Từ
Trung Quốc trở về Việt Nam tham dự Hội nghị Ngoại vụ 17 và Hội nghị
Ngoại giao 28, ông Thơ đã dành cho báo giới Việt Nam một cuộc trò chuyện
xoay quanh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển.
Ông Nguyễn Văn Thơ, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, người thề “Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc.” (Hình: SGTT)
Trong
cuộc trò chuyện này, những tuyên bố của ông Thơ về quan hệ Việt-Trung
được xem như hành động “đăng ký lập trường” của Việt Nam với Trung Quốc.
Ông
Thơ lập đi, lập lại rằng giới lãnh đạo Việt Nam lúc nào cũng mong muốn
quan hệ với Trung Quốc sẽ là “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn
diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục-đào tạo, đến hợp tác giữa
hai đảng và an ninh quốc phòng.” Ðặc biệt là ông Thơ thề thốt: “Việt Nam
không hai lòng với Trung Quốc!”
Trên Internet, nhiều blogger, facebooker gọi thề thốt của ông Thơ là “hèn hạ”, một “bằng chứng về sự lệ thuộc toàn diện.”
“Việt
Nam không hai lòng với Trung Quốc” được gửi ra cùng lúc với việc chủ
tịch nhà nước Việt Nam, tổng bí thư đảng CSVN đón ngoại trưởng Hoa Kỳ và
thủ tướng Việt Nam đến thăm Nhật.
Trong
chuyến thăm Việt Nam, ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố, Hoa
Kỳ sẽ dành cho Việt Nam 18 triệu đô la trong gói viện trợ để phát triển
năng lực hàng hải tại Ðông Nam Á, vốn trị giá 32,5 triệu đôla. Khoản
tiền trị giá 18 triệu đô la mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam là nhằm “hỗ trợ
việc tăng cường năng lực cho các hải đội tuần tra nhằm có thể nhanh
chóng triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, đối phó với thảm họa và
các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc huấn luyện và cấp năm tàu tuần
tra cao tốc cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.”
“Việt Nam không hai lòng với Trung Quốc” còn được gửi ra đúng lúc ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đến thăm Nhật.
Tại
Nhật, ông Dũng tuyên bố, “cần phải bảo đảm hòa bình - ổn định và thịnh
vượng trong khu vực bằng cách bảo đảm quyền tự do hàng không và hàng hải
theo đúng luật quốc tế,” kèm theo đề nghị Nhật cho vay thêm tiền. Sau
cuộc gặp ông Dũng, thủ tướng Nhật loan báo, sẽ bắt đầu thảo luận với
Việt Nam về việc cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt
Nam.
Thời
gian vừa qua, tuy có không ít dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang tìm cách
mở rộng “hợp tác về quốc phòng” với các quốc gia khác, sau khi liên tục
nhượng bộ nhưng vẫn tiếp tục bị Trung Quốc chèn ép và bị dân chúng Việt
Nam chỉ trích bởi “nhu nhược, hèn yếu” đối với việc
bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên cách thức hành xử của Việt Nam trong quan hệ
với Trung Quốc hết sức mâu thuẫn. Ðó cũng là lý do tạo ra nhiều nghi
ngại.
Chẳng
hạn, ngoài những thỏa thuận với Nhật, Việt Nam còn cam kết “tăng cường
hợp tác quốc phòng,” “cùng nhau phát triển khả năng quốc phòng” với
Philippines và gia tăng thăm viếng, hội đàm, tìm kiếm những thỏa thuận
tương tự với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Nga.
Bên
cạnh đó, Việt Nam không bỏ qua những cơ hội bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc
vì là “láng giềng,” vì “đang cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội,” hứa hẹn
“tăng cường hợp tác - phối hợp trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.”
Dẫu
Việt Nam đã chi hàng ngàn tỷ đô la cho việc sắm các loại vũ khí, thiết
bị quân sự (chiến đấu cơ, vận tải cơ, trực thăng vũ trang, chiến hạm,
tàu ngầm, hỏa tiễn,...) song cách thức hành xử của Việt Nam trong quan
hệ với Trung Quốc, khiến một số người am tường hiện tình chính trị Việt
Nam cho rằng, đó chỉ là những vụ buôn bán vũ khí, vừa giúp kiếm
tiền bỏ túi riêng, vừa “ghi điểm trước một dân chúng đang hừng hực chống
Trung Quốc.” (G.Ð)
0 comments:
Post a Comment