ở hải ngoại.
Trong khi đó, các ca sĩ của Asia và xướng ngôn viên của SBTN cũng dành cảm tình đặc biệt đối với người nghệ sĩ quá cố.
Phải nói anh là một người rất hiền lành, và tôi đã từng chứng kiến điều đó,” ca sĩ Mỹ Huyền chia sẻ. “Tôi nhớ, có một lần đi diễn show chung với anh. Sau khi lên máy bay, tôi chờ lâu quá vẫn chưa thấy tiếp viên hàng không đến giúp anh. Tôi định 'nẹc' cho họ một trận, vì anh Dzũng bị bỏ đứng trên lối đi. Nhưng rồi anh nói: 'Thôi kệ, chắc họ bận cho người khác. Em cứ bình tĩnh.'”
MC Giáng Ngọc kể: “Tôi nhớ khi mới vào nghề làm MC, anh Dzũng chỉ cho chúng tôi nói những câu nói làm cho khán giả vui. Anh nói, nếu khán giả không vui thì chương trình không sống động.
Xướng ngôn viên Đỗ Tân Khoa kể lại kỷ niệm được Việt Dzũng huấn luyện phát thanh.
Tôi nhớ ngày đầu tiên anh bảo: 'Trong nghề này, dù Trời có sập, em cũng phải ngồi để tường trình cho thính giả. Không được bỏ đi đâu hết.'
Sau bài hát “Lời Kinh Đêm” là đến một đoạn video khi Việt Dzũng bắt đầu làm MC cho Trung Tâm Asia. Có lúc ngồi với Minh Phượng, người chị kết nghĩa và là đồng sáng lập đài phát thanh Radio Bolsa với ông hồi năm 1997.
Trong một đoạn khác, Việt Dzũng phỏng vấn và giới thiệu ca sĩ Ninh Cát Loan Châu.
Cứ thế, từng cá nhân, hội đoàn, đủ các binh chủng QLVNCH, các đảng phái, dân cử, lên phát biểu và chia sẻ về con người Việt Dzũng, đi kèm là những video clip nói về cuộc đời của ông, và phần trình bày của các ca sĩ mà tất cả đều coi ông như người anh của họ.
Tất nhiên, không ca sĩ nào, không MC nào, cầm nổi nước mắt. Trước khi hát, mỗi người đều quay về di ảnh của Việt Dzũng như nói với ông rằng họ “rất nhớ ông.”
Ban tổ chức cũng cho biết, ban đầu, chương trình được dự trù tổ chức ở The Rose Center, Westminster, nhưng vì lý do kỹ thuật vào phút chót, nên chương trình được dời về đài SBTN.
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng sinh ngày 8 Tháng Chín, 1958, tại Sài Gòn, Việt Nam, và từ trần ngày 20 Tháng Mười Hai, tại Orange County, California, hưởng dương 55 tuổi.
Ngoài Radio Bolsa, ông cũng cộng tác với đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia, cùng nhiều cơ quan truyền thông khác ở Little Saigon, cũng như một số tiểu bang của Hoa Kỳ, trong nhiều năm.
Hiền thê của ông là nhiếp ảnh gia Bébé Vũ Hoàng Anh.
Ông là con thứ ba của cố Thiếu Tá Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, cựu dân biểu VNCH. Mẹ ông từng là giáo viên trung học Gia Long, Sài Gòn.

0 comments:

Powered By Blogger