Gia Minh, biên tập viên RFA
Nghe bài này
Hai cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí vừa mãn án 14 năm tù vào ngày 29 tháng 12 vừa qua.
Hai anh em này bị bắt và kết án tù vì tham gia một tổ chức chính trị
được thành lập ở hải ngoại do ông Nguyễn Hữu Chánh đứng đầu.
Sau khi mãn án tù, một trong hai anh em là ông Huỳnh Anh Trí, 44
tuổi, có cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự
Do.
Trước hết ông Hùynh Anh Trí nói sơ về tình cảnh của bản thân và gia đình hiện nay:
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Tình cảnh gia đình tôi hiện nay bị
ly tán: mẹ tôi qua đời cách đây khoảng ba năm, bà không kịp chờ…Cha tôi
năm nay 70 tuổi vẫn phải lang thang nơi đất Thái. Anh hai tôi đã chết,
hai anh em tôi ở tù, và tôi còn mấy người em lang thang trên đất Thái.
Tôi nói lên đây là nói sự thật chứ không có ý gì. Quí vị hỏi thì tôi nói vậy thôi, xin quí vị hiểu ý tôi.
Sau 14 năm tù về, hai anh em tôi không biết ở đâu cả.
Gia Minh: Như vậy người kia là anh hay em của ông, đã về chưa và cả hai anh em bị giam chung hay khác nhau?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Anh Huỳnh Anh Tú, bị bắt cùng ngày
và cùng mức án. Anh tôi cũng bị chuyển đến trại Xuân Lộc và rồi từ từ họ
chuyển qua bên An Phước, tôi chuyển qua bên Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng
Tàu.
Gia Minh: Như vậy ông bị chuyển qua Xuyên Mộc, Bà rịa- Vũng Tàu sau vụ ngày 30 tháng 6 vừa rồi?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Vâng.
Gia Minh: Họ có cho biết lý do chuyển hay không?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Họ không nói chuyển và cách giam
giữ là quyền của họ. Tôi đơn cử việc quí vị giữ một con chó trong phòng,
buổi sáng cũng phải mở cho nó đi tiêu tiểu. Chúng tôi họ giam hai người
trong một phòng và một dãy từ buồng 1A đến 10A họ không mở cửa cho gặp
mặt nhau. Họ nói không có qui định. Giam giữ thế nào là quyền của họ.
Gia Minh: Người bị giam chung với ông là ai?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Đó là anh Trần Hoài Anh, người Đồng Tháp, đạo Hòa Hảo.
Gia Minh: Qua tất cả những nhà tù từ khi bị bắt hồi năm 1999 và sau 14 năm trong các nhà tù làm sao ông có thể vượt qua được?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Nếu là con vật thì đã chết rồi, vì
con người có ý chí nên tôi còn sống. Có những người đã ra đi- đầu bạc,
đầu xanh… nếu kể thì không thể kể hết. Tôi nghĩ có một đấng thiêng liêng
nào đó- có thể là Đức Chúa, Đức Phật luôn ở trên đầu chúng tôi, luôn
soi sáng cho chúng tôi để có ý chí vượt qua những khó khăn.
Gia Minh: Ngoài ý chí, ông còn tin tưởng gì nữa để có thể giúp ông vượt qua 14 năm dài tù tội như thế?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Tôi nghĩ một ngày nào đó chính
quyền Việt Nam hiện tại phải thừa nhận và phải chấp nhận những quyền con
người mà họ đã ký, cho phù hợp với những công ước quốc tế. Tôi nghĩ
thế.
Gia Minh: Trong thời gian 14 năm qua các nhà tù, ông có gặp
được những người tù khác để chia xẻ niềm tin, tin tưởng như ông vừa nói
không?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Tôi gặp rất nhiều, cả doanh nhân,
luật sư, linh mục, nhà tu… Ví dụ nhà tu như Huỳnh Văn Ba, tức Thích
Thiện Minh, những tu sĩ Dòng Đồng Công như Nguyễn Viết Minh, Phạm Minh
Trí , Nguyễn Minh Triết đạo Hòa Hảo… và rất nhiều người khác; đặc biệt
một người tù ở lâu nhất nước Việt Nam- Nguyễn Hữu Cầu. Sau 6 năm cải tạo
về, tính đến nay bị 27 năm tù, ra đời vài tháng lại bị tù. Tôi nghĩ
pháp luật Việt Nam phải xem lại trường hợp anh Nguyễn Hữu Cầu. Tôi là
người giúp ông khi bị mù. Một người bị mù từ nhỏ khác còn đây bị mù
trong tù thì quí vị hiểu.
Rất nhiều tổ chức, đảng phái… Tôi còn gặp những người khác như Trần
Huỳnh Duy Thức, Đinh Nguyên Kha,Nguyễn Ngọc Cường, Phan Ngọc Tuấn.
Nếu kể thì biết bao cho hết.
Gia Minh: Như vậy Đinh Nguyên Kha là người tù chính trị mới nhất ông được gặp.
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Vâng, tại nhà tù Xuyên Mộc, còn có hai người tù thuộc Liên đoàn Kampuchia Krom.
Gia Minh: Trước khi ra tù cán bộ trại giam có yêu cầu ông điều gì không?
Cựu tù nhân Huỳnh Anh Trí: Đương nhiên họ muốn ra tù chúng tôi
không ‘quậy’ nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ đối với chính quyền Việt Nam, luật
pháp Việt Nam nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong. Luật pháp đứng
trên Hiến pháp, luật thể hiện khác thì quyền con người sẽ bị dẫm đạp.
Tôi nghĩ không ai có thể bảo vệ được quyền con người khi bị dẫm đạp; tôi
dẫn chứng điều 20 Hiến pháp trái chiều với điều 38 luật thi hành án.
Gia Minh: Cám ơn ông Huỳnh Anh Trí
0 comments:
Post a Comment