Thụy My_RFI
Chính phủ lưu vong Tây Tạng hôm nay 13/08/2013 cho biết, tin tặc đã tấn
công vào trang web tiếng Hoa của cơ quan này bằng một loại virus chưa
xác định, khiến cho trang nhà không thể truy cập được.
Tashi Phuntsok, phát ngôn viên chính phủ Tây Tạng lưu vong có trụ sở
tại thành phố Dharamshala ở miền bắc Ấn Độ nói với hãng tin Pháp AFP: “Chúng tôi không thể vào được trang web của mình, và đang cố gắng tìm hiểu xem loại virus nào đang phá hoại”.
Tibet.net là trang web chính thức của chính phủ lưu vong Tây Tạng, mà
người lãnh đạo tinh thần là Đạt Lai Lạt Ma. Trang mạng này tập hợp các
hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các phòng ban hành chính và
các cơ quan khác.
Trong quá khứ, tin tặc đã nhiều lần tấn công vào phiên bản tiếng Anh và tiếng Tây Tạng của trang web này. Ông Phuntsok cho biết: “Chúng tôi là mục tiêu quan trọng của tin tặc Trung Quốc”. Ông
không thể khẳng định là đã bị tấn công lúc nào, cũng như việc các phần
mềm gián điệp có thể xâm nhập vào các máy tính để bàn và xách tay khi
người sử dụng đăng nhập vào trang web của chính phủ Tây Tạng lưu vong
hay không.
Kurt Baumgartner, chuyên gia của Kaspersky Lab, công ty chuyên sản
xuất các chương trình chống virus nổi tiếng thế giới có trụ sở tại
Matxcơva, đã phát hiện các vụ tấn công này vào cuối giờ chiều hôm nay và
cho biết là trang web trên đã bị nhiễm virus độc hại. Trả lời Reuters,
chuyên gia này khuyến cáo không nên truy cập trang này một khi vấn đề
chưa được giải quyết.
Tenzin Taklha, phát ngôn viên của Đạt Lai Lạt Ma nói với AFP là trang webwww.dalailama.com của vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng 78 tuổi vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Đạt Lai Lạt Ma đã phải trốn khỏi Tây Tạng sau vụ nổi dậy chống sự đô
hộ của Trung Quốc vào năm 1959. Sau đó khi được Ấn Độ cho tị nạn, ngài
đã thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamshala.
Bắc Kinh quy chụp Đạt Lai Lạt Ma là một “kẻ ly khai” chuyên xúi giục
bạo động tại Tây Tạng. Trong khi đó, vị lãnh tụ tinh thần của dân tộc bị
trị này khẳng định mục tiêu duy nhất của ngài là tiến hành một chiến
dịch hòa bình đòi hỏi nhiều quyền tự trị hơn cho Tây Tạng.
0 comments:
Post a Comment